Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Hoa hoét viện Nhi

Trời thu trong xanh mát mẻ.
Hôm trước trời âm u buồn thối ruột, lòng tù mù căng thẳng. Tóc tai bù xù.
Tối nay được buổi mát giời, trăng sáng vằng vặc. Tóc tai thoáng mát
Cái viện Nhi mình luôn thấy có gì đó đặc biệt. Giờ mình vẫn nghi rằng hồi bé, tầm hơn tháng j đó mình bị Kawasaki và nằm ở đấy.
Mà sau khi học Nhi xong nhìn bọn cháu mình chợt liên tưởng ra vô số bệnh tật: 1 con đẻ ngạt, 1 thằng forcep, 1 đứa chậm tự chủ tiểu tiện, 1 đứa khàn tiếng bẩm sinh, 1 đứa thiếu vitD thiếu máu, 1 đứa nhìn mặt giông giống Thalassemie, 1 đứa ngoan ngoan chậm chậm như suy giáp. Thêm 1 đứa em nhìn không biết có bệnh chuyển hóa di truyền bẩm sinh gì nữa không. Nghĩ đến cảnh mình biến thành chim lợn đi báo tin các loại bất thường đã thấy ớn ớn.
Một trong những điều đáng sợ của dân y là hiểu được chuyện gì đang diễn ra và có thể xảy ra.
Lại nói đến Nhi. Lần này học mình đã có cảm tình hơn với Nhi rất nhiều. Xuất phát là từ sự vô tội vạ của các loại thuốc lũ cháu mình dùng khi ốm. Nghe có vẻ xuất phát không mấy gì hay hớm lắm, từ cái xấu, từ sự không bằng lòng. Nhưng nó là động lực lớn để mình học để sau điều trị cho bọn cháu mình đúng bệnh đúng thuốc. Mình rất hả hê khi lũ cháu mình chả cần dùng đống kháng sinh thế hệ 3 với chống viêm corticoid để chữa mấy loại nôn sốt linh tinh.
Cảm tình nữa là sự nhìn nhận lại các thầy ở Nhi. Trước giờ mình ác cảm, hay ít là không thích vài thầy. Tâm lý chung là các thầy cao siêu nặng lý thuyết, ít giảng lâm sàng, hay chém gió, hỏi linh tinh. Nhưng đợt này bài giảng Suy giáp, Tăng sản thượng thận bẩm sinh của thầy Đạt hay bài điện não đồ của thầy Thắng làm mình rất ấn tượng: dễ hiểu, cơ bản, dễ nhớ, có tính gợi mở cao. Mình tâm niệm sau này về huyện không siêu chuyên khoa như các thầy thì rơi rụng hết, nhớ cao siêu làm gì đống tiêu chuẩn bao giờ đi soi bàng quang niệu quản ngược dòng; nhớ cái mặt phù niêm, táo bón sơ sinh không chỉ do megacolon, nôn mà chim đen uống oresol là chết... Mấy cái ý hay và đáng đọng lại ở một người bác sỹ đa khoa tuyến đầu hơn chứ. Đọc Nhi đợt này mình cũng vỡ ra nhiều điều trước không để ý, như còi xương cũng có thể nôn hay rít thanh quản. Rồi đống cháo sữa linh tinh nữa. Thấy học Nhi là môn y "người" nhất: không chỉ lo bệnh, mà còn chăm lo ăn uống, nghỉ ngơi; không chỉ chữa cho xong, mà còn lo cho cả sau này cả cuộc đời đứa trẻ: "anh có lấy một cô trật khớp háng không?""tạo hình phải sớm để sau trẻ đi học không tự ti với bạn bè"...
