Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Bà nội con.

Con yêu thương,
Cha viết cho con những dòng này vào một buổi chiều của tuổi hai mươi mốt. Một buổi chiều tháng 7 mưa lã chã rơi, gợi nên một nỗi buồn da diết. Không gian im ắng, cha ngồi đây, ông con ngồi ở nhà ngoài, và cô Vui của con đang soạn những bài giảng đầu tiên đầy mơ ước. Chỉ có tiếng mưa lách tách ngoài ô cửa sổ, lá cây ướt đẫm như non hơn, và thi thoảng rè rè tiếng máy cưa của nhà hàng xóm đơn điệu như nó vẫn vậy suốt bao năm nay.

Hôm nay cha muốn viết về bà nội con- người mẹ của cha. Con sẽ hỏi khi đó cha đâu biết con là ai. Đúng vậy, một buổi chiều như thế này, lòng cha bỗng bao hình ảnh của người mẹ yêu quý ùa về. Ba năm rồi. Người không còn ở bên cha nữa. 
Quá khứ và tương lai như những thước phim vụt trôi qua trong tâm trí của cha. Ba năm và một sự trống vắng. Vậy mà nhiều lúc cha cũng đã quên đi điều đó. Nhưng hôm nay nó lại ùa về. Đó là sự trống vắng mà đã bao lâu cha không chia sẻ với ai, một nỗi nhớ và nỗi buồn da diết mà không dám thể hiện, lắm lúc cả với ông con-cha của cha, và các cô của con-những người chị của cha. Tại sao ư? Cha không biết. 
Nhưng có lẽ cái tư tưởng mình phải mạnh mẽ đã đi theo cha từ hồi con bé. Những ngày ấu thơ, cha là người con trai-người đàn ông duy nhất trong gia đình những lúc ông đi trực đêm. Ừ, cái nghề bảo vệ của ông, cứ hai ba hôm lại một đêm không ở nhà. Cha con trở thành cái gì đó mạnh mẽ, để mẹ và các chị dựa dẫm về tinh thần. Nên cha không sợ tối, và không biết mấy tuổi cha đã biết đi khóa cổng và kiểm tra cửa ngõ khắp cả nhà trước khi đi ngủ. Bà ốm đau, nên cha căng mình lên cho thật mạnh mẽ. Cha là người mang thuốc cho bà uống mỗi tối. Và khi nằm xuống, với một nỗi lo sợ mơ hồ nhưng to lớn và dai dẳng, rằng một ngày kia sẽ mất bà, nhiều khi cha không dám ngủ mà thi thoảng mở mắt, dịch người nằm sát bà và lắng nghe hơi thở đều đều của Người khi ngủ. Suốt từ nhỏ tới tận lớp 10, cha vẫn ngủ cùng mẹ-bà của con.
Rồi những năm cha học cấp 3, bà con chuyển nặng hơn trước nhiều. Gần 20 năm, từ khi sinh cô Dịu của con, rồi lại sinh thêm cha, rồi tần tảo nuôi nấng 5 đứa con cùng với người chồng vất vả đi trực không có ngày lễ tết, bà của con vẫn đi bán rau mỗi sớm. Ừ con ạ, cha con đã lớn lên bởi những gánh rau của người mẹ và những ngày đêm trực mệt nhoài của người cha. Sáng sớm, từ 4 giờ, bà của con đã dậy, cùng với các cô của con, hái rau, bó, chỏa rồi xếp vào rổ đem bán. Tiền bán được không nhiều, may đủ được tiền mua thức ăn trong ngày; lại phải dậy sớm, lại chìa mặt ra chợ ông ơi bà ơi. Ừ. Nên nhiều lắm, những lúc cha coi khinh những rổ rau ấy, coi nó là một sự xấu hổ ghê gớm và không bao giờ kể cho bạn bè. Bây giờ, không còn cái gì của ngày xưa ấy nữa. Vườn vẫn còn nhưng ông nội con chỉ trồng khoai, và rau có trồng ra cũng chả ai đem bán. Những hình ảnh về những buổi chiều ngồi chẻ que bó rau, những sáng chỏa rau cho mẹ đem bán, rồi hình ảnh người mẹ với rổ rau đằng sau, đi chiếc xe đạp mini Nhật màu xanh, mỉm cười khi cha ra "đón cổng" ...sẽ mãi chẳng còn. 
