Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Học dốt quá!

Nhân dịp trả trực muộn 1 tiếng rưỡi, mình xem đi xem lại bệnh nhân mới vaò. Có thể nói đây là bệnh nhân cuối cùng khi học Tâm thần. 
Sau 3 tuần học, bù đầu vào bệnh án và 30 câu lý thuyết, công nhận đã vỡ ra nhiều điều và thay đổi hẳn cách nhìn về Tâm thần.
Tâm thần không phải chỉ có điên, và chả có ai điên cả!
Bệnh nhân này là một bệnh nhân nữ, 23 tuổi, đang thai 37 tuần, vào vì mất tiếng và vật vã kích thích. A9 sau 1 ngày theo dõi, có hội chẩn Thần kinh thì chẩn đoán Rối loạn phân ly, ổn định cho về. Trên đường về thì bệnh nhân vật vã trở lại, A9 chuyển thẳng Tâm thần. Khám không thấy có biểu hiện thực thể, không có dấu hiệu cấp cưú. Chẩn đoán hướng đến Rối loạn phân ly, dù nhân cách không rõ. Bệnh nhân có thai nên không tiêm truyền gì hết, dùng ám thị. Nhưng không hiệu quả.
Chợt nhớ mục tiêu khả thi của mình ở đây là học ám thị. Mục tiêu khả thi tức là mục tiêu sau này về huyện làm được, gặp nhiêù, tóm lại là ý nghĩa cao. Nhưng có vẻ 3 tuần, rồi tới bệnh nhân này vẫn không có cơ hội thấy được vụ ám thị nào thị phạm.
Nhưng bỗng nhớ tới bệnh nhân ngày trước gặp ở viện Lao. Hồi ấy vẫn thắc mắc sao bệnh nhân bị 5 ngày mệt mỏi tri giác xấu mà vào Thần kinh 2 lần đều bị cho về bảo không việc gì, sau bệnh nhân hôn mê, rối loạn cơ tròn mới chọc dịch não tủy phát hiện lao màng naõ. Sau học qua Truyền nhiễm, Thần kinh rồi Tâm thần mới biết, hóa ra hồi đó bệnh nhân bị chẩn đoán Rối loạn phân ly, vì bệnh nhân nữ trẻ tuổi gia đình chăm chút nhiều không có gáy cứng không có bạch cầu tăng. 
Giờ nhìn bệnh nhân này vật vã, nhìn ánh mắt đờ đẫn lại nhớ lại ánh mắt vô hồn của bệnh nhân lao màng não kia, một cuộc đời thay đổi vì một chẩn đoán chậm chễ.
Bệnh nhân phân ly không phải giả bệnh mà họ thực sự cảm thấy thế. Thật bất công nếu có thái độ phù phép hay coi thường. Và thật đáng ân hận cả đời nếu chẩn đoán sai mà +bỏ sót thực thể.
Bỗng thấy hoang mang. Chả những không học được ám thị mà chẩn đoán còn chả thông. Đúng là học dốt!
P/s: lần thứ 3 đút tay vào túi áo blouse lôi trả người nhà. Cũng lâu lâu mới thấy đi lâm sàng 3 năm đo huyết áp cũng không phải vô nghiã.

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Quân khu Nam Đồng

Quân khu Nam Đồng. Đã lâu lắm rồi mới đọc một tác phẩm văn học, chợt thấy lại cảm xúc đặc biệt, và những suy nghĩ kỳ lạ mà văn chương đem lại. Có lần đã nói về cái sự mà văn chương thôi thúc gọt giũa tâm hồn cảm xúc mình. Đúng thật. Và tự nhiên thấy cảm giác thỏa mãn trước cái đẹp - vì văn là một thứ nghệ thuật, và cũng thấy nhiều nỗi vui buồn đan xen - vì câu chuyện này là một mảnh lịch sử.
Lâu lắm rồi những xúc cảm ấy lại sống dậy, xúc cảm với những con người, những số phận, những câu chuyện cuộc đời trong tác phẩm.
Tôi tưởng tượng ra ở đâu đó trong đám người tôi gặp ngoài kia là một cuộc đời tôi vừa đọc. Một cuộc đời với những mất được vui buồn. Tôi bỗng tưởng tượng ra những ông già 60 tuổi ngồi nhớ lại những vụ đánh lộn, những vui buồn trong lớp học, những mối tình đầu ngờ nghệch mà nhớ mãi suốt đời. Tôi chợt nghĩ tới ông lão 60 "tôi" của hàng chục năm về sau và tự nhiên thấy sự hữu hạn của đời người. Tự hỏi khi đó tôi có gì để nhớ?
Một "trí quên" siêu việt như một khả năng kỳ diệu của mình. Một khả năng bảo vệ trước mọi nỗi buồn, vì thời gian sẽ nhanh chóng xóa nhòa nhiều thứ. Sau mình nhận ra không phải. Đó là do thái độ, cách nhìn của mình với cuộc đời lúc nó đang diễn ra. Có những đoạn trong cuộc đời mình không gợn lên một dấu vết, đó là những lúc không buồn không vui không gì cả. Còn những niềm vui, những nỗi buồn mình sẽ mãi chẳng thể quên. Ý rằng sự quên quá nhiêù, cả những sự việc vài năm về trước, bạn bè cũ, kỉ niệm cũ. Mình quên sạch. Chả biết mình đã luôn hạnh phúc như petit Nicholas hay đã luôn hời hợt?
60 tuổi mình nhớ gì cho lúc này? Một tuổi thơ không tì vết, những niềm vui nỗi buồn mãi chả quên, mối tình đầu mờ ảo không nuối tiếc, một vài đứa bạn không nhiều kỷ niệm, những đam mê tuổi trẻ bất thành, ước mơ lớn lao về một xứ sở cho riêng mình ở tuổi 23, tình yêu kỳ lạ và những xúc cảm đặc biệt trên con đường y nghiệp...
Ôi cuộc đời. Sẽ có lúc thấy cuộc đời chả tày gang, đi qua như một giấc mộng. Có những kẻ cuối đời sẽ hoài tiếc những tháng năm sống hoài sống phí, có những kẻ tới chết vẫn không hiểu mình theo đuổi cái gì. Sống và ý nghĩa cuộc sống mãi là chủ đề mà không phải con người nào cũng thức tỉnh và tìm thấy câu trả lời.
Có lần đọc cuốn Y pháp treo cổ ở thư viện quốc gia, người viết viết một cách rất xúc động về những tình cảm và thái độ của một người chán nản cuộc đời tới mức tìm tới cái chết. Rồi có lần khác đọc lung tung lại thấy nỗi mong muốn tột cùng được chết của những người ung thư, trong một thảo luận về euthanasie. Cuộc đời là một sự kỳ diệu. Sự kỳ diệu to lớn và vì đại nhất, nhưng cũng ít được chú ý và dễ đánh rơi nhất. Như một câu chuyện về hai cô gái tóc vàng hoe hỏi nhau mặt trời và mặt trăng cái nào quan trọng hơn. Một cô vàng hoe trả lời mặt trăng quan trọng hơn vì có trăng thì tối mới nhìn rõ đường, còn ban ngày thì có mặt trời hay không cũng chả để làm gì.  Ta cười vang vì suy nghĩ ngây ngô đó. Nhưng nhiều lúc chính chúng ta là cô vàng hoe kia. Cuộc đời luôn là một thứ đáng trân trọng và khi mất đi thì dễ dàng để lại nhiều hối tiếc.
Tôi nghĩ mãi về những mối tình không thành của những con người trong chuyện. Những cấm đoán vu vơ, những nỗi niềm không được thổ lộ, sự bồng bột, chiến tranh, số phận ... xé toạc những cuộc đời tưởng như mãi mãi bên nhau. Có lẽ thế nên tình đầu dang dở luôn làm người ta nhớ nhiêù. Những ân hận hàng chục năm với một chữ "giá" đã muộn. Mỗi con người đi qua đời tôi đều để lại ít nhiều những dấu vết. Có những vết rất nông rồi thời gian sẽ lau chùi sạch sẽ. Có những vết rất sâu mãi mãi chả quên. Có những vệt vụt qua rồi tan như sao chổi, mãi mãi không tìm thấy. Có những vết dài nhưng cũng tan vào vô nghiã. Có những vết mình mãi trân quý đến lạ kỳ.
Tình yêu, tình bạn trong cuộc đời để lại cho ta nhiều cảm xúc. Nếu quên sạch có lẽ mình đã quá hời hợt. Còn những tình cảm, những yêu thương ở lại thì sẽ cố gắng giữ gìn. Và một điều quan trọng: sống để cuộc đời mình thực sự ý nghĩa mỗi lúc nhớ về. Niềm vui, nỗi buồn, không hối tiếc.