Đêm cuối cùng ở Bangkok, sau 1 tuần lang thang khắp nơi ở thành phố này. Chiều mai lại bay về Hà Nội, tiếp tục cuộc sống quen thuộc.
Muốn viết lách tẹo gì đó. Phần vì rảnh quá. Phần cũng vì có nhiều cảm xúc và suy nghĩ hỗn độn, mà cũng chưa biết bao giờ có dịp thăm lại đất nước này nữa.
Chuyến đi này kéo dài 7 ngày, chương trình hợp tác giữa Hội VN và Thái. Các thầy đôn đít bắt đi, còn mình thì vừa lo không kịp tiến độ đề tài, vừa bận nhà sắp đổ mái tầng 2, nên thực lòng chả muốn đi tẹo nào. An ủi duy nhất khi bươc chân đi là bạn người yêu đòi đi cùng. Chưa lần nào 2 đứa có dịp đi xa thật xa mấy nhau cả!
Chuyến bay đến Bangkok vào buổi tối, dù hơi đen lúc đầu vì bị nhầm ga và cảm giác lạ lẫm lần đầu đi máy bay. Sau chuyến bay mình kết luận: Làm tiếp viên hàng không cũng chả sướng cho lắm, khoang lúc nào cũng kêu ù ù như cạnh cái máy xát gạo, còn kín như bưng không thoáng tầm mắt ra được, khách thì đủ các loại chả biết dịch bệnh thế nào và kinh nhất là chả biết lúc đ' nào cái cục trăm tấn lơ lửng giữa trời 10km này lao cmn xuống. Thế là mình yên tâm làm bác sĩ tiếp.
Các bạn Thái ra sân bay đón đoàn lúc tối muộn. Không có cảnh giơ biển vẫy chào giữa hàng người ở sảnh chờ như trong phim. Cái sân bay vắng hoe có mấy người, không khó để nhận ra anh Bob, người mà vừa mới tuần trước ở Hà nội tham gia tập huấn CLS cho bọn mình, và cũng là người lo từ A đến Z cho cả đoàn trong suốt một tuần. Ấn tượng đầu tiên về người Thái là họ rất giỏi làm du lịch và luôn biết khách du lịch cần gì. Ngay sau cửa hải quan là hàng loạt bốt đổi tiền và dãy bán sim du lịch, có thể gọi và vào Internet trong 8 ngày với giá 200 Bạt, quá rẻ. Mình tự hỏi ở xứ mình thì khách du lịch sẽ làm gì, khi mà mình là dân bản xứ còn bị hãng nhắn tin dọa không bỏ việc đi nộp ảnh thì họ cắt gọi một chiều hai chiều @@
Sự ngưỡng mộ về tư duy làm du lịch của người Thái tăng dần sau mỗi ngày mình lang thang ở Bangkok, khi mà một anh bán dép, một chị bán hoa quả lề đường cũng có thể nói tiếng Anh, chỉ đường, giới thiệu các điểm du lịch, làm cho việc giao tiếp với lái xe taxi và các cô điều dưỡng 50 tuổi bằng tiếng Anh trở thành một điều hiển nhiên và chả có gì kỳ lạ, điều hẳn sẽ là "thật đ' thể tin nổi" ở Việt Nam. Người Thái khéo léo sắp xếp 100 trung tâm mua sắm ở trục đường chính, với giá không thể rẻ hơn, làm cho những đứa keo kiệt như mình cũng phải móc hầu bao ra mua sắm. Và lại một lần nữa, 100 bốt đổi tiền sẵn sàng chờ bạn ở khắp nơi. Họ cũng sẵn sàng chi tiền khách sạn cho đoàn mình ở lại tới 7 ngày, cho một chương trình đáng lẽ không dài như thế, và tất cả các buổi tối tự do. Tất nhiên chả đi mua sắm thì làm gì cơ chứ? (Mình đã thử gạ chúng nó chơi Sói - nhưng quá đen là chả đứa nào biết và có lẽ lượn lờ big C vẫn thú vị hơn là ngồi đoán đứa đối diện là sói hay dân :v ). Thêm một điều nữa, đến buổi gặp với bác lãnh đạo một Deparment của bộ y tế Thái, người chỉ gặp hội này 15 phút, thì trong bài phát biểu, ngoài vài câu hỏi thăm và chúc mừng, bác ý vẫn không quên hỏi xem cả tuần các bạn đã đi đâu, hãy shopping nhiều lên và luôn miệng cảm ơn vì đã giúp đỡ đất nước chúng tôi bằng cách đó. Tất nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến nụ cười luôn thường trực trên môi của tất cả những người mình gặp trên đường - nụ cười thật tâm và hồn hậu, không phải lời xã giao như những người Pháp.
Chương trình học không quá đặc biệt, nếu không nói là chán. Nhưng ngay từ đầu mình cũng đã xác định kiến thức học được sẽ không nhiều, cái học được sẽ là những thứ khác. Bọn mình có buổi đầu tiên nghe thuyết trình giới thiệu hệ thống cấp cứu của Thái Lan, về các lý thuyết cấp cứu ngoại viện, làm việc nhóm. Rồi sau đó là các buổi tham quan 3 bệnh viện "thủ lĩnh" trong hệ thống này. Ở mỗi bệnh viện đều đi thăm khoa Cấp cứu, trung tâm EMS và một vài khoa phòng khác, ICU, trung trâm thần kinh, trung tâm lọc máu vv.. tùy niềm tự hào của họ. Ngày thứ Tư, cả nhóm đi hơn 100 km đến tận Khao Eto, một cứ điểm quân sự giữa vùng rừng rú khỉ ho cò gáy để xem diễn tập phản ứng thảm họa của MERT Thái Lan, cả năm mới có một lần. Các đội từ các tỉnh về để được huấn luyện theo hình thức chạy trạm, giữa cái nóng thiêu đốt 40 độ. Và họ nói rằng thật tuyệt vì mấy năm nữa thôi là họ có đội ở tất cả các tỉnh - giống như sự rạng ngời và đầy tự hào của họ về hệ thống cấp cứu ngoại viện EMS, nay đã lan đi khắp nơi và hoạt động hiệu quả, lý do họ muốn mời đoàn mình sang "học tập" dịp này. Ngày cuối, bọn mình lên bộ y tế Thái Lan, làm một bài báo cáo nhỏ và chụp ảnh lưu niệm với bác lãnh đạo ở trên, một việc rất hình thức nhưng không thể không có, giống như cái Take home message ở mọi bài báo cáo vậy, và cũng là để họ dự tính cho tương lai chương trình này nữa.
Những điều sau đây mới thực sự là những thứ giá trị mà mình học được từ người Thái từ chuyến đi này:
Một là, tư duy ưu tiên của người Thái: giao thông và y tế.
Điều đầu tiên ấn tượng về giao thông Thái Lan là người Thái lái xe bên trái, và đi bộ ...bên phải! Người Thái lái xe rất kinh khủng. Họ lao đi với tốc độ hơn 100km/h trên các con đường nội đô. Những người lái xe máy không đội mũ bảo hiểm vít ga chạy vù vù. Những chiếc xe túc-túc 3 bánh với động cơ gào rú luồn lách khắp nơi. Và người đi xe đạp lúc nào cũng có thể xuất hiện trên vỉa hè, ngay sau cái chân cầu vượt phía trước. Và vô số phố thậm chí còn đ' có vỉa hè. Lúc mới sang mình chắc mẩm đi đứng thế này thì tai nạn phải biết. Thế nhưng sau vài ngày những ác cảm ban đầu đó dần thay đổi. Người Thái có thể đi rất nhanh vì không bao giờ có ai dám lấn làn, hay vượt đèn đỏ. Nói về ý thức của người Thái, không thể nhắc đến việc không có một tiếng còi nào. Người Thái nháy đèn để xin vượt chứ tuyệt đối không có bóp còi xe inh ỏi như người Việt. Điều này làm mình nghi ngờ đến nỗi mình đã phải đi ngó xem xe của họ thực sự có còi hay không. Hơn nữa, người đi bộ có vô số cầu vượt để đi. Hệ thống cầu vượt, đường trên cao, skytrain và metro rất phát triển ở khu trung tâm - những khu vực vẫn đông nghẹt người dù đến nửa đêm. Nhưng đường phố lại rất vắng vẻ ở những khu ven. Đến giờ mình vẫn thắc mắc có phải người Thái đi ngủ từ 8 giờ tối hay không. Ở đây gần như không có tắc đường, nhưng đèn đỏ có thể rất lâu. Cái traffic jam của người Thái khác hẳn với những gì người Việt nghĩ. Nó chỉ là nhiều xe chạy ra đường cùng một lúc, hơi ùn chứ không bao giờ chen chúc nghẹt cứng hay xoắn đan vào nhau ở các giao lộ như Hà Nội. Và lại thêm một điều kỳ quặc, đến tầm cuối giờ chiều, người ta bảo nhau có jam và rất khó book taxi, dù dòng xe vẫn vù vù trước mặt. Hệ thống giao thông và ý thức này có lẽ là thành quá khá lâu dài của người Thái, họ đã tiến rất rất xa hơn người Việt. Khi mà ở Hà Nội vẫn ì ạch hơn chục năm không xong nổi một tuyến skytrain và đổ nợ lên đầu người dân thì người Thái vẫn từ từ xây dựng thêm hàng chục km đường trên cao, mở rộng hệ thống metro của họ. Khi mà người Việt hồ hởi vài năm nữa sẽ có những xe ô tô Việt Nam đầu tiên của Vinfast, thì người Thái đã có thể sở hữu dễ dàng ô tô với chất lượng rất tốt với giá chỉ cỡ hơn 100 triệu đồng. Khi mà trẻ em Việt Nam vẫn gào lên với mẹ nó rằng thật ngu ngốc khi chờ đèn đỏ khi đường vắng thì người Thái đã có ý thức tự động nhường đường cho xe cứu thương có thể đi tới 150km/h giữa giờ cao điểm. Có quá nhiều thứ để người Việt phải chạy theo dài dài nữa.
Về y tế, nói thẳng thắn người Thái biết gì, người Việt biết cái đó, có khi còn hơn. Ở đây người ta không biết đến lọc máu liên tục, không biết ECMO và dường như thăm dò huyết động cũng hết sức mơ hồ. Vị vua của họ có lẽ cũng băng hà vì sốc nhiễm khuẩn. Phải nói về Hồi sức, ở tầm cao người Việt hơn hẳn người Thái, hoặc mình chưa được thấy đỉnh cao của họ - bệnh viện Sirijai và cũng có lẽ do chương trình này về Cấp cứu (ở đây người ta tách Hồi sức và Cấp cứu là hai chuyên ngành khác biệt). Nhưng có 2 điểm mình tìm thấy, người Việt không biết bao giờ đuổi kịp người Thái. Một là hệ thống bảo hiểm. Họ có hệ thống bảo hiểm phủ toàn dân. Ngoài ra có hai mức khác là cho tư nhân và cho nhân viên nhà nước. Người Thái đến bệnh viện chỉ cần trình chứng minh nhân dân và được hưởng quyền chăm sóc y tế miễn phí. Chính phủ họ có quỹ chi cho y tế rất lớn và coi đó là trách nhiệm của nhà nước chứ không phải tham ô hàng nghìn tỷ rồi đá trách nhiệm cho bộ ngành. Bác sĩ ở đây có thể lương không quá cao, nhưng sẽ không bao giờ phải vắt óc lo bị bảo hiểm xuất toán, bị cấp trên quở trách vì cho BN nằm ghép và bị người nhà đánh. Hệ thống bệnh viện ở đây cũng có viện to viện nhỏ, nhưng họ chia theo khu vực, chứ không phải hình cây như Việt Nam. Vì thế không có cảnh BN phải đi hàng trăm km để đến "tuyến trên". Điều này người Việt nào cũng biết nhưng không biết bao giờ mới có thể thay đổi được. Hai là tầm nhìn của người Thái cho y tế. Họ cũng có những vùng sâu vùng xa, cũng khó khăn về tiền bạc. Nhưng giống như giao thông, người Thái quyết định y tế phải được ưu tiên. Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào cơ sở vật chất của các bệnh viện so với khu dân cư xung quanh. Chương trình học được đầu tư dài hạn và theo nguyên mẫu các nước phát triển. Sách vở cũng vậy. Họ không đầu tư dịch sách mà học tiếng Anh, các phác đồ, thang điểm cũng bê y nguyên. Người Thái chấp nhận họ là người đi sau và chăm chỉ học tập theo kẻ đi trước, không sáng tạo.
