Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Hãy sống

 Tôi không biết cậu, giai ạ. 

Nhưng tôi biết, giờ không chỉ tôi, mà nhiều người nữa đang coi cậu như 1 đứa em, 1 uẩn ức bấy lâu vẫn nợ.

Cậu thực sự may mắn cậu biết không? Rung thất trước mặt những đứa y3 - không quá non nớt vẫn đủ biết ép tim, cũng không quá già nua để vẫn ngồi tụ tập trà sữa bên nhau. Cậu đã được ép tim ngay bởi những người học y, điều mà hàng nghìn hàng triệu người Việt Nam không may mắn có được, trong đó có cả em chúng tôi- người bác sĩ hồi sức đã cấp cứu biết bao bệnh nhân, nhưng khi nằm xuống thì không ai xung quanh biết cấp cứu.

Chúng tôi không biết có thể làm cho cậu đến đâu. Nhưng mong rằng, bằng sự may mắn thần kỳ nào đó, cậu sẽ sống. 



Hãy sống, vì mẹ cậu, vì gia đình đã gửi gắm hết tương lai nơi cậu.

Hãy sống, vì chính cậu, vì thanh xuân phía trước, vì những mơ ước còn dở dang.

Hãy sống, vì cả em chúng tôi, cả những nỗi niềm bấy lâu anh em chúng tôi canh cánh luôn thấy nợ nần.

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Trải qua một cuộc bể dâu...

 "Trải qua một cuộc bể dâu 

Những gì trông thấy mà đau đớn lòng..."

                                                          _Nguyễn Du


Vào đây không lâu, nhưng những gì mình chứng kiến làm mình thực sự đau lòng.


Không phải vì cái chết. 

Cái chết không thể làm người bác sĩ hồi sức run sợ. Những cuộc giằng co khắc nghiệt đã tôi lên những cái đầu lạnh trước cái chết. Trong cuộc chiến, sự ủy mị chỉ làm rối tình hình và kết cục chắc chắn là bệnh nhân chết còn bác sĩ thì hoảng loạn. Trước khi vào, các anh nửa bông đùa nửa thật: "vào đây chỉ có cuốn nem!". Rồi lão Lân thì nói như khóc: "Ở đây bệnh nhân khổ quá, không ai cho ăn, cứt đái không ai thay, chết thì cuốn lại cho vào công te nơ đợi đốt. Cũng hết một đời người". Mình chỉ biết tặc lưỡi: Khi dịch đến tay người bác sĩ hồi sức thì đành vậy. Một ông hồi sức giỏi chỉ cứu được vài mạng, một ông dịch tễ giỏi có thể cứu được cả triệu người, một ông chính trị giỏi thì cứu được cả dân tộc. Đợt dịch này 2 ông kia đã làm không tốt.


Điều đau lòng, đó là sự vô cảm.

Có một điều chắc chắn rằng, tất cả những người ở đây đều có tấm lòng trắc ẩn thương người. Nhưng sự thật tàn khốc, những cái chết quá nhiều và quá dễ dàng đã tha hóa con người ta đi.

Sáng nay, mình thấy một ông cụ parkinson run rẩy tự cầm thìa cháo ăn. Cái tay run run nên trên cái quãng đường từ cái bàn ăn đến miệng thì cháo rơi vãi ra hết, ướt đẫm 1 bên người, đến miệng ông cụ chỉ còn cái thìa không để mút. Người điều dưỡng đứng ngay chân giường phát thuốc cho bệnh nhân bên cạnh, vô cảm. Ông cụ chả quen thân gì mình, nhưng nghĩ đến nếu đó là ông bà mình, là bố mẹ mình, cô độc giữa những người xa lạ, run rẩy và đói ngấu như thế, mình chực trào cả nước mắt. Bỏ điện thoại và bộ đàm ở chân giường, mình đứng bón cháo cho ông cụ, rất lâu. Ăn hết cụ vẫn muốn hút sữa thêm. Có lẽ lâu rồi cụ không được người khác bón cho ăn như thế, chưa được ăn no bữa nào từ hôm sang đây. Sang HS3, người ta cột luôn cụ lại, chả vì lý do gì.

Hôm trước, mình thấy bàn giao 1 bn phải thở oxy mask túi nhưng từ chối thở. Có chi lạ vậy? Lúc mình đi qua, chợt thấy chính bệnh  nhân này đang bò bằng 2 tay 2 chân trên sàn nhà, dây dợ bứt tung, bệnh nhân thở dốc nhưng cáu bẳn ẩm ĩ: "ông cứ bỏ tôi ra, tôi không sợ chết". Thì ra ông cụ đòi rời giường, nhưng người điều dưỡng không cho, và quay ra thét rằng: "Nằm yên đi lão! Bỏ oxy ra chỉ có đặt ống rồi sớm về với ông bà ông vải thôi". Đó là một người mù! Bệnh nhân này mới bị múc cả 2 nhãn cầu vì viêm mủ nội nhãn, 2 hốc mắt vẫn hõm xuống, đầy mủ. Hẳn người ta đã đau buồn và hoảng loạn thế nào khi cuối đời trở thành người tàn phế như vậy. Và giờ đây thì cô độc giữa những tiếng quát thét này! Mình đỡ lấy người ông cụ, nói bằng giọng nhẹ nhàng: "Để cháu nâng ông lên giường nhé, thở chút oxy cho đỡ mệt đã". Ông cụ dịu lại và nghe ngay, nhịp thở vẫn nặng nề. Lát sau, ông cụ đã vui vẻ nằm nói chuyện, và nằm yên thở oxy, túc tắc ăn chút cháo người tình nguyện viên bón cho ăn.

