Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

Đi hay về?

Từ hồi sang Pháp, mỗi khi gặp một người Việt nào, mình đều rất muốn biết câu chuyện và tâm tư của họ. 
Có những du học sinh, có người sang thực tập ngắn hạn như mình, có những người sang tìm chốn làm ăn, có người theo chồng con sang, và có người rời xa đất nước vì chế độ... 
Có người sẽ ở lại đây mãi, có người tìm cách ở lại, và có người chỉ mong ngày về, như mình. 
Có người coi Việt Nam là một góc nào đó trên địa cầu, có người coi Việt Nam là góc nhỏ trong tim.

Khi được hỏi m có tự hào m là người Việt Nam không, mình đã chả mất một giây nào suy nghĩ mà đáp: Điều đó là hiển nhiên!
Tổ quốc, đó mãi là hai tiếng thiêng liêng! Nhìn một cái tên người Việt, lòng bỗng đầy ắp niềm vui sướng, đó là đồng bào! Nghe tiếng Việt đâu đó trong công viên, bồi hồi lòng thương yêu tiếng mẹ đẻ giữa xứ lạ quê người!
Quê hương, đó là quá khứ, là hiện tại và cả tương lai.

Có những người muốn đi tìm một xứ sạch sẽ hơn, văn minh hơn, phúc lợi tốt hơn, con người tử tế hơn, dân chủ hơn...
Có người bảo xứ m là chiến tranh, là nghèo đói, là ăn thịt chó, ăn sâu bọ, là tham nhũng, là ô nhiễm, là cộng sản....

Mình nhớ về những người hết lời khen nước Pháp, rồi nghe chính người Pháp nói về nước Pháp, và tận mắt chứng kiến xứ Liberté - Égalité - Fraternité này
Mình cũng nhớ về câu chuyện những quán quân Olympia ở lại Úc, những du học sinh không bao giờ trở về, những huyền thoại của chuyên ngành vẫn làm việc cho người Mỹ...
Mình nhớ về cuộc "lang thang" 30 năm của người thanh niên Văn Ba.
Mình bắt đầu dần hiểu tại sao sau hơn 2000 năm sau khi ngôi đền sụp đổ, người Do Thái vẫn mãnh liệt tìm về Đất Hứa
Mình vẫn thấy những người rời bỏ quê hương của họ vì chiến tranh, vì chế độ, vì 1 lý do nào đó...
"Khi không muốn,  người ta tìm lý do. Còn khi muốn làm, người ta tìm giải pháp"

Nhưng giải pháp đâu phải chuyện đùa, đâu phải ai cũng là một vĩ nhân hô phong hoán vũ. Có hai điều mà trí thức thấy "khó khăn": 
Một là câu chuyện xin cho còn ở nhiều ngành, kết hợp với chuyện con ông cháu cha, nó thành ra một điều phi lý mà kẻ sĩ không bao giờ chấp nhận: để một thằng ngu trên đầu mình. Ngành nào mọi thứ là tự do, như thị trường kinh doanh bây giờ, bóp chết những anh hùng với huy chương nọ kia, và tôn vinh những doanh nhân tài năng thật sự, thì ngành đó mới phát triển và hấp dẫn được người tài. Cái lưng phải thẳng thì cái đầu mới rạng ra được.
Hai là chuyện kim tiền - cơm áo chả đùa với khách thơ. Chả đâu xa như ngành y, người ta vẫn vì một cái ưu việt khoác lên vai ai đó mà đem gánh nặng đè lên vai người bác sĩ và bóc lột họ bằng những lời mị lừa "từ mẫu". Giờ đây mình hiều và thông cảm những người bác sĩ lăn lộn bao năm ở cả xứ ta lẫn xứ người, đó là chuyện bất quá mà thôi. Cái bụng có no thì cái đầu mới nghĩ được.

Một hôm nào đó mình đọc về câu chuyện người Nhật từng tự nhận mình đi khắp năm châu "ăn cắp". Người Trung Quốc chịu tiếng làm đồ nhái rồi giờ đây Huawei làm mưa làm gió thế giới, tàu cao tốc vượt cả Nhật Bản. Người Đài Loan sẵn sàng gửi những người giỏi nhất ra đi để chỉ 1/10 trở lại, để giờ đây họ trở thành nơi cung cấp chip bán dẫn cho cả thế giới.

Nên việc trả vài trăm triệu cho "người tài" đi học rồi về giam hãm người ta đun nước pha trà để tô ngai cho người khác - đó không chỉ là chuyện phi lý mà còn vô đạo của kẻ ăn trên ngồi chốc.

Có câu: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Được ra ngoài học hỏi là phúc phận của người ra đi, và cũng là phúc phần của dân tộc vậy. Nhưng không phải là nửa ngày, và cũng không phải hai ba ngày hay một năm, một đời. Không phải nửa ngày vì cần có thời gian mới có thể lĩnh hội và làm chủ được cái "sàng khôn" đó được. Và không phải một đời, vì khi đó cái sàng khôn đó không còn ý nghĩa nữa. Tất nhiên bạn là công dân toàn cầu thì cũng không nên nói thêm nữa.

Thế nên, một hôm, lòng mình sáng rõ câu trả lời cho câu hỏi bấy lâu, về mình và về những người khác nữa. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét