Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Nhớ

Viết lách một tẹo trước khi đi ngủ.
Cho một đêm tĩnh lặng và yên bình. Ánh trăng sáng vằng vặc bên cửa sổ. Ở một xứ sở xa xôi.
Tự nhiên muốn viết lách một tẹo. Về những nỗi nhớ.

Hôm nay nghỉ Giáng sinh ở nhà. Trời nắng đẹp, chưa bao giờ nắng đẹp thế từ khi mình đến đất nước này. Tận hưởng một ngày nghỉ ở nhà, chăm sóc bản thân, đọc một tẹo, viết lách, nhắn nhủ với chị và với Chim. Tối nấu một bữa khá no, ngồi xem TV và tán dóc tới tận 10 giờ với các bạn cùng ký túc.
Mình vẫn thích thế. Những ngày nghỉ yên ả, không bon chen.

Nhiều thời gian, mình vơ vẩn những nỗi  nhớ mà khi bận bịu không có được. Như một người già một chiều thảnh thơi ngồi lau lại những tấm ảnh cũ.

Nhớ nhà. Mình vẫn tìm những bận tâm vụn vặt, hỏi việc nọ việc kia. Chả phải mình lo lắng hay bao đồng gì việc xây nhà của bố. Mình hỏi thăm cho bớt nhớ, cho có chuyện để hỏi, chứ việc gì cần quyết mình vẫn để ông cụ lo cả, muốn cũng chả lo được. Chỉ mong mọi người đều bình yên, thế là vui rồi. Hơi bận lòng một tẹo, vì chuyển 1000 từ tối hôm qua mà giờ chưa đổi ra tiền Việt được, chắc tại nghỉ lễ.

Nhớ Chim. Nhớ lắm, lo nhiều nữa. Những việc bộn bề không tên. Nhớ những lúc hai đứa bên nhau. Lo cho việc nọ việc kia sắp tới. Nhưng có những lúc chả muốn lo gì cả. Chỉ muốn quẳng hết đi, hai đứa ôm nhau vào lòng ngủ một giấc. Hôm nay Chim ốm, vừa ra trực nữa. Nhìn người ta đi chơi với nhau mà lòng buồn vô hạn. Giáng sinh năm nào chúng mình sẽ tỉnh dậy đòi quà, rồi lôi nhau đi chơi đây? Hôm nay bảo em ngủ đi cho đỡ ốm, nhưng rồi bất giác lại nhắn "A thì nhớ m é"...

Nhớ nghề. Hai tháng rồi không phải trực. Ở đây hệ thống tốt, cấp cứu không quá nhiều việc, bệnh nhân nhiều bệnh chứ không nặng. Là "không có hẹn trước" chứ không hẳn là "cấp cứu". Đọc tin của các bạn, lại nôn nao những ngày xưa. Vui một tẹo, cũng chạnh lòng một tẹo, khi thằng em chuyên "đẻ trứng" đã chọc được dịch màng tim; cô bạn vụng về hay quên thì lên báo kể về những nhọc nhằn thời nội trú. Những giọt nước mắt ngày xưa ùa về trong tâm trí, vì vui cũng có, buồn cũng có. Nặng trĩu lòng khi tiễn người đàn bà bất hạnh cả cuộc đời, tự tìm lối giải thoát bằng thuốc cỏ như cuộc đời lão Hạc. Nỗi day dứt đến tận giờ khi nhìn mái đầu bạc trắng qua từng ngày của cậu sinh viên trường Xây dựng mang bố về sau đợt ECMO thất bại, mang gánh nợ nần trên đôi vai hai đứa trẻ mới lớn dậy. Sự nuối tiếc cùng cực khi phải chứng kiến cô gái 19 tuổi đuối nước rồi ARDS ra đi chỉ sau một đêm. Có lẽ, mới sáng hôm trước, cô gái ấy vẫn "cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy..." Và cả niềm vui nhỏ nhoi, một nụ cười thầm lặng khi đọc được một mẩu tin ngắn trên fb khoe BN ARDS đã tỉnh táo và chuẩn bị bỏ máy thở, chấm dứt băn khoăn bấy lâu về dư hậu của cơn ngừng tim ngắn lúc 5 giờ sáng - một kết cục đẹp cho một câu chuyện diệu kỳ và may mắn, mà mình tự hào có một phần trong đó, một đêm trắng ngồi canh, và có lẽ cả cầu nguyện nữa. Một thành công nho nhỏ, xoa dịu nỗi ám ảnh lúc hừng đông của NT hồi sức.

Thôi đi ngủ đã. Ngày mai có gió ngày mai thổi!


Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

Cuối tuần đầu tiên ở Pháp

Bầu trời cuối thu vùng Normandie cao vút, lãng đãng những vệt mây trắng mỏng. Những triền đồi thấp vàng úa trải dài mãi chân trời. Chút nắng cuối thu lấp lánh mặt nước sông Seine, thêm chút sinh động cho một chiều thứ Bảy vùng quê.

Mình đang trên tàu đi đến Le Havre chơi - chuyến đi chơi cuối tuần đầu tiên sau khi đặt chân tới đất Pháp. Một cuối tuần thư giãn sau tuần đầu tiên không bận bịu nhưng nhiều căng thẳng lúc mới đầu. Kể ra, một mình mình xoay xở như vậy cũng có thể coi là tạm ổn.
Ở đây, phần lớn là những thung lũng thấp, những cánh đồng ngút ngàn tận chân trời, thi thoảng là một thị trấn nhỏ nhỏ cổ kính. Mọi thứ đều như trong một bức tranh nào đó. Đẹp đến nao lòng. Mình vẫn chưa quen với nhịp sống ở đây. Mọi thứ đều êm êm bình lặng. Lâu lắm rồi, mình mới lại nghe tiếng nước chảy róc rách chảy trong con mương trong xanh dưới hàng cây cổ thụ. Cũng lâu rồi mình mới lại được nghe tiếng chim hót mỗi sáng, tiếng bồ câu gù trên những mái nhà. Và ở đây, mình có thể phóng tầm mắt bao la tận hưởng những chân trời tít tắp, thoả trí tưởng tưởng lang thang trên những cánh đồng.

Đúng là đi để trưởng thành hơn, để biết ước mơ hơn, cho quê hương, đất nước của mình.

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Viết trên một chuyến đi xa

Chuyến đi đã được dự định và mong chờ từ rất lâu. Đó là từ những tháng ngày mới bước chân vào trường đại học, quyết định học tiếng Pháp, những tháng ngày lẽo đẽo đi học đi thi, rồi bảo vệ khoá luận tiếng Pháp. Không biết bao nhiêu mồ hôi đã rơi, và bao nhiêu lần mệt mỏi muốn từ bỏ, và cũng biết bao ước mơ ngày một lớn dần.
Ngày vào trường y, hạ 2 mục tiêu lớn: phải đỗ Nội trú và đi Pháp. Đầu năm chia việc: năm nay bố lo xây nhà, con lo bảo vệ xong Thạc sĩ và đi Pháp. Cho đến giờ, có thể coi như các muc tiêu đều dần xong cả. Một năm đầy ắp những mục tiêu lớn được hoàn thành. Nhưng Tết này cũng sẽ là Tết đầu tiên không về nhà.
Hồ sơ cũng chuẩn bị cả năm. Công việc cũng sắp xếp dần. Nhưng mãi có khoảng trống mà mãi chả bao giờ sắp xếp được. Ngày bảo vệ xong, đầu óc giãn ra. Cứ tối đến về nhà ăn cơm rồi lăn ra ngủ. Ngày ngày đi làm yên ả như vậy. Đã nhiều lúc nghĩ hay cứ kệ đời, mình ở nhà với bố, với Chim.
Hôm nay, tạm biệt mọi người bước vào khu lên máy bay. Mọi người bật khóc, mình cũng khóc, chỉ là vội giâú đi rồi bước vội vào trong. Đến lúc đi, mình mới thấy chỗ trống mình để lại lớn đến thế nào. Và cũng thấy chỗ trống trong tim mình lớn thế nào.
Đã hoàn thành nhiều thứ, nhưng cũng bỏ lại bao thứ dang dở để đi. Hẹn 1 năm nữa trở về sẽ vẹn tròn nhiều thứ.
Hôm nay, hoa cẩm cù bừng nở.

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Những tuổi trẻ vụt mất...

Là người bác sĩ, có lẽ sẽ chẳng bao giờ mình quên được những chàng trai cô gái ấy - những con người đã vụt mất đi tuổi trẻ, mất đi cả cuộc đời... trước mắt mình - như một định mệnh.