Ở đây, có những bệnh nhân chết vì tuột ống, vì không thay kịp vận mạch, vì tắc đờm, vì hạ đường huyết, vì tăng kali máu mà không kip lọc. Trong khi những nhân viên ngồi xem máy tính, những bác sĩ trốn ra ngoài, những nội trú chỉ bàn giao nhưng không làm, những việc chỉ kéo tua để đẩy cái chết đó cho một ca khác để tránh kiểm thảo. Rồi những buổi kiểm thảo tử vong mà những cái chết kiểu "đột ngột ngừng tim, sau 30 phút cấp cứu không hiệu quả" được bịa ra 1 đống nguyên nhân nghi ngờ vô thưởng vô phạt.

Thực sự là, mình cũng đã rất muốn khóc khi thấy con Nhung bật khóc vì bệnh nhân của nó chết vì tăng kali máu từ sáng mà bảo không ai thèm lọc máu cho. Không phải vì bệnh nhân, mà vì mình thấy thương nó, và thấy trong đó hình ảnh của chính mình. Sự vô cảm sắc lạnh không những giết chết người bệnh mà còn như lưỡi dao đâm vào những trái tim còn lương tri. Điều làm người bác sĩ hồi sức đau lòng, không phải cái chết, mà là những cái chết đáng nhẽ có thể tránh được.


Việc to việc nhỏ đều cần một cái tâm. Viển vông, màu mè làm chi, nếu là chiếc lá xin hãy xanh đi đã.


        "Người vá trời lấp bể

         Kẻ đắp lũy xây thành

Ta chỉ là chiếc lá

            Việc của mình là xanh" 

                                               _ Nguyễn Sĩ Đại




Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Đã bao lâu...

 Hôm này đi làm về, vừa ngồi ăn vừa nghe bài hát mới của Nguyên Hà. Lặng một chút.


Nay ông anh nhắn tin độ này m nóng quá, gây hấn với nhiều người quá. 

Chiều lăn ra ngủ, tỉnh dậy ngẩn người ra một lát, thấy nhiều thứ đã qua thực sự. 


Một khoảng thời gian điên rồ, áp lực nhiều nhẽ. 


Tự nhiên nhận ra mình càng ngày càng muốn sống cô độc và lì lợm trước cuộc đời.

Đã bao lâu rồi mình quên mất cách sống hồn nhiên vô lo vô nghĩ, hết lòng với mọi người?

Đã bao lâu rồi mình đóng băng trái tim này lại trước bệnh nhân, và đeo đôi kính nghi kỵ với người xung quanh?

Đã bao lâu rồi, ước muốn duy nhất chỉ là an yên, và có lẽ... cô độc.


Tình yêu trong trái tim này đã trưởng thành hơn? hay đã chai sạn mất rồi?


Sáng nay mình đặt ống cho 2 ca covid. Đã lâu rồi mình mới nặng lòng như thế. Bệnh nhân thở nhanh, spO2 tụt, đặt ống là hiển nhiên. Nhưng bệnh nhân còn tỉnh táo, giải thích cho người ta: "chúng tôi cần đặt ống thở để hỗ trợ oxy cho bác", lòng chùng lại, vì có mấy ca thở máy sẽ sống đâu. Từ bao lâu rồi, mình không hỏi gì ngoài chuyên môn cả, vì biết rằng, đó là một con người, một cuộc đời mà có thể sẽ vuột mất dưới tay mình.

Xong lại nghĩ, có lẽ, ở giữa dịch dã đảo điên này, yêu thương cũng là điều xa xỉ, thậm chí trở thành thuốc độc cho tâm hồn.


Thèm một ngày thu an yên.

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Mưa rào đầu hè

Đêm qua trực một buổi trực ảo lòi.

Một đêm mưa rào rầm rập.

Một đêm bệnh nhân nặng lòi.

Một đêm xem đá bóng phê pha cuồng nhiệt.


Hôm nay trời vẫn mưa trắng trời. Ngồi gà gật sau buổi trực, tự dưng muốn viết vài dòng.


Đến cái lúc mọi thứ "hòm hòm", tự nhiên muốn chụp lại cái ảnh này để ghi lại vài chữ. Sau khung cảnh yên bình này là 1 nỗ lực tuyệt vời của tua trực. Mới đầu tua, cả 3 bn này vào cùng lúc. 

