Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

The Bach Mai hospital project

Hôm nay tự nhiên nhắn tin cho Chim: "anh chỉ muốn về nhà á".
Từ hôm Chim về sau kỳ nghỉ, lòng vẫn cứ rộn lên nỗi cồn cào da diết. Độ này mấy tuần rồi không gọi điện về nhà, mọi người bận nọ bận kia, chỉ đáp lời qua loa dù mình có cố gắng khơi chuyện. Đôi lúc thấy Chim bữa nào cũng gọi điện về nhà cũng chạnh lòng, nhưng mãi cũng quen. Thế là mấy ngày nghỉ nằm lăn lóc, nỗi nhớ nhà cứ âm ỉ như con sóng bấy lâu bị kỳ nghỉ vừa rồi khuấy lên giờ lại càng tha thiết.

Sau hơn nửa năm một mình ở đây, bây giờ, thời tiết, đồ ăn, công việc không còn là cái gì nặng nề với mình nữa. Mình bắt đầu thấy thú vị khi có thời gian một mình, lại có chút tiền đủ sống; và nhận ra mình có thể sử dụng chúng cho những sở thích nho nhỏ bấy lâu nay bị vùi lấp bởi những lo toan.

Mình nhẩn nha với thời gian của mình, tìm kiếm niềm vui và cả những dự định mới. Mình không xô bồ khỏa lấp sự bối rối bằng những chuyến đi như mọi người. Không rõ mình thực sự bien adapté hay mình đã quen với sự cô đơn từ lâu. Mình đi khi có hứng thú và để học thêm cái gì đó.

Tình cờ đọc được vài dòng từ Carl E. Bartecchi trong A Doctor's Vietnam Journal, tự nhiên thấy tò mò muốn đọc hết cuốn sách. Rồi mò mẫm đọc về The Bach Mai hospital project, câu chuyện hơn 20 năm mà mình chỉ láng máng nhận ra sự tồn tại thông qua cái máy siêu âm "lấy mật gấu", một buổi lễ kỷ niệm anh em nội trú được gọi lên dự cho đông và lời nhận xét đầy trân trọng, tình cờ trong lúc giảng bài của thầy Hưng khi thấy biểu tượng của viện Colorado: "Ngày xưa bọn tôi sang đấy học nhờ ông Carl. Ông ấy chắt chiu bao nhiêu đồ rồi dạy bác sĩ của mình. Ông ý tốt lắm". Thực sự xúc động hơn nữa khi tìm thấy site của dự án, một trang google site giản đơn do con ông Bartecchi tạo, nhưng ghi lại khá chi tiết về dự án, những đóng góp của các bác sĩ Mỹ, những cuộc chuyển giao, hội thảo, và cả những tiến bộ của một chuyên ngành được âm thầm theo dõi từ bên kia bán cầu. Nó như một cuốn sổ tay của một người già, chi tiết, minh bạch, và đầy ắp kỷ niệm.

Ghi lại để nhớ một lúc nào đó, lăn lóc ở một xứ xa xôi, nghĩ về quá khứ và tương lai của cả một chuyên ngành. Sẽ có một lúc nào đó người dân Việt Nam được hưởng một hệ thống cấp cứu ban đầu tốt và hiện đại. Trên con đường đi đến cái đích ấy, luôn có những khó khăn và quanh co, có cả những người bạn đáng trân quý nữa. 

Từ khi sống trong hệ thống này, thấm thía thế nào là: "Một người bác sĩ tốt chỉ cứu được từng bệnh nhân, nhưng một hệ thống y tế tốt sẽ cứu được vô số người".

P/S: Bức ảnh chụp với Carl Bartecchi 2022