Nhớ hồi xưa có vụ cậu bé Đỗ Nhật Nam, con của hai PGS đã tự tin trả lời phỏng vấn: "Mẹ em bảo truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn". Sau đó em bị cộng đồng mạng ném đá sml.
Nhiều người cho đó là lời chảnh chó của một cậu ấm con ông nọ bà kia, rồi bố mẹ làm cho con không có tuổi thơ... Hồi ý mình cũng tặc lưỡi chả đúng sai gì, mỗi người mỗi cách dạy con.
Thế nhưng độ này, nhìn những đứa trẻ con nhà mình lớn lên, một hôm mình chợt nghĩ lời nói của PGS sư phạm kia có chăng là đúng?
Những năm 80, 90, bọn trẻ con không chơi đánh đáo đánh quay, nhảy dây, chơi mốt nữa mà chúng ôm truyện tranh hay dán mắt vào ti vi, nhà nào giàu có thì có cả trò chơi điện tử. Nhưng ấy là những lúc rỗi rãi hiếm hoi, còn lại là trông em, đi cày đi cấy, thái rau nuôi lợn...Đó là một thời tuổi thơ.
Mình cũng lớn lên trong cái thời ấy. Biết quét nhà, nấu cơm, băm dây lợn từ hồi còn chưa học lớp 1. Lớn lên tẹo thì cuốc đất, trồng rau, cấy cày đủ cả. Cả nhà có mỗi cái ti vi có mỗi 3 kênh VTV với kênh Hà Nội, xem phim, xem thời sự, xem hoạt hình, có gì xem nấy. Nhớ những buổi mưa ở ngoài, mấy chị em trải chiếu nằm xem Tây du ký, điện thì yếu rúm cả màn hình, rồi thì lo rút ăng ten không sét đánh. Chương trình ưa thích của mình thì chỉ có hoạt hình lúc 5 rưỡi chiều, với vài chương trình khoa học, tự nhiên ở kênh VTV2 thi thoảng bắt gặp. Còn lại thì cả nhà xem Thời sự với bố, và xem phim đủ loại.
Hồi bé, sách với mình là một thứ gì xa xỉ. Cảm giác cầm một cuốn sách mới "của mình" rất hiếm hoi. Sách giáo khoa toàn dùng của các chị, sau đổi sách thì đi xin của Đức năm học này qua năm học khác. Sách tham khảo thì lên cấp ba mới có vài cuốn. Còn truyện thì hiếm như vàng. Chỉ có vài cuốn tiểu thuyết chị Ninh đi học mượn ở thư viện trường, sau là chị Vui mượn bạn bè. Nói chung cho đến cả bây giờ, nhà mình không phải những người có thói quen đọc sách.
Truyện tranh với mình như là cái quái gì chỉ bọn nhà giàu mới có. Nói chắc chả ai tin, trong khi lũ bạn mình đọc cả lô Bảy viên ngọc rồi, Jindo, Nữ hoàng Ai cập, Narutothì mình gần như chưa đọc tập nào trong đống đấy. Lẽ đơn giản vì bọn ý là truyện dài kỳ mà mình mượn đọc được vài trang chả hiểu cóc khô gì là chán. Mình đọc mỗi Đô rê mon với Conan, vì hồi đấy hai truyện này hot, bọn bạn hay mang đi nên dễ mượn, và vì truyện toàn mẩu ngắn ngắn dễ hiểu. Mình cũng là loại ngại mượn đồ người khác, vì cái suy nghĩ chả bao giờ mình có truyện gì cho bạn mượn lại.
Thế là ở nhà có cuốn gì thì mình đọc hết. Từ hồi biết chữ thì gần như mình đã đọc dần hết sách giáo khoa của các chị. Trừ Toán Lý thì khó hiểu, chứ mấy môn như Văn, Sử, Sinh học... thì mình còn đọc nhiều hơn cả mấy bà ấy. Có lẽ vì thế lớn lên mình có cảm tình đặc biệt với những môn này. Sau này có thư viện ở Bưu điện, ở trường, nhưng toàn sách linh tinh và mượn trả chán ngắt, mỗi chỗ được một dạo.
Đấy, vốn sống của mình nó giản đơn như thế. Chả ai dạy. Chả có sách mà đọc. Chi đọc sách giáo khoa, vài cuốn sách mượn được và thi thoảng xem chương trình khoa học trên ti vi. Giờ nhìn lại, mình cũng chả biết thế quái nào mình có thể biết đủ thứ cái hồi đi thi Olym, trong khi sau đấy mấy tháng mình còn chả biết dùng Internet.
Đấy là chuyện của mình. Chả dám nhận là người ham đọc, nhưng hẳn mình cũng là đứa thích tìm tòi và thích tìm kiến thức hơn là để giải trí.
Con Minh Phương cháu mình là một đứa thông mình, học hành rất nhanh thuộc. Nó lại cầu toàn, nhớ hồi lớp Hai tuần nào nó cũng học thuộc lòng cả bài tập đọc để chuẩn bị cho tiết kể chuyện. Thế nhưng giờ nó học lớp Ba vẫn chả biết cóc khô gì về thế giới. Nó chỉ học những thứ trên lớp, xong về nhà ngồi xem hoạt hình. Nó có cả ngày không phải làm gì, chỉ ngồi xem Bibi với Cartoon hết phim này đến phim khác. Chán thì lấy điện thoại tìm clip linh tinh trên youtube. Mình đã thử để ý xem hoạt hình bây giờ là thể loại gì, thì hóa ra toàn mấy loại chả có cốt truyện vẹo gì, y như Tom và Jerry đuổi bắt đuổi bắt và đuổi bắt. Nhưng giờ hoạt hình màu mè và nhạc nhẽo sôi động, kích thích thị giác hơn nhiều. Thế là những lúc rảnh, nó ngồi đờ ra xem đến mỏi mắt, với cảm giác bị kích thích cao độ về màu sắc, âm thanh. Mà cuối cùng chả có tí kiến thức, vốn sống nào nó học được. Ngày này qua ngày khác.
Điều tai hại hơn nữa là giờ nó chỉ thích xem cái gì có tiết tấu nhanh, lòe loẹt, gây cười kiểu lố bịch. Nó không thể ngồi xem phim tài liệu, xem những mẩu phim quay biển, quay rừng với những con sư tử không biết nói, những con khỉ chỉ ngồi yên... và càng không đủ kiên nhẫn ngồi nghe người ta nói về một câu chuyện lịch sử, hoặc ký sự về một vùng đất xa xôi. Với chúng nó, tư duy thẩm mỹ đã bị méo mó: hay tức là lòe loẹt là ồn ào là lố bịch.
Học lớp Ba rồi nhưng kiến thức và kỹ năng của nó rất yếu. Không biết tự lo cho bản thân, không dám đi bộ ngoài đường, không biết nấu cơm, không biết giặt quần áo... Kiến thức khoa học hoa hoét, cây cối, con vật, rồi xa hơn là địa lý các đất nước, các thành phố, rồi chuyện lũ, bão, rừng, sông, sa mạc, ... đều lạ hoắc vì những cái đó bị méo mó trong phim hoạt hình. Con sư tử đầu tiên nó biết là một con dễ thương, biết nói, mạnh mẽ... đến khi nó thấy con sư tử thật thì đâu còn cảm giác ghê sợ trước một mãnh thú nữa. Con sông nó biết chỉ như một cái lạch có cây cầu bắc qua. Nó đâu thấy được sự vĩ đại của một dòng chảy mang đến cả một nền văn minh, sao hình dung được kỳ tích của những người mang đá xây cầu thép vượt sông...
Nó cũng chả biết và chả thích đọc sách. Với mình, mỗi cuốn sách là một câu chuyện được gói ghém gửi tới từ một thế giới khác. Với nó, sách chỉ là một lô lốc chữ chán ngắt. Nó không thể đọc một đoạn dài quá một mặt dù đã đọc thạo từ lâu, vì nó chả thấy gì hay ho ở những chuyện như thần thoại Hi Lạp, hoặc ngay như truyện Tấm Cám mà nó được nghe, chao ôi sao mà nhiều chữ thế.
Nó cũng không biết cách tìm kiếm thông tin. Chật vật lắm nó mới biết google. Nhưng lại một lần nữa nó bế tắc vì ngại đọc.
Kiến thức, kỹ năng của nó làm mình cảm thấy nó đang tiêu phí tuổi thơ vô ích. Nó đang bị mù chữ giữa cả biển thông tin!
Ngẫm nghĩ, mình cho rằng giáo dục trẻ em như hiện tại là một cách giáo dục ngu dốt. Cái chúng nó cần không phải là ngồi ê a đọc thuộc lòng mấy bài tập đọc, nắn nót chữ cho trăm đứa chữ giống như hệt. Đáng lẽ chúng phải được dạy cách yêu cuộc sống, dạy cách lao động, dạy hình thành thẩm mỹ quan biết yêu cái gì là đẹp, là tốt, biết đứng về lẽ phải, biết sống tự trọng chứ không phải để chúng "chỉ lo học" mà mặc kệ bố mẹ làm việc, thích hưởng thụ, chuộng tiền bạc, ưa nói xấu người khác... Đó là tiên học lễ. Hậu học văn càng không phải là loại nhồi sọ bắt trò học thuộc lời thầy như kinh thánh, mà phải là dạy chúng kỹ năng và để chúng tự chiếm lĩnh tri thức của chính mình. Phải dạy chúng cách đọc sách, cách tìm kiếm tài liệu ở thư viện, ở mạng internet. Rồi từ biển thông tin đó phải phân tích, tổng hợp, tóm lược thế nào thành kiến thức của mình. Rồi còn kỹ năng trình bày, diễn đạt lại tri thức đang nằm trong não chúng. Dạy được như thế, không những lớn lên chúng có kỹ năng tốt mà còn nắm chắc kiến thức, vì đó là thứ chúng yêu thích và tự chiếm lĩnh được. Hãy tưởng tượng một tiết học Sử về triều Trần. Học sinh được đưa cho từ khóa, dạy cách tìm tài liệu ở thư viện, cách tra cứu, trích dẫn tài liệu trên mạng, rồi tổng hợp lại rồi trình bày theo nhóm trên lớp theo từng mô đun của vấn đề: Khởi nghiệp triều Trần, Chiến tranh chống Nguyên Mông, Văn hóa kinh tế thời Trần, Danh nhân thời Trần. Khoảng 10 phút mỗi phần, vậy 1 tiết 45 phút cả 4 vấn đề quay quanh chủ đề được bàn luận, còn lại sẽ được giao làm bài tập về nhà kiểu: "Ý kiến của em về quan điểm Dù không có Hồ Quý Ly thì cũng sẽ có người khác, bởi sự sụp đổ của nhà Trần là tất yếu"; hoặc bài luận "Về Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản"... Chắc chắn đó sẽ là cách học thú vị hơn tiết Sử hiện nay: thầy bắt trò đọc lại những điều ai cũng đọc được trong sách, ghi ghi chép chép lại sách giáo khoa rồi bắt học thuộc, xong quên sạch. Và lớn lên các em căm ghét lịch sử nước nhà. Thật là kinh dị!
Ở đất nước này, có một thời các trí thức thực thụ đã bị đẩy đi, bị ngó lơ và nền giáo dục "bình dân học vụ" của những người mới xóa mù chữ lên ngôi. Sự quan liêu trong giáo dục từ thời đó đến giờ vẫn là ung nhọt không dễ gì xóa bỏ, vẫn ngày đêm đau nhức. Y tế, và giáo dục, cùng cũ kỹ, cùng quan liêu, năm năm tháng tháng vẫn kêu mà không biết thay đổi thế nào.
Hồi bé, bọn trẻ con sẽ được bảo cố gắng học để sau thành công, nhưng lớn lên chúng sẽ thấy người thành công trong xã hội này còn cần muôn vàn ma mãnh. Trí thức không thể có một cuộc sống giản đơn, phải lo ma mãnh, lo cơm áo, lo quyền tước chính trị. Thế nên làm người lớn thật mệt.
Còn trẻ con, chúng vẫn đang bị ngu đi dần dần, và sẽ không biết về đâu nếu cứ ngày ngày đến lớp nghe kinh và về nhà đờ đẫn bị đầu độc bằng hoạt hình. Rồi sẽ có một thế hệ lệch lạc, không đam mê, không kỹ năng, không kiến thức.
Cây của mình sẽ phải được dạy dỗ khác.