Ừ, năm nào đấy, một buổi sáng như bao ngày, bà con bị tai biến ở chợ. Ừ, "thoáng gió". Và sau cái cơn "thoáng gió" ấy, mẹ bị liệt nửa người sau cả tháng nằm bệnh viện, và một lần ngừng tim tưởng như không qua khỏi, một chú nào đấy của cha thậm chí đã về mang cha sang trong làn nước mắt. Nhưng cha đã may mắn được ở bên Người thêm hơn một, hay hai năm, hay bao lâu nữa đó. Cha không nhớ, chỉ biết đó là khoảng thời gian mà cha thực sự biết tới sự mong manh. Mỗi giây phút, mỗi ngày, mỗi bữa cơm, mỗi buổi tối, mỗi giấc ngủ đều là quý giá và bữa cơm sau, tối hôm sau, hay đêm sau nữa, Người có thể không còn bên cha bất cứ lúc nào. Nhưng không hẳn vậy. Người có di chứng thần kinh thường thay đổi tính tình. Và rồi đối mặt với sự sống và cái chết rình rập, và hẳn nghĩ tới những tháng ngày những đứa con của Người không còn mẹ ở đâu đó nay mai, rồi đôi lúc tự trách bản thân mình là gánh nặng, rồi buồn cho ông nội con-"đã vất vả cả đời vì tôi, cảm ơn nhé. Có lẽ tôi nợ tới kiếp sau, nhưng tốt hơn kiếp sau đừng gặp tôi nữa. Mà sau khi tôi mất nhớ tìm người khác chăm cho ông nhé..."................Đó, những thứ đó đã làm bà nội con thay đổi hẳn. Ừ. và cha đã có thái độ vô lễ với bà - một-nỗi-ân-hận-to-lớn-mà-suốt-đời-cha-không-quên-được. Bà con không bảo gì cả, chỉ buồn vì người con yêu quý bao năm bỗng quay ra không còn như xưa nữa. Rồi chuyện đó trôi đi như chưa hề xảy ra, không biết có còn ai nhớ, nhưng nó mãi chẳng thế quên được trong tâm trí của cha.
Những ngày cuối cùng là những ngày êm đềm và vui vẻ nhất. Cha học lớp 12, mọi thứ khá ổn. Mỗi sáng cha đạp xe đi học, Người đứng ở thềm hiên, một tay chống gậy, người dựa vào chiếc cột một cách liêu xiêu yếu ớt, nhưng mỉm cười vẫy tay bảo cha đi học, và bảo trưa sẽ đợi cha về. Buổi chiều, những ngày không đi học, cha ở nhà với bà con. Rồi những buổi tối xem ti vi, những lúc nói chuyện vui đùa mà cha và hai cô của con gọi Người là "hắn", thân như chúng bạn. Những lúc tự dưng muốn nhảy vào lòng của Người, cong như con tôm cho mình thật nhỏ, để được gãi lưng và xoa đầu như lúc bé. Những buổi tối cha học bài khuya, ngồi trong phòng đọc sách, tiếng lạch cạch chiếc gậy phía sau cha, dừng lại rất lâu, rồi lại trở ra im lặng. Những tháng ngày ôn thi, không biết bao nhiêu đêm bà nội con đã im lặng ngắm nhìn đứa con của Người như thế.
