Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Bản chất của hạnh phúc

Hạnh phúc là gì mà ta mãi kiếm tìm? Hạnh phúc là bằng lòng với thực tại? Là được sống với đam mê? Là được sống với những người thân yêu? Hay được là chính mình? Được người khác công nhận? Được đáp ứng đầy đủ những nhu cầu của cuộc sống?
Quá nhiều cách cảm nhận hạnh phúc. Và trớ trêu thay, hạnh phúc của người này có khi lại là khổ đau cho kẻ khác.

Tôi muốn sống một cuộc đời hạnh phúc. Hạnh phúc của tôi không chỉ cho cuộc đời tôi, mà cả cho cuộc đời của những xung quanh. Với tôi, hạnh phúc có được khi ta phát huy được hết năng lực của mình, được sống trong niềm vui của sự đam mê làm việc mình thích, cho một lý tưởng tốt đẹp nào đó của cuộc đời mình, bằng sự trung thực và phấn đấu của bản thân.

1   1) 100 cách sống, hay là Sống có lý tưởng chính là hạnh phúc

Con người từ khi sinh ra tới khi chết đi chỉ có một cuộc đời để sống. "Ta sống vì cái gì?" "Ta sống như thế nào?" là câu hỏi muôn đời của loài người.

Có những người sống để làm đẹp cho đời bằng các hình thức nghệ thuật, có người cả đời tìm tòi để phát minh cải tiến kỹ thuật nâng cao đời sống, có người cả đời đấu tranh cho độc lập, dân chủ hay công bằng, hạnh phúc cho cộng đồng của họ, ... Mỗi cuộc đời như vậy như những viên gạch xây nên sự nghiệp đồ sộ của nhân loại hiện tại. Có thể họ đã chết từ lâu, nhưng những giá trị họ để lại mãi mãi đẩy nhân loại tiến thêm một bước trên tiến trình lịch sử. Và loài người ghi nhận họ. Họ có thể là Newton, là Van Gogh, Nelson Madela... hay là những người thợ lành nghề đầy sáng tạo. Ngày xưa những người như thế được lập đền miếu, truyền tụng trong nhân gian. Ngày nay họ được ghi nhận, tưởng niệm, truyền dạy coi là biểu hiện của cái tốt. Tới khi nhắm mắt, họ đã làm tròn vai trò của mình với lịch sử.
Nhưng cũng có những cuộc đời sống theo bản năng, theo thói quen, sống chỉ để sống. Đó là những người sinh ra, tới tuổi thì đi học, học xong đi làm hùng hục để làm giàu. Họ có thể đơn điệu sáng cắp ô đi tối cắp ô về, hoặc mải miết quay cuồng làm ngày làm đêm. Họ có thể may mắn giàu có, hoặc cả đời đeo đuổi cơm áo gạo tiền. Họ đuổi theo những cái mục tiêu nhỏ, nhưng chả bao giờ biết ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình là gì. Khi họ chết đi, họ hóa thành cát bụi và không để lại dấu vết. Những cuộc đời như thế, có người nói rằng: "họ đã chết từ lúc sinh ra", hay "họ chỉ tồn tại, chứ không sống".

Còn có các biến thể xấu của hai loại trên. Đó là loại có mục đích, nhưng mục đích lại sai lầm, như cả đời tôn sùng một niềm tin tôn giáo cực đoan, cả đời theo đuổi sự nghiệp quét bỏ những thứ dân "hạ đẳng" làm trong sạch dân tộc "thượng đẳng" của mình, hay muốn bành trướng, áp bức người khác... Như là cuộc đời của Hitler, một kẻ điên cuồng sùng đạo, hay một tên cướp vặt...
Loại chả có niềm tin lý tưởng gì thì có biến thể tồi tệ là những kẻ đi reo rắc sự lo sợ và tuyệt vọng vào lòng người, như những con mẹ mở miệng ra là sắp tận thế rồi, hãy cầu cúng đi. Hoặc loại ngu ngơ bế tắc tự nhiên ngồi nghĩ cuộc đời mình chả có ý nghĩa vẹo gì, rồi tự tử, rồi chết. Đó là những cuộc đời vứt đi.

