"Trải qua một cuộc bể dâu
Những gì trông thấy mà đau đớn lòng..."
_Nguyễn Du
Vào đây không lâu, nhưng những gì mình chứng kiến làm mình thực sự đau lòng.
Không phải vì cái chết.
Cái chết không thể làm người bác sĩ hồi sức run sợ. Những cuộc giằng co khắc nghiệt đã tôi lên những cái đầu lạnh trước cái chết. Trong cuộc chiến, sự ủy mị chỉ làm rối tình hình và kết cục chắc chắn là bệnh nhân chết còn bác sĩ thì hoảng loạn. Trước khi vào, các anh nửa bông đùa nửa thật: "vào đây chỉ có cuốn nem!". Rồi lão Lân thì nói như khóc: "Ở đây bệnh nhân khổ quá, không ai cho ăn, cứt đái không ai thay, chết thì cuốn lại cho vào công te nơ đợi đốt. Cũng hết một đời người". Mình chỉ biết tặc lưỡi: Khi dịch đến tay người bác sĩ hồi sức thì đành vậy. Một ông hồi sức giỏi chỉ cứu được vài mạng, một ông dịch tễ giỏi có thể cứu được cả triệu người, một ông chính trị giỏi thì cứu được cả dân tộc. Đợt dịch này 2 ông kia đã làm không tốt.
Điều đau lòng, đó là sự vô cảm.
Có một điều chắc chắn rằng, tất cả những người ở đây đều có tấm lòng trắc ẩn thương người. Nhưng sự thật tàn khốc, những cái chết quá nhiều và quá dễ dàng đã tha hóa con người ta đi.
Sáng nay, mình thấy một ông cụ parkinson run rẩy tự cầm thìa cháo ăn. Cái tay run run nên trên cái quãng đường từ cái bàn ăn đến miệng thì cháo rơi vãi ra hết, ướt đẫm 1 bên người, đến miệng ông cụ chỉ còn cái thìa không để mút. Người điều dưỡng đứng ngay chân giường phát thuốc cho bệnh nhân bên cạnh, vô cảm. Ông cụ chả quen thân gì mình, nhưng nghĩ đến nếu đó là ông bà mình, là bố mẹ mình, cô độc giữa những người xa lạ, run rẩy và đói ngấu như thế, mình chực trào cả nước mắt. Bỏ điện thoại và bộ đàm ở chân giường, mình đứng bón cháo cho ông cụ, rất lâu. Ăn hết cụ vẫn muốn hút sữa thêm. Có lẽ lâu rồi cụ không được người khác bón cho ăn như thế, chưa được ăn no bữa nào từ hôm sang đây. Sang HS3, người ta cột luôn cụ lại, chả vì lý do gì.
Hôm trước, mình thấy bàn giao 1 bn phải thở oxy mask túi nhưng từ chối thở. Có chi lạ vậy? Lúc mình đi qua, chợt thấy chính bệnh nhân này đang bò bằng 2 tay 2 chân trên sàn nhà, dây dợ bứt tung, bệnh nhân thở dốc nhưng cáu bẳn ẩm ĩ: "ông cứ bỏ tôi ra, tôi không sợ chết". Thì ra ông cụ đòi rời giường, nhưng người điều dưỡng không cho, và quay ra thét rằng: "Nằm yên đi lão! Bỏ oxy ra chỉ có đặt ống rồi sớm về với ông bà ông vải thôi". Đó là một người mù! Bệnh nhân này mới bị múc cả 2 nhãn cầu vì viêm mủ nội nhãn, 2 hốc mắt vẫn hõm xuống, đầy mủ. Hẳn người ta đã đau buồn và hoảng loạn thế nào khi cuối đời trở thành người tàn phế như vậy. Và giờ đây thì cô độc giữa những tiếng quát thét này! Mình đỡ lấy người ông cụ, nói bằng giọng nhẹ nhàng: "Để cháu nâng ông lên giường nhé, thở chút oxy cho đỡ mệt đã". Ông cụ dịu lại và nghe ngay, nhịp thở vẫn nặng nề. Lát sau, ông cụ đã vui vẻ nằm nói chuyện, và nằm yên thở oxy, túc tắc ăn chút cháo người tình nguyện viên bón cho ăn.
Ở đây, có những bệnh nhân chết vì tuột ống, vì không thay kịp vận mạch, vì tắc đờm, vì hạ đường huyết, vì tăng kali máu mà không kip lọc. Trong khi những nhân viên ngồi xem máy tính, những bác sĩ trốn ra ngoài, những nội trú chỉ bàn giao nhưng không làm, những việc chỉ kéo tua để đẩy cái chết đó cho một ca khác để tránh kiểm thảo. Rồi những buổi kiểm thảo tử vong mà những cái chết kiểu "đột ngột ngừng tim, sau 30 phút cấp cứu không hiệu quả" được bịa ra 1 đống nguyên nhân nghi ngờ vô thưởng vô phạt.
Thực sự là, mình cũng đã rất muốn khóc khi thấy con Nhung bật khóc vì bệnh nhân của nó chết vì tăng kali máu từ sáng mà bảo không ai thèm lọc máu cho. Không phải vì bệnh nhân, mà vì mình thấy thương nó, và thấy trong đó hình ảnh của chính mình. Sự vô cảm sắc lạnh không những giết chết người bệnh mà còn như lưỡi dao đâm vào những trái tim còn lương tri. Điều làm người bác sĩ hồi sức đau lòng, không phải cái chết, mà là những cái chết đáng nhẽ có thể tránh được.
Việc to việc nhỏ đều cần một cái tâm. Viển vông, màu mè làm chi, nếu là chiếc lá xin hãy xanh đi đã.
"Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh"
_ Nguyễn Sĩ Đại