Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Câu chuyện y học: Giả khoa học

Khoa học là một thứ hay hớm. 
Định viết bài này lâu rồi, định lải nhải nhiều thứ, nhưng chốt hạ chỉ chép tóm tắt lại hai câu chuyện để nói về sự thật giả lẫn lộn và sự quan trọng của thái độ nghi ngờ cần có trong khoa học.

Câu chuyện 1: Cú lừa thế kỷ về hình thái phôi của Ernst Haeckel
Ernst Haeckel
Ernst Haeckel là một nhà bác học người Đức, là nhà vạn vật học, sinh học, triết học, là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ "sinh thái học". Ông là một bác sỹ, là một giáo sư trường Đại học Jena, với những công trình khoa học có tiếng vang về sinh học, đóng góp vào thuyết tiến hóa của Darwin.
Có một trong những lý luận của ông này, mà cho tới gần đây vẫn còn được đâu đó dẫn đi dẫn lại, ít nhất là hồi mình còn bé thầy mình vẫn dạy như vậy, và hẳn giờ đâu đó vẫn có những người tin rằng đó là thật và lại truyền dạy lại cho những đứa trẻ khác mà không kiểm tra lại. Đó là ghi nhận về hình thái phôi các loài động vật.
Có 2 điểm ông đưa ra đó là các động vật ở các cấp độ tiến hóa khác nhau có một giai đoạn phôi thai giống nhau, tức là có nét chung về tổ tiên nguồn gốc; và các loài tiến hóa hơn sẽ diễn lại toàn bộ quá trình tiến hóa trong quá trình phôi thai, ví dụ như con người sẽ "diễn lại" toàn bộ từ một cái phôi hao hao giống cá, có cả mang... rồi qua các loài động vật khác trước khi chào đời với hình dáng con người. 
Sự giống nhau về phôi thai học mà Ernst Haeckel đề cập ở các loài
"Phát hiện" này thú vị đến nỗi, nó là một trong những điều kỳ diệu nhất của giới tự nhiên mà người ta ưa thích nói đến khi nói về tiến hóa và sinh giới. Và tất nhiên, có không nhiều người có điều kiện, và có ý định kiểm chứng lại sự thật này. 
Điều đáng buồn là trò lừa này đã được che đậy cả trăm năm bằng chính uy tín của một nhà khoa học, cộng thêm sự kỳ diệu của tự nhiên mà người ta muốn tin, và cũng do ý muốn ủng hộ cho học thuyết tiến hóa-học thuyết vĩ đại của triết học duy vật mà các nhà cách mạng tư tưởng theo đuổi thời đầu thế kỷ XX. Một điều có vẻ khoa học nhưng không phải thế, hóa ra chỉ là công cụ cho những mục đích chính trị, triết học mà thôi.
Sự thật về hình thái phôi thai các loài khác hoàn toàn với những gì Ernst Haeckel đã vẽ
Câu chuyện 2: Vắc xin và bò
Edward Jenner là một bác sỹ người Anh sống ở Berkeley vào cuối thế kỷ 18, khi mà dịch đậu mùa vẫn là nỗi ám ảnh cho toàn châu Âu.
Edward Jenner

Thời đó, người ta có những lời đồn đại và ghi nhận kỳ lạ về những cách khác nhau để phòng đậu mùa. Trong đó đặc biệt có một lời đồn đại đầy giễu cợt rằng: nếu không muốn lấy những cô gái mặt rỗ vì đậu mùa thì hãy lấy những cô gái chăn bò.
Suốt 26 năm nghiên cứu về bệnh trên người và động vật, nghiên cứu kiểm tra các phương pháp thực nghiệm, ông đã thử nghiệm thành công phương pháp gây miễn dịch phòng bệnh đậu mùa bằng cách gây miễn dịch trước đó với đậu bò, tất nhiên với nhiều sự mạo hiểm.
Cơ chế vắc xin cả trăm năm sau mới được Louis Pasteur tìm ra và tiếp tục hoàn thiện về sau. Dù vậy, với những hiểu biết và quan sát, nghiên cứu của mình, tuy còn nhiều hạn chế và mạo hiểm, Jenner đã lần đầu tiên phổ biến rộng rãi phương pháp phòng bệnh bằng vắc xin, cứu hàng triệu con người khỏi dịch đậu mùa, và mở ra một cách phòng bệnh kỳ diệu, cho tới giờ vẫn là một trong những phương pháp phòng chống bệnh tât hiệu quả nhất con người từng biết đến. Và "vaccin", lấy gốc từ từ "vacca"-con bò.

Tóm lại, kể 2 câu chuyện này, mình muốn khẳng định sự quan trọng của thái độ nghi ngờ trong khoa học. Loài người tích lũy được kho tri thức vô tận từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy nhiên, cắm đầu tụng niệm tin tưởng tất cả kiến thức được truyền dạy mà không mảy may nghi ngờ là mù quáng. Và cũng chả thể dùng uy tín của tác giả để khẳng định cái đúng. Người giỏi nhất đôi khi cũng nói sai, hữu tình hoặc vô ý. Và những lời đồn đại đôi khi lại là khởi đầu cho một hướng tiếp cận mới. Chỉ có một thứ có thể phản ánh được đúng sai: kết quả thực tế!