Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

Lòng người

 "Ở nơi ranh giới sự sống - cái chết, những chiếc mặt nạ được lột ra và người ta thấy rõ được lòng người"


Sau đêm trực, trời man mát, ngồi duỗi chân viết blog, hít hà hơi lạnh buổi sáng phả vào cửa sổ.

Làm cấp cứu cũng khá lâu, cũng chả lạ lẫm gì các thể loại người trong xã hội. Phòng cấp cứu giống như một xã hội thu nhỏ, nhưng nhiều nỗi buồn và cái xấu hơn.


Hôm qua bắt đầu buổi trực nháo nhào, bệnh phòng lưu đông kín. Một bác học viên đưa mình ký xét nghiệm, báo bệnh nhân vào viện vì tụt áp chưa rõ nguyên nhân sau ngã, nền trầm cảm. Cái đầu lắm liên tưởng của mình bèn nhảy ra vô kể những kịch bản tồi tệ để quay bác học viên, như thường làm. Tất nhiên bác học viên không lường hết được và ấp úng nhiều thứ chưa khám chưa hỏi. 

Điều trị người bệnh cấp cứu như dò dẫm đi trên đường với đầy hố cạm bẫy, sa chân là rơi mất bệnh nhân, hoặc rơi cả mình. Nó khó hơn cả đi trên dây, vì đi trên dây còn biết cái dây ở đâu, khoảng không hai bên cần phải tránh. Còn dò dẫm thì chả biết phía trước có gì, cạm bẫy phía nào, ngay cả nơi mình đứng có khi cũng chuẩn bị sụt xuống. Những cái hố ấy các thầy hay gọi là pitfall, mà hậu quả hay thấy nhất của nó là Hội chứng 4 giờ sáng.

Kể tiếp chuyện, mình bèn đi khám ngay, dù cảm quan ban đầu của các bạn là không quá nặng so với vô số ca ngáp ngáp thở máy vận mạch trong bệnh phòng hỗn độn. Thường các bạn sẽ cho bolus dịch sau đó cho vận mạch trong khi chờ xét nghiệm, sau đó tính tiếp, hết giờ qua tua là vừa. Nhưng cái bệnh cảnh đầy cạm bẫy kia làm mình sợ bỏ qua cái bẫy nào đó. Và hẳn vậy. Đó là một cô tầm 50 tuổi, thần thái mệt mỏi chán nản, vẫn còn tỉnh táo trả lời từng câu. Mình hỏi phủ đầu: "Có phải cô nhảy xuống không?". Người nhà đứng bên thì lắc đầu quầy quậy, bảo bị ngã cầu thang, sau bảo không biết. Khám từ đầu đến chân thì bệnh nhân chỉ có gãy cái tay phải và xước tí da ngực như bác học viên nói, hẳn vậy. Nhưng tụt áp, huyết áp lúc nào cũng chỉ có 70/40, mạch 120. Sau hồi dụ dỗ thì bệnh nhân bảo chả thiết tha gì nữa, nhảy từ tầng mái xuống, ngã đập hông và cánh tay, và nhất mực từ chối điều trị thêm bất cứ thứ gì. Vì ở Việt Nam, mình vẫn vừa dỗ vừa làm siêu âm, tù mù nghi ngờ có dịch ổ bụng. Bèn gọi đám cấp cứu ngoại sang khám.


Nhưng cái lòng người mà mình nói ở đây, là hàng loạt thứ như này:

Người chồng được mời vào, vẫn nhất mực giấu, và phải đến khi mình bảo nếu nghi ngờ án sẽ gọi công an thì mới ngồi kể, giọng lạnh băng.

Mình nháo nhào và đánh cược cả sự an toàn để đẩy bệnh nhân đi chụp CT toàn thân khi huyết áp thấp lè tè, liên hệ ỉ ôi để có kết quả chụp sớm, lĩnh máu các thứ. Thì ồi thôi, cả loạt bác sĩ ngoại lướt ra như những thiên thần, sờ sờ nắn nắn dù đã có kết quả rõ lè trên CT, sau đó vừa viết bệnh án vừa "chỉ dạy" kiểu "Cái này chưa có chỉ định mổ em ạ, phải hồi sức tích cực với truyền máu đi iem". Giống như "hồi sức tích cực xin nhận bệnh nhân, đang xếp giường" thì "chưa có chỉ định mổ" là câu nói dối trắng trợn và vô sỉ kiểu bịp trẻ con mà bấy lâu vẫn được nói ra không ngượng ngùng. Tất nhiên vẫn là nụ cười, nụ cười bị lời nguyền hiểu biết, hiểu sự khốn nạn này đang đậy điệm sự ngu dốt và nỗi sợ chịu trách nhiệm. Cũng phải kể nữa cho đủ bộ, rằng điện quang bày ra trò phải viết giấy hội chẩn, mang bệnh án hội chẩn sang chầu để bác sĩ can thiệp phán có chỉ định làm can thiệp không, trong khi chính bọn này đọc phim. Sau khi mỉa mai chán trên nhóm liên hệ có lãnh đạo, thì họ bèn bịa ra lý do phải chờ xét nghiệm tiểu cầu đông máu. Mỉa mai thay cho cái bệnh viện to nhất miền Bắc với những lý do được bịa ra phi lý và vô trách nhiệm như vậy.

Tất nhiên mình cũng chả lạ, đã vô số bệnh nhân chấn thương sọ não vào viện tỉnh táo bị bỏ đến chết, ca bệnh vỡ gan độ IV gãy đôi cột sống nhưng "không có chỉ định mổ" hay ca tràn máu màng phổi máu phun ra thấy cả trên MSCT nhưng 3 tiếng sau bác sĩ lồng ngực mới ưỡn ẹo xuống bảo ủ uôi mổ gì nữa.

Và điều cuối cùng, đến ghê tởm và bất ngờ nhất, là khi mình đã thuyết phục được đội can thiệp, giữ được huyết áp, truyền máu xong thì tất cả, vâng, tất cả người nhà quyết tâm đưa người bệnh về để chết. Đó là một quyết định mang tính giết người, không thể thuyết phục được bằng mọi cách dụ dỗ dọa nạt. Tất nhiên, vì ở Việt Nam, mình buộc phải giải quyết theo hướng cân bằng tránh rắc rối về sau. Sau cùng, mình cũng đã hiểu tại sao người bệnh kia lại chán nản cái cuộc đời này như vậy!


Để không buồn, đã từ lâu mình không bao giờ thân với bệnh nhân. Bệnh nhân chỉ là bệnh nhân mà thôi, không hình hài, không cuộc đời, chỉ có câu chuyện lúc mình gặp. 

Có một đợt mùa hè, mình đã ngồi đọc rất nhiều về tự tử từ một cuốn sách tình cờ trên thư viện quốc gia. Trong đó có phần mình khá ấn tượng, rằng: cuộc sống này tươi đẹp biết bao, nhưng loài người là một giống loài xã hội, phải ở trong tình thế như nào thì người ta mới chọn lựa thứ mà họ cho là tốt hơn, là cái chết.


Sau nhiều chuyện, tự hỏi sao người ta không thể sống thuần khiết, và tử tế, chả phải đến độ cao thượng hay rạo rực yêu thương; cớ sao cứ thế hả lòng người?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét