Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Nhật ký trồng hoa hướng dương: gieo hạt

Ngày 1 tháng 10 năm 2014
Từ sáng lúc ngồi trên xe buýt, ngồi ngẫm nghĩ thế nào lại tự nhiên muốn trồng hoa hướng dương. Thật ra đây là ước muốn có từ lâu rồi. Vẫn bảo muốn sau này về già trồng cả cánh đồng hoa hướng dương mà ngồi ngắm.
Hồi sinh nhật năm trước thì phải, cũng được chị Phượng tặng cho một gói hạt hướng dương. Nhưng gần 30 hạt đấy như lũ gà trong bài ca dao "Mười cái trứng", hạt bị mốc, hạt bị chuột xơi, hạt bị lép... Dè xẻn mấy lần cuối cùng chả lên được hạt nào. Xong tạm quên đi.
Ngồi tìm, được một cửa hàng ở Cù Chính Lan. Được buổi may tan học từ chưa 10h, thế là vác ô cuốc bộ đi mua, xa gớm. Bạn bán hàng mặc áo da cam, xinh xắn nhưng kiệm lời. 80k 50 hạt, Hướng dương lùn. Xong hí hửng về trường.
Chiều về tới nhà, công việc xong bỏ ngay lũ hạt ra xem. Đúng 50 hạt, hạt bé tí, không như loại hướng dương hay ngồi cắn. Bọn ý được bôi gì đấy hồng hồng, chắc là thuốc gì đấy vì "không cần ngâm nước đâu nhé"-một trong vài câu hiếm hoi bạn mặc áo cam nói.
Xong đi chuẩn bị giá thể, đất xúc ngay ở rìa luống rau cải, tro bếp (vì chả thấy tẹo mùn cưa nào), thêm ít rêu xé nhỏ ra nữa. Lũ hạt lốc nhốc kia đem ngâm tẹo cho ướt. Xong đi tắm rồi ăn cơm.
Dọn dẹp xong mang năm chục hạt đã ươn ướt, rải ra cái nắp hộp đựng giá thể. Nhìn có vẻ khá chật chội, nhưng chắc lúc chúng nó nảy mầm sẽ đỡ hơn, còn chuyển chậu nữa cơ mà. Xong rải thêm ít đất nữa che kín hạt. Rồi đem nước ra thổi phì phì cho nó ẩm, vì không có bình tưới.
Xong vụ treo mới hay ho. Rút kinh nghiệm lần trước lũ hạt bị chuột gặm, nên quyết định treo lơ lửng cái nắp hộp. Treo hẳn ở trong lùm cây lộc vừng đang chuẩn bị nở hoa nhé, tha hồ sương và nắng, lại đẹp mê li nữa. Sau này mình cũng muốn có một cái nhà lơ lửng trong lùm cây giữa đống hoa như thế, hì.
Cầu mong mọi điều tốt đẹp, mong lũ hạt sẽ sớm nảy mầm và sớm lớn biến thành đống hướng dương vàng vàng kiêu hãnh, hì.

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Nhi

Ngày đầu hè đợi mãi mới có nắng, ý là gió man mát cả ngày
.. hoa nguyệt quế trắng trắng nở tóe tung thơm cả góc sân.
Sáng uể oải lăn lóc ngồi đọc Nhi, làm đề để thi nốt Lý thuyết Nhi.
Chiều mò đi sớm, 12h đi, 1h chiều đã ở trường. Vo ve đến hơn 2h đã ngồi thi thật. Cả tỷ năm mới thi ca đầu.
Thi 60 phút, 100 câu trắc nghiệm. Trong cái mớ ấy có cả lũ trong cái đề kia, nhưng vẫn tặc lưỡi: "Đời cóc biết thế nào", sau mấy lần thi Nội Ngoại.
Đấy, thế là hết đợt Nhi.
Vê lờ, đọc đến đây hẳn có thằng nghĩ: thôi thế là hết cmn cái bài viết, nhạt v~!
Nhưng thế thì nói làm gì.