Hai là, tinh thần làm việc nhóm của người Thái: mỗi người đều biết mình đứng ở đâu. Không phải người Thái ưu tú hơn người Việt. Đem một người Thái so với một người Việt, có lẽ họ sẽ thua kém hơn. Nhưng mười người Việt sẽ không thể bằng mười người Thái. Người Thái không tranh khôn như người Việt, họ là những chiếc lá "biết xanh". Đội CPR bên Thái được đánh dấu vị trí rõ ràng ai ở vị trí nào và làm việc j. Chỉ một bác sĩ, vài điều dưỡng và một nhóm EMT họ có thể tổ chức bài bản hơn vài nội trú và không biết bao nhiêu điều dưỡng Việt Nam.
Ba là, sự tử tế của người Thái: Sự tử tế tận đáy lòng làm xấu hổ bất kể người có liêm sỉ nào. Còn nhớ khi chính những người Thái này sang Việt Nam 2 tuần trước, đội mình đã thấy rất thường khi 40 con người, có cả những cô gần 50 tuổi đi bộ vài km về khách sạn, chỉ vì "họ muốn thế", cơm của họ là thứ cơm khô khốc từ nhà ăn, và chả ai thèm hỏi thăm họ đi chơi hay cảm thấy Hà Nội thế nào, chả ai giới thiệu khoa phòng ra sao. Còn đoàn mình, 37 con người sang đất Thái, được đưa đón chu đáo từ sân bay, đi lại rồi lại đưa tận cửa sân bay lúc về, dù cả đoàn xé lẻ ra cứ 3-5 người một tốp. Họ lấy cả xe cứu thương cho những chặng gần, nhưng không bao giờ để ai ngồi chật cho những chuyến đi xa quá vài km. Đến các viện họ đều tận tình dẫn cả đoàn đi khắp nơi xem, lôi tất tật dụng cụ trên xe cứu thương ra bày cho mình, và ở viện nào cũng có thời gian gặp giám đốc. Cơm và tea break ở đây đều rất tuyệt, vì họ coi đó là cơ hội để quảng bá đồ ăn Thái. Thậm chí ở bệnh viện cuối cùng, một chị đầu bếp của khoa đã dành cả ngày nấu cơm cho đoàn, và tặng cả cơm tối nữa. Bọn mình thật giống những con cáo được ăn thịt trên đĩa!
Hơn 100 năm trước, Paul Doumer đã viết về người Việt như thế này trong cuốn "Xứ Đông Dương thuộc Pháp: Hồi ký" :
"Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao, và Xiêm La đều không thể chống lại được họ.
Không một dân tộc nào trong Đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Người An Nam và người Nhật Bản chắc chắn có mối quan hệ thân tộc từ xa xưa.
Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Họ cũng là những người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc…”
Sau hơn 100 năm, người Nhật có thể ngẩng cao đầu với thế giới, không chỉ vì nền kinh tế mà cả vì bản lĩnh dân tộc. Còn người Thái đang mỗi ngày tiến lên chút một, mỗi ngày chầm chậm như một con lừa dẻo dai thuộc đường. Đến một ngày kia, kênh đào mới nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trên đất Thái mở ra, sẽ không có gì lạ nếu dân tộc này sẽ vượt cả Singapore đứng đầu Đông Nam Á.
Còn người Việt, những người chỉ biết tách lẻ, mải mê đi shopping, luôn cao su, hở ra là chụp ảnh đi khoe và âm thầm ranh mãnh nghĩ người ta ngu ngốc đài thọ cho mình cả tuần du lịch, thì chưa biết bao giờ khá được!