Một buổi sáng, bà nội con ngã ra bất tỉnh lúc chuẩn bị đánh răng, rồi tỉnh lại như không có chuyện gì xảy ra. Mọi người đều sợ và cảm thấy sự chẳng lành. Bà cũng sợ, cha thấy nó trong mắt của người. Nhưng bà nhất định không đi viện và chần chừ tới "hôm sau". Sáng hôm sau, cha, ông nội con và bà nội, ăn một bữa sáng với cơm và một ít thịt kho. Đang ăn thì bà Hai vào cho hẳn một quả tim để bồi bổ. Mọi người đều cười, bà con cũng cười. Sáng hôm ấy, bà vẫn cầm gậy và đứng bên cái cột, bảo cha đi học đi và hẹn buổi trưa Người sẽ đợi cha về.
Nhưng Người đã không giữ lời hứa đó................

Ừ, ba năm rồi. Ba năm rồi cha mới dám ngồi viết những dòng này, mới dám quay lại nhìn quá khứ. Có lẽ con không tin đâu, rằng cha đã khóc nhiều lắm khi viết những dòng này đấy.
Hm. Bây giờ cha sẽ trả lời cho con-người chưa tồn tại trên đời. Nhưng con biết không, con sẽ là người con mà cha yêu thương hết mực. Và một ngày, nếu con hỏi đã có ai yêu cha như cha yêu con, cha sẽ cho con đọc những dòng này. Và giới thiệu cho con con người vĩ đại ấy-Người Mẹ yêu quý của cha!
Hôn con.

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Tháng Bảy

Tháng Bảy chả có ý nghĩa quái gì trong đầu mình cả.
Trước giờ, tháng Bảy trôi đi nhạt toẹt không thi vị. Chao ôi là nắng nôi, là bão táp, là ở nhà chán èo, mà thật ra là hụt hẫng sau cả năm học nhảy tưng tưng, rồi cuối tháng lại tiêng tiếc rằng hè đã trôi đâu mất. Nói chung là nhiều vô kể những xúc cảm chả có gì là hay ho và hấp dẫn. 
Kể ra, nhớ năm xưa bé có chạy tưng tửng đi thả diều hoặc câu cá, nắng chầy chầy, cũng vui phết. Rồi các thời đại đi sinh hoạt hè võ vẽ, rồi chạy bộ buổi sáng, đá bóng các loại.. Lại gần hơn thì có cái tháng Bảy của mùa thi, của cái ngày 10 tháng Bảy "xong rồi nói hết", thế mà nó trôi qua nhạt toẹt. Ngoài ra thêm hai mùa hè đi tiếp sức mùa thi, cũng vui gớm. Ăn chung ở chung, hát hò đam mê. Nhưng nhớ tới cái mặt cậu trai "bất hợp pháp" ở Giáp Bát năm xưa, cùng cái câu chuyện bi hài về sinh viên tình nguyện đi Tiếp sức mùa thi, phải tranh nhau để xách cái bao tải hay cái lồng gà cho bà nhà quê nào đấy, hoặc mướt mồ hôi không tìm thấy em sĩ tử nào vụng dại ngây thơ để chỉ đường cho, đành lôi máy ảnh ra tự sướng, hoặc dàn dựng vài trò nhạt nhẽo và giả tạo. Xong lại lưu lại, bảo ý là truyền thống thế nọ kia, chẹp. Thế nên cái vui vẻ đi với Đội tự nhiên thấy không trọn vẹn. Gì cũng thế, ta đến với nhau, vì cái lý tưởng giúp người khác.  Hm.Nhưng tới lúc chợt nhận ra ta như người thừa, "có cô thì chợ vẫn đông", rồi việc mình làm chả qua là người nọ làm cho người kia sướng mà thôi, tự nhiên thấy cái sợi dây nối mình lại với anh em như mờ quá, như vô nghĩa quá. Cái làm mình nhớ và thấy tội lỗi nhất là lần phân vân với cậu người Cao Bằng. Một cậu dân tộc đi dép tổ ong một mình lên Hà Nội, thi An ninh thì phải, ở trường Quang Trung chỗ Hà Đông, nhưng xuống nhầm Xã Đàn vì có cái trường tên y như thế. Mình phát hiện ra điều đấy, nhìn cậu ta mà muồn chở luôn cậu ta tới chỗ Nguyễn Trãi, nhưng lại bận đi cùng đứa nào đấy đi xem chốt thi, thế là đành hướng dẫn cậu ta đi buýt. Đấy là cái tâm trạng không biết mình đã không làm cái gì để làm cái gì, mà không biết như thế có đáng không, có giúp được nhiều người hơn không hay kỳ thực chỉ là nguyên tắc? Ờ, báo chí tung hô như một thói quen đã nhàm, không thấy cái sự thật ấy, lại càng góp phần thổi to hơn cái bong bóng ảo tưởng, màu mè và lung linh hết thế hệ này tới thế hệ khác.
Roài, đấy là những năm xưa.
Mà thật ra là còn vụ nữa, có cái tháng Bảy có ngày thi mà mình là giám thị đại học, nghe cũng vui và oai gớm!
Tháng Bảy này đến trong vội vàng. Vội vì nhiều thứ, dù toàn điều vớ vẩn.
Tháng Sáu trôi đi không mộng mị, với những khúc rõ ràng như một cái chân giò thít lại đem đi luộc, mỗi cái khúc đấy luôn kết thúc bằng một ngày thi, sau một tuần ác mộng nằm ngồi ăn ngủ với thi. Ngẫm lại thấy vội, vì cái lúc thi xong môn gì đấy tháng Năm, hờ, hình như là Giáo dục sức khỏe, có nói tới chỉ còn một tháng để thi Lâm sàng và ba cái chạc: Đường lối, Nội và Dược lý. Đấy, chả biết thế quái nào mà mình đã qua được cái giai đoạn bão táp ấy. Hờ, "như cơn mưa ngang qua, không xúc cảm"-như cái status nào đó của con Huyền. Ngoài ra thì mình đã giã từ tên đệ tử sớm hơn dự định, đáng lẽ mình dạy nó thêm vài cái nữa; nhưng tại nó nghỉ lắm, mà mình cũng nghỉ lắm nên thôi học cho khỏe, mà tới tháng Sáu thì tự học là phải rồi. Mấy hôm nữa thi, coi như là có thêm một lời chúc dành tới nó. Ừ, lại quên chuyện học, còn thi Lâm sàng nữa, học lốp cha lốp chốp, thi vừa may vừa không may, nói chung qua ở cái mức trung trung, nghe bảo được 8, chả biết nên vui hay nên buồn. Nội như thế là cao, nên cũng chả buồn như hồi ảo tưởng ở Việt Đức, hoặc cũng đã chai dần với lâm sàng, hoặc đã nhạt bớt độ máu me hiếu chiến lắm rồi.
Hừm, tháng Bảy này không có diều quạ cá mú gì, chả biết có bóng bánh chạy nhảy gì không, Đội thì đã trôi xa tự bao giờ, còn trông thi thì chắc là không nốt. Giá có cái bể cá hay cây hoa hoét gì mà trông nom cũng thấy mình có lúc nhàn rỗi nhỉ?
Mà trời nắng quá. Bạn bè về quê hết. Mấy đứa ở làng cũng im im. Chả lẽ tưng tưng cả năm tới nghỉ hè lại ngồi nhà đọc truyện và xem phim cho hết ngày hết buổi? Đấy là còn chưa kể cái tuần chỉ ăn với đi trực, cái nợ với Giải phẫu bệnh cần trả, rồi còn kế hoạch học photoshop, lời hứa đi Việt Đức, dã tâm thi B2. Ôi mình cũng chả biết là mình bận hay mình rảnh nữa.
Ngày xưa bé thấy lớn lên học Đại học nghỉ hè sướng thế. Lúc trong năm học, sáng nào cũng mở mắt 6h để tới viện, rồi lúc thi u hết cả sọ, mong bao nhiêu tới lúc nghỉ hè. Thế rồi bây giờ thì thấy như hụt hơi, sướng quá tự nhiên thấy bàng hoàng? 
Không sung sướng, không khổ đau, cái này là điều đáng sợ. Có lẽ ta không còn nhạy cảm và vui niềm vui của con trẻ nữa. Hoặc cũng có lẽ bóng ma GPB vẫn che mất trời xanh. Hoặc cái sự đơ ra sau khi nhiều chất dẫn truyền thần kinh đã cạn kiệt sau cả tháng bị huy động tối đa. Hoặc mình sắp hâm và lẩm cẩm thật, hehe.
Bây giờ, ngồi vơ vẩn. Thấy cái trò đọc văn chương, thi thoảng đọc thơ hoặc xem lại những câu chuyện cũ rích lại là một niềm an ủi. Đôi khi thích mơ tưởng về quá khứ, hoặc về tương lai cũng đem lại nhiều serotonin đáng kể. Ví dụ bây giờ niềm vui là đọc thơ, những bài kiểu như "Đất nước", "Lời chào" của Nguyễn Khoa Điềm, hoặc ngâm nga vài câu "Sương và nắng" của Puskin. Hoặc mò mấy phim hoạt hình cũ rích của Ghibli ra xem. Hoặc ngồi phác thảo lên một cái đĩa bay kiểu quadrotor hay hexarotor để lúc nào giàu giàu mình làm rồi đem đi lượn. Hoặc cái kế hoạch tuổi già, xây một cái nhà có cái kính viễn vọng và cái chong chóng trên nóc, ném nó lên đỉnh một cái đồi lè tè nhiều gió. Xong rồi sẽ xây ao và đắp vài cái rãnh để thả cá quanh nhà, rồi ngày ngày sẽ làm ở cánh đồng trồng hoa hoét toe toét gì đó khắp chân đồi. Chiều về nằm phơi nắng đọc sách, viết blog hoặc hì hụi chế ra cái khỉ gì đấy. Hoặc sẽ ngồi vịnh chuyện đời với cô con gái, ngồi kể lại chuyện thời "chúng mình thích nhau" với người bạn đời. Và hay ho hơn, độ này mình mới nghĩ ra, là thi thoảng sẽ lượn lờ trên trời bằng cái đĩa bay kia, hoặc một quả khí cầu lòe loẹt có gắn chong chóng. Ngoài ra mình sẽ nuôi chó và nuôi mèo, những con chó và con mèo "anh hùng", tức là thông minh, tốt tính và cương trực. Còn gì nữa không nhỉ? Có thể lúc đấy mình sẽ ném hết đống bằng cấp và danh tước lên một cái tường, thi thoảng chỉ trỏ cho con cháu, như bây giờ mình vẫn chỉ trỏ mấy cái giải thưởng linh tinh, cái vòng nguyệt quế treo trước mặt mình, ngay trên cái bàn học này. Chao ôi, những cái đấy đâu có làm cho ta vui sướng hoặc tự hào, chả qua nó là cái mặt nạ để thiên hạ nể nang ta. Và rồi, mình sẽ là một "ông bác sĩ già ở trên đồi", ngày ngày nghe gió rì rào. (ôi viết tới chỗ này lại nhớ tới hai cây phong của Aimatov). Mình cũng mơ tới cái ngày đó, khi mà mọi người thật vui vẻ mà sống, thiên nhiên trong lành, xã hội công bằng và sẵn sàng trả giá cho ai dám làm, và con người sống thiết tha gần gũi, như những trang văn mình luôn ấp ủ. Ôi a, mình sắp viết được cả cái "xã hội cộng sản" của mình rồi!
Ôi tháng Bảy, hôm nay mới là ngày Một. Còn cả một tháng đang chờ ta sắp xếp và quyết định cho mình. Mong là nó thực sự là những tháng ngày hè mình không hối tiếc.
Ôi những ngày nóng, những ngày hè của tuổi 21!