Viết cho ngày hôm qua, giờ là hôm kia rồi, :), hì
Hôm qua là buổi trực thứ 2 ở Việt Đức, hôm qua định viết rồi nhưng mệt, mà thật ra là viết dở nhưng lung tung nên hôm nay sẽ viết lại.
Buổi trực thứ 2, buổi trực của sự yên ắng và Sọ não!
Vẫn như hôm trước, không ngủ cả đêm, nhưng hôm qua khác. Nói chung là chả ngày nào giống ngày nào! :)) Đêm thứ nhất, 8/1/2013, thức cả đêm, học được nhiều điều mới. Đặt được gần chục cái điện tim; làm 3, 4 cái bệnh án; xem mổ 2 ca; phụ tiểu phẫu 3 ca; được giảng 3 lần về bệnh án và VRT, nhưng theo dõi chỉ được 1 bệnh nhân, tiêm truyền các loại chưa sờ mó gì. Đêm qua, buổi thứ 2, làm được 1 cái bệnh án sọ não, được chị Hương 11y4c giảng cho 1 ít-chị này xinh xinh đeo kính, hôm trước mình bám càng cả buổi, rồi được dắt đi xem mổ, hơi tiếc là hôm qua là buổi trực cuối của y4 tua mình. Ngoài ra xem được 1 ca CTSN MTNMC, được các thầy, các anh giảng rất hay về CTSN, sáng giao ban được gọi là những sinh viên Y3 "chăm chỉ" và "may mắn"! Phụ tiểu phẫu được 2 ca, ca thứ 2 làm mình suy nghĩ nhiều, sẽ nói. Còn gì không nhỉ? Không được giảng gì, không đặt được điện tim hay cái gì đó đại loại như vậy, thăm hậu môn hay khám thoát vị cũng chưa, theo dõi được 2 bệnh nhân nghi VRT thì họ về mất, linh tinh thế nào mấy ca chấn thương cấp cứu xong cũng chả còn muốn gì theo nữa, thật là tệ hại!
Hm.nói chung là hôm qua buồn buồn. Buồn vì học được ít, buồn vì những thứ khác nữa.
Lúc đi từ nhà mổ về phòng khám, hơn 12h đêm. Từ xa đã nghe thấy tiếng khóc xé lòng của người nhà bệnh nhân. Một phụ nữ đứng úp mặt, như sắp quỵ xuống vào bức tường đằng sau phòng cấp cứu, khóc thành tiếng như muốn gọi cho người thân mình tỉnh lại. Hm...quá muộn. Có lẽ còn nhiều người nhà nữa cũng đang khóc, ở đâu đó trong bóng tranh tối tranh sáng của cái cầu thang sau phòng cấp cứu. Họ khóc, như muốn gào lên, nhưng cũng lại tự kìm lại như sợ làm ảnh hưởng tới người khác, sợ bị mắng, hoặc sợ cái gì đó nữa. Minh lướt qua, nhanh, nặng nề không dám đối diện với những người thân của bệnh nhân mới qua đời. Chỉ về chỗ bạn và hỏi: "Có bệnh nhân mới qua đời à?" "Ừ, tối nay 5 nặng về rồi!" Hm, buồn và cảm thấy thất bại. Biết là ở chỗ này sự sống và cái chết mong manh, nhưng 5, rồi tới sáng là 6 người trở về, theo cách này, thì không còn lời nào mà nói. Âu có lẽ rồi có ngày mình cũng sẽ vô tâm dần, cái gì nhiều cũng nhàm, cũng chai sạn, kể cả cái chết của đồng loại? Nhưng hôm qua, nhìn phòng Hồi sức 1-phòng cho những bệnh nhân nặng hơn, phòng luôn ồn ào bởi các y lệnh của các bác sĩ, tiếng hỏi bệnh, tiếng khóc lóc, tiếng hỏi han..... Ừ, thế mà cái phòng ấy hôm qua, nửa đêm vắng hoe, chỉ còn 1 giường với 1 bệnh nhân vẫn hôm mê đợi mổ, tiếng máy vẫn bíp bíp theo nhịp tim, yên ắng hoàn toàn. Chán, yên, tức là hoặc chả ai phải vào cấp cứu, hay ít nhất là không ai nặng, cuộc đời vẫn bình yên, hoặc tức là những nỗ lực đã chấm dứt. mà ở đây không phải điều thứ nhất. Hm. Lại nghĩ đến người thanh niên hôm trước, đồng tử đã giãn, tim vẫn đập, nhưng phổi sẽ ngừng ngay nến tay mình thôi bóp. Người bạn hối hận, lo lắng ra vào hỏi han tình trạng, nói rằng sẽ ân hận mãi nếu thế nọ thế kia. Chỉ biết im lặng, chả lẽ nói với anh ta rằng quá muộn rồi, chết não, và bóp bóng chỉ là chờ đợi cho người nhà cách 100 cây số của bạn anh ta đang lao trong đêm đến để nhận lại cái xác của con họ về!? Ám ảnh chứ. Hôm qua, người cha nằng với một đống máy móc dính vào người, nhưng không một bác sĩ nào cấp cứu, tiếng máy vẫn bíp bíp đầy ám ảnh. Người vợ, người con gái đứng khóc thút thít. Mình đã thấy trước điều mà họ sẽ phải đón nhận lát nữa thôi, ngay nửa đêm, rằng đến cái tiếng bíp bíp kia cũng không còn nữa. Hm, ôi cuộc đời, sống và chết. Ừ, và có như thế này, mới thấy quý những giây phút mình được sống!
Còn một việc nữa của ngày hôm qua, ghi lại để nhớ. Ừ, có thể tạm coi ca này mình theo từ đầu tới cuối, tới lúc mình hết ca trực! Một người đàn ông 48 tuổi, vào bằng tắc xi, với 1 cái khăn len cột chặt ở cổ tay. Chú ấy bị một thằng say rượu nào đó chém, theo như chú ấy kể, vào cổ tay trái. Tay mình đo huyết áp, rồi cắt cái khăn len, rồi tự tay băng tạm lại bằng gạc sạch đợi xử lý. Rồi tay mình kéo chú ấy vào phòng tiểu phẫu, phụ từ đầu tới cuối. Rồi cũng chính tay mình đưa chú đi bó bột, cùng chịu đựng sự cằn nhằn của người bó bột vì bị dựng dậy lúc nửa đêm. Lần cuối, những phút cuối cùng ở phòng khám trước khi lên lấy đồ đi giao ban, thấy một mình vợ chú ấy đẩy cái cáng đưa chú ấy đi kiểm tra lại bột, không ai giúp cả. Lại là mình đứng lên cùng đưa chú đi, tới tận chỗ bó bột rồi xin phép về trước cho kịp. Mình có lẽ sẽ không quên được lời chú ấy nói: "Cứ cắt đi, chú chịu đau được, trước chú là lính mà!", rồi hình cái phim "mẻ xương"-như lời người vợ nói với khuôn mặt khố sở, với nỗi day dứt không làm được điều tốt nhất cho người bệnh, với những từ "đáng lẽ" mà mình rất biết chú ấy đáng được hưởng; rồi hình ảnh cái kim dài đồng hồ lê lết trên những con số, vẻ mặt đau đớn với từng mũi khâu, mà tới chiều nay mình biết lindocain chỉ có tác dụng 45' tới 1h! Ừ, mình cũng không quên cái vẻ mặt mệt mỏi thiếu ngủ, má hồng lựng lên vì nẻ, cử chỉ lúng túng của người phụ nữ gầy nhom, như hối lỗi vì vội chợp mắt ở xó xỉnh nào trong hành lang, trong lúc đợi chồng được tiểu phẫu, và cái mặt ấy, bối rối khi mình hỏi sao chỉ có cô chú à, sao không để các anh con trai lớn ở đêm có phải đỡ hơn không? "Ừ, chúng nó còn phải ngủ sáng mai đi làm", hm. Thế đấy, mệt mỏi, lo lắng, sợ sệt luôn thường trực, tới một lúc, có lẽ đã ngấm cả sang người đàn ông "đã từng đi lính", chú trở nên im lặng và lo về cái gì đó, không còn mạnh miệng kể lại vụ chém nữa. Ừ, "có lẽ mình thuê cái nhà nào đó ở gần gần đây" chỉ để 2 ngày vào thay băng 1 lần, mà "bó thế này thì sao còn thay được nữa?". Hm, những câu hỏi, để mình lại đặt thêm những cái "đáng lẽ" nữa. Ừ, thế mà, tới lúc mình chuẩn bị chạy đi, chấm dứt 1 đêm dài mệt mỏi để tới 1 ngày mới an lành, rồi ngủ nướng cả tối, người đàn ông cố quay đầu sang thì thào với vợ, mình đã nghĩ họ nói về những lo lắng rối bời sắp tới, sau cái đêm như vô tận này, vì họ nói với nhau bằng đôi mắt mệt mỏi lo âu. Ừ, rồi cũng chả biết phải nói cái cảm xúc ấy thế nào, xúc động?buồn?ngỡ ngàng?xấu hổ tới khốn nạn? chả biết nữa, khi người vợ cố gắng đưa mình chút tiền trong số mà cô đã lo lắng giữ chặt trong tay, cả đêm, để lo mọi thứ cho chồng. Hm...một lời cảm ơn chất phác? hay một sự lo lắng vì tưởng mình làm tiền? không rõ. cái mặt mình chắc là khốn nạn. Có lẽ nếu bình tĩnh, mình sẽ nắm tay người đàn bà ấy, nói thật dễ hiểu rằng: "Cháu là sinh viên, mọi việc đều là trách nhiệm của cháu và không đòi hỏi gì hết. Cháu rất xúc động vì lời cảm ơn của cô chú, nhưng chú còn nhiều thứ để lo, cô cũng thế, cô phải chăm sóc chú ấy cẩn thận nhé!" Ừ, nhưng mình đã không thể làm gì với vô vàn cảm xúc bùng lên trong 1 khoảnh khắc ấy, xúc động, ân hận và cảm thấy có lỗi, rồi lại nghi hoặc chính thái độ của mình có lẽ đã giống 1 thằng xấu xa. Mình chỉ biết cầm cái tay vẫn run run của người vợ, nói vội vàng "không, cháu không nhận gì cả, cháu không cần gì cả" rồi chạy mất như sợ phải đối đầu với cái gì. Cái nhìn của người vợ, cả cái nhìn từ cái đầu cố ưỡn lên từ cái cáng của chú chồng, mình đã không biết nhìn thấy lại bao nhiêu lần trong cả ngày..........................
Ừ, cái chuyện này chưa kể cho ai cả, không muốn nói ra vì sợ diễn đạt của mình sẽ chả thể nói hết những gì mình muốn nói. Có mấy ai hiểu hết điều mình nói đâu. Rồi lời nọ lời kia, để rồi không làm gì cả? Viết ở đây, rồi hôm nào đó nhé, một bác sĩ sẽ xem lại, rằng lúc mình y3 đã như thế!
Hm. buổi trực thứ 2, Việt Đức, thấy thích Ngoại hơn chút ít, quý một số người, muốn học hỏi họ, rồi cả những bài học về Sọ não đầy "may mắn", và cả những chuyện còn nhớ dài dài.