Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Ở ĐÓ, NHỮNG XÓ XỉNH HAY HO


HẾT NĂM NHẤT-NHỮNG SUY NGẪM VÀ CẢM NHẬN-BIẾN CHẤT-HIHI-SÔI NỔI
Ở ĐÓ, NHỮNG XÓ XỉNH HAY HO
Số 1 Tôn Thất Tùng, Đại học Y Hà Nội …
“ Đề bài: Hãy viết bài văn miêu tả dài vài nghìn từ miêu tả về trường của em.
Bài làm:
Em có một ngôi trường. Trường em rất to và đẹp. Em rất thích trường em.
Nhìn từ xa, ...chả thấy trường em đâu. Không phải vì "trường của em be bé, mọc ở giữa rừng cây...",  mà dù trường em lơn lớn, nhưng vẫn bị che bởi cả đống nhà dày đặc lố nhố ở phố Tôn Thất Tùng-con phố mang tên giáo sư ngoại khoa đáng kính của trường, và là con phố có …xe 12 chạy qua, hihi…”
Nếu có đề bài này cho e lớp 1 nào học Y, hẳn sẽ có 1 bài hay ho và ngây thơ như vậy, hì hì
Trường Y hiện ra đẹp đẽ giữa phố Tôn Thất Tùng như thế. Thềm A1 lặng im lắng nghe gió thổi rì rào, kể câu chuyện về mái trường trăm tuổi…Gọi là thềm A1, vì đó là bậc thềm lớn trước nhà A1, ngôi nhà mang dáng dấp xưa cũ kiểu Pháp. Một vẻ đẹp uy nghi, trầm mặc và hơi rêu phong cổ kính. Nhưng A1 mới chỉ làm vài năm nay, cùng với Bệnh viện Đại học Y. Tất cả được làm phỏng theo phong cách Pháp đầu tk XX, với những cây cột lớn, những mái vòm, và những con sơn lớn đỡ dưới mái ngói rất …An nam! A1 có 5 tầng, nhưng chỉ vào bên trong mới thấy. Nhìn bề ngoài chỉ thấy nó vút cao, và ở một chỗ rất cao ngẩng lên mới thấy, dòng chữ vàng lớn: “ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI”; một hàng cau vua ở phía trước; những bồn mẫu đơn lúc nào cũng đỏ; một khoảng không rộng và cao vút, in hai lá cờ đỏ lên nền trời xanh; một hàng hoa ngọc lan và lộc vừng trải tít tắp.
Về cái nhà này, rất chi là tuyệt. Chả phải vì nó to đẹp, mà là vì nó rất thơm. Khi vào nhà A1, thứ mọi người thấy ngay là tượng Gs. Hồ Đắc Di – Người thầy đáng kính, hiệu trưởng đầu tiên của trường Y cách mạng. Nhưng thầy k thơm. Mùi thơm lan tỏa khắp, và luôn luôn ở nhà A1, là từ …nhà vệ sinh. Lại nói đến cái nhà vệ sinh này, hẳn nhiên nó hịn nhất trường; và điều thích thú nhất ở nó, tuyệt nhiên là nó rất thơm. Hì hì.
Nhà A1 rất tuyệt, mình thích nhất phía sau của nó. Phía sau giống hệt phía trước, chỉ khác chỗ có chữ “ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI” thì thay bằng câu: “HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA”. Mình thích những bậc thềm ở đó, những bậc thềm rộng và sáng, ngồi đó rất tuyệt, nhất là những buổi chiều. Ngồi đó quay mặt ra bồn cây phía trước. Bồn cây được bọc xung quanh bằng 1 lối đi theo chu vi, và 1 lối thẳng vào cửa nhà A1, thành 1 hình số 8. Lối đi này rất tuyệt, đẹp và rất mát, dưới tán những cây j đó hơi tạp nham. Buổi chiều mọi người thường đi bộ ở đây như công viên. Nhưng nó tuyệt hơn vào sáng sớm, đi dưới những cái cây “có lá hình cái mông”-theo cách gọi của con Linh; và cũng tuyệt vào buổi tối, mờ mờ trong ánh sáng dịu mát của những cái đèn hình trụ, những cái đèn mà ban ngày như những cái cọc để người ta ngồi lên.
Đó, đó là khu A1- chỗ đẹp nhất Y!
Hm, đến Khu giảng đường Hồ Đắc Di. Đây là khu có lẽ cổ xưa bậc nhất, và hay ho bậc nhất. Trước nói về tên, nó được đặt theo người thầy đáng kính đã nói. Một niềm tự hào của trường Y! Khu giảng đường khá cũ, và dù sơn lại nó cũng chẳng thể mới hơn, mà cũng hay là có muốn sơn lại thì cũng sơn lại được rất ít. Chắc khoảng đã vài chục năm, từ những ngày mới ra khu này, nó được xây với một kiến trúc kì lạ. Không cổ kiểu pháp, cũng không mới hẳn như những nhà thời sau này. Nói tóm lại là rất đặc biệt. Đặc biệt tới nỗi nó luôn có cái để cho kẻ tò mò thấy hay ho. Dưới dòng chữ cũng màu vàng: “Khu giảng đường Hồ Đắc Di”, là một cái đồng hồ, dưới nữa là 1 cái cổng lớn chưa bao giờ thấy mở, nhìn vào …1 cái vườn có những cái ghế bằng bê tông chả ai ngồi bao giờ. Một lối đi ngang qua cái cửa đó. Và vì cửa luôn đóng kín, đâm ra nó như một chỗ tường bị thiếu và người ta vá vào 1 cái cửa bằng sắt lớn, tiện vá luôn cả mấy bậc thềm cho sinh viên lê la nữa. Thật ra nói vậy, nhưng khu này còn 2 lối vào ở 2 bên, lớn cũng không kém. Một bên trái cái cửa đó, vào sảnh có lịch giảng đường. Đó là cửa của khối nhà có Giảng đường 5, và có mỗi cái giảng đường 5. Giảng đường này rất hịn, ghế êm, có bàn nhỏ, và có điều hòa; nên các hội thảo rất hay tổ chức ở chỗ hịn hịn này. Một cái cửa nữa, to và giống cái cửa đóng kín hơn, ở bên phải. Nó mở vào 1 cái sảnh khác, lớn hơn, nhìn thẳng vào 1 cái cầu thang, quá nữa là 1 cái vườn hoang hoang khác. Cái cửa này là lối vào 2 khối nhà có 1 đống giảng đường. Đại để như thế. Nhìn từ cái cửa này khá đẹp, và nếu ngồi ở ban công tầng 2 thẳng trên nó còn đẹp nữa. Nhé, nhảy lên lan can, ngồi đu đưa cái chân nhìn ra lối vào B3. Những cây bằng lăng, xoan đào, và hay ho nhất là 1 cây phượng nom rất “dị”. Chúng vươn tán rợp mát, như cố che cho nửa con đường bên kia không được lũ cau vua che chở, và giấu giấu giếm giếm những mớ dây loằng ngoằng. Mùa nào đó, cái mùa có hoa bằng lăng tím, phượng đốt đỏ rực như cháy nhà B3 tới nơi, và hoa xoan đào trắng trắng, mát dịu đổ mùi ngan ngát, ngồi đây sáng sớm sẽ tuyệt biết bao nhiêu. Mùi thơm của hoa, mùi sương lạnh lạnh, 1 ít gió, và 1 nhiều hoa hoét như 1 bức tranh đổ màu bậy bạ của thằng nhóc nào, hoặc bức tranh trừu tượng của 1 ông họa sĩ nào. Chúng đủ làm no mắt, no mũi. Ờ, có khi có cả chim, vài con nhỏ tẹo, hót 1 điệu ti ti j đó, thế là no cả tai nữa. À lại nói chỗ ngồi ấy, tuyệt kinh khủng! Một í tưởng có lẽ xuất phát từ lòng thương yêu sinh viên tha thiết lắm, các thầy đã làm 1 cái giảng đường với rất nhiều lan can to bè bằng cả cái giường đơn, phủ đá trắng hơn nhám. Nó thật là lý tưởng để ngồi lê la túm tụm cãi nhau hoặc vật vờ tự kỉ, lý tưởng hơn để nằm, nhìn lên những ô văng rủ xuống kì kì rất thừa vật liệu. Chỗ ngồi kia, có 1 điều hay ho hơn mọi chỗ khác, là ở ngoài nó không phải là khoảng không như mọi cái ban công khác, mà là 1 cái mái mốc thếch thò ra. Và lí do được phỏng đoán: Chắc để cho thằng nào ngủ quên trót lăn xuống thì k rơi xuống tầng 1! Khùng thật!
Đó, khu giảng đường Hồ Đắc Di, những giảng đường đẹp, 1 tới 11, những lối đi, những ban công được thiết kế đầy hữu dụng, ngoài ra còn những xó xỉnh khuất lấp không tưởng nổi. Ví dụ là cái cầu thang thứ 3 cạnh giảng đường 10, nó chả thông với cái cửa nào cả, đơn thuần là từ tầng 1 lên tầng 2. Kì quặc là nó nằm sát với phía ngoài khu giảng đường, tức là chỉ cần quay ngược nó, thì sẽ có thêm 1 cái cửa nữa ở gần bộ môn Quân sự. nhưng k có, nên nó quay vào 1 lối đi nhỏ bên trong cực hiếm người qua lại. Và cũng thế, nên nó cả ngày chỉ có vài người đi qua, tự dưng thành địa điểm lý tưởng cho thằng nào thích tự kỉ tu luyện. Tiện nói cầu thang, lại có 1 cái nữa, rất giống với cái cửa đóng và cái cửa bên phải, nhưng nó nằm khuất tới hết kì 1 mình mới phát hiện. Và điều hay ho là nó thông thẳng lên tầng 2! Cũng chính nhờ phát hiện nó, mình mới biết có cái giảng đường 11B ở sau giảng đường 5! Ờ, như vậy k phải khối này chỉ có giảng đường 5, hay thật! Và nó cũng thật vắng, lại là địa điểm hay ho cho đứa nào muốn tu luyện yên tĩnh!
Và phải tới đợt thì, vào khu này ta mới thấy hết được ý nghĩa những kiến trúc ấy. Những giảng đường tự học ngồi chật cứng, ở hành lang vài thằng túm tụm ở những cái ban công để thỏa sức la hét và cãi cọ, và những xó xỉnh yên bình thi thoảng có chuột gián, thì là nơi để những tên nào chuẩn bị phát điên, muốn tìm 1 cái hoang đảo có thể chưng dụng tạm, trước khi tìm được cái hoang đảo của mình! Ờ, quên còn chưa nói về bức phù điêu ở gần cái cửa đóng, và cái sảnh đá bóng được ở trước giảng đường 5.
Mới có 2 chỗ mà bài viết này đã dài quá, nhưng không muốn ngắt nhỏ nữa. Thôi thì viết nốt về cái cầu thang đôi hay ho, niềm tự hào yêu dấu của dân Y, một cái cầu thang tuyệt đẹp! Lần đầu tiên mình nhìn thấy nó là 1 buổi trưa, đi từ lối phía bệnh viện, một cảm giác kì lạ và thích thú. Cầu thang đôi nằm giữa 2 nhà B1 và B2, chặn giữa cái lối đi thơ mộng đầy rêu giữa chúng, như cái gạch ngang của 1 chữ H khổng lồ, và đúng là nhìn bằng Google Earth, nó là 1 chữ H thật, hay ho ghê luôn. Và vì là 1 cái cầu thang, nên trước hết nó là 1 cái cầu thang. Nó là cầu thang cho B1 và B2, từ tầng 1 tới tầng 3. Như thể đó là 2 cái cầu thang riêng biệt của 2 cái nhà, và 1 ngày đẹp trời bị lôi ra cho dính vào nhau, làm trơ ra những đường zích zắc nom thật ngộ. Và cũng thật hay ho và rất tuyệt khi ngồi trên cầu thang đôi, hì hì.Không phải mình chưa nhìn thấy cái cầu thang lộ thiên nào; có những cái đơn ở sườn những cái nhà, có ít hơn vài cái đôi mình đã nhìn thấy, nhưng quả thực kiểu cách, tỉ lệ, và vô số đường zích zắc đẹp mắt, và 1 sự bổ khuyết với 1 lối đi thơ mộng lại càng làm nó trở thành đặc biệt và gây nên sự thích thú. Có 1 cái thú nữa ở chỗ này, là ngồi trên nóc hành lang B1-B2. Có lẽ nó không phải cái cầu thang, nhưng có sự liên quan mật thiết, như kiểu tá tràng với tụy vậy, nên nghĩ đến cầu thang đôi hẳn không thể quên cái lối này. Hiển nhiên cầu thang nối tầng 1 với tầng 2, tầng 2 với tầng 3, do là đôi nên nối 1 này với 2 kia, một cách hay ho và chằng chịt. Nhưng ngặt 1 nỗi là k có 1 này với 1 kia, thế là sinh ra cái lối đi này, và lại vì có lối đi hẳn có mái che, thế là có chỗ này. Keke. Và khu này khá yên tĩnh, bên ngoài những hành lang bộ môn thép đâm tua tủa, thế nên ăn uống kiểu picnic trong trường thì chỗ này thực hợp lí. Ngồi dưới, bên lối đi, dưới mấy cái gốc cây cũng được, nhưng chả hiểu tại sao hì hục trèo lên cầu thang đôi, nhảy tót lên nóc hành lang này lại làm người ta hứng thú tới thế. Và nói chung nhảy lên đây đúng là tuyệt! Chỗ này cũng gắn với những buổi trưa đi thực tập giải phẫu về, ăn xong còn nửa tiếng đi thực tập sinh, vài ku rủ rê ngồi nhá bài thực tập, hoặc kiếm chác 1 “giấc mơ trưa” yên ả; và những buổi thi đi sớm, ngồi tùm lum tùm la…
Đại khái là như thế, còn những chỗ hay ho khác nữa, nhưng chỉ viết thế thôi. Hì 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét