Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

Cánh cửa tử - sinh

Hôm nay lạnh, rúc trong chăn ấm nghĩ vẩn vơ.


Nỗi buồn man mác vì cả 2 ca sản gần đây đều chết cả. Buổi sáng, ku Nguyên nhắn cô gái ECMO đã xin về. Xong anh Tuấn cũng nhắn ca sản B20 cũng đã tử vong.


Dẫu biết sự sống là vô thường, nhưng tự nhiên nghĩ rằng: mới tuần trước đây, những đôi vợ chồng trẻ ấy vẫn ấm áp, đầy hy vọng về một giáng sinh bên nhau, chờ đợi đứa con sắp chào đời.

Đôi lúc, lòng người bác sĩ cũng đầy hy vọng cho họ giáng sinh như thế.


Nhưng không. Đời vốn khốc liệt. Y học cũng hữu hạn, cái giới hạn mà khi vượt qua, là Cái Chết.

Cô gái ECMO tên là Quỳnh Dao, cái tên đặc biệt đầy thi ca. Người vợ trẻ đã sinh 2 lần, không hề hấn gì. Lần thứ 3 đến tuần 34 mới phát hiện khó thở và phù. Đi bộ tới viện vì khó thở không đỡ. Dù huyết áp và spO2 thì ổn nhưng nhìn kiểu thở của bệnh nhân, cộng thêm cái thai tuần 34, mình gào lên vơi ku Phương, doạ nó về việc mổ lấy thai cấp cứu nếu bệnh nhân suy hô hấp nặng thêm. Có lúc trong đầu anh em đã nghĩ đến việc đẩy BN đi C1. Nhưng lời doạ kia thành sự thật, khi siêu âm thấy tim thai chậm. Anh em xoay xở hết mức, hội chẩn Sản và Tim mạch ngay, thống nhất mổ, trong khi chưa có xét nghiệm nào. Rồi bàn tay Thần Chết lộ dần ra, khi khí máu về pH 6.9, thiếu máu chả biết vì sao, rồi tụt áp dí dị sau đặt ống, rồi không đáp ứng vận mạch. Thậm chí mình đã tính tới mổ tại giường để cứu con. Rồi đẩy mọi thứ lên, bệnh nhân vẫn lên kịp phòng mổ, lấy ra thai vẫn sống. Một tiếng thở phào. Nhưng ngay sau đó là cuộc giành giật tiếp diễn cho sự sống của người mẹ. Sốc trơ, rồi ngưng tim. ECMO được kéo xuống làm ngay tại phòng mổ lần đầu tiên. Mọi thứ hội chẩn đều qua máy điện thoại và hoàn thành sau đó. Sau 2 tiếng mổ, bệnh nhân được đưa về Hồi sức, nhiệm vụ của bác sĩ cấp cứu như mình đã xong. Nhưng càng thăm dò, cái chết càng lộ ra. Và rồi, que sera sera...

Cô gái B20 là một ca may mắn với anh em bác sĩ, nhưng không may cho cô. Cô gái 21 tuổi vào viện vì khó thở và cái thai 33 tuần. Sơ bộ chẩn đoán một cơn hen cấp, nhưng kiểu khó thở đó lại "dị dị", không nhiều rale rít, khí máu không xấu nhưng cơ năng cực tồi. Cò kéo cả đêm cân nhắc đặt ống rồi mổ lấy thai, được đến sáng. Hôm sau kết quả vi sinh về, mọi thứ chuyển sang hướng khác. Cô gái chuyển viện 2 lần, rồi cuối cùng vẫn ống, vẫn mổ, và mọi thứ đều xấu.


Cả 2 ca đều khiến anh em thở phào khi nghĩ về những chữ "nếu". Nếu ca kia chuyển C1, nếu mình không hóng hớt ở phòng mổ, nếu ca kia mình không chờ vi sinh mà đi mổ trong đêm, nếu có cách xử lý khác...


Chả hiểu sao, mình rất tâm tư các ca sản. Có lẽ vì sự sống nhân đôi. Có lẽ vì "sản phụ" không phải là "người bệnh". Có lẽ nữa, vì mình muốn những sự sống mới nảy mầm kia được trọn vẹn, và niềm hy vọng về sự sống không biến thành cơn ác mộng về cái chết - thứ sẽ theo đuổi người - ở - lại cả cuộc đời.


Dù sao thì ở đáy hộp Pandora vẫn còn Hy vọng.



Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Trái tim người bác sĩ hồi sức

Một thứ ấm áp nhân từ, nhưng cũng băng giá nhẫn tâm.

Còn đôi tay người bác sĩ hồi sức, giữa sự sống và cái chết, vừa để níu giữ lại vừa để buông bỏ.

Đôi khi níu giữ thì thật đau, mà buông bỏ lại càng buồn.

Mấy ngày qua, những cảm xúc dữ dội ấy thật xáo trộn. Những trái tim tưởng như đã lạnh băng trước cái chết, đột ngột tan chảy. Và những đôi tay biết là chả thể níu giữ, giờ lại bối rối chả dám buông.

Tiếc thương gửi đến em, một trái tim tài hoa, một người bạn mà tôi đã có duyên gặp gỡ giữa thế giới vô thường này.







Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Một ngày thu

 Ghi lại tẹo cho ngày hôm qua, một ngày thu có cả quá khứ và tương lai.


Hôm qua có điểm thi tốt nghiệp. Ok. Thế là đã kết thúc. Một kết thúc cho-nó-đàng-hoàng, đủ dự tính. Những ngày vẩn vơ đầy chữ "nếu và lo lắng dường như cũng tốt, giờ mình dày dạn hơn và biết cách chấp nhận để hướng tới tương lai.

Chỉ khổ thân bọn 42, mỗi thằng Đạt trên 7. Tú Anh càng chắc chắn, đọc sách nọ kia thì lại lẹt đẹt có 6.1. Mấy đứa Vin giờ không biết xoay đâu ra tiền phạt. Nhìn chúng nó loay hoay mà mình cũng thương. Nhưng nghĩ lại lúc mình có 1 mình năm trước, thấy rồi mọi điều cũng sẽ qua.

Xong rồi cũng thấy được thái độ của vài người. Việt đăng status hỉ hả lắm, chả muốn nói.

Các thầy hẳn cũng không vui, nhưng sự yếu kém của tất cả các hệ làm người ta không khỏi giật mình. Với mình, người thầy giỏi không phải người đào tạo ra những trò giỏi, mà là người tạo ra được những người thầy giỏi tiếp theo, cả đam mê và kiến thức. Sau việc này mình cũng biết để lo cho những bước tiếp theo.


Hôm qua cũng là ngày chứng kiến ca kinh dị thứ 2 trong đời lâm sàng của mình. Ca thứ 1 hồi mình năm nhất, bệnh nhân hẹp đường thở đến tận carina, đặt nội khí quản hay mở khí quản đều thất bại, cả một hàng bác sĩ đứng nhìn bệnh nhân vật vã không thể thông khí được rồi chết. Ca hôm qua là một bệnh nhân nữ trẻ kẹt van động mạch chủ. Quả tim giãy giụa tống máu ra mà không thể được, hội chẩn toàn viện xong anh em không dám ra nhìn bệnh nhân nữa. Công việc vẫn đủ cả niềm vui, nỗi buồn, hy vọng và thất vọng như thế.


Thôi viết dài dòng, sáng dậy sớm muốn ghi lại tẹo. Giờ đi làm.

Hy vọng mọi điều sẽ tốt đẹp.


"...nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa

Tại sao cây táo lại nở hoa..." :)



Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

Một chiều nào đó ngồi nghe thời gian trôi

Từ lúc về cứ cảm giác sống tạm bợ. Vẫn đầy lo toan và nỗi buồn. Những điều đáng vui nhưng vẫn để nỗi trống vắng xâm chiếm.

Những dự định cho tương lai vẫn xa vời và vô định. Nhìn xung quanh âu cũng thấy chạnh lòng. 

Lòng vẫn băn khoăn có nên quay lại cách sống vội hay không. Cách nghĩ về hạnh phúc dường như đã đổi khác rất nhiều. Vẽ ra một định nghĩa về hạnh phúc, rồi xem nó đang thiếu những cái gì. Những mảnh hạnh phúc còn thiếu đó dường như đã sẵn ở trong tay, nhưng chưa biết bao giờ hoàn thiện được.

Sống một mình thành quen, từ cách nghĩ và cách sống. Bạn bè, tri kỷ âu cũng khó tính hơn. Nhưng nghĩ lại, có lẽ đó là cách mình muốn sống lâu rồi, chả qua phải theo đuổi những mối quan hệ  trong cuộc sống mải miết suốt bao năm. Sau một năm "sống cho mình" đâm ra cái sự mặc kệ đời nó lại mạnh mẽ như vậy.

Thôi viết vài dòng, giữa những ngày hè nóng nực, trống vắng đến kỳ dị.

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Phong toả Bạch Mai

Thấy cần viết vài chữ cho một ngày đặc biệt như này.
Hôm nay, trong khi nước Pháp vẫn còn xót xa về Julie, cô bé 16 tuổi chết vì covid 19, nước Anh thì xì xào trước việc cả Thủ tướng lẫn Bộ trưởng Bộ y tế nhiễm bệnh, sau Thái tử vài ngày, thì dân Việt Nam chia sẻ ầm ầm tin phong toả Bạch Mai.
Đó là việc trước đây chưa có, và có lẽ sau này cũng không có. Thậm chí trong chiến tranh lửa đạn, Bạch Mai vẫn đón bệnh nhân. 

Nhưng hôm nay, Bạch Mai được gọi là một ổ dịch, và hình ảnh chiếc xe của Binh chủng hoá học tiến vào xịt khử trùng lan đi đầy đau đớn.

Nhiều cảm xúc lẫn lộn. Một suy nghĩ bấy lâu lại trở về. Rằng vốn dĩ ngày này sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn, và tên gọi của dịch bệnh là gì mà thôi.

Đó là hậu quả của hàng chục năm tư duy quản lý y tế méo mó; khi mà rải khắp Việt Nam là những bệnh viện bé nhỏ và bất lực, trong khi lại có những siêu bệnh viện trung tâm - nơi tập trung mọi thứ: kỹ thuật, tinh hoa, bệnh nhân và cả ... bệnh tật. Bệnh nhân và người nhà từ khắp miền Bắc đổ về. Trong viện thì như một khu phố với quán xá, đường xe chạy tấp nập, và hàng đống hàng đống người nhà túm tụm như phường vô gia cư. 
Nếu ví Bạch Mai là một trái tim, thì mỗi khoa lại như một ổ phát nhịp riêng biệt. Khi dịch đến, mỗi ổ phát 1 nhịp riêng, và hôm nay "trái tim Bạch Mai" sau 1 tuần rung thất thì đã ngừng đập!

Covid 19 làm người ra thấy rõ nhiều việc. Trong đó có sự phi lý của những siêu bệnh viện như Bạch Mai. Lợi ích của 1 nhóm người đã thao túng và hủy hoại cơ hội suốt mấy chục năm của nhân dân được hưởng một nền y tế tử tế và chính đáng như nó phải thế. Tại sao người bệnh đột quỵ phải băng cả trăm cây số đến Bạch Mai để rồi lỡ giờ vàng? Tại sao người bệnh thận chu kỳ phải bỏ xứ mà đến chui rúc ở một xó của Hà Nội để vật vờ cho đến chết? Tại sao bác sĩ phải cắn răng đặt bút kê carbapenem là kháng sinh đầu tiên cho người bệnh của mình? Tại sao hàng nghìn người bác sĩ trẻ lại phải nhẫn nhục để bị bóc lột đến kiệt sức nhân danh hai chữ học hành?

Giữa những đau thương âu cũng là dịp để nhìn lại, để ước mơ.