Hôm qua là một đêm trực dài và nhiều cảm xúc. Đã lâu lắm rồi mình mới phải thức trắng đêm như vậy. Kết thúc tua trực, mệt, buồn ngủ, đói rã rời. 
Và cái cảm giác, không phải phiêu phiêu uể oải, không phải cảm giác thất vọng hay hối tiếc như mọi khi. Sáng giao ban là cả một tâm trạng thấp thỏm. 
Sau buổi trực, mình vẫn thường uể oải ngồi ở cái ghế trắng lùn, tựa lưng vào cửa. Ở đó mình có thể ngồi duỗi chân, giãn cái lưng tựa vào tường và quan sát mọi thứ: màn hình giao ban, phim chụp, các thầy, và đánh mắt nhìn lên màn hình theo dõi cả bệnh phòng, hoặc quay đầu ra nhìn bệnh phòng trực tiếp - tất cả để đảm bảo không có gì đáng tiếc ở giờ giao ban - khi mọi thứ ngừng hoạt động. Sẽ thật may mắn và thanh thản khi tất cả các ô theo dõi đều xanh tăm tắp, trống vài ô càng tốt. Hoặc cảm giác chan chán nhưng tạm bằng lòng chả làm gì hơn khi mấy ô nhấp nháy - như cái đêm trực kinh dị hôm trước với 3 bệnh nhân ngừng tim (rồi cấp cứu thành công và tìm ra nguyên nhân cả - hôm sau xin về sạch). Hôm qua thì mình chỉ chăm chăm đúng một ô - ô 48 và thầm nguyền rủa trò giao ban này nhanh chóng kết thúc để còn làm. 

Đó là một cậu trai 17 tuổi, cao lớn và có lẽ đẹp trai, chuyển từ Nam Định lên lúc 3 giờ sáng, thở oxy mask túi và không có huyết áp, với một bơm Dobu bên cạnh. và môi tím đen. Cậu bé vẫn tỉnh táo, cố gắng nói chuyện với người đi cùng một cách mệt nhọc. Oxy 99%, HA 100/60 sau khi chỉnh lại bơm điện. Ý nghĩ lười biếng của mình đã định đẩy cậu bé vào khoa. Nhưng nghĩ lại ở cái lúc 4 giờ sáng thế này, mình còn mệt thì còn ai care nó nữa "nó chết mất" - "nó 17 tuổi". Và dẹp mọi thứ, mình lại nhảy vào nhận BN thứ 7 trong đêm. Cảm giác nhanh chóng chuyển từ căng thẳng sang lo lắng. Mọi thứ phức tạp hơn dự tính: Là cái quái gì đó không giống, vậy là cần đi chụp và vận chuyển chỉ với 1 điều dưỡng và 2 bác sĩ còn chưa ngủ tí nào mà vẫn phải canh cả bệnh phòng 14 bệnh nhân khác và sắp có bệnh nhân thứ 15 đi can thiệp mạch về để làm hạ thân nhiệt. Và không có sẵn máy ECMO - tức là phải đi mượn máy lúc 4h sáng. Đúng là nhọ chồng nhọ. và "nó 17 tuổi"! và nó toan lòi mắt, HA bắt đầu tụt và mạch xuống còn hơn 40!
Rồi mọi thứ cũng xong, cậu bé được bàn giao cho bác sĩ khác và mình đi giao ban. Cậu được ký chuyển lên Hồi sức trong lúc giao ban và việc chuyển khoa tốt đẹp. Có thể nói mình đã hoàn thành trách nhiệm trong đêm trực. Nhưng nỗi lấn cấn vẫn đầy trong lòng. Cậu bé được ECMO, nhưng huyết áp không lên được, và vẫn là cái quái gì đó không giống viêm cơ tim, đó là một tình trạng suy thất phải cấp-trên một cậu zai 17 tuổi chả có yếu tố nguy cơ gì. Đến chiều, bệnh nhân hôn mê 3 điểm và đồng tử giãn hết...
ECMO không phải máy cải tử hoàn sinh! Mình đã nhận ra điều đó sau một thời gian nhìn cái máy "màu hồng" quá mức. Thời gian đầu, mình chứng kiến những ca kỳ diệu, khi mà những quả tim đờ đẫn run rẩy loạn nhịp hoặc trơ ra không bóp, ì ra trước mọi loại vận mạch có thể phục hồi sau 1 - 2 tuần nghỉ ngơi, BN thoát chết trong gang tấc đầy ngoạn mục. Khi ấy, mình đã nghĩ có lẽ BN chả thể chết nổi khi gắn cái bơm thần thánh ấy.
Nhưng không.
Mình nhớ ánh mắt kinh hoàng của a Thạch và y lệnh khẩn cấp Adrenaline cho một bệnh nhân nữ trẻ chuyển lên vì "viêm cơ tim" có trụy mạch trong khi truyền dịch - câu chuyện như sách bấy lâu. Kết cục bệnh nhân tử vong khi chưa vào máy được 1 ngày. Phản vệ!@@ Một bài học quá lớn!
Mình cũng nhớ ánh mắt như cầu xin của một cậu trai nhà ngay ga Hà Nội khi mình đi hội chẩn nhận BN ở C1. Vào viện sớm và cũng không có máy. Nhưng khi lên khoa thì mọi thứ ổn và cái máy cứ stand by mãi. Và ánh mắt ấy cười híp lại tán dóc với các cô điều dưỡng trong khi ngồi đếm từng ngày để "lưỡi dao trên dầu" qua đi. Nhưng lưỡi dao ấy rơi xuống vào lúc 4 giờ sáng! Để rồi nó mãi là ánh mắt vô hồn, đồng tử giãn tối đa cố định, mặc cho cái máy cứ quay chả thể ngăn nổi vết hoen tử thi! Đó là nỗi buồn to lớn, dù không phải trách nhiệm của mình nhưng phải mất khá lâu mình mới thôi buồn khi nhìn về vị trí cái giường đó.

Sớm nay, buổi sáng thứ bảy đẹp trời man mát. Lặng yên ngồi ngắm mấy chiếc lá xanh mướt sau mấy ngày mưa. 

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Ngày quái đản

Địt mẹ m là thằng hèn! Tao khinh!
.....

Một ngày quái đản!
Một ngày kỳ dị với 2 ca mà không biết bao giờ gặp lại. 
Ca đầu tiên là một cậu giai 22 tuổi hạ kali máu tới 1.49, liệt đứ đừ. Và điện tâm đồ có cả sóng U. May mà không chết. Bù kali được mấy tiếng BN lại ngọ ngậy bình thường. Đầy ngoạn mục!

Ca thứ 2 chính là cái ca mà mình muốn thốt lên cái câu kia. Không phải cho BN mà là cho gã bác sĩ ngoại. Bn gout, tự đi tiêm chọc gì vào khớp gối xong chưa được 1 ngày thì đùi sưng lù lên, tràn khí khắp người. Lúc vào đến nơi HA không đo được nhưng BN vẫn tỉnh. Mình giải thích cho vợ và cô con gái BN, hai người phụ nữ chỉ biết nước mắt dàn dụa và khóc nấc lên, rằng chắc không qua được, BN sẽ tử vong sau vài tiếng nữa. BN vẫn tỉnh táo, và giờ thì mình lại nuối tiếc, rằng đã đặt ống luôn mà không để cho gia đình họ nói lời từ biệt.
Mình đã khởi động nhanh nhất có thể mọi thứ, xét nghiệm, đặt ống, đặt catheter, kháng sinh, hội chẩn. Chỉ còn thiếu tự tay cắt chân BN mà thôi.
Thế nhưng cậu BS ngoại (bằng tất cả sự bình tĩnh và không muốn làm bẩn thêm cái blog của mình, mình không muốn gọi là "thằng"), khi mà mình đã dọn sẵn mọi thứ chỉ chờ đưa BN đi mổ rồi sẵn sàng nhận về hồi sức, thì đủng đỉnh. Đầu tiên, trong khi mình sốt sắng chỉ BN cho hắn, giường 41 cách cửa vào 1 m, thì hắn đòi 1 cái khẩu trang, sau đó miệng lẩm bẩm chửi thầy mình "không thì lại ăn chửi"-trong khi thầy Đạt Anh không bao giờ động đả gì bác sĩ hội chẩn. Sau đó hắn lượn vòng, chìa tay đòi găng mà không thèm nói, ờ thì găng. Hắn đeo găng, rồi đề nghị mình ... bóc băng. Địt mẹ! Thế m đeo găng để làm cảnh à? Ờ thì bóc băng...
Sau đó là 1 lô các thứ mà mình chỉ muốn mửa vào mặt con người khoác lên bộ áo blu trắng ấy: Phải siêu âm mạch em ạ (địt mẹ khí tràn đầy da siêu âm cc à?) Phải chụp xquang ngực e ạ (vầng sẽ có nhưng để làm j? ) Phải đợi đông máu e ạ (vầng sẽ có ROTEM sau 30' nữa, chắc chắn trước khi a kịp trải toan bàn mổ) Huyết áp thế này không mổ được đâu (Mình cho Nor liều 0.3 thì huyết áp đã lên 150/70 rồi). Sau đó là một màn gọi điện lằng nhằng rồi bôi ra giải thích cho người nhà - hai người phụ nữ đang sửng sốt kia- rằng chả thể làm gì được, tôi sẽ cho vài chỉ định rồi để các bác hồi sức hồi sức nội khoa!!!
Mình đưa cho cậu BS đó tờ giấy, rồi bảo a viết ý kiến (viết đ' j thì viết) rồi ký và để số điện thoại vào. Xong cậu ta quay đít đi về.
Câu chuyện kéo dài trong tuyệt vọng, mình đã cố gắng tiếp tục mọi thứ, vừa để giữ BN, vừa để chờ đến 5h vào tua trực để khoa Ngoại đổi người. Nhưng đến lúc mình ra về, 6 giờ tối, 3 tiếng sau khi BN vào tới cửa, mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ trừ Ngoại không mổ. Bn toan chuyển hóa nặng, tăng kali máu, HA giữ được nhưng nhịp bắt đầu chậm, QRS bắt đầu toác ra. Điều cuối cùng mình làm trước lúc về là gọi gia đình vào báo cho họ diễn biến và tiên lượng cực kỳ tồi trước mắt, rằng chả ai hồi sức được với một cái chân đang hoại tử theo giờ. Nhìn những ánh mắt ngỡ ngàng, bàng hoàng, đau khổ và chất chứa muôn vàn ân hận, lòng mình nặng trĩu chả thể làm gì hơn. Mình đi về vội vã - một cách chạy trốn.

Làm người bác sĩ hồi sức cấp cứu, đứng ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, điều đáng sợ với mình, chả phải cái chết, mà là tình người ở lằn ranh ấy... và cảm giác bất lực khi biết mà không thể làm gì hơn!

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

Một tuần ở Bangkok

Đêm cuối cùng ở Bangkok, sau 1 tuần lang thang khắp nơi ở thành phố này. Chiều mai lại bay về Hà Nội, tiếp tục cuộc sống quen thuộc.
Muốn viết lách tẹo gì đó. Phần vì rảnh quá. Phần cũng vì có nhiều cảm xúc và suy nghĩ hỗn độn, mà cũng chưa biết bao giờ có dịp thăm lại đất nước này nữa.

Chuyến đi này kéo dài 7 ngày, chương trình hợp tác giữa Hội VN và Thái. Các thầy đôn đít bắt đi, còn mình thì vừa lo không kịp tiến độ đề tài, vừa bận nhà sắp đổ mái tầng 2, nên thực lòng chả muốn đi tẹo nào. An ủi duy nhất khi bươc chân đi là bạn người yêu đòi đi cùng. Chưa lần nào 2 đứa có dịp đi xa thật xa mấy nhau cả!

Chuyến bay đến Bangkok vào buổi tối, dù hơi đen lúc đầu vì bị nhầm ga và cảm giác lạ lẫm lần đầu đi máy bay. Sau chuyến bay mình kết luận: Làm tiếp viên hàng không cũng chả sướng cho lắm, khoang lúc nào cũng kêu ù ù như cạnh cái máy xát gạo, còn kín như bưng không thoáng tầm mắt ra được, khách thì đủ các loại chả biết dịch bệnh thế nào và kinh nhất là chả biết lúc đ' nào cái cục trăm tấn lơ lửng giữa trời 10km này lao cmn xuống. Thế là mình yên tâm làm bác sĩ tiếp.

Các bạn Thái ra sân bay đón đoàn lúc tối muộn. Không có cảnh giơ biển vẫy chào giữa hàng người ở sảnh chờ như trong phim. Cái sân bay vắng hoe có mấy người, không khó để nhận ra anh Bob, người mà vừa mới tuần trước ở Hà nội tham gia tập huấn CLS cho bọn mình, và cũng là người lo từ A đến Z cho cả đoàn trong suốt một tuần. Ấn tượng đầu tiên về người Thái là họ rất giỏi làm du lịch và luôn biết khách du lịch cần gì. Ngay sau cửa hải quan là hàng loạt bốt đổi tiền và dãy bán sim du lịch, có thể gọi và vào Internet trong 8 ngày với giá 200 Bạt, quá rẻ. Mình tự hỏi ở xứ mình thì khách du lịch sẽ làm gì, khi mà mình là dân bản xứ còn bị hãng nhắn tin dọa không bỏ việc đi nộp ảnh thì họ cắt gọi một chiều hai chiều @@ 
Sự ngưỡng mộ về tư duy làm du lịch của người Thái tăng dần sau mỗi ngày mình lang thang ở Bangkok, khi mà một anh bán dép, một chị bán hoa quả lề đường cũng có thể nói tiếng Anh, chỉ đường, giới thiệu các điểm du lịch, làm cho việc giao tiếp với lái xe taxi và các cô điều dưỡng 50 tuổi bằng tiếng Anh trở thành một điều hiển nhiên và chả có gì kỳ lạ, điều hẳn sẽ là "thật đ' thể tin nổi" ở Việt Nam. Người Thái khéo léo sắp xếp 100 trung tâm mua sắm ở trục đường chính, với giá không thể rẻ hơn, làm cho những đứa keo kiệt như mình cũng phải móc hầu bao ra mua sắm. Và lại một lần nữa, 100 bốt đổi tiền sẵn sàng chờ bạn ở khắp nơi. Họ cũng sẵn sàng chi tiền khách sạn cho đoàn mình ở lại tới 7 ngày, cho một chương trình đáng lẽ không dài như thế, và tất cả các buổi tối tự do. Tất nhiên chả đi mua sắm thì làm gì cơ chứ? (Mình đã thử gạ chúng nó chơi Sói - nhưng quá đen là chả đứa nào biết và có lẽ lượn lờ big C vẫn thú vị hơn là ngồi đoán đứa đối diện là sói hay dân :v ). Thêm một điều nữa, đến buổi gặp với bác lãnh đạo một Deparment của bộ y tế Thái, người chỉ gặp hội này 15 phút, thì trong bài phát biểu, ngoài vài câu hỏi thăm và chúc mừng, bác ý vẫn không quên hỏi xem cả tuần các bạn đã đi đâu, hãy shopping nhiều lên và luôn miệng cảm ơn vì đã giúp đỡ đất nước chúng tôi bằng cách đó. Tất nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến nụ cười luôn thường trực trên môi của tất cả những người mình gặp trên đường - nụ cười thật tâm và hồn hậu, không phải lời xã giao như những người Pháp.

Chương trình học không quá đặc biệt, nếu không nói là chán. Nhưng ngay từ đầu mình cũng đã xác định kiến thức học được sẽ không nhiều, cái học được sẽ là những thứ khác. Bọn mình có buổi đầu tiên nghe thuyết trình giới thiệu hệ thống cấp cứu của Thái Lan, về các lý thuyết cấp cứu ngoại viện, làm việc nhóm. Rồi sau đó là các buổi tham quan 3 bệnh viện "thủ lĩnh" trong hệ thống này. Ở mỗi bệnh viện đều đi thăm khoa Cấp cứu, trung tâm EMS và một vài khoa phòng khác, ICU, trung trâm thần kinh, trung tâm lọc máu vv.. tùy niềm tự hào của họ. Ngày thứ Tư, cả nhóm đi hơn 100 km đến tận Khao Eto, một cứ điểm quân sự giữa vùng rừng rú khỉ ho cò gáy để xem diễn tập phản ứng thảm họa của MERT Thái Lan, cả năm mới có một lần. Các đội từ các tỉnh về để được huấn luyện theo hình thức chạy trạm, giữa cái nóng thiêu đốt 40 độ. Và họ nói rằng thật tuyệt vì mấy năm nữa thôi là họ có đội ở tất cả các tỉnh - giống như sự rạng ngời và đầy tự hào của họ về hệ thống cấp cứu ngoại viện EMS, nay đã lan đi khắp nơi và hoạt động hiệu quả, lý do họ muốn mời đoàn mình sang "học tập" dịp này. Ngày cuối, bọn mình lên bộ y tế Thái Lan, làm một bài báo cáo nhỏ và chụp ảnh lưu niệm với bác lãnh đạo ở trên, một việc rất hình thức nhưng không thể không có, giống như cái Take home message ở mọi bài báo cáo vậy, và cũng là để họ dự tính cho tương lai chương trình này nữa.

Những điều sau đây mới thực sự là những thứ giá trị mà mình học được từ người Thái từ chuyến đi này:

