Nay ra trực, sáng Chủ nhật mưa mát, nằm vùi đầu trong gối nhìn ra cửa sổ mưa rơi.
Cỏ cây ướt lạnh.
Có 7749 thứ bác sĩ cấp cứu phải xoay sở và đối mặt trong tua trực. Chuyên môn kiểu kiến thức kỹ năng là một chuyện, làm mãi cũng quen, lớn dần sẽ thấy những việc ấy không lớn. Những điều phi chuyên môn mới lắm trò bất ngờ mà phức tạp: từ việc hàng ngày như phần mềm chậm, đồng nghiệp lười, hết giường hồi sức, tuyến dưới úp sọt... đến những việc đột xuất kiểu tai nạn hàng loạt, phạm nhân, hành hung gây gổ... Trong những thứ ấy, có 1 thứ phi chuyên môn rất đặc biệt, đó là người bệnh vô gia cư.
Đặc biệt vì những thứ khác dính đến cái gì đó xấu xa, nham hiểm cạm bẫy. Còn người bệnh vô gia cư thì luôn là tội nghiệp, cả bác sĩ và người bệnh đều bối rối.
Vài tuần trước, triage gọi mình ra giải quyết một ca rất "củ chuối", không rõ người bệnh muốn gì. Đó là một bà gầy nhẳng mồm vẩu, tuổi nom 40-50, được bê đến vì ngất và mệt. Tay mụ khư khư giữ cái thẻ bảo hiểm, nói lung tung không ra đầu ra đũa, chả hiểu muốn vào viện hay không, mà cũng không muốn đi về. Hiếu và Hồng Anh thuyết phục mãi vẫn không rõ ý, thì gọi "bác sĩ Dũng lãnh đạo phòng" ra. Bác sĩ Dũng đi ra nhận ra ngay bệnh nhân, chỉ cần thì thào vài câu với mụ, rồi lấy bệnh án ngồi viết 1 tí, chuyển mụ vào tim mạch êm ru trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Thật ra do mình biết câu chuyện của người đàn bà ấy, và hiểu họ cần gì. Đó là một cô gái chỉ hơn 30 tuổi, bị bệnh tim từ lúc thiếu niên nên không ai lấy, ở mãi với bố mẹ thì trở thành gánh nặng cho 2 cụ già, nên chị ta đi từ Phú Thọ xuống Hà Nội lang thang làm thuê tự kiếm sống những lúc cảm thấy khỏe. Một cô ở gần bến xe Nước Ngầm thương, cho chị ở nhờ, ngồi bán hàng cho cô, nuôi ăn ở. Nhưng độ này bệnh tim của chị có vẻ lại không ổn: suy tim tăng lên, và cái máy tạo nhịp đã chạy cả chục năm có lẽ sắp hết pin, thi thoảng ngừng chạy, thế là chị cứ vài hôm lại lăn ra ngất. Người xung quanh thấy chị ngất lại bế vào bệnh viện, nhưng cả người chị ta chỉ có 300 nghìn hôm trước người chủ cho giục đi khám. Thế nên lần nào đến viện chị ta cũng muốn đi khám, nhưng đến đoạn nộp tiền tạm ứng 3 triệu thì chị không biết làm sao. Chị sợ chị quay về, lại ngất hay có khi chết ở nhà cô chủ thì đen đủi cho bà; hay gọi về nhà xin tiền bố mẹ thì là gánh nặng cho 2 cụ già. Nhưng chị cũng sợ vào viện như lần trước rồi chỉ được hưởng 40%, nằm viện xong nợ hơn 2 triệu, ra viện đi làm bao nhiêu lâu vẫn không trả hết làm chị áy náy. Than ôi, có những con người hiểu chuyện đến đáng thương như vậy. Dù có chết nhưng cũng không dám mắc nợ ai.
Đêm trực hôm qua, có một ca co giật được bê từ ngoài đường vào từ chiều. Tua trực hội chẩn, làm biên bản các thứ. Bệnh nhân được chụp chiếu, xử trí bình thường. Nhưng ngặt một nỗi không cho ra viện được, vì lão không tỉnh, đến đêm lại có cơn co giật. Mà cũng không chuyển khoa ngay được, vì không thể xác định được nhân thân hay người nhà. Chỉ có một cái tên và năm sinh. Đến gần sáng tua trực ngoại nhờ chuyển sang khu lưu để giải quyết dần. Khám, hỏi bệnh một hồi, mình bất ngờ tìm thấy trong đám đồ linh tinh lão mang theo, ghi chú và một số điện thoại được viết nắn nót như trẻ con tập viết ở mặt sau một tờ pano bỏ đi, và 2 mảnh giấy thư tay viết trên những tờ giấy thừa ai đó bỏ đi, nhưng méo mó vì có lẽ đã được cắt đi những phần giấy người ta đã viết. Trên đó là một bức thư tay gửi cho bố mẹ, vợ và 2 con của lão, nói rằng vì trốn nợ mà lão phải bỏ đi lang thang. Còn mảnh kia là những cộng trừ có lẽ là số nợ đó: chỉ hơn 5 triệu! Mình chợt nhận ra sự túng quẫn đến cùng cực con người này phải chịu như thế nào. Số tiền mà có lẽ với phần đông mọi người là không lớn, nhưng đã thành gánh nặng thay đổi cả cuộc đời một con người, đẩy anh ta ra khỏi gia đình vì thấy mình không thể kiếm ra tiền, lại đem đến nợ nần cho vợ con, bố mẹ già.
Những con người này đôi khi nói dối, đôi khi che giấu cái nọ cái kia. Nhưng có một điều mình nhận ra người ta luôn cố gắng nói thật, khi còn có thể. Đó là câu trả lời khi được hỏi: "Nếu không may bệnh nặng mà chết ở đây, anh/ chị muốn đưa xác mình về đâu?". Người ta hiểu đấy là câu hỏi thực sự, vì đó không phải giả thiết, đó là khả năng cận kề. Người ta càng không muốn lại một lần nữa thân xác mình mắc nợ người khác, trở thành nỗi khó xử của ai đó. Mình thường viết địa chỉ ấy vào ngay phần hành chính, phần "Liên lạc của người thân". Đó là lúc trái tim mình luôn trùng xuống, vì nhận ra chỗ ấy không chỉ để ghi số điện thoại để gọi người nhà vào gặp. Nhắm mắt nhớ lại, đó còn có thể là đầu mối để thực hiện nguyện vọng cuối cùng của một con người trước khi từ giã còi đời này, như thời COVID-19. Bản thân mình cũng hiểu cảm giác đó, lý do mình luôn giữ khư khư hộ chiếu bên người sau tai nạn ô tô đầy may mắn khi ở Pháp.
Cơn mưa lạnh ngày Chủ nhật làm mình nằm cuộn tròn trong đống chăn. Thầm cảm ơn cuộc đời, vì hôm nay, ở đây, mình vẫn được sống, có sức khỏe, được làm việc, có những người yêu thương bên cạnh, có một nơi là "Nhà" để trở về, để được vỗ về giữa những mưa gió ngoài kia.