Bạn là ai trong số những loại trên? Bạn có lý tưởng hay chỉ đơn giản sống chỉ để sống? Lý tưởng của bạn có tốt đẹp cho cộng đồng không? Bạn có biết mình sinh ra để làm gì? Đã bắt đầu lâp kế hoạch hay đã thực hiện dự định của mình chưa? Liệu tới khi nhắm mắt bạn có thể tự mỉm cười đã làm tròn sứ mệnh, đã để lại cho cuộc đời cái gì đó?
Bạn sẽ hỏi rằng tôi thì sao? Tôi là kẻ vẩn vơ bao lâu ngay, loại sinh ra rồi lớn, nhưng tôi cũng có vô số ước mơ và lý tưởng, nhưng chưa biết thực hiện cụ thể thế nào. Rồi đang định kêu lên tại dòng đời xô đẩy thế nọ thế kia. Nhưng những trải nghiệm và suy nghĩ về cuộc đời, về bản thân đang dần cụ thể cho tôi cuộc đời tôi muốn sống, đang phác thảo cụ thể từng phần và đang dần thực hiện nó. Cầu mong những sự tốt đẹp cho chính tôi :p

Có thể nói: mục đích làm nên giá trị cuộc sống, hành động cụ thể nó. Thiếu một thứ thì không thực sự tạo ra cuộc đời có ý nghĩa.
Ví dụ một kẻ nghĩ rất lung, nhưng hoặc lười, hoặc bất lực vì những điều kiện nào đó mà không hiện thực hóa được nó, như sức khỏe, thì mãi mãi vòng tròn nhiệm vụ vẫn chưa tròn. Có chăng những người đó chỉ để lại di sản là những ý tưởng, những cảm hứng truyền lại cho đời. Đó là Đặng Thùy Trâm, hay là Nick Vujicic... Họ là liều thuốc nâng đỡ tinh thần kẻ yếu, nhưng là cuộc đời không ai muốn sống.
Hoặc một kẻ chỉ có hành động mà không có mục đích, thì có thể sẽ xếp vào loại khác. Như Phật tổ xưa sống cuộc đời để sáng tạo ra những lý luận làm cuộc đời thế gian quanh người bớt đau khổ, hạnh phúc. Nay vẫn có những nhà sư sống để làm lợi cho cộng đồng, truyền bá tư tưởng của Phật hoặc trực tiếp làm lợi cho đời. Nhưng cũng có những kẻ chỉ quẩn quanh phờ phụng cầu cúng, thậm chí chỉ bo bo vì niềm tin chết đi được ở nơi cực lạc. Đó là loại không có lý tưởng, sống vô hại nhưng vô ích.

Một cái ý nghĩ nảy sinh trong khi nghĩ lung tung, tôi có ý tưởng thế này: sẽ làm một cái chương trình về cuộc sống của những con người, nổi tiếng có, vô danh có, đủ mọi ngành nghề, với mục đích để trẻ em và thanh niên có những góc nhìn mới, những trải nghiệm ở ngôi thứ nhất về hàng trăm cách sống giữa cuộc đời. Rồi để họ có thể nhận ra sống như thế có "sướng" không? Có muốn sống cuộc đời như vậy không, hay muốn sửa đổi những điểm này khác cho nó tốt hơn lên? Cuối cùng là vận dụng vào điều kiện của mình để biết mình muốn gì, ý nghĩa thực sự cuộc đời mình là gì, rồi lập kế hoạch, rồi bắt tay thực hiện nó.
Chương trình đó hẳn sẽ thế này: mô tả công việc 1 ngày, hoặc 1 giai đoạn ngắn trong cuộc sống của 1 người. Rồi tự họ chia sẻ về nỗi vui buồn, khó khăn, hay những đam mê nhiệt huyết người ta có được từ công việc đó. Rồi là những bình luận từ chính trẻ em, từ những người khác trong xã hội. Cái nhìn không phán xét vì cuộc sống có thể phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người khác. Khác biệt không có nghĩa là sai lầm. Điều quan trọng là cuộc sống như vậy có ý nghĩa không, và bạn có hạnh phúc nếu sống như vậy không. Và hẳn, sẽ có những cuộc đời hạnh phúc, và không nữa, từng mức độ, để trẻ em có thể biết nhiều mặt của cuộc đời.
Sau này có con tôi mong nó sẽ có được những góc nhìn đầy đủ, đủ thông tin để có thể lựa chọn và biết cách phấn đấu cho lý tưởng của cuộc đời nó từ rất nhỏ, tức là biết ước mơ và biết thực hiện ước mơ, chứ không phải mơ mộng suông như thế hệ chúng tôi. Khi đánh thức được khả năng của chính mình, rồi cả cuộc đời vun đắp cho một lý tưởng tốt đẹp phù hợp với khả năng đó, tôi tin rằng, cuộc đời của một người sẽ hạnh phúc.

