Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

27 tháng 2

Hôm nay là ngày thầy thuốc Việt Nam.
Trước tiên, xin cảm ơn những người thầy của tôi, những người đã khơi gợi trong tôi tình yêu nghề và lý tưởng nghề nghiệp cao đẹp. Các thầy là hình mẫu để chúng em noi theo trên con đường Y nghiệp. 
Xin cám ơn những người thầy đã, đang và sẽ trực tiếp dạy dỗ tôi, truyền thụ cho chúng tôi những hành trang đầu tiên về Y học. 
Xin cảm ơn các anh, những người anh đi trước luôn sẵn sàng giúp đỡ, dìu dắt những thế hệ sau, sẵn sàng cầm tay chỉ việc cho tôi, trong cái nghề mà sự học là cả đời và luôn là "thằng anh cầm tay dạy thằng em" này.
Xin cảm ơn những người bạn của tôi, những người thầy bằng tuổi, những đối thủ của tôi trên mỗi bước đi tiến tới trưởng thành. Các bạn là động lực đẩy tôi tiến lên vì cạnh tranh, cũng là những người thầy bậc nhất luôn sát bên tôi, cả về tri thức và phong cách.
Xin cảm ơn Tổ 26 của tôi, những người đã, đang, và sẽ chia sẻ với tôi những vất vả. Dù có những điều khó khăn hoặc hiểu lầm, mình tin rằng nếu mọi người muốn, thì chúng ta sẽ thực sự trở thành những người bạn, rồi những đồng nghiệp sướng khổ có nhau. Mong mọi người học tập tốt và sẽ trở thành những người thầy thuốc thực sự có Tâm và có Tầm!

Cảm ơn chị gái của em. Chị đã nhắc lại ngã rẽ mà em đã chọn, cái mà giờ thì em đã coi như một kỷ niệm đẹp của quá khứ. Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi gắm ở em, gia đình mình luôn là bến đỗ trên con đường chông gai em đã chọn.
Cảm ơn cô Huệ, thầy Thăng, những thầy cô giáo cũ của em đã nhớ tới người học trò này. Cảm ơn Chiêu, Riverine Train, Ngân mama, Tú O10 đã chúc mừng mình hôm nay.
Ừ, còn cảm ơn Nhok Răng và CTo đã đi ăn chung với mình trưa nay, bữa trưa cho 1 ngày đặc biệt. à, cả lời chúc của m nữa, Hải Tiền ạ =))

27.2, ngày thầy thuốc. Ngồi ngẫm về con đường mình đã đi và sẽ đi, Y nghiệp và Y đức. 6 năm là chặng đường dài với nhiều người, nhưng bản thân mình thấy nó chóng vánh quá. Quá nhiều thứ còn chưa được học trong 6 năm, và nỗ lực tự học và không ngừng học sẽ theo mình cả đời, tự nhiên như hít thở vậy! Nhưng đôi lúc nhìn lại, ngẫm về nền Y học đương thời không khỏi không đặt ra những câu hỏi tại sao, vì mình còn quá ít dấn thân vào cái guồng quay khổng lồ này. "Nền Y học các em đang theo đuổi là một nền Y học phản động!", ừ, thầy Lý sinh đã té gáo nước lạnh vào mình ngay từ hồi Y1 như thế. Lớn lên thấy thầy ngoài ngành, nhiều luận điểm thầy đưa ra không hẳn chính xác, nhưng mình cũng đã có sự nghi ngờ chính những việc mình làm, hoặc thoáng nghĩ rằng có ai đó như mình không, thấy sự cập rập, chắp vá của công việc mình làm, nhưng lực bất tòng tâm, hoặc không muốn thay đổi vì đã đánh đổi quá nhiều cho nó? Mình thấy thế này: Nền Y học hiện đại học nhiều nhưng kỳ thực còn quá sơ khai và cách làm việc thì không hơn nhiều những người thợ lao động chân tay. Nếu ví con người như 1 cái máy tính hiện đại và bác sĩ như anh thợ sửa máy, thì bây giờ anh thợ ấy chỉ biết nếu nó tắt màn hình, nó kêu e e ở đâu đó tức là nó hỏng, sau đó anh ta bổ nó ra bời tìm con tụ nào nổ thì cắt bỏ đi, hoặc anh thợ khác tiến bộ hơn thì thử chế ra những con tụ mới. Cái dài dòng chả qua là mở cái vỏ máy thế nào, cắt ghép kiểu gì hoặc bơm keo chỗ nọ chỗ kia thì cái máy hoạt động thế nào mà thôi! Theo mình đó là trường phái thực tế, nhưng sẽ không tiến xa được. Nó bị chê trách là cục bộ, khác với y học cổ truyền phương Đông dựa trên y lý phức tạp và mông lung nhưng vô căn cứ và khó tiếp cận. Mình không đọc nhiều về y khoa phương Đông, nhưng chắc chắn nó khó học hơn y học phương Tây và không duy lý bằng, nhưng nó khái quát và có tầm nhìn tổng thể hơn. Mình có quan tâm và mơ ước tới 1 nền Y học cao hơn, nơi con người làm chủ sức khỏe của mình ở mức nhiều hơn, và dễ hiểu hơn, như người ta làm chủ một cái máy tính, hiểu rõ cách nó chạy, dùng được nó vậy. Chả ai đánh thuế ước mơ. Mình đã từng đọc, và nếu có thời gian sẽ tìm hiểu thêm về Thần kinh-sự bất lực của y học Tây phương, nhưng lại là phần kỳ bí cho môn Châm cứu và bấm huyệt, có thể nó liên quan tới thần kinh thực vật hoặc gì đó tương tự mà con người chưa rõ. Rồi mình cũng nghi ngờ về sự truyền tin cơ học và cơ chế thần kinh đang được học, mình mơ hồ thấy nó quá giản đơn. Như kiểu 1 thằng bé cắt cái dây điện thì thấy cái bóng đèn tắt, nhưng không hiểu được cách đó xa xôi có 1 cái máy phát điện dựa vào hiện tượng cảm ứng điện từ. Có thể người ta chưa nắm rõ được những cơ chế kiểu như thế, hoặc về truyền dẫn thì có thể lắm, 1 kiểu truyền không dây, nắm giữ trạng thái con người, như Đông y hay coi là "khí", hay "chân khí" vậy. Còn nữa, mình có được nghe về thực dưỡng-1 trường phái hoàn toàn khác, đề cao ăn uống và sức mạnh tinh thần, nhưng mình thấy nó quá thần bí, và những người đi theo có vẻ có 1 cuộc sống xã hội hơi khác người 1 chút, nhưng có thời gian mình sẽ nghiên cứu. Thêm 1 cái, mình đã từng đọc về chuyện 1 loại thuốc có thể làm mọc lại được đầu ngón chi đã cắt cụt, báo lá cải thì nhiều, nhưng cũng không thể rõ được. Rõ ràng nếu 1 ngày, bạn bị tai nạn và có chi bị dập nát, chỉ cần cắt lọc và bôi thuốc, tới 1 thời gian thì mọi thứ lại như cũ, thật kỳ diệu! Nó kỳ diệu hơn bất cứ cái chân tay giả nào, hoặc 1 bộ phận giả dù cơ học hay sinh học. Ừ, chả ai đánh thuế ước mơ. Mình thấy cần tin vào thực tế, có thể nó khác với những thứ đã được học, nhưng nếu là thực tế thì phải tin. Đấy là chưa kể cái việc trong vô số thứ mình được học không biết có hoàn toàn đúng hết, như hồi mới vào y1 mình đã đọc được rằng lý thuyết lúc phôi thai người ta diễn lại cả quá trình tiến hóa từ cả thành người là 1 trò lừa đảo hơn trăm năm, vì chả ai đi xem lại cả. Thế đấy. Và những chuyện ly kỳ như mê tín lại có tác dụng thực tế, như chuyện Jenne tìm ra cách chủng đậu bò để làm vaccin kháng đậu mùa, tạo ra 1 trường phái y học hoàn toàn khác và cực kỳ hiệu quả. Vì vậy chỉ có thể tin vào thực tế.
Thôi nói chuyện xa vời, âu cũng là 1 cách note lại những gì mình nghĩ, dù có thể là bồng bột. Rồi có lúc có điều kiện, có khi mình lại biến được 1 trong số những điều kia thành sự thật thì sao?

Để kết thúc, quay lại với thực tại đang lẽo đẽo tại các bệnh viện, xin viết lại 4 câu thơ của Đồng Đức Bốn mà thầy Nguyễn Tiến Quyết-Giám đốc Bv Việt Đức đã đọc cho sinh viên sáng nay, mong rằng mình sẽ có được nhiều điều.
          Vào chùa
    Đang trưa ăn mày vào chùa
    Sư ra cho một lá bùa rồi đi
    Lá bùa chẳng biết làm gì
    Ăn mày đút túi lại đi ăn mày.
P/S: kể ra bài thơ rất hay và rất sâu, và mình thích cách nghĩ văn học hơn là cách suy luận của thầy. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét