Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Về quả táo kỳ diệu của Kimura hay mối quan hệ con người với tự nhiên

Kimura, một người Nhật Bản trồng vườn táo hàng chục năm không có quả. Ông quyết tâm trồng một vườn táo tự nhiên và hạnh phúc, không dùng phân bón hay thuốc trừ sâu. Ông lý luận cây táo như đứa trẻ, dùng phân bón là làm cho cây lười biếng không tỏa rộng rễ kiếm tìm thức ăn, dùng thuốc trừ sâu như việc ngăn cản cây đứng ra chống chọi với khó khăn để trưởng thành. Ông già người Nhật chăm cây như chăm người, lý luận của ông ông tự cho là "ngốc", còn đầy người tán dương nhiệt liệt và đem so bì mở rộng ra nền giáo dục cho trẻ em thật. Phải nói thêm rằng, Kimura thậm chí ôm, vuốt ve rồi xin lỗi những cây táo của mình; hay viết tấm bảng bằng tiếng Nhật cắm giữa vườn đe dọa bọn sâu bọ.
Sau khi đọc về quả táo kỳ diệu của Kimura, bản thân mình không tin vào hạnh phúc hay linh hồn hay tình cảm j của quả táo cả. Mình nghĩ rằng quả táo để được lâu không hư thối vì thành phần của nó khác những quả táo trồng công nghiệp, có thể nó ít đường hơn, hoặc có thêm 1 vài chất bảo quản tự nhiên nào đó mà chỉ những cây thực sự khỏe mạnh được rèn luyện hoặc sở hữu một gen được chọn lọc tự nhiên nào đó: có bộ rễ to, cành lá to, thân lá khỏe mạnh chống lại sâu bệnh. Bản thân mình luôn có 1 ý nghĩ về sự hạnh phúc của những cái cây, coi chúng lớn lên, sinh trưởng như một con người, nhưng vuốt ve tâm sự hay xin lỗi gì gì thì mình không tin. Mỗi thứ có một thế giới riêng và giao tiếp không chỉ ở lời nói.
Sau này, mình muốn trồng trong vườn của mình những cây xanh hạnh phúc. Suy cho cùng là vì mình. Mình nhìn chúng không bị bó buộc, không bị kìm hãm mất tự nhiên, như vậy mình hạnh phúc. Mình cảm thấy an toàn khi thấy chúng lớn lên xanh tốt, không phải xịt những loại thuốc độc. Mọi thứ đều có vị trí của mình trong khu vườn, như vị trí của nó trong chuỗi thức ăn tự nhiên từ bao đời-trước khi có sự can thiệp thô bạo của con người bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa học.
Cuộc sống mình muốn, là một kiểu cuộc sống như thời nguyên thủy: sống hài hòa và tôn trọng thiên nhiên.
Có một thời người ta đã từng sống hạnh phúc giữa thiên nhiên, với ngôi nhà nhỏ, dòng suối con sông xanh trong đầy cá, chim chóc ríu rít đầy trời, cây lá đầy rừng. Thế rồi trí tuệ đã đẩy con người tiến xa hơn trong mối quan hệ với thiên nhiên, theo hai hướng hoàn toàn khác biệt: khám phá và làm chủ. Trước tự nhiên, con người vừa tò mò vừa sợ. Họ muốn hiểu hơn về thế giới quanh mình, đầy thích thú khi khám phá ra những điều kỳ diệu mà tự nhiên ẩn giấu. Nhưng con người cũng là giống loài yếu đuối, luôn lo sợ sức mạnh của tự nhiên. Có những kẻ cam chịu, đời này qua đời khác coi mưa lũ, hạn hán là việc không thể tránh mà phó mặc. Đó là những bộ tộc giờ vẫn sống trong rừng, hoặc là tổ tiên chúng ta với tín ngưỡng thờ thần Mưa thần Gió. Có những kẻ nhất định không chấp nhận, sử dụng trí khôn mình có để chống lại tự nhiên. Đó là những người đi đắp đê, đào sông, xẻ núi. Và người ta vẫn gọi đó là sự "làm chủ" thiên nhiên. Vì thế giờ đây người ta coi mình là "chủ"-trong cách ứng xử với thiên nhiên: Tàn phá môi trường sống, can thiệp sửa chữa thô bạo vào tự nhiên. Khi muốn có đất, người ta đốt rừng, rồi oán trách cơn lũ quét. Khi muốn có nhiều quả, người ta phun thuốc độc giết sâu, rồi ngậm ngùi nuối tiếc đàn chim. Khi muốn "cho tiện", người ta xả nước thải ra con sông, rồi bịt mũi kêu ô nhiễm, ngồi hoài niệm về dòng sông xanh trong và những con cá bơi lội... Có gì đó không ổn. Có người bảo đó là thiên nhiên trả thù con người. Có người bảo đó là tiếng khóc oán trách của mẹ Trái Đất. Vớ vẩn hết. Nói như vậy sẽ lại có kẻ lập đền thờ cúng Mẹ Thiên nhiên rồi ngày đêm sám hối, sẵn sàng nhận tội thay "những đứa ngoài kia" như một vị thánh cho xem.
Sự nhầm lẫn ở đây chính là ở chỗ ta không hiểu rằng, không phải là "chủ", con người là một thành viên trong trò chơi của tự nhiên, tuân theo luật chơi của tự nhiên-như Tôn Ngộ Không bay mãi vẫn trong bàn tay Phật Tổ. Tham lam làm con người làm sai, kiêu ngạo làm cho chúng ta không nhận ra điều đó.

Vì thế, cuộc sống mình muốn sống, đó là cuộc sống nơi mà tự nhiên, cây cỏ và những loài vật, vẫn mãi đầy niềm thú vị khiến ta tò mò; cũng là cuộc sống hòa hợp, thông minh khi tác động vào tự nhiên.