2) Làm sao có được hạnh phúc

Nhìn dòng đời nhiều bon chen, tôi nghĩ về hạnh phúc, tôi nghĩ về mọi người. Trước đây thầy tôi có kể thời chiến tranh, thời bao cấp ai cũng đói, nhưng cuộc sống đó là cuộc đời hạnh phúc về tinh thần. Mọi người sống có tình nghĩa với nhau, chung nhau một lý tưởng giải phóng quê hương đất nươc, xây dựng đời sống mới cho cả cộng đồng. Lý tưởng ấy trong đầu phần lớn cộng đồng, nhiều khi như một thói quen. Đó là một sự thành công to lớn của công tác tuyên truyền và thống nhất ý tưởng hành động của Nhà nước ta thời đó. Sau này nghĩ lại thấy lúc đó mọi người hạnh phúc không phải vì ngày đó toàn người tốt, người có tình; sau này cũng bằng đó con người, sao họ “bớt tốt” đi? Mà là vì trong đầu họ có một cái lý tưởng chung, do giác ngộ hoặc do học theo người khác. Nó tạo ra niềm tin vào cái tốt, rồi định hướng mọi việc làm trong đời sống con người, như bàn chỉ nam cho mọi hành động vậy. Vì vậy, có thể nói điểm quan trọng và mấu chốt mọi sự lớn lao thành quả đạt được của cả một dân tộc, không phải do đánh nhau giỏi, không phải do mọi người tốt, mà là ở khả năng thống nhất ý chí và lý tưởng. Con người coi người đi cùng hướng là bạn, và kẻ đối đầu mình là kẻ thù. Khi hàng triệu người cùng đi trên đường thẳng sẽ tạo ra sức mạnh vô địch. Còn khi họ mất đi cái la bàn kia, họ quay đi các hướng lo cho bản thân mình, và khi đó các quỹ đạo cắt nhau, họ đối đầu nhau, trực diện hoặc một phần. Nói chung lại, mối quan hệ người người nào cũng được nuôi dưỡng bởi lý tưởng chung.
Sau thời chiến, người ta khủng hoảng lý tưởng trầm trọng, vì cái chung phấn đấu quá mù mờ, không đủ tiềm lực, không có kế hoạch bước đi đúng đắn. Người dân không còn lý tưởng lớn lao vĩ đại nhưng đơn giản thực hiện là đi đánh nhau nữa, giờ họ chỉ còn lại với nhau. Họ xoay ra lo cho riêng mình. Và cho tới nay, nhiều người “bớt tốt đi” và sống không còn lý tưởng nữa, họ không biết mình phải cống hiến gì, cống hiến cho ai, sao phải cống hiến, tức là không có động lực và tự giác, không thấy được niềm vui ở lao động, ở cuộc sống. Có lẽ còn lâu lắm mới có xã hội mà mỗi người đều biết mình là mảnh ghép nào của xã hội, rồi hết lòng sống vì cái lý tưởng tốt đẹp của cuộc đời mình. Có lẽ đó chính là ước mơ “nhu cầu lao động tự nhiên như hít thở” mà các nhà Cộng Sản muốn hướng tới.
Cho tới giờ, người ta vẫn muốn “cải biến con người” để được một cái xã hội như vậy, nhưng bất lực. Con người sống và làm việc có mục đích. Những việc họ cảm thấy không có lợi cho bản thân họ  không làm, cho một cái chung chung mơ hồ nào mà bị thiệt hại tới lợi ích của mình thì càng không. Đó là hẹp hòi không? Không, đó là nhu cầu thực sự, nhu cầu bản năng và hợp lý. Các vị thánh nhịn ăn làm điều tốt đã chết cả rồi! Vì vậy bảo “các anh ơi tự giác đi để có xã hội trong mơ, đời anh có lý tưởng có cống hiến”, nhưng anh đói khổ, thì quên đi. Đó là nhìn thấy mục tiêu mà bất lực không có phương pháp “cải biến con người”

