Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Nụ cười

Cậu con trai tiến lại gần, môi mím chặt. Mắt cậu chăm chú rò từng biểu hiện trên khuôn mặt bác sĩ, hỏi: "Liệu có cơ hội sống nào cho mẹ em không?"

-----------*------------

Mụ gầy nhẳng như một con mèo đói. Mà mụ đói thật. Ba mươi chín tuổi đầu có hơn ba chục cân. Mặt mụ nhàu như một tờ báo vo nát. Cái chỗ là hai hố mắt của mụ trũng xuống thâm sì rồi lại lồi lên một con mắt lơ láo sợ sệt. Ánh mắt mụ chầm chậm nhìn lên thứ vẹo gì đó trên trần nhà. Nhưng ánh nhìn của mụ đột ngột bị cắt đứt vì một tràng nôn. Mụ ọe. Ọe. ọe. ọe. ọe. Ọe...Nhưng cái gì còn trong bụng  thì mụ đã nôn tất tật từ chiều rồi. Giá thử lòng gan mà nôn ra được thì mụ cũng khạc cả ra, bây giờ chúng nó làm mụ đau đớn quá.
Hết tràng nôn, mụ lại nằm vật ra. Mụ cong cái môi lên, rồi gắng nuốt một miếng nước bọt. Chỉ mỗi nuốt nước bọt thôi đã là một cực hình. Từng mảng trong miệng mụ lở ra, chỉ chực chờ bãi nước bọt đi qua để cấu cho mụ một cơn đau. Miếng nước bọt như cục than đang cháy đỏ, đi đến đâu là cái đau xé cổ đi theo đến đấy. 
Xong, mụ nằm thở. Mụ kéo hết cả cơ lồng ngực để hít lấy hít để không khí. Mụ thấy cái đau, cái nóng cứ rần rần trong bụng, trong ngực mụ. Mụ thấy từng tí từng tí một, cái nóng, cái đau cứ thấm vào sâu hơn, lan ra đến từng đầu ngón tay ngón chân mụ. Mệt quá, nóng quá. Chắc mụ sắp cháy phừng lên rồi. Chắc mụ sắp chết rồi.

----------*------------

Mụ sắp quẳng đi được cái cuộc đời đen như chó mực này rồi. Mụ nhớ lại cái hồi bé tí đói khát lê la lem luốc cả đàn chị em nhà mụ đi bắt cua đi mót lúa. Rồi cái ngày khốn nạn mụ bị bắt sang Trung Quốc, cái mặt con mẹ mìn, ánh mắt đê tiện của thằng người Tàu. Chắc là sau khi chết mụ sẽ bay đi như trong phim Tàu mụ xem hồi bé, đi tìm từng đứa bóp le lưỡi cho bõ ghét. Ờ mụ cũng sẽ bóp le lưỡi lão chồng mụ - thằng cha nát rượu đánh mụ như một con chó trong mỗi cơn say. Mụ nhớ cái háo hức, cái hy vọng trong cái đêm thức trắng băng rừng trốn về từ Trung Quốc. Nhưng đời không phong mụ làm anh hùng. Đời ném cho mụ những cái nhìn dè dặt. "Chả ma nào thèm ngó đến một con bị bắt sang Trung Quốc!"- lão chồng mụ vẫn gào lên như thế trong mỗi cơn say, như là một ân huệ lớn lao mà lão dành cho mụ. Xong, hắn đánh mụ như đánh một con chó.
Thôi, giờ lão cũng mọt xương trong tù rồi. Chỉ tội cho ông cụ hôm đó cố cứu mụ.

Lòng mụ trầm xuống. Mụ tự nhiên thấy một nỗi nhớ thương và niềm hạnh phúc len lỏi trong tâm trí mụ. Mụ nhớ về những ngày bình yên. 
Mụ ứa nước mắt nhớ lại khi thấy thằng Cò sáu, bảy tuổi đầu mới được bữa no đầu tiên trong cái ngày tiền bán ốc hến mụ mò được không phải đem đi mua rượu. Mụ nhớ vẻ mặt con Mận sướng run lên, liếm mãi que kem đầu tiên nó được ăn hôm mụ mua được mớ đồng nát hời.
Ôi! Mụ mà chết thì mụ sẽ nhớ thương chúng nó lắm. Nhưng mụ phải chết thôi. Mụ yếu quá rồi. Mấy năm nay mụ cũng chả đi đâu được nữa. Cái lán giột nửa năm rồi mụ cũng chả với lên lợp lại được. Cái chân mụ đi ra bãi sông đã run lên. Mụ chả lội xuống nước được, nước sông độ này lên lớn quá. Mụ đói quá, nhưng chả lẽ cứ cắp rá mãi đi xin. Hôm trước trời run rủi thế nào mụ nhặt được nửa lọ thuốc diệt cỏ. Thế là mụ đi xin thêm một gói thuốc trừ sâu.

Chiều nay nắng to. Mụ ngồi trong lán nhìn ra bãi sông. Mụ tính kỹ rồi, con Mận đi xâu hạt đến chiều mới về. Còn thằng Cò đi làm thuê ở Hà Nội. Mụ không thể ngày ngày cứ nằm đây ăn vào mấy chục nghìn chúng nó kiếm được. Mụ còn hai trăm nghìn để dưới gối, mụ sẽ để cho chúng nó.

