Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Tất cả các con vật đều bình đẳng

nhưng một số con thì bình đẳng hơn những con khác.

                                                           - George Orwell, Trại súc vật - 

Thật ra chả phải đến tận bây giờ mình mới thấy khẩu hiệu đấy đúng trong cái xã hội này. Tất nhiên, công bằng dân chủ chỉ là thứ để lòe bịp kẻ yếu để họ không nổi dậy.

Muốn viết vài dòng, nhân một ngày cuối thu nhiều sương mù, đi trực và thấy nhiều điều chướng tai gai mắt.

Có một lời nguyền, đó là Lời nguyền của sự hiểu biết - hiểu được sự khốn nạn gì đang xảy ra trước mắt mà không làm gì được, trong khi những người khác thì ngu si hưởng thái bình. Bác sĩ cấp cứu chính là kẻ bị cái lời nguyền như vậy. 

Ở cấp cứu có nhiều loại fast track: sốc, đột quỵ, chấn thương... nhưng có riêng 1 loại phi chuyên môn là "flow". Cái dòng này trước lác đác, nhưng từ ngày tay gđ mới thì nhan nhản 'khách bệnh viện", từ quan chức, doanh nghiệp đến ba loại báo chí mạt hạng hay mấy thằng nghiện. Trong đớn đau người ta sợ hãi, và khi sợ hãi thì phần "con" lên ngôi. Đáng tiếc là cái xã hội này không thể tạo ra nổi tầng lớp tinh hoa về tài năng và quân tử về cách sống. Ba cái chuyện kiểu Lê-nin xếp hàng đi cắt tóc hay quý ông trên tàu Titanic nhường xuồng cứu nạn cho phụ nữ thì tất nhiên là chuyện cho trẻ con. Ở đây chúng tôi không làm thế!!

Ở xã hội này, người ta chưa đến cửa đã dọa dẫm "tao quen người nọ người kia, mày làm ăn cho cẩn thận". Rồi kiểu sao tao quen anh nọ anh kia mà không khám cho tao trước, sao không cho tao bảo hiểm 100%. Tất nhiên, những loại đó là cứt, nhanh nhanh chóng chóng dẹp đi cho sạch bệnh phòng. 

Nhưng kinh tởm hơn đó là việc dành giường hồi sức cho "ai đó". Với cái mô hình y tế hình tháp, mà bệnh tật, vi khuẩn kháng thuốc và ti tỉ thứ thi đua "lên tuyến trên" như hiện tại, chả cái siêu bệnh viện nào chịu nổi. Với tình trạng khốn nạn về thuốc men và vật tư như hiện tại, thì cuộc đua càng khốc liệt hơn. Bệnh viện trở thành cái bẫy chuột: dùng danh tiếng của mình làm mồi nhử, bệnh nhân ùn ùn kéo đến và chết kẹt ở khoa Cấp cứu. Vì hết giường hồi sức. 

Hồi sức có đặc quyền đóng cửa mà làm. Nhưng đôi khi người ta quên đi cái nghĩa vụ là giải quyết bệnh nhân nặng nội viện. Không biết tự bao giờ, câu "hồi sức xin nhận Bn nhưng hiện chưa có giường" nó lại có thể nói ra dễ dàng và xổ toẹt vô trách nhiệm như bây giờ. Nhưng cái sự phi nhân tính đáng nói ở đây, là sau đó người ta âm thầm nhận một số ca "người quen" vào những cái giường ấy. Chả phải là bác sĩ thì ai cũng biết, giường hồi sức là mạng sống. Và đôi khi nó được phán quyết vì tiền, vì quan hệ chứ không phải chuyên môn. Hôm nay đi trực thấy cái bệnh phòng nát bét với đủ loại thở máy, sốc, hôn mê các kiểu, Nhưng trong đó tội nhất là một bạn mới đôi mươi, lupus sau đó suy hô hấp, bạch cầu về 0 mà phải thở máy phì phọp giữa bệnh phòng lưu - trong khi bệnh nhân xứng đáng có một giường cách ly, hoặc ít ra là một giường hồi sức tử tế. Đáng tiếc là điều đó đã bị từ chối với lý do 'hết giường". Và sau đó thì 2 ca "người quen" được nhận vào hồi sức, như thường lệ. Có những mạng sống, những cơ hội sống đã bị cướp đoạt bởi chính những người mồm luôn nói đạo đức như thế!


Mắt không thấy thì tim không đau. Chính những người bệnh đang ngoắc ngoải đó, và gia đình họ, không biết chuyện gì đang xảy ra. Điều đau lòng, chính là những người bác sĩ với lời nguyền hiểu biết, chứng kiến sự sống mình cố gắng chắt chiu, bị dẫm nát, nhạt toẹt.



Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Một cuộc hẹn mùa thu

 Mùa thu năm đó, nhìn bóng người quay đi, mình đã biết sẽ không phải 1 năm,

tới lúc nào 2 cái cây gặp nhau...


Hôm nay mình có 1 cuộc hẹn mùa thu.

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

Antifan

Từ lúc nào đó, có tin đồn rằng ở A9 có 1 bác sĩ rất độc ác, chuyên quát nạt mọi người. Đó là bác sĩ Dũng.

Ngày xửa ngày xưa, mình rất hiền. Không nói bậy bao giờ, rất ít chê bai người khác. Và rất nghe lời. 
Nhưng càng lớn lên mình càng thấy điều đó có vẻ không ổn. Một số người "hiền" vì yếu đuối thực sự, số khác thì là thảo mai. 
Mình thì quyết định phải hư 1 chút. Với cái tính nóng nảy thẳng thắn lại thêm tâm lý cầu toàn đến OCD như mình. việc mình phản ứng với cái gì đó chướng tai gai mắt là chuyện rất thường xuyên.

Mình có bộ mặt rất gợn đòn, và điệu cười đầy khinh bỉ sẵn sàng nở. Hồi đi học ôn đại học, nhìn cái mặt mình thì Thúy Răng đã phải thốt lên: "E ghét nó!". Sau này học chung nhiều, thân hơn thì bạn vẫn kể lại như một kỷ niệm vui. Hồi ở đại học, nhiều đứa đã sốc óc khi mình thường xuyên chê đứa nào đó là "ngu vl" - ở 1 cái trường mà đầu đứa nào cũng có sỏi. Không biết bao nhiêu bạn đã bị tổn thương bằng mấy lời cửa miệng đó.
Hồi nội trú, rồi ra trường, mình càng trưởng thành càng xây dựng tiêu chuẩn khắt khe. Không chỉ là chuyên môn, còn là thái độ. Hồi ở viện dã chiến 16, mình mắng xối xả ông vận chuyển từ quận 7 sang vì dám bàn giao BN bị tràn khí mà không mở màng phổi, cố bóp bóng sang, đến nơi Bn xém ngừng tim. Rồi vô số trận cãi nhau với các khoa khác có giường không nhận BN, rồi chửi các NT bàn giao kiểu: "Ca này không làm gì nữa, nằm kéo tua chờ".

Ở khoa, có 1 thời mình cãi nhau rất ác với bác sĩ học viên vì thái độ lửng lơ, cãi nhau với điều dưỡng vì lười. Nhưng dần dà, đặt mình vào hoàn cảnh của họ, mình không bao giờ nói nặng với điều dưỡng và bác sĩ học viên nữa. 
Với người nhà và BN, một thời cứ vài tuần là mình trực lại đi đôi co với người nhà. Nhưng càng trưởng thành, mình càng thấy điều đó không giải quyết được việc. Khi ai cũng nóng giận thì mâu thuẫn sẽ rắc rối hơn nhiều. Bây giờ, với những bệnh nhân và người nhà có ý kiến, mình sẽ cho sớm giảm đau/ đáp ứng nhu cầu của họ và nhanh chóng cho họ ra khỏi bệnh phòng - một cách đúng quy trình.
Nhưng riêng với nội trú hscc thì khác. Mấy đứa là hình ảnh của mình trong quá khứ: choáng ngợp, khó khăn, nghèo đói, nản lòng. Có những đứa chọn cách trốn tránh và làm theo ý mình. Có những đứa chịu nghe mắng mà tự gọt giũa hoàn thiện mình, về thái độ, về chuyên môn. Mắng chửi chúng nó chả vui vẻ gì. Lão Thạch sau cả chục năm mắng NT thì bảo: "Giờ t cứ khen chúng nó, sau chúng nó không ghét t. Sau đời sẽ vả cho chúng nó biết". Không phải lão thay đổi quan điểm, mà là lão biết có thế hệ "ác nhân" tiếp theo thay lão dạy các em rồi.

Nên với bọn NT, như con Phương trâu, thằng Như Bình, sai lè ra nhưng bị mắng thì bật lại, cãi lấy cãi để. Mình ok và lần sau mình tự làm. Việc ai nấy làm.
Có những đứa sẽ tiến bộ, nhưng vẫn chả thấy anh Dũng tốt đẹp gì. Thậm chí như con Phương LL thì vẫn ghi thù mình.
Có những đứa ghi thù mình, xong sau thấy cũng bình thường. Mình vui vì điều đó. Như con Lê, hôm qua mình mới biết có hôm nào đó mình đã mắng nó vô cớ khi nó lần đầu đi thường trú, sau đó nó ác cảm với A9 luôn.


Họp antifan 3/8. Em áo trắng là Hà Lan, 1 bạn SV Y4, ở Hà Lan. Em nó bảo mình có hơi hướng psychopath, kiểu đặc biệt. Mấy đứa này con Trang đã bị mình đuổi khỏi bệnh phòng không biết bao nhiêu lần. Con Lê thì ghi thù mình từ lần gặp đầu tiên ở A9. Con Thủy thì khóc ngập phòng học viên vì cả đời chưa bị ai mắng. Ngoài ra còn con Điệp- đứa bị trêu cho phát khóc rồi bỏ HSTC và thằng Hoàng bạn nó. 

Rồi thời gian sẽ qua đi, ai cũng sẽ trưởng thành. Mình cũng càng ngày càng thảo mai.

Chỉ là một hôm muốn note lại có những thời kỳ mình bị nhiều người "ghét" như vậy.

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022

Qua đêm trực nào trời cũng sáng

 Lâu rồi mệt mỏi nhiều. Việc không nhiều nhưng ngày càng lắm cạm bẫy và áp lực. Độ này mỗi đêm trực luôn là những đòn cân não, là đầy rẫy những cái hố chực chờ ai đó sa vào, người bệnh hoặc là chính mình.

Học viên mỏng, non. Điều dưỡng vừa ít vừa thiếu kinh nghiệm xử lý công việc. Trực hôm nào cũng đứng liên tục đến 2-3 giờ sáng. Sau đó luôn là lo lắng liệu BN có ổn không, có phốt gì không. Mình chả biết liệu còn nhiệt huyết này đến khi nào.

Dẫu biết rằng kể cả cứ kệ đấy thì qua đêm trực nào trời cũng sáng. Nhưng cái tâm mình bứt rứt chả thể ngủ được nếu những bệnh nhân bất ổn còn ngoài bệnh phòng. Giờ hiếm hoi lắm mới có tua có những đứa nội trú cứng có thể tạm tin cậy được.

Đêm qua là đêm nhiều lủng củng, gì cũng có. Đầu tua nhận bàn giao bệnh phòng tan nát. Những bệnh nhân nằm từ 10 giờ sáng không làm gì thêm quay ra thái độ. Mấy bệnh nhân thở máy nằm ì ra; bệnh nhân không có huyết áp, nổi vân tím đen mà người nhà chưa được giải thích. Rồi 1 ca HELLP/ covid "ổn lắm chả có gì" nhợt trắng, ngáp ngáp. Xét nghiệm về Hb có 37, khí máu toan lòi mắt pH 7.11, Lac 15, bụng chướng phềnh. Bệnh nhân vào từ 2 giờ chiều mà làm xét nghiệm rồi bỏ đấy, 3-4 tiếng trôi qua không nhận ra BN cận tử. Nội trú nội hoàn toàn không biết phải làm gì: không thể in xét nghiệm, in máu sai be bét, không nhân ra BN Fib chỉ có 0.4 để truyền Cryo. Từ 8 giờ tối, sau khi dọn dẹp cơ số bệnh phòng không covid, mình phi ra tự làm tự in xét nghiệm, ghi thủ thuật, giải thích gia đình ký tá các kiểu. Tim mạch thì liên tiếp đẩy bệnh nhân thở máy ra, giấy tờ thì không hỗ trợ. Sầm sập các kiểu đến 2 giờ sáng thì bệnh nhân mới can thiệp mạch xong, truyền được 1 đống máu, sẵn sàng vào lọc máu. Bệnh nhân sốc phản vệ nặng được chuyển đi Hoàng Mai. Anh em cơ bản bớt việc, canh bệnh phòng nhẹ nhàng thì phải tận 3 rưỡi. Nằm ngủ mà lơ mơ lúc nào cũng chực tỉnh.

Sáng ra, lãnh đạo bảo: Ca này chẩn đoán nhăng cuội, còn việc nó clear rồi cứ thế mà làm. Vì bệnh nhân không đến từ viện của vợ sếp!

Làm hồi sức dạy cho mình 2 điều: 1 là ồ ạt từ sớm sẽ dập tắt những lai rai về sau; 2 là điều dưỡng là nhân tố chính quyết định sự thành bại của điều trị. Dù bác sĩ là nhân tố then chốt, nhưng nếu bác sĩ không tích cực thì điều dưỡng nhìn vào cũng sẽ trễ nải. Hòn đá đỉnh vòm phải được cố kết bằng những hòn vòm phía dưới.

Hy vọng bệnh nhân này sớm thoát được vòng xoắn chảy máu-thở máy-nhiễm trùng-suy kiệt... như bệnh nhân "trọng điểm" phô diễn đang phải chịu đựng.

Buồn ngủ rồi. Lại gác cao gối mà ngủ sau trực, với sự an yên trong tấm lòng mình.