Học Nhi cũng nhiều điều vui thích. Quan trọng là mình thích bọn trẻ con, chúng nó siêu tốt, tức là trong sáng, "thuần thiện và thuần dương". Mình vẫn nhớ thằng bé bụ bẫm ở Huyết học, hơn 1 tuổi như con béo cháu mình. Mình hỏi bệnh nó ban đầu vì được phân giường, xong hơi chán vì HLH chả trong mục tiêu. Lát thì mình bắt đầu có cảm tình và thích chơi với nó- một đứa bụ bẫm lại siêu ngoan. Lúc ý anh Oai ghé tai hỏi bạn này Bạch cầu cấp à mình thấy lòng kỳ lạ: ờ đúng bệnh nhân muc tiêu rồi, nhưng sao thấy thật kinh khủng cho nó. Nó vẫn cười toe toét, ngoan và yêu, làm mình nhớ đến cháu mình và vô số đứa trẻ khỏe mạnh ngoài kia. Lát sau chị điều dưỡng nhờ đưa nó đi chọc tủy-lần duy nhất mình "bị sai" và cũng là muốn đưa bệnh nhân đi thăm dò giữa buổi sáng. Lúc í mới có kết quả tủy đồ hôm trước, gần như chắc chắn nó không phải HLH mà là Bạch cầu cấp, chị bác sỹ thông báo cho bố nó. Nhìn mặt bố nó thẫn thờ khi nghe hai chữ "ung thư". Biểu cảm sự đau khổ trên mặt một người đàn ông trưởng thành luôn làm mình có xúc cảm sâu sắc, họ không bật khóc, nhưng mãnh liệt. Mình không bao giờ quên được khoảnh khắc yếu đuối hiếm hoi trên khuôn mặt bố- người đàn ông luôn luôn bình thản. Lại chuyện em bé, trên đường đi mẹ nó hỏi mình sao vừa chọc mấy hôm lại đi chọc lại, mình úp mở mãi, mẹ nó quay sang hỏi bố nó, bố nó cũng úp mở. Sau mẹ nó như đoán được, nhưng với vẻ cương quyết và bình thản, hỏi: "Con bị ung thư máu à?" Câu nói như mũi dao đâm thẳng vào trái tim người mẹ nhưng chị đón nhận đầy dũng cảm, mới biết sức chịu đựng to lớn thế nào. Thằng bé ấy, mình còn nhớ nữa sự "dũng cảm di truyền từ mẹ" khi nó siêu ngoan trong tay mình và bố nó để chọc tủy bằng cái kim to nhất mình từng thấy; xong thút thít như một con mèo trong lòng mẹ. Sau mấy tuần mình thi thoảng vẫn gặp mẹ con bé ấy chơi ở cầu thang, mình và mẹ nó cười toe như chào người quen, còn nó thì vẫn yêu hết cỡ, mong chờ ngày hôm nào đó lại chạy nhảy như bao bé ngoài kia.
Hôm nay thi. Lại gặp cô Quỳnh Hương, bị cô chê nhiều, xoắn nhiều nhưng vẫn thấy nể phục vì cô hỏi đúng và trúng, và như cô nói: "một buổi thi bằng bao nhiêu buổi học", nhưng cái gì tốt thì phải có giá của nó, tức là chính mình cũng phải biết được cơ bản. Đợt này mình ngộ ra đi học như tạc tượng. Giờ học có người sửa chữa cho, sau muốn tạc xấu đẹp gì cũng tại mình, tạc ngu tượng đổ đè chết lúc nào không biết. Mình tự học được chút ít thì như tạc cái tượng bằng đá hoa cương, nó gai góc nhiều vấn đề cần giải quyết. Học ngu thì như như cục đất sét chỗ nào cũng mịn, chả thấy có vấn đề gì. Thầy cô như cái bào, hay cái j đó để sửa cho nhẵn. Thầy sát sao khó tính như cái bào sắc, thầy hời hợt như miếng giấy nhám mịn mịn. Cái bào có sắc, gọt đá có đau mới ra được bức tượng đẹp. Lấy giấy nhám mà xoa đá hoa cương thì đáng vứt giấy đi. Bào sắc mà gọt đất sét thì 3 nhát hết cả đất sét mà bẩn cả cái bào. Còn giấy chùi đất sét thì bóng đấy, nhưng chả hơn đống phân là mấy.
Lại nói thầy hỏi thi cùng. Quên tên thầy rồi nhưng thầy để lại ấn tượng sâu sắc về một bác sỹ Nhi khoa "trong mơ". Thầy trẻ trẻ, tiến sỹ gì đấy ở khoa Ung bướu. Thầy tác phong và thái độ rất nhã nhặn và đúng mực. Kiểu nói chuyện và khám bọn trẻ con thân thiện và gần gũi, như bác sĩ Gấu khám cho bạn Thỏ vậy. Với sinh viên thầy cũng bình tĩnh, giải thích cặn kẽ nữa. Thật may mắn và thú vị khi thi thoảng gặp được ai đó đúng như "trong tưởng tượng"!
Thôi, buồn ngủ rồi. Nói nốt chuyện viện Nhi. Sáng nay qua sớm chợt thấy cái vườn trong viện đẹp và đặc biệt. Dù biết viện Nhi đãi ngộ tốt với người, ví dụ như sinh viên đi trực được phiếu cơm 30k. Nhưng thấy có cái cây được cái lề tránh vòng qua thì cũng thấy quả là đặc biệt. Ngoài ra thêm một lô lốc các loại cây lúc nào cũng xanh um hoa hoét toe toét nữa. Cái bông hoa kia âm thầm nở ở góc nào đấy, đẹp.
Thôi thế là hết học Nhi đúng như tính toán, 10 tuần y4+6 tuần y6 cho một chuyên ngành khổng lồ với hằng hà sa số kiến thức. Nhiều thứ sẽ trôi qua, nhưng có nhiều thứ sẽ còn đọng lại. Đó là những kiến thức, những trải nghiệm nghề nghiệp quý báu, là lòng biết ơn các thầy cô và những-bệnh-nhân-chưa-phải-của-mình, là những tình cảm tốt đẹp về con người, về viện Nhi, và những hoài bão, ước mơ về một sự chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn cho các thế hệ tương lai.