Một là, tư duy ưu tiên của người Thái: giao thông và y tế. 
Điều đầu tiên ấn tượng về giao thông Thái Lan là người Thái lái xe bên trái, và đi bộ ...bên phải! Người Thái lái xe rất kinh khủng. Họ lao đi với tốc độ hơn 100km/h trên các con đường nội đô. Những người lái xe máy không đội mũ bảo hiểm vít ga chạy vù vù. Những chiếc xe túc-túc 3 bánh với động cơ gào rú luồn lách khắp nơi. Và người đi xe đạp lúc nào cũng có thể xuất hiện trên vỉa hè, ngay sau cái chân cầu vượt phía trước. Và vô số phố thậm chí còn đ' có vỉa hè. Lúc mới sang mình chắc mẩm đi đứng thế này thì tai nạn phải biết. Thế nhưng sau vài ngày những ác cảm ban đầu đó dần thay đổi. Người Thái có thể đi rất nhanh vì không bao giờ có ai dám lấn làn, hay vượt đèn đỏ. Nói về ý thức của người Thái, không thể nhắc đến việc không có một tiếng còi nào. Người Thái nháy đèn để xin vượt chứ tuyệt đối không có bóp còi xe inh ỏi như người Việt. Điều này làm mình nghi ngờ đến nỗi mình đã phải đi ngó xem xe của họ thực sự có còi hay không. Hơn nữa, người đi bộ có vô số cầu vượt để đi. Hệ thống cầu vượt, đường trên cao, skytrain và metro rất phát triển ở khu trung tâm - những khu vực vẫn đông nghẹt người dù đến nửa đêm. Nhưng đường phố lại rất vắng vẻ ở những khu ven. Đến giờ mình vẫn thắc mắc có phải người Thái đi ngủ từ 8 giờ tối hay không. Ở đây gần như không có tắc đường, nhưng đèn đỏ có thể rất lâu. Cái traffic jam của người Thái khác hẳn với những gì người Việt nghĩ. Nó chỉ là nhiều xe chạy ra đường cùng một lúc, hơi ùn chứ không bao giờ chen chúc nghẹt cứng hay xoắn đan vào nhau ở các giao lộ như Hà Nội. Và lại thêm một điều kỳ quặc, đến tầm cuối giờ chiều, người ta bảo nhau có jam và rất khó book taxi, dù dòng xe vẫn vù vù trước mặt. Hệ thống giao thông và ý thức này có lẽ là thành quá khá lâu dài của người Thái, họ đã tiến rất rất xa hơn người Việt. Khi mà ở Hà Nội vẫn ì ạch hơn chục năm không xong nổi một tuyến skytrain và đổ nợ lên đầu người dân thì người Thái vẫn từ từ xây dựng thêm hàng chục km đường trên cao, mở rộng hệ thống metro của họ. Khi mà người Việt hồ hởi vài năm nữa sẽ có những xe ô tô Việt Nam đầu tiên của Vinfast, thì người Thái đã có thể sở hữu dễ dàng ô tô với chất lượng rất tốt với giá chỉ cỡ hơn 100 triệu đồng. Khi mà trẻ em Việt Nam vẫn gào lên với mẹ nó rằng thật ngu ngốc khi chờ đèn đỏ khi đường vắng thì người Thái đã có ý thức tự động nhường đường cho xe cứu thương có thể đi tới 150km/h giữa giờ cao điểm. Có quá nhiều thứ để người Việt phải chạy theo dài dài nữa.
Về y tế, nói thẳng thắn người Thái biết gì, người Việt biết cái đó, có khi còn hơn. Ở đây người ta không biết đến lọc máu liên tục, không biết ECMO và dường như thăm dò huyết động cũng hết sức mơ hồ. Vị vua của họ có lẽ cũng băng hà vì sốc nhiễm khuẩn. Phải nói về Hồi sức, ở tầm cao người Việt hơn hẳn người Thái, hoặc mình chưa được thấy đỉnh cao của họ - bệnh viện Sirijai và cũng có lẽ do chương trình này về Cấp cứu (ở đây người ta tách Hồi sức và Cấp cứu là hai chuyên ngành khác biệt). Nhưng có 2 điểm mình tìm thấy, người Việt không biết bao giờ đuổi kịp người Thái. Một là hệ thống bảo hiểm. Họ có hệ thống bảo hiểm phủ toàn dân. Ngoài ra có hai mức khác là cho tư nhân và cho nhân viên nhà nước. Người Thái đến bệnh viện chỉ cần trình chứng minh nhân dân và được hưởng quyền chăm sóc y tế miễn phí. Chính phủ họ có quỹ chi cho y tế rất lớn và coi đó là trách nhiệm của nhà nước chứ không phải tham ô hàng nghìn tỷ rồi đá trách nhiệm cho bộ ngành. Bác sĩ ở đây có thể lương không quá cao, nhưng sẽ không bao giờ phải vắt óc lo bị bảo hiểm xuất toán, bị cấp trên quở trách vì cho BN nằm ghép và  bị người nhà đánh. Hệ thống bệnh viện ở đây cũng có viện to viện nhỏ, nhưng họ chia theo khu vực, chứ không phải hình cây như Việt Nam. Vì thế không có cảnh BN phải đi hàng trăm km để đến "tuyến trên". Điều này người Việt nào cũng biết nhưng không biết bao giờ mới có thể thay đổi được. Hai là tầm nhìn của người Thái cho y tế.  Họ cũng có những vùng sâu vùng xa, cũng khó khăn về tiền bạc. Nhưng giống như giao thông, người Thái quyết định y tế phải được ưu tiên. Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào cơ sở vật chất của các bệnh viện so với khu dân cư xung quanh. Chương trình học được đầu tư dài hạn và theo nguyên mẫu các nước phát triển.  Sách vở cũng vậy.  Họ không đầu tư dịch sách mà học tiếng Anh,  các phác đồ,  thang điểm cũng bê y nguyên.  Người Thái chấp nhận họ là người đi sau và chăm chỉ học tập theo kẻ đi trước,  không sáng tạo. 