1 bác thợ sơn ngã cao 3m, hôn mê lập tức, được bế thốc lên đi 40 phút đến viện, không đường truyền, không đường thở, không cố định cổ. Khi chụp cái ảnh này, bác đã được đặt ống, chụp chiếu, hội chẩn các thứ, đang nằm đợi chuyển viện. Sau BN cũng xin về, nhưng những gì mình làm cho BN là xứng đáng và làm mình không áy náy. 

Bà áo cam là 1 cụ gần 80 tuổi, sỏi đúc khuôn cả gan trái và toàn bộ đường mật. Đến lúc đau bụng rồi sốc nhiễm khuẩn rồi mới vào viện. Khi chụp cái ảnh này là cụ đã chụp chiếu xong, hội chẩn ngoại, hội chẩn tiêu hoá và đã đặt xong stent đường mật, thuốc thang đã hòm hòm.

Ca xa xa là một bác gần 70 tuổi, đau ngực từ trưa, từ lúc vào tuyến dưới đã không đo được huyết áp, được chuyển thẳng lên với 2 đường truyền và 3 vận mạch liều trên trời. Đến nơi không có huyết áp, toan lòi mắt pH 6.9. Hội chẩn tim mạch ra nhìn cái điện tim chênh rõ và siêu âm tim èo uột, ghi cho 1 tờ ý kiến rất kiểu " I dare u": ECMO đi rồi tính. Sau đó thì dụ khị lão Bá ECMO, rồi sắp xếp đi chụp mạch vành trong sự ngỡ ngàng của ae TM. Lúc chụp cái ảnh này là vừa vào xong ECMO, chuẩn bị sang tim mạch. Bây giờ BN vẫn toan trên HSTC nhưng mạch vành đã thông, huyết động nâng đỡ bằng ECMO.


Bức ảnh này được chụp lúc gần 8h tối, tức là 3 tiếng sau khi nhận trực. Tất cả mớ bòng bong kia đã được giải quyết, với 4 NT Nội trực, 1 con bé bị túm lại vì trót đến A9 ngồi ké sau tiêm và quan trọng nhất là đám NT HS từ chiều vẫn máu lửa với BN, và nỗ lực không mệt mỏi của đội điều dưỡng trực nữa. Đã lâu lâu rồi anh chị em mới lại có buổi sục sôi nhiệt với nghề như vậy. Những cảm xúc mãnh liệt mà nếu làm thành phim thì chả kém bộ phim ngầu lòi nào.


Đến đêm. Cơn mưa rào trút xuống ầm ầm. Mát lạnh.

Xong một trận đá bóng mãn nhãn của tuyển Việt Nam, đẹp, cao thượng và thắng. Nằm ườn trên sofa cùng xem với các anh chị tua trực. Một trận xem bóng đá cảm xúc.


Mưa rào giữa mùa hè - cơn mưa đầy sấm chớp và nước trút ào ào, nhưng mang đầy sự sống giữa mùa nóng bức này.

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Ngày bình thường

Cuộc sống đã dần dần vào quỹ đạo mới: công việc, gia đình.

Những mối bận tâm vơ vất cũng bớt đi. Bắt đầu có lương, độc lập tương đối sau khi chị Dịu đi lấy chồng. Ngày ngày có một công việc vui vẻ để làm và không gian tí toáy ở nhà.

Tự nhiên muốn viết vài dòng, kể về một ngày bình thường, với những niềm vui âm thầm nhỏ nhặt, nhưng xinh xắn như những bông hoa trong bức tranh cuộc đời.


Đêm qua trực, nhận trực cũng ngập đầu. 10 rưỡi tối mới được ăn. Vui vui vì trực cùng đội nội trú tháo vát, từ 11h hơn là yên ổn dần. Bệnh nhân cần đi đâu đi được cả, ấy là một cái vui. Đến 4h sáng, tiêu sợi huyết thành công cho 1 cụ 91 tuổi, trả lại cho cụ những ngày còn lại vẫn minh mẫn tự do. Nghe cụ cảm ơn thấy lòng vui mênh mang, niềm vui đúng như mơ ước của 1 đứa trẻ con được làm bác sĩ cứu người.

Sáng về, trời hửng sau mấy hôm nồm ẩm. Ngó nụ cẩm cù giờ đã bung hoa. Luôn tinh khôi như ngọc, và xinh xẻo hết mực. Lăn ra ngủ, xong dậy ăn cơm bố nấu. Chiều dọn cây, trồng lại với bỏ phân mấy cây lan. Những mầm nụ ấp ủ đang sắp bung hoa, yên ả niềm hy vọng.Tối ăn cơm mấy bố, xong lăn ra ngủ sớm, nghí ngoáy viết lách đọc nọ đọc kia. 

Hạnh phúc lắm lúc cũng chỉ nhỏ nhoi và yên bình như vậy.