Vậy làm sao để có được xã hội với những người có lý tưởng, sống vì lý tưởng? Điều mấu chốt là tạo ra được môi trường. Môi trường là gì?
Trước hết đó là nơi để lý tưởng nảy mầm, tức là mỗi người có thể khai phá tiềm năng của mình, nhận ra vị trí của mình có thể đóng góp cho xã hội, coi đó là mục đích của cuộc sống và cảm thấy hạnh phúc nếu sống như vậy, muốn thực hiện nó. Hiện nay ta đang làm sai. Người ta định kiến giàu có, chức to là hạnh phúc nên gắn mục đích của mình theo. Người ta không cần biết năng lực của mình tới đâu, xã hội cần gì mà bắt chước người khác như một con khỉ, thấy người này buôn bán giàu có cũng đi buôn, thấy học đại học ra chức tước cũng học đại học. Nên thừa thầy thiếu thợ, quay cuồng theo nhau. Họ ước mơ rồi từ bỏ nó, theo đuổi giàu có, chức quyền vì nghĩ rằng đó là hạnh phúc, vì thấy người khác không thể hạnh phúc nếu thiếu chúng, rồi cuối cùng sống cuộc đời không đam mê, rồi kêu ca dòng đời xô đẩy và không hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.
Nhưng cũng có những kẻ “dũng cảm” đối đầu với dòng đời, theo đuổi đam mê mù quáng rồi bị đánh gục, chịu cảnh mái nhà tranh hai trái tim vàng, không tiền, không chức vị, không thực hiện được cả đam mê. Rồi như trong truyện Trăng sáng của Nam Cao, người ta chả thể lo cho đam mê, lý tưởng được nếu chả đủ no đủ ấm, còn đói khổ và cuồng quay với cơm áo gạo tiền.
Vì thế, môi trường còn là môi trường để lý tưởng sống nảy mầm rồi thì có thể phát triển. Muốn thế thì xã hội phải thế nào? Câu trả lời là công bằng xã hội. Công bằng không phải cào bằng ai cũng biết, nhưng công bằng là cái gì thì không phải ai cũng mường tượng được. Công bằng chính là mọi người có cơ hội như nhau để có thể thực hiện lý tưởng sống của mình. Nói dễ hiểu là sao cho một anh đáy cùng của xã hội có thể ngoi lên và cống hiến, và hưởng thụ những gì mình làm ra, y như một anh giàu có hay gì khác. Miễn là anh chăm chỉ anh sẽ có cuộc sống tốt. Nói hình tượng tức là tất cả mọi người đều “chơi đẹp và đúng luật” trong cuộc đua cuộc đời. Không có con ông cháu cha, không có ganh ghét bè cánh, áp đặt chức quyền. Tất cả đều công bằng và dân chủ.
Tưởng tượng ra rất dễ: Một anh cố cùng sinh ra, được khai sinh như bao đứa khác, là trẻ em được đi học, chăm sóc y tế như nhau. Lớn lên anh định hướng năng lực của mình, nếu anh thường thôi anh đi làm thợ gì đó anh thích, sống có ích cho xã hội và sinh con đẻ cái; nếu anh tốt giỏi thì anh có cơ hội ngang với các anh khác, học tiếp, làm việc, đóng góp những điều to lớn hơn, miễn là anh có tài năng hơn thì anh được chọn, anh được đi tiếp trong nấc thang xã hội. Còn anh, hay bất kỳ anh nào lười biếng, tồi tệ sẽ bị đào thải không thương tiếc.

Nói tóm lại, công bằng xã hội, hay “tuân thủ luật chơi” trong xã hội là điều kiện tiên quyết, trước nhất để tạo ra một môi trường lành mạnh, để con người có thể sống hạnh phúc và phát huy hết khả năng của mình, khi mà lý tưởng sống tốt đẹp của họ có cơ hội nảy nở và phát triển.

3) Đi tìm công bằng xã hội

Sao có được xã hội công bằng? Đó luôn là câu hỏi khó
Câu hỏi này khó đến nỗi, nó đã được đặt ra ngay từ thời nguyên thủy và tới giờ vẫn chưa bao giờ được giải quyết ổn thỏa hoàn toàn.
Ngay từ thuở nguyên thủy, bản năng tìm kiếm thức ăn đã cố kết con người hợp tác với nhau, tạo nên xã hội. Xã hội con người không chỉ là bầy đàn thỏa mãn nhu cầu giao phối để sinh con đẻ cái, còn là môi trường để các cá nhân thể hiện vai trò của mình với trong tìm kiếm thức ăn, rồi sau này là vô số việc chuyên môn khác nữa, rồi nhận lại từ xã hội những lợi ích tương xứng với những gì mình đóng góp. Hạnh phúc chính là sự thỏa mãn trong trò chơi trao đổi các nhân-xã hội: Tôi đóng góp cho xã hội, và đòi hỏi ở xã hội thỏa mãn một nhu cầu của tôi. Thế nhưng, trớ trêu là con người có quá nhiều công việc, và mọi so sánh đều là khập khiễng, không thể tìm ra một đơn vị đo lường nào chính xác cho đóng góp của mỗi người. Và phức tạp hơn nữa, việc trả công cũng vô cùng phức tạp, vì lý do tương tự. Nhu cầu mỗi người là khác nhau, nhưng các giá trị họ muốn đem đi so sánh đổi trác với nhu cầu của người khác thì lại khập khiễng. Khuôn vàng thước ngọc cho sự công bằng luôn mơ hồ, người ta kêu gọi sự công bằng, nhưng không rõ công bằng như thế nào.
Một điều thú vị là ở một số thời kỳ của một số xã hội, người ta có vẻ như đã tiệm cận đến sự công bằng. Khi một xã hội mà mọi người cảm thấy hài lòng trong trò trao đổi cá nhân-xã hội, thì mọi người đều cảm thấy hạnh phúc. Đó chính là trường hợp thời kỳ hợp tác xã ở Việt Nam: mọi người đóng góp như nhau bất kể năng lực, và nhận lại như nhau bằng tem phiếu. Điều đó có nghĩa là tôi và anh làm như nhau và nhận như nhau, rõ ràng là công bằng. Nhưng điểm bất cập chính là không biết thế nào là: tôi làm nhiều hơn anh nên tôi nhận được nhiều hơn anh. Chính vì thế mà năng lực con người không được giải phóng, xã hội đì đẹt không thể tiến lên. Bao nhiêu người tài giỏi, nhưng họ đóng góp cho xã hội chỉ bằng những kẻ tầm thường, vì có làm được nhiều hơn thì cũng nhận bằng nhau hoặc hơn không tương xứng, vậy làm nhiều làm gì? Thế là đẻ ra những anh hùng lao động làm nhiều rồi được thưởng suông bằng danh hiệu và bằng khen. Cứ tưởng tượng trong một phòng nghiên cứu, anh A và anh B lương như nhau, anh A làm ra được sản phẩm tốt hơn, thế là được đem đi khen thưởng nhưng lượng nhận về hơn anh B là những thứ phi vật chất như danh hiệu, hoặc những thứ quá nhỏ bé anh A cho rằng không tương xứng với mức độ “tốt hơn” của sản phẩm so với anh B. Hẳn anh A sẽ bất mãn và đam mê nhiệt huyết của anh bị giảm đi nhiều. Anh tiếp tục làm tốt vì danh dự, vì lòng tốt ư? Hay anh sẽ đấu tranh đòi thêm, vậy có phải là “ham vật chất”, “cá nhân chủ nghĩa” không? Anh B lại bảo chắc gì của anh đã kém hơn, vì tính tốt xấu do chính cấp trên bình xét, là chủ quan, vậy chắc gì đã đúng; nếu tốt hơn thật thì chắc gì đã tốt hơn đến mức ấy, không hơn đến 10 đâu, chỉ hơn đến 5 thôi. Nói cho cùng sự công bằng kiểu cào bằng này phạm sai lầm ở hai điểm: một là không có cơ chế lượng giá lượng đóng góp-nhận về chính xác; dẫn đến sai lầm thứ hai là chỉ tạo ra được sự công bằng ảo “bằng-bằng” chứ không đạt được sự “hơn-hơn”, dẫn đến không tạo động lực phát huy khả năng của mỗi người.
Vì thế sau đổi mới, các quan hệ kinh tế thị trường chính là thước đo chính xác, sự feedback chính xác về sự “đóng góp-nhận lại” của mỗi người. Anh làm tốt thì anh bán được giá cao, anh nhận được nhiều, sự đánh giá ở chính xã hội. Khi anh làm sản phẩm chất lượng tốt mà xã hội đánh giá không cao, đó là anh kém ở khả năng tiếp thị, giải thích… Vì thế mọi người có động lực phát triển các kỹ năng, không chỉ làm ra sản phẩm tốt, mà còn phải hoàn thiện để sản phẩm ấy tới tận tay người tiêu dùng và họ cảm thấy tốt. Chính vì sự feedback chính xác, tự do, không chủ quan duy ý chí này tạo ra công bằng trong kinh tế, tạo ra một thế hệ được ăn thua chịu, hạnh phúc khi đạt được những thành công, thất bại cũng không oán trách vì mình không đủ năng lực, đã “đóng góp” ít nên “nhận lại” ít.
Sự kỳ diệu của kinh tế thị trường là không mới. Ngay từ khi người ta biết buôn bán trao đổi, rồi khi tiền được phát minh ra, người ta đã nhận ra sự công bằng từ bàn tay vô hình này trong đo đếm, phân phối sự “đóng góp-nhận lại” của một cá nhân với xã hội. Sự thành công của nước Mỹ có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng có sự công bằng. Đọc Hai số phận, có đoạn viết về người thanh niên muốn tới nước Mỹ, bởi ở đó người nhập cư tay trắng như anh có thể hòa nhập vào xã hội, tham gia cuộc đua xã hội một cách công bằng, anh làm việc chăm chỉ và tài giỏi thì anh không bao giờ đói khổ, còn anh lười biếng ắt sẽ bị đào thải.
Thế ở Việt Nam có công bằng không? Câu trả lời là có, nhưng chưa trọn vẹn. Về kinh tế, luật chơi chưa hoàn chỉnh, nhiều người lách luật, chơi không đẹp. Do đó môi trường kinh doanh không thực sự công bằng. Về khoa học kỹ thuật thì không, hoặc mới manh nha. Sự can thiệp quá sâu của các tổ chức hành chính, chính quyền, Đảng bộ… áp đặt chủ quan vào công việc chuyên môn, cộng thêm không có thị trường trao đổi khoa học kỹ thuật, làm cho nền khoa học kỹ thuật ở Việt Nam còn nặng bao cấp, chưa kể các tình trạng chạy chức quyền, con ông cháu cha. Lỗi này không chỉ ở sự yếu kém của các nhà quản lý, mà còn ở chính những nhà chuyên môn. Các anh chuyên môn chỉ muốn chăm chắm làm chuyên môn, kêu gào đòi môi trường tốt, nhưng anh đâu có phác ra cái môi trường đó như thế nào. Còn anh quản lý, hoặc người ngoại đạo không rõ anh chuyên môn cần gì, hoặc anh chuyên môn nhưng nghiệp vụ quản lý là trái tay. Anh chuyên môn kia, cũng như anh thợ làm đồ tốt nhưng không biết cách tiếp thị, thất bại là ở anh chứ không phải tại dòng đời xô đẩy.

Mình là một người thuộc khối khoa học-kỹ thuật. Hạnh phúc của một người làm khoa học kỹ thuật chính là ở chỗ có thể vun đắp lý tưởng của mình, đóng góp cho xã hội và nhận lại xứng đáng. Muốn có được như vậy trước hết cần một cơ chế công bằng trong đánh giá sự cho đi-nhận lại, có thể một môi trường kiểu kinh tế thị trường trong khoa học-kỹ thuật. Có như vậy, người thành công mới phát huy hết được năng lực của mình, còn người thất bại cũng không oán trách ai, chỉ trách mình chưa đủ tài giỏi, đóng góp ít thì nhận lại ít vậy thôi

Cuối cùng, tôi nói về một việc có vẻ không liên quan. Đó là cái vụ này:
http://kenh14.vn/xa-hoi/a-quan-olympia-nguyen-thanh-vinh-neu-ly-do-khong-tro-ve-nuoc-lam-viec-20151203155936366.chn
Đại ý là anh á quân Olym đi Tây xong bảo muốn cống hiến cho nhân loại rồi ở tịt đấy luôn, rằng về Việt Nam không có môi trường chuyên môn, rồi sẽ lại chết toi vì ghen ghét, vì những thứ vớ vẩn như 1 anh zai Olym khác đang lùm xùm ở Cần Thơ. Lý tưởng sống của anh, tôi không phán xét, không có chuyện sai đúng hay cá nhân hay chung riêng gì cả. Mỗi người có lý tưởng và mục đích sống của riêng mình. Có lẽ tôi là người dân tộc chủ nghĩa, sau này nếu có thể, tôi nhất định sẽ đóng góp cho những người tôi mang ơn, trước tiên đó là gia đình, sau là quê hương đất nước tôi. Nhân loại là tất cả, nhưng chả là ai cả, nói như anh chả qua là ngụy biện cho sự yên ấm cá nhân mà anh giữ gìn. Anh như cái cây lớn, nhưng đã chạy sang mảnh đất tốt để được vươn cao. Anh sợ bị cùn mòn ở mảnh đất cằn anh đã nảy mầm. Không có cái cây nào rụng lá thì sao có mùn mà cho nó thành màu mỡ? Anh đang đợi có ai đó dọn cỏ, tạo mùn cho anh quay về. Nếu có thế thật, tôi thấy may mắn cho anh và cho đất nước, hẳn cả nhân loại nữa. Và cũng chả phải mình anh, có nhiều lắm những người như anh đang chờ đợi một môi trường công bằng cho khoa học kỹ thuật nước nhà.