Hai là, tinh thần làm việc nhóm của người Thái: mỗi người đều biết mình đứng ở đâu. Không phải người Thái ưu tú hơn người Việt. Đem một người Thái so với một người Việt, có lẽ họ sẽ thua kém hơn. Nhưng mười người Việt sẽ không thể bằng mười người Thái. Người Thái không tranh khôn như người Việt,  họ là những chiếc lá "biết xanh".  Đội CPR bên Thái được đánh dấu vị trí rõ ràng ai ở vị trí nào và làm việc j. Chỉ một bác sĩ,  vài điều dưỡng và một nhóm EMT họ có thể tổ chức bài bản hơn vài nội trú và không biết bao nhiêu điều dưỡng Việt Nam. 

Ba là, sự tử tế của người Thái: Sự tử tế tận đáy lòng làm xấu hổ bất kể người có liêm sỉ nào. Còn nhớ khi chính những người Thái này sang Việt Nam 2 tuần trước, đội mình đã thấy rất thường khi 40 con người,  có cả những cô gần 50 tuổi đi bộ vài km về khách sạn,  chỉ vì "họ muốn thế",  cơm của họ là thứ cơm khô khốc từ nhà ăn, và chả ai thèm hỏi thăm họ đi chơi hay cảm thấy Hà Nội thế nào,  chả ai giới thiệu khoa phòng ra sao. Còn đoàn mình,  37 con người sang đất Thái, được đưa đón chu đáo từ sân bay,  đi lại rồi lại đưa tận cửa sân bay lúc về,  dù cả đoàn xé lẻ ra cứ 3-5 người một tốp.  Họ lấy cả xe cứu thương cho những chặng gần,  nhưng không bao giờ để ai ngồi chật cho những chuyến đi xa quá vài km. Đến các viện họ đều tận tình dẫn cả đoàn đi khắp nơi xem,  lôi tất tật dụng cụ trên xe cứu thương ra bày cho mình,  và ở viện nào cũng có thời gian gặp giám đốc. Cơm và tea break ở đây đều rất tuyệt, vì họ coi đó là cơ hội để quảng bá đồ ăn Thái. Thậm chí ở bệnh viện cuối cùng,  một chị đầu bếp của khoa đã dành cả ngày nấu cơm cho đoàn, và tặng cả cơm tối nữa. Bọn mình thật giống những con cáo được ăn thịt trên đĩa! 

Hơn 100 năm trước, Paul Doumer đã viết về người Việt như thế này trong cuốn "Xứ Đông Dương thuộc Pháp: Hồi ký" :
"Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao, và Xiêm La đều không thể chống lại được họ.
Không một dân tộc nào trong Đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Người An Nam và người Nhật Bản chắc chắn có mối quan hệ thân tộc từ xa xưa.
Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Họ cũng là những người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc…”
Sau hơn 100 năm, người Nhật có thể ngẩng cao đầu với thế giới, không chỉ vì nền kinh tế mà cả vì bản lĩnh dân tộc. Còn người Thái đang mỗi ngày tiến lên chút một, mỗi ngày chầm chậm như một con lừa dẻo dai thuộc đường. Đến một ngày kia, kênh đào mới nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương  trên đất Thái mở ra, sẽ không có gì lạ nếu dân tộc này sẽ vượt cả Singapore đứng đầu Đông Nam Á.
Còn người Việt, những người chỉ biết tách lẻ,  mải mê đi shopping,  luôn cao su,  hở ra là chụp ảnh đi khoe và âm thầm ranh mãnh nghĩ người ta ngu ngốc đài thọ cho mình cả tuần du lịch, thì chưa biết bao giờ khá được!