Thấy cần viết vài chữ cho một ngày đặc biệt như này.
Hôm nay, trong khi nước Pháp vẫn còn xót xa về Julie, cô bé 16 tuổi chết vì covid 19, nước Anh thì xì xào trước việc cả Thủ tướng lẫn Bộ trưởng Bộ y tế nhiễm bệnh, sau Thái tử vài ngày, thì dân Việt Nam chia sẻ ầm ầm tin phong toả Bạch Mai.
Đó là việc trước đây chưa có, và có lẽ sau này cũng không có. Thậm chí trong chiến tranh lửa đạn, Bạch Mai vẫn đón bệnh nhân.
Nhưng hôm nay, Bạch Mai được gọi là một ổ dịch, và hình ảnh chiếc xe của Binh chủng hoá học tiến vào xịt khử trùng lan đi đầy đau đớn.
Nhiều cảm xúc lẫn lộn. Một suy nghĩ bấy lâu lại trở về. Rằng vốn dĩ ngày này sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn, và tên gọi của dịch bệnh là gì mà thôi.
Đó là hậu quả của hàng chục năm tư duy quản lý y tế méo mó; khi mà rải khắp Việt Nam là những bệnh viện bé nhỏ và bất lực, trong khi lại có những siêu bệnh viện trung tâm - nơi tập trung mọi thứ: kỹ thuật, tinh hoa, bệnh nhân và cả ... bệnh tật. Bệnh nhân và người nhà từ khắp miền Bắc đổ về. Trong viện thì như một khu phố với quán xá, đường xe chạy tấp nập, và hàng đống hàng đống người nhà túm tụm như phường vô gia cư.
Nếu ví Bạch Mai là một trái tim, thì mỗi khoa lại như một ổ phát nhịp riêng biệt. Khi dịch đến, mỗi ổ phát 1 nhịp riêng, và hôm nay "trái tim Bạch Mai" sau 1 tuần rung thất thì đã ngừng đập!
Covid 19 làm người ra thấy rõ nhiều việc. Trong đó có sự phi lý của những siêu bệnh viện như Bạch Mai. Lợi ích của 1 nhóm người đã thao túng và hủy hoại cơ hội suốt mấy chục năm của nhân dân được hưởng một nền y tế tử tế và chính đáng như nó phải thế. Tại sao người bệnh đột quỵ phải băng cả trăm cây số đến Bạch Mai để rồi lỡ giờ vàng? Tại sao người bệnh thận chu kỳ phải bỏ xứ mà đến chui rúc ở một xó của Hà Nội để vật vờ cho đến chết? Tại sao bác sĩ phải cắn răng đặt bút kê carbapenem là kháng sinh đầu tiên cho người bệnh của mình? Tại sao hàng nghìn người bác sĩ trẻ lại phải nhẫn nhục để bị bóc lột đến kiệt sức nhân danh hai chữ học hành?
Giữa những đau thương âu cũng là dịp để nhìn lại, để ước mơ.