Hiện tại thì mình vẫn chưa thể tác động vào cơ chế to lớn đó để cải thiện vấn đề. Nhưng viết ra, trước tiên là để thỏa mãn lòng mình được nói ra những suy nghĩ về hạnh phúc của một cuộc đời đáng sống, những phỏng đoán về cơ chế và cách cần làm để có được hạnh phúc đó, cho mình và nhiều người nữa. Đó cũng là định hướng để sau này có cơ hội và khả năng mình sẽ tác động thay đổi vấn đề. Và nếu may mắn ai đó đọc được có thể sẽ giúp mình “làm đất, tạo mùn” luôn, đó là hạnh phúc của mình, của giới khoa học kỹ thuật, và của cả đất nước này.

Mong những điều tốt đẹp!

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Một đêm trực trở gió

Một đêm trực với nhiều gió lạnh.

Lâu rồi không đi trực Ngoại thêm. Độ này trực bao cảm giác thân thuộc lại ào về: cảm giác thân quen, thoải mái, thấy mình học tập được nhiều điều, có trách nhiệm, đóng góp được cho người bệnh và bệnh viện, chỉ bảo được cho các em...

Chiều hôm trước vẫn ấm áp, nghe loáng thoáng thấy gió lạnh về đêm, mang sẵn cái áo len đi trực. Mùa đông năm nay không lạnh, biến đổi khí hậu thật kinh khủng. Nửa đêm bước ra từ phòng mổ rùng mình rét run người, chạnh lòng nhìn những người nhà bệnh nhân nằm co ro, chịu đựng sự rét buốt và lo lắng chờ đợi.

Câu chuyện thứ nhất: 
Một em giai mặt quạu nửa đêm đau chim bật dậy, sáng ra vào viện, chẩn đoán xoắn tinh hoàn, mổ sau đau 7h, cắt. Dù mình chả thích cái mặt thằng cu này tẹo nào, nhưng cái sự cắt mất tinh hoàn của nó làm mình thấy đáng tiếc và cảm giác muốn trách móc ai đó. Nó là ca trẻ nhất và đến sớm nhất trong mấy ca mình có may mắn gặp được trong lúc trực. Những ca kia thường là những anh giai hai mấy tuổi, có khi ba mấy, đến sau khi điều trị chán chê Viêm tinh hoàn; đến nơi chắc chắn mổ cắt. Lúc ấy trẻ trâu ngồi trách móc "bọn tuyến dưới" dốt thế. Giờ ngồi nghĩ lại chả hiểu tại sao cái "cấp cứu tiết niệu" này không được đưa vào chương trình dạy Đa khoa, đi lâm sàng không gặp thì cũng chả nghĩ tới bao giờ. Thế thì những bạn thực tập ở viện nhỏ, hoặc lười, thì sao mà nghĩ đến mà chả sót. Y học mình thích một câu, đó là phải nghĩ đến thì mới đi tìm, đi tìm mới mong tìm thấy, chứ thấy lù lù thì ai chả biết cần gì bác sĩ. Bệnh nhân này đến thẳng viện lớn, 3h đau thì sáng sớm đã đến khám, cuối cùng vẫn không cứu được. Hóa ra cái mốc 6h là để ngắm, hoàn thiện xét nghiệm, đợi chỗ mổ vẫn là vấn đề không giải quyết được. Lại nhớ hồi xưa, ở A9 có bệnh nhân đột quỵ vào sau 1h từ giữa buổi sáng, chả hiểu cái việc "hoàn thiện hồ sơ ở khoa cấp cứu trước khi chuyển chuyên khoa" hết bao lâu, nhưng cuối cùng tới chiều mới chuyển vào khoa Thần kinh rồi chuyển vào giường ...dùng thuốc bổ não! Chả ai thấy gấp gáp và có ý định dùng thuốc tiêu sợi huyết trong vòng 3h cả, ở cái viện lớn nhất nước về Nội khoa. Sau mới biết viện E có dùng tiêu sợi huyết, có khi bệnh nhân đó tới viện E sẽ tốt hơn, như mình nghĩ bệnh nhân này đến viện nào đó khác sẽ tốt hơn. Điều mình muốn trách móc ở bệnh nhân này không biết giành cho ai. Bọn sinh viên lấy làm lạ, chậc lưỡi rồi xuýt xoa đáng tiếc, xong thôi. Như mình cách 2 năm cũng hỏi thầy Hoàng 1C y hệt làm sao để chẩn đoán, để điều trị, nhưng sau bao lâu chả tìm tòi gì thêm, chả nắm vững được. Các anh cũng như mơ mơ hồ hồ về cơ chế, về xử trí, đến lúc dạy lại cho sinh viên lại qua loa truyền miệng như những bà mẹ "các mẹ ơi biết gì chưa". Rồi bao nhiêu đứa ý sẽ về địa phương, rồi lại sót.
Câu chuyện thứ hai:
Sáng ngáp ngắn ngáp dài sau khi chui ra từ phòng mổ thì được gọi đi mời hội chẩn mắt. Bệnh nhân tai nạn giao thông chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt mê tít thò lò không có chỉ định mổ, mắt phải vỡ tung nhãn cầu cần mổ. Ở đây không chỉ định mổ, không chuyển sang mắt mổ được, tóm lại là cần mổ nhưng không mổ được. Dẫu biết rằng vậy nhưng vẫn cần đi mời hội chẩn mắt để có ý kiến chuyên khoa mắt vào bệnh án trước khi giao tua. Thế là người nhà được triệu đến. Mình thấy thật ái ngại khi nhìn hình ảnh bà già lúng ta lúng túng, rồi gọi ông em là một ông đang rét run cầm cập vì nằm cả đêm ngoài gió, tới đi theo mình. Rồi nhìn mớ tiền lẻ từng chục nghìn xếp cẩn thận, rút ra đếm tới gần hết rồi đưa cho mấy anh nhà xe. 500 000 không phải là số tiền quá lớn, nhưng lớn với nhiều người, đặc biệt là với những người còn không biết phải bỏ ra bao nhiêu tiền nữa để cứu lấy người nhà họ. Trước giờ các thầy cô vẫn mắng nhiều lần sinh viên kê hàng loạt xét nghiệm mà không hiểu tại sao, dù xét nghiệm có vài chục nghìn. Lần này tự nhiên thấy chạnh lòng, có thể lắm, gia đình kia khó khăn, và họ đã mất đi một số tiền-có thể là không nhỏ, chỉ vì một thứ có vẻ như là thủ tục hành chính, và thực sự không mang lại lợi ích gì cho bệnh nhân. Việc có ý kiến chuyên khoa là cần thiết, là bằng chứng nếu sau này bệnh nhân có sống, xong mù mắt còn lại vì không lấy nhãn cầu ra kịp thời, thì cũng có ý kiến chuyên khoa là bó tay rồi, bệnh nhân không kiện được. Nói cho cùng cũng không đừng được.

Còn nhiều việc mắt thấy tai nghe, không để ý sẽ trôi qua không gợn vết. Nhưng với mình, mỗi bệnh nhân như một cuốn tiểu thuyết, càng đọc kỹ sẽ còn nhiều điều đáng nói. Có thể ta đang ở bước ngoặt lớn của cuộc đời người bệnh. Bước ra khỏi bệnh viện, họ lại là những người bình thường như ta, là một người với cuộc đời nhiều thăng trầm. Nếu đặt mình vào họ, ta sẽ thấy sự thăng trầm đó lớn lao thế nào, rồi có những lúc thấy buồn vì những sự đáng có thể tốt hơn, nhưng vì lý do nào đó mà đành chịu.
Có những nền y học mình muốn tới thăm, muốn xem họ làm thế nào cho người bệnh của họ. Đó là những nước chuyên môn cao, Pháp, Mỹ... và một nước đặc biệt: Cu ba- nơi mà người ta rất ít đái đường, ít HIV, có vắc xin ung thư, và hơn hết là nền y tế tuyệt vời miễn phí cho mọi người dân. 
Mong muốn một ngày nào đó, mình sẽ có thể làm gì đó, ít nhất là cho bệnh nhân của mình, những thứ tốt nhất mà họ đáng và có thể nhận được.