---------*----------

Cậu con trai khóc nấc lên, tay ôm lấy khuôn mặt giàn giụa nước mắt, đôi vai cậu run lên bần bật. 
- Em cứ khóc đi, nhưng đừng quá trách bản thân. Em cũng muốn, các anh cũng muốn, nhưng đến nước này rồi thì hãy chọn điều tốt nhất cho tất cả mọi người. Mẹ em sẽ rất tỉnh táo, mẹ sẽ còn là của em trong một vài hôm.
Mụ nằm trên cáng, lắng tai nghe bác sĩ nói. Lòng mụ như giãn ra, cái đau biến mất trong giây lát. Thế là mụ đã thành công. 
Trên môi mụ khẽ nở một mụ cười.


Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Thiên nga

Chuyện đi học nội trú làm mình liên tưởng đến chuyện Bầy chim thiên nga.
Tối tối, mình phi về nhà. Sáng sớm khi mặt trời vừa lên lại nhảy lên xe ra đi. Nhìn thấy bình minh hay hoàng hôn trên quê hương hiếm hoi đến nỗi mỗi lần có dịp, lòng mình lại rộn lên một ít xúc động.
Giống hoàng tử nhỉ?
Cũng giống cô công chúa luôn tay đan sợi tầm ma. Lúc nào mình cũng vẩn vơ việc nọ việc kia không bao giờ hết. Chả biết đến lúc nào tung được cái lũ áo tầm ma vô hình này lên giời mà gào hét tự do cả!

Hôm qua chat với người yêu. Câu hỏi đã được nghe 100 lần, từ 100 người: "Sao đi xa về khuya m không ngủ lại viện?" Mình vẫn luôn cười xòa: "Thôi đi về có nửa tiếng, nửa tiếng ấy ở viện cũng giặt quần áo. Đi về có máy đỡ phải giặt".
Hồi bé, y2, mình cũng ở ký túc. Nhưng được một dạo thì suốt ngày chuồn về. Đến y3 thì lại đi đi về về. Giờ nội trú, có chỗ trong ký túc viện, nhưng cứ hở ra là về.
Nhà là nơi mọi nỗi buồn và áp lực ở lại sau cánh cổng màu xanh. Ở nhà, mình có thể nằm lim dim tựa đầu vào chiếc ghế xoay, duỗi chân tận hưởng một sáng thứ bảy. Có trời trong vắt. Có gió. Có nắng. Có chim hót líu lo. Chờ bố đi chợ về. Tha hồ ngủ nướng. Trèo lên cây tìm cẩm cù gật gù xem nó uốn éo và nghía xem có cái lá nào mới ra chưa. Ở đây, sự thanh thản từ từ làm đầy ắp một tâm hồn đang nứt nẻ vì căng thẳng.
Nhà là nơi có bố. Lần nào đi về ông cụ cũng ngủ rồi, vì đã hết chương trình ti vi. Nhưng vừa chống chân chống xe ông cụ sẽ lại hỏi: "Về muộn thế cậu?". Sau đó ông cụ sẽ chép miệng than vãn một chuyện gì đó trong ngày. Kiểu: "Hôm nay tao mua thịt vịt ngon thế mà dì Dịu không ăn, đi luộc trứng. Đấy khó chiều thế". Xong, ông cụ lại ngủ tiếp. Nhà có ba bố con. Thi thoảng bà chị ế với ông cụ nói ba câu lại găng lên. Ông cụ không nói thêm, chỉ chép chẹp xong đợi mình về, kiểu gì cũng kể lại. 
Đã từ lâu rồi, mình là người lắng nghe mọi thứ ông cụ kể. Việc trong nhà thì mình cũng lựa ông cụ thích làm gì thì để ông làm, sau đó lại nghe ông cụ ngồi than vãn "bằng này tuổi đầu rồi". Ông cụ rất thích đi chợ, thích nấu cơm nhưng ghét rửa bát, thích làm vườn nhưng ghét dọn nhà, thích cho chó ăn, thích cắt cây. Mình làm một chốc là hết, nhưng mình vẫn để ông cụ làm. Mình mua cả cưa về cho ông cụ, dù biết một ngày nào ông cụ sẽ lấy cái cưa đấy đi cưa cây gì đó của mình như 100 cái cây lăng nhăng của mình bị ăn cuốc với bị vùi lấp các loại bấy lâu. Mình biết tỏng, ông cụ là người chăm chỉ, ông cụ thích làm việc, nhưng ông cụ cũng thích người khác ghi nhận. Ông cụ nấu cơm xong đến bữa cơm ông cụ bảo: "Đấy hơn sáu mươi tuổi đầu mà tao vẫn phải ở nhà đi chợ nấu cơm". Bà chị mình thì bắt đầu: "Bố không đi chợ thì thôi để con đi, mà bọn con cũng có đi chơi đâu...". Còn mình thì biết tỏng mai mà không cho ông cụ đi chợ kiểu gì ông cụ cũng buồn.
Đêm, nằm lăn ra ngủ cạnh bố. Mùa đông, ông cụ bảo: "Thôi mày đắp chăn riêng đi, chăn cậu hôi lắm". Thế là tha hồ rúc trong cái chăn len tới tận mùa hè. 
Đêm. Gần 1 giờ sáng mới mò về. Nồi cơm vẫn sáng đèn ủ. Vòi nước tắm vẫn tuôn ấm áp. Ông cụ thì vẫn ngủ. Dù không gọi điện, không nhắn tin vì ông cụ chả bao giờ cầm điện thoại.
Đó là những hạnh phúc nhỏ nhoi mình luôn trân trọng.

Mình và bố. Hai người đàn ông. Mở miệng nói một câu yêu thương thật ngại ngùng. Mình biết, với ông cụ, mình là niềm vui, là lẽ sống. Còn với mình, chăm lo cho ông cụ tử tế luôn là đích đến để mình phấn đấu.