Chuyện chả là một tỷ năm rồi chả viết lách gì. Cái blog vất cho rêu cho nhện cho các loại con gì muốn làm gì thì làm. Mà chả hiểu sao đã lâu phết rồi chợt nhận ra: Cứ không dính gì đấy đến văn chương, đọc hoặc viết, là y rằng mình cảm thấy mình xấu xa tệ hại hay gì gì đó. Nói chung, chả thú gì với món văn thơ, nhưng lại kiểu rất duyên và rất nợ. Cái kiểu Văn là vẻ đẹp vẻ sáng gì gì đó, soi rọi cái tâm hồn cho nó bớt bụi bặm và bớt đời hơn. Ngồi đọc vài đoạn hay ho, vài câu thơ hay vo ve viết vài chữ cho nó nhảy nhót nên ý tứ, thoát ra được cái suy nghĩ của mình, hay dớ dẩn gì đấy để thi thoảng đọc lại thấy mình ngu đơ; đấy đấy kiểu vậy sẽ làm cho mình thấy thư thái kiểu rất "có cả bụng chữ". Như một con mẹ mười sáu ngồi suy tư soi mặt mình, nghía mấy cái mụn trong cái gương lâu lâu mới bỏ ra. Cũng có thể như một gã đồ hủ ngồi gật gù với cái chén hạt mít nước chè vàng khè bốc khói. Quanh quẩn ý là giờ muốn viết cho cái blog này đỡ mốc meo trong cái lúc trời nồm ẩm, với lại cho thỏa cái chí sĩ sĩ vẩn vơ của mình.
Thôi nói chuyện Nhi cho đỡ lạc. Ý là cả đời 6 năm sinh viên Y chỉ học 2 đợt Nhi, mỗi đợt 2 tháng. 
Trước đợt Nhi, đang vo ve ở Ngoại, phê lòi: thích, lý thuyết hay ho, các thầy giảng cũng vui vui, được làm nhiều, bla bla và quan trọng nhất là tâm lý thoải mái. Nhòm sang Nhi, thấy bao nhiêu lời đồn về sự khủng khiếp của "Bộ môn", chí ít cũng là "tù" nhất trong 4 môn Lâm sàng. Nói chung trước giờ luôn thế, trước một môn học luôn có ý kiến này nọ. Nhưng điều kỳ diệu với Bộ môn Nhi là các ý kiến ý khá thống nhất, chỉ khác cách diễn đạt: "tù" hay "nghiêm túc", ho ho.
Thế là với cái tâm trạng vừa tiêng tiếc đợt Ngoại, vừa lo lắng và sợ hãi, mình phi vào đợt Nhi. Học ở Nhi Trung Ương, hấp dẫn quá. Nhà ở cách viện 15km, gần nhất trong các loại, thậm chí coi như gần hơn cả Viện huyết học vì tiện xe. Nhưng tâm trạng luôn bấn loạn về thời gian. Vì đúng 8h phải ở Hội trường giao ban, 11h30 mới được rời khỏi khoa, đúng như đặt! Giờ ngồi kiểm lại kể cũng có 2 hay 3 lần đi muộn nhưng đều thoát cả, thế là nói về Lý thuyết mình xuất sắc về cái vụ thời gian này. 
Nhưng cái sự nghiêm túc của Bộ môn đâu chỉ ở thời gian. Ngay trước tuần đi học đã nhận được đống giấy tờ chi chít về Lịch học lý thuyết, lâm sàng, giảng giao ban, nội quy, mẫu giấy trực, mẫu sổ lâm sàng. Tất tật tới tận răng, và bằng văn bản, điều mà các bộ môn lâm sàng khác chưa bao giờ thấy. Trước giờ chỉ huỵch cái tới viện, ầm ào cả buổi sáng nghe phổ biến rồi té về, có khi vẫn chưa biết thế nào. Thế mà trước khi đi Nhi đã biết tất tật. Ngoài ra còn cái trò giao ban sinh viên cả tiếng đồng hồ, dọa dẫm điểm danh các kiểu. Lên khoa cũng bị nhắc liên tục không được đứng hành lang hoặc vật vờ phòng hành chính, giảng thì phải đọc cả đống và nắm bệnh nhân. Ôi nói chung là tất cả y như lý thuyết mà từ hồi đi lâm sàng tới giờ được dạy, nhưng chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ. Nhưng Nhi đã biến những quy định đấy thành hiện thực. 
Và kinh khiếp hơn cả là cái lý thuyết nghiêm túc đấy áp cả vào lúc thi. 7h bốc bệnh nhân, trước đấy không biết khoa khiếc gì sất, ngồi ôn tất tật. sau đó có 1h15 để vừa hỏi vừa khám vừa viết bệnh án tới chẩn đoán sơ bộ-quá ảo. Thế mà kỳ diệu là gần như tất tật vẫn ok. Sau đó vừa hỏi thi khám ở buồng bệnh, rồi lại hỏi thi vấn đáp ở phòng giao ban. Không còn gì có thể nghiêm túc hơn. Và từ đầu chí cuối, tất cả ở một mức chuẩn mực mà trước giờ mình tưởng là nó không tưởng! Quá ảo!
Một mặt khác, thật ra các thầy cô cũng rất vui, khá "mềm" chứ không hẳn là hắc xì dầu như mình tưởng hồi đầu. Nói chung chả ai có thể sống mãi trong trạng thái căng thẳng được. Tất cả các buổi lý thuyết đều không điểm danh, lâm sàng cũng hiếm lắm, giao ban hâm hâm lên mới điểm danh. Xong cuối đợt đều được đi học bù lấy lệ rồi được thi hết. Nói chung cũng không đáng sợ lắm. Phù!
Nói về các thầy cô, các thầy cô ở Nhi tạo cho mình những cảm giác rất khác. Trước tiên là trẻ, chỉ có vài thầy cô già như thầy Thắng, thầy Đạt, cô Hồng Vân... còn lại các thầy cô trẻ hơn hẳn so với bên Nội hay Ngoại. Tiếp nữa là rất nghiêm túc, hẳn vậy, kể cả trong lời ăn tiếng nói tới cách làm việc, cách giảng, đều rất ấn tượng. Chỉ có ở Nhi các thầy cô mới dạy sinh viên tới việc đi đứng, nói chuyện với bà mẹ, và thậm chí gọi các bệnh nhân là "bạn ý" hoặc "bé" chứ không phải "nó nó". Đấy thực sự là những điều đáng quý mà không sách vở nào và cũng không có ai thèm dạy dỗ bạn. Chính nhờ học Nhi mà mình đã học được cách tạo cho người nhà cảm giác tin tưởng và yên tâm đúng mực, sự tôn trọng cần thiết cho cả mình và họ. Đặc điểm nữa về các thầy cô, đấy là sự nhiệt tình. Các thầy cô giảng cực kỳ say sưa và rất thích nói lý thuyết. Nhưng hẳn cũng vì thế mà nhiều lúc mọi thứ trở nên bó buộc và sáo rỗng. Thậm chí một số thầy cô trở nên giáo điều và ngồi bẻ chữ ở bệnh án của sinh viên, điều đó thật đáng sợ và vô ích. Và điều nhỏ nhặt cuối cùng là lần đầu tiên đi viện mình thấy vai trò của Bộ môn, của sinh viên lại rõ ràng với lợi ích của viện như vậy. Dù chả ai nói ra, nhưng mình thấy khác hẳn ở Bạch Mai, đặc biệt là Việt Đức, rằng ở đây người ta như muốn nói với sinh viên rằng: Các cậu là những kẻ học nhờ! Thật kinh khủng, thậm chí một bà trời ơi nào đó có thể làm cả cái hội trường 200 người nói chay không mic, không máy chiếu để "phạt" vì không cất đồ tử tế! Nhưng lại thêm một bài học nữa, bài học về giá trị trao đổi và sự kiên nhẫn.
Đúng là đi Nhi, chưa nói tới tí chuyên môn nào đã học được ối thứ!
Về bệnh nhân, bệnh viện. Mới đầu thấy thật khó khi hỏi và khám mà chúng nó cứ i oe. Nhưng càng sau này càng thấy bình thường. Thấy quý trọng hơn những bà mẹ ông bố chăm nom con cái ở viện. Có lẽ vì thế mà mọi người vẫn bảo: Đi học Nhi để biết thương bố mẹ, đi học Sản để biết thương vợ, hì. Bây giờ, thấy thoải mái khi tiếp xúc với trẻ con hơn, biết dỗ, biết nựng chúng nó. Rồi tinh tế hơn hẳn khi nhìn một đứa trẻ. Biết thương yêu, trân trọng và thông cảm hơn với chúng. Để rồi nhận ra có một ngày nào đó rất xa, mình cũng là một đứa nằm i oe trong cái bệnh viện này. Bây giờ đứa bé ấy trở lại. Chợt nghĩ những đứa trẻ hôm nay mình khám, mình chăm sóc đây sau này sẽ thành những người nọ người kia, và có thể lắm, một bé nào đó cũng sẽ là đứa bé trở lại như mình. Điều đó thật tuyệt vời. Lần đầu tiên mình thực sự hiểu về hy vọng, về tương lai. Một cái gì đó thật yêu quý, thiêng liêng đầy ước vọng, và cũng là nguồn vui, mục đích sống để hôm nay hướng về. 
Tự nhiên nhớ cái câu kiểu: Người mẹ đang chăm lo cho đứa con bị ốm kia, không rõ người mẹ là chỗ dựa cho con, hay chính người con là chỗ dựa cho người mẹ!
Thi lý thuyết xong, thế là hết Nhi. Nhưng sẽ không đóng sách lại và quên. Còn bao trẻ em ngay quanh mình mà mình muốn quan tâm và chăm sóc. Còn những sự tò mò muốn biết hơn nữa. Hết đợt Nhi, mang theo bao sự trưởng thành: chuyên môn, phong thái, cách sống và làm việc; và đầy ắp những tình cảm yêu thương con người, yêu trẻ con, trân trọng tình cảm gia đình, và cả bài học về niềm tin và hi vọng tương lai.