Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Thầy


Clip này mình đã xem mấy lần. 
Hôm nay nhân có clip về khoa "Tây" mình đang làm việc trên France 2, mình tìm xem hết. Xem xong lại nhớ đến clip này, clip về những bác sĩ cấp cứu "ta". Anh là nhân vật chính, nói về câu chuyện chuyên ngành mình. Nhưng đến tận hôm nay, nằm ở một đất nước xa xôi, sống và làm việc trong một hệ thống khác, mới hiểu được hết những điều anh nói.

Trong khi phóng viên kể về sự vất vả, môi trường sống chết mong manh, ăn uống trễ giờ; đàn em thì khen anh nhiệt tình khoa học các thứ các thứ; thầy béo thì nói về liên kết hợp tác các thứ... thì anh nói về hoài bão. Hoài bão thay đổi hệ thống, thay đổi cả một chuyên ngành mà có lẽ nhiều năm, thậm chí cả đời anh đeo đuổi. Anh đau nỗi đau của bệnh nhân, nhưng không khoác lên mình đôi cánh trắng. Anh băn khoăn để có những bánh xe đưa bệnh viện tới gần cộng đồng hơn. Câu chuyện của anh, là một cái đích rất rõ ràng.

Tôi gặp anh lần đầu khi mới vào nội trú. Anh gặp, và bảo "Các em là tương lai của cả một chuyên ngành"- đó là ấn tượng thứ nhất: một người có tầm nhìn dài hơn một kỳ luận văn. Lần khác, có mỗi hai anh em ngồi chờ giao ban, anh mới đến, mình trực đêm. Anh kể chuyện cười j đấy, rồi bất giác nói : "Ở đâu mình còn làm mọi người xung quanh cười được thì ở đó đáng sống" - ấn tượng thứ hai: một người biết sống vì người khác và biết mình biết người.
Anh hay cười, nụ cười tươi, thân mật nhưng không sảng khoái. Anh có dáng đi rất nông dân. Hay chau mày khi cắm đầu vào cái máy tính cũ rích to tổ chảng lúc nào màn hình cũng tối sầm để tiết kiệm pin. Khều khều chuột cảm ứng với cái cổ như lão rùa. Mình đối lập hẳn mấy ông thầy dăm ba nét nhỏ này: Mình làm việc ngồi phải thoải mái, máy quẳng pin đi, cắm điện và dùng chuột tay, chuẩn bị lâu nhưng thao tác nhanh chóng và làm lâu vẫn thoải mái. Cũng như mình kịch liệt phản đối mấy trò dịch sách. Bao nhiêu công dịch được 1 cuốn, nhưng người thầy như thế là có tội: Tội làm đàn em không đọc đc nguyên bản, và cũng bó cái đầu đàn em chả bao giờ vượt qua rào cản ngôn ngữ chiếm lĩnh được biển cả tri thức. Đó là đọc một cuốn sách dịch mà mất đi cơ hội đọc hàng trăm ngàn cuốn sách, bài báo, nghiên cứu vậy. Khi đến đây, thấy mình chả kém về chuyên môn nhưng thua hẳn về ngôn ngữ so với các bạn châu Phi và Campuchia.

Trước khi mình đi, anh chỉ nói đi cho mở mang đầu óc. Đúng là như vậy. Ở đây, bác sĩ của họ chưa chắc "giỏi" bằng ở ta. Ở nhà, khoa Cấp cứu mòng mòng cả trăm bệnh nhân, toàn bệnh nhân nặng. Ở đây, Cấp cứu là giảm đau, là điều trị cơn hen cấp,... hay thậm chí chỉ là kê thuốc cho một bệnh nhân mà bác sĩ gia đình mới về hưu. Ở nhà người ta lôi xềnh xệch một người tai nạn giao thông quẳng lên taxi, hay một người đột quỵ băng cả trăm cây số qua mấy tuyến để đến tận Bạch Mai. Ở đây một cụ già hơn 90 tuổi, đủ thứ bệnh, ở một mình có thể được lính cứu hỏa mang đến bệnh viện ngay lập tức chỉ sau một cú điện thoại, điều trị đủ thứ rồi lại được xe cứu thương đưa về. Ở nhà, người nhà bệnh nhân trắng đêm nằm ở hành lang, thấp thỏm chờ đợi tin xấu, tất tả chạy tiền ký quỹ. Ở đây người nhà chỉ đến thăm rồi đi về, còn toàn bộ thời gian bệnh nhân ở bệnh viện một mình, chỉ một cái thẻ xanh cho mọi thứ hồ sơ chi phí. Ở nhà, bác sĩ đau đầu lo bệnh nhân đánh, lo bảo hiểm xuất toán, cuối tuần lo ngồi phòng khám kiếm thêm. Ở đây, bác sĩ làm 4 ngày/ tuần, bệnh nhân một đâu "docteur", hai câu "docteur", và nếu bệnh nhân có phản ứng thì lập tức được từ chối điều trị,và luôn có cả một đội hỗ trợ pháp lý sẵn sàng hỗ trợ. Cỗ máy của họ tốt hơn ta, không phải vì những cái bánh răng bằng vàng, mà là những cái bánh răng bằng thép bình thường nhưng luôn đúng vị trí.

Tự nhiên một đêm nhớ về anh, một đàn anh hoài bão, có tâm. Hy vọng anh sẽ có tầm ngày càng lớn nữa để thực hiện hoài bão của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét