Hôm qua đi trực C4 Bạch Mai.
Mới đầu chưa có ý niệm gì về cái C này. Chỉ có lần trực C3 đi vay ít que thử đường huyết, trong khi C2 đổ ra đổ vào rồi không cho vì "bệnh nhân nhà chị thử đường máu tới 4 lần một ngày cơ"; thì C4: "vay có 10 que thôi à? chả vay cả hộp trả cho nó dễ!!!". Đấy, ấn tượng đầu tiên: Giàu thế!
Hôm trực khác đi trực C9. Hành lang nhỏ nhắn có lọ hoa, có bình nước nóng lạnh để sẵn, có cả tờ rơi cao huyết áp, đái tháo đường để trên giá, y như một cái khách sạn hay một cái spa speo nào đó. Mình đi khám bệnh nhân, gõ cửa từng buồng, bệnh nhân mở cửa mới vào được, vừa bước chân ra là người nhà khóa cửa như đóng cửa nhà mình. Vào trong phòng nhỏ nhắn xin xắn, giường ga trắng muốt, nâng lên hạ xuống tẹt. Tủ đầu giường bằng gỗ, tủ đồ linh tinh cũng bằng gỗ; lại còn hoa hoét nữa. Điều hòa thì phả ra man mát và ti vi thì i oe cả ngày. Lại nghe đồn có loại phòng VIP có cả bàn ghế tiếp khách nữa, hờ.
Đi khám ở C2 C3 C6 C7, bệnh nhân đông, khám thật là dễ dàng. Người ngợm nằm lổm ngổm, thi thoảng có bệnh nhân chạy đâu mất vì không có chỗ ngồi, hoặc muốn ra hít khí trời cho bớt ngạt. Có những bác bệnh nhân vui vẻ, sẵn sàng ngồi nhờ sang giường bên cạnh để mình khám cho một bác nằm cùng giường, vì có thế thì bác được khám mới duỗi chân ra được. Thi thoảng vài chị y tá đi quá mắng té tát hoặc đuổi thẳng cổ "Anh người nhà kia" hay "Chị người nhà không mặc áo viện kia" ra khỏi cửa, và mấy người ý mặt sưng lên theo kiểu nửa nhịn nửa muốn đấm vỡ mồm "con mụ hách dịch" kia, hoặc bơ đi, hoặc ái ngại chán chường nhìn người nhà mình đang đau ốm, và tất nhiên đang chân co chân duỗi trên giường bệnh. Đôi lúc cũng có những bệnh nhân vui tươi, đi loanh quanh chém gió với những người bệnh bên cạnh, những người không phải người thân nhưng còn nhìn mặt nhau nhiều hơn cả anh em họ hàng. Và cũng có những người nhà đầy kỷ luật, mặc áo vàng, đeo thẻ đầy đủ, lâu lâu lại loanh quanh cạnh cái tủ sắt đựng đủ loại chai lọ thuốc men hoặc đi ra đi vào cầm cái bô nước tiểu. Kể ra nếu có mưa thì quang cảnh cũng sẽ mát mẻ hơn khá nhiều và khá lãng mạn, khi ngồi trong cái phòng to như nhà thể chất hồi cấp 3, bên cạnh là lổn nhổn người ngợm và ngồi nhìn mưa rơi lã chã và tí tách, đôi lúc ào ạt và hắt té tát như cơn nhồi máu cơ tim trên một bệnh nhân có sẵn cơn đau ngực âm ỉ. Giá có bản kiss the rain ở đây mà nghe thì cũng buồn đau thê thắt và hẳn là lãng mạn ghê gớm lắm.
Quay lại chuyện đi trực C4, mới đầu chỉ thấy cái vía mình thật may vì hôm nào đi trực cũng ít ít bệnh nhân. Trong lúc bọn C2 C3 gò lưng ra làm bệnh án thì mình viết mỗi một cái, đi theo dõi 2 bệnh nhân thế là hết buổi tối. Xong thì ngồi chém gió, nghiên cứu cờ đảo chiếm như một lão tiên ông thự thụ. Và tất nhiên để thể hiện sự trách nhiệm và chăm chỉ, và ham học, hai thằng xách con Littmann đi đo huyết áp một cách chăm chỉ và nghe tim như một bác sĩ mẫn cán hết mực. Nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có 2 bệnh nhân, vì bệnh nhân khác đã kín đáo đóng cửa buồng bệnh của mình, ngồi ăn hoa quả với người thân, xem ti vi hoặc tiếp anh em tới thăm. Và nói chung cũng thấy vui vui khi nhìn tận mắt cái bảng mà hôm trước ku Nam chụp rồi post lên Facebook: "Hãy gửi gắm trái tim bạn cho những bàn tay tin cậy chăm sóc". Nói thêm C4 là chỗ cũng tự nguyện, và theo như y trên thì "hồi chưa có C9 thì C4 là vip nhất đấy"
Không phải bỏ trực nhé, mà là đi giao lưu. Thế là mình đi qua C2 và C3 nói chuyện. Trong lúc đang cao hứng bày tỏ point de vue về bao cao su, một chị người nhà vào hỏi về cái bơm tiêm điện sắp hết thuốc. Thế là mình lại mẫn cán đi cùng em điều dưỡng ra xem bệnh nhân. Qua khỏi cửa phòng hành chính, chỗ sáng sáng và có Star movie, mình xuyên vào khu giường bệnh. Kể ra chỗ này ban sáng cũng đông đông và đôi lúc còn lãng mạn như mình bảo. Nhưng tối, khi bệnh nhân đã tắt đèn đi ngủ và những người đi thở không khí trong lành cũng không ra ngoài nữa mà vào phòng để hít không khí không trong lành mà ngủ, thì cái phòng đấy trở nên tối tăm như một cái cống ở New York, và bệnh nhân và người nhà nằm la liệt trên giường dưới đất, trên mấy cái chiếu cói như cái chiếu của mình hồi ở ký túc, như một đống một đàn người vô gia cư. Mình thoáng nhớ tới câu hỏi lúc qua C2, thấy mấy bệnh nhân với người nhà nằm co ro trên cái chiếu, ngoài hành lang để ngủ, trong khi mấy hôm trước đi trực mình mất ngủ mãi vì nửa đêm nhiệt độ hạ xuống, dù mình có ghế mà nằm và mượn được chăn để đắp. Câu hỏi là: "Tại sao người ta phải trả tiền giường mà sáng thì phải ngồi, tối thì phải nằm đất ở hành lang thế này? Nói cho cùng thì giường chỉ để biết bác sĩ nào điều trị cho mình mà thôi". Tới lúc đi vào cái khoảng tối ở C3 để tới giường bệnh nhân ở đầu đằng kia thì câu hỏi ấy lại vang lên. Rồi người nhà đi trước, vẻ vội vã và nghi ngại. Một chị người nhà khác vội vã lật cong cái mép chiếu trải dưới nền mà mình đang ngủ lên, nhìn mình bảo: "Em cứ đi cả dép vào"-một sự sợ hãi? tôn trọng hay vội vã tới lú lẫn? Tất nhiên là mình bỏ dép, đi vào xem cái bơm điện vẫn còn một ít, chừng nửa tiếng nữa mới hết, giải thích cho người nhà rồi đi ra, bảo lát nữa nó kêu thì gọi. Người nhà lại cảm ơn rối rít đến kỳ lạ, khác hẳn với vẻ mặt của cô cháu gái bên C9 khi ra đóng cửa tiễn mình.
Trong lúc mình đi trong bóng tối, đôi mắt đã quen với bóng tối nhìn thấy một cái quạt lá cọ đang phe phẩy quạt cho cái đầu bạc của mình. Bác người già nằm trên manh chiếu, ngay dưới cái cáng mà người bệnh, có lẽ là vợ của bác ta, đang nằm nhắm mắt nhưng không che dấu sự đau đớn và cơn khó thở đang làm bà phải dùng hết cơ hô hấp mà co kéo. Bạn điều dưỡng hỏi người nhà có đúng bệnh nhân không, rồi cho bệnh nhân 2 viên thuốc bào người nhà cho bệnh nhân uống. Bác người già tóc đã trắng, và tay chân lóng ngóng vụng về như còn chưa tỉnh hẳn hoặc lo lắng điều gì, run run cầm hai viên thuốc. Có lẽ người bệnh khó nuốt viên nén lớn quá, nên vẫn thường phải nghiền ra. Bạn điều dưỡng hỏi: "Bác đã có cái để nghiền viên thuốc ra chưa", thế là người đàn ông già đó lại được phen nữa lúng túng và sờ mó đâu đó, như vẻ đang tìm cái gì nhưng mình tin chắc lắm, rằng nếu mình đi luôn thì bác ấy sẽ an ủi bệnh nhân cố nuốt vì không tìm được cái gì để nghiền viên thuốc ra. Và bạn, mà chính xác là em, điều dưỡng này thật tốt bụng, khi hỏi lại to hơn, và nói thêm rằng:'Thôi bác cứ đưa đây đã cháu nghiền cho". Thế là người nhà đó lại được phen nữa run rẩy và lo lắng điều gì, nhưng rồi như nhớ ra và quay sang cám ơn rối rít.
Cái cảnh ấy tranh tối tranh sáng, và cũng chỉ mấy phút, nhưng nhìn người nhà và người bệnh đó mình không khỏi không thấy chạnh lòng. Đúng là chỗ ăn không hết nơi lần chả ra. Có những chỗ mỗi phòng một bệnh nhân, giường tủ hoa hoét, người nhà ngủ ngay ở giường bên cạnh, mà lại là bệnh nhân nhẹ. Còn có những chỗ sống chen chúc như trại tị nạn, người bệnh khó thở nằm trên cái cáng cứng đinh, và người nhà già tới tóc bạc trắng phải nằm vạ vật trên nền đất để trông, ve vẩy cái quạt tay cho đỡ nóng và đỡ muỗi. Người trẻ thì không sao, nhưng nhìn 2 ông bà già chăm nhau vất vả như thế thì không nghĩ không được.
Thế nên nhớ có thầy nói tới cái phương châm: Sống vô tư, chết đột tử", thấy nếu khổ thế này thì đúng là đột tử có khi hơn. Ra đi nhanh chóng, người nhà đỡ mệt mà lại còn thương. Chứ kiểu vật vờ trong kiệt quệ thì khổ bao nhiêu người nữa.
Nói vậy, vì thấy thế. Liệu có tới một cái ngày mà cái sàn chung của bệnh viện sẽ tăng lên được không? Để cho người ta không còn 4-5 người một cái giường, để người nhà, người bệnh không còn phải lăn ra đất ngủ giữa đêm lạnh, Và tiến tới sẽ có thêm nhiều cái hành lang bằng gỗ, nhiều giường bệnh có ga trắng cho người bệnh thoải mái hơn, cho người nhà có sức mà chăm lo cho người ốm chứ không kiệt sức ốm theo?
Tới cái lúc ấy, hẳn chính các nhân viên y tế cũng thấy vui vẻ thoải mái hơn lên, như giao ban ở C4 với C9, ngồi nói chuyện trao đổi và mời nhau uống chè buổi sáng.
Hừm, mơ thì cứ mà mơ đã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét