Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Một đêm trực trở gió

Một đêm trực với nhiều gió lạnh.

Lâu rồi không đi trực Ngoại thêm. Độ này trực bao cảm giác thân thuộc lại ào về: cảm giác thân quen, thoải mái, thấy mình học tập được nhiều điều, có trách nhiệm, đóng góp được cho người bệnh và bệnh viện, chỉ bảo được cho các em...

Chiều hôm trước vẫn ấm áp, nghe loáng thoáng thấy gió lạnh về đêm, mang sẵn cái áo len đi trực. Mùa đông năm nay không lạnh, biến đổi khí hậu thật kinh khủng. Nửa đêm bước ra từ phòng mổ rùng mình rét run người, chạnh lòng nhìn những người nhà bệnh nhân nằm co ro, chịu đựng sự rét buốt và lo lắng chờ đợi.

Câu chuyện thứ nhất: 
Một em giai mặt quạu nửa đêm đau chim bật dậy, sáng ra vào viện, chẩn đoán xoắn tinh hoàn, mổ sau đau 7h, cắt. Dù mình chả thích cái mặt thằng cu này tẹo nào, nhưng cái sự cắt mất tinh hoàn của nó làm mình thấy đáng tiếc và cảm giác muốn trách móc ai đó. Nó là ca trẻ nhất và đến sớm nhất trong mấy ca mình có may mắn gặp được trong lúc trực. Những ca kia thường là những anh giai hai mấy tuổi, có khi ba mấy, đến sau khi điều trị chán chê Viêm tinh hoàn; đến nơi chắc chắn mổ cắt. Lúc ấy trẻ trâu ngồi trách móc "bọn tuyến dưới" dốt thế. Giờ ngồi nghĩ lại chả hiểu tại sao cái "cấp cứu tiết niệu" này không được đưa vào chương trình dạy Đa khoa, đi lâm sàng không gặp thì cũng chả nghĩ tới bao giờ. Thế thì những bạn thực tập ở viện nhỏ, hoặc lười, thì sao mà nghĩ đến mà chả sót. Y học mình thích một câu, đó là phải nghĩ đến thì mới đi tìm, đi tìm mới mong tìm thấy, chứ thấy lù lù thì ai chả biết cần gì bác sĩ. Bệnh nhân này đến thẳng viện lớn, 3h đau thì sáng sớm đã đến khám, cuối cùng vẫn không cứu được. Hóa ra cái mốc 6h là để ngắm, hoàn thiện xét nghiệm, đợi chỗ mổ vẫn là vấn đề không giải quyết được. Lại nhớ hồi xưa, ở A9 có bệnh nhân đột quỵ vào sau 1h từ giữa buổi sáng, chả hiểu cái việc "hoàn thiện hồ sơ ở khoa cấp cứu trước khi chuyển chuyên khoa" hết bao lâu, nhưng cuối cùng tới chiều mới chuyển vào khoa Thần kinh rồi chuyển vào giường ...dùng thuốc bổ não! Chả ai thấy gấp gáp và có ý định dùng thuốc tiêu sợi huyết trong vòng 3h cả, ở cái viện lớn nhất nước về Nội khoa. Sau mới biết viện E có dùng tiêu sợi huyết, có khi bệnh nhân đó tới viện E sẽ tốt hơn, như mình nghĩ bệnh nhân này đến viện nào đó khác sẽ tốt hơn. Điều mình muốn trách móc ở bệnh nhân này không biết giành cho ai. Bọn sinh viên lấy làm lạ, chậc lưỡi rồi xuýt xoa đáng tiếc, xong thôi. Như mình cách 2 năm cũng hỏi thầy Hoàng 1C y hệt làm sao để chẩn đoán, để điều trị, nhưng sau bao lâu chả tìm tòi gì thêm, chả nắm vững được. Các anh cũng như mơ mơ hồ hồ về cơ chế, về xử trí, đến lúc dạy lại cho sinh viên lại qua loa truyền miệng như những bà mẹ "các mẹ ơi biết gì chưa". Rồi bao nhiêu đứa ý sẽ về địa phương, rồi lại sót.
Câu chuyện thứ hai:
Sáng ngáp ngắn ngáp dài sau khi chui ra từ phòng mổ thì được gọi đi mời hội chẩn mắt. Bệnh nhân tai nạn giao thông chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt mê tít thò lò không có chỉ định mổ, mắt phải vỡ tung nhãn cầu cần mổ. Ở đây không chỉ định mổ, không chuyển sang mắt mổ được, tóm lại là cần mổ nhưng không mổ được. Dẫu biết rằng vậy nhưng vẫn cần đi mời hội chẩn mắt để có ý kiến chuyên khoa mắt vào bệnh án trước khi giao tua. Thế là người nhà được triệu đến. Mình thấy thật ái ngại khi nhìn hình ảnh bà già lúng ta lúng túng, rồi gọi ông em là một ông đang rét run cầm cập vì nằm cả đêm ngoài gió, tới đi theo mình. Rồi nhìn mớ tiền lẻ từng chục nghìn xếp cẩn thận, rút ra đếm tới gần hết rồi đưa cho mấy anh nhà xe. 500 000 không phải là số tiền quá lớn, nhưng lớn với nhiều người, đặc biệt là với những người còn không biết phải bỏ ra bao nhiêu tiền nữa để cứu lấy người nhà họ. Trước giờ các thầy cô vẫn mắng nhiều lần sinh viên kê hàng loạt xét nghiệm mà không hiểu tại sao, dù xét nghiệm có vài chục nghìn. Lần này tự nhiên thấy chạnh lòng, có thể lắm, gia đình kia khó khăn, và họ đã mất đi một số tiền-có thể là không nhỏ, chỉ vì một thứ có vẻ như là thủ tục hành chính, và thực sự không mang lại lợi ích gì cho bệnh nhân. Việc có ý kiến chuyên khoa là cần thiết, là bằng chứng nếu sau này bệnh nhân có sống, xong mù mắt còn lại vì không lấy nhãn cầu ra kịp thời, thì cũng có ý kiến chuyên khoa là bó tay rồi, bệnh nhân không kiện được. Nói cho cùng cũng không đừng được.

Còn nhiều việc mắt thấy tai nghe, không để ý sẽ trôi qua không gợn vết. Nhưng với mình, mỗi bệnh nhân như một cuốn tiểu thuyết, càng đọc kỹ sẽ còn nhiều điều đáng nói. Có thể ta đang ở bước ngoặt lớn của cuộc đời người bệnh. Bước ra khỏi bệnh viện, họ lại là những người bình thường như ta, là một người với cuộc đời nhiều thăng trầm. Nếu đặt mình vào họ, ta sẽ thấy sự thăng trầm đó lớn lao thế nào, rồi có những lúc thấy buồn vì những sự đáng có thể tốt hơn, nhưng vì lý do nào đó mà đành chịu.
Có những nền y học mình muốn tới thăm, muốn xem họ làm thế nào cho người bệnh của họ. Đó là những nước chuyên môn cao, Pháp, Mỹ... và một nước đặc biệt: Cu ba- nơi mà người ta rất ít đái đường, ít HIV, có vắc xin ung thư, và hơn hết là nền y tế tuyệt vời miễn phí cho mọi người dân. 
Mong muốn một ngày nào đó, mình sẽ có thể làm gì đó, ít nhất là cho bệnh nhân của mình, những thứ tốt nhất mà họ đáng và có thể nhận được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét