Ngày 4 tháng 10 năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.
Hôm nay, ngày 12 tháng 10 năm 2013, cả nước trong không khí u buồn của ngày Quốc tang, đưa tiễn người con anh hùng của dân tộc về với tiên tổ, với Bác Hồ.
Thu Hà Nội trời vẫn xanh, nắng vẫn nhẹ. Hoa sữa thơm phủ đầy các con phố, những con phố lặng lẽ những bước chân, và cả những tiếng khóc nức nở cho người ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN...
Con thương yêu,
Có lẽ mấy mươi năm nữa con mới đọc và hiểu hết những điều cha đang thấy bây giờ. Có thể khi ấy con đang trong cảnh chiến tranh khói lửa, nhưng cha không mong như vậy. Hoặc con đang sung sướng hưởng nền hòa bình độc lập giữa một mùa thu tươi đẹp như mùa thu này. Cha muốn con có một lúc nào đó, sẽ biết được rằng, con đang sống trong lòng một dân tộc anh hùng, đã có và luôn có những con người anh hùng, để con có thể tự hào và cảm thấy được trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với Nhân dân.
Khi con đọc được những dòng này, hẳn hình ảnh về vị Đại tướng của cha đã lùi xa, chỉ còn lại trong sách vở và những lời kể lại. Có thể con sẽ thấy ông như bao con người đã trôi vào quá khứ, sẽ hồ nghi về sự vĩ đại của Người, thậm chí sẽ "chả biết ông ý là ai"-như một vài thanh niên trong chính thời đại của cha. Vì vậy, cha viết những dòng này, để nói với con rằng: Đó là một điều ĐÁNG XẤU HỔ, một TỘI LỖI với người đi trước, với quê hương đất nước và với đồng bào mình.
Con sẽ hỏi cha rằng cha cũng đâu có biết Đại tướng? Phải rồi con ạ, nếu chữ "biết" của con nghĩa là "gặp mặt hoặc quen thân". Cha có niềm vinh dự được sống những tháng năm mà Đại tướng vẫn còn, và những chiến công, những việc làm, những lời nói của Đại tướng vẫn luôn đậm sâu trong mỗi tâm hồn; và hình ảnh Đại tướng vẫn luôn là chỗ dựa cho cả dân tộc đi lên.
Con đừng gọi là Tướng Giáp, Ông Giáp, hay Võ Nguyên Giáp. Nếu con ở đây, vào những giờ phút mà cả nước nói về Đại tướng, con sẽ thấy không ai gọi Người như thế cả. Bởi vì, với quân đội, Người mãi là người anh cả, là "anh Văn" của các em. Với nhân dân, người là "Bác Giáp"-như một người thân, như Bác Hồ, Bác Tôn; và một cách kính trọng hơn, là Đại tướng-một danh xưng mà chỉ nói tới thôi ai cũng biết là Người. Nói như vậy để con thấy rằng, vị tướng ấy, vượt qua mọi đỉnh cao quân sự, đã trở thành Vị tướng của lòng dân!
Con hãy biết và tự hào về con người này, để tự hào về hai tiếng Việt Nam, để có thể hít căng lồng ngực mà tự hào, vì dân tộc tôi có những con người vĩ đại, vĩ đại mà gần gũi thân thương, để thấy thiêng liêng những tiếng "Tổ quốc", tiếng "đồng bào". Vì thế, trước khi con đọc về Che, về Fidel, về vô số người con anh hùng của nhân loại khác, hãy tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và về những vĩ nhân của chính dân tộc mình. Có thể vào cái thời của con, người ta sẽ vẫn rêu rao về ý tưởng "công dân toàn cầu". Nhưng con thương yêu, mọi tình yêu đều khởi đầu từ những điều nhỏ nhoi. Lòng nhân ái, yêu thương con người, yêu thương nhân loại sẽ là gì nếu con không biết yêu quý chính đồng bào mình, chính những người xung quanh? Tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu sẽ nâng lên thành tình yêu quê hương, yêu nước, rồi sẽ lớn nữa trở thành tình yêu người, yêu thương nhân loại. Và khi hòa vào nhân loại, con sẽ là ai nếu không còn biết tới lòng tự tôn của dân tộc mà mình đã sinh ra?
Nói về Đại tướng, cha muốn con tự nhóm lên cho mình lòng yêu nước của con, và muốn những tấm gương như Người sẽ dẫn dắt con những việc con sẽ làm, cho bản thân con và cho xã hội. Cha luôn ngưỡng mộ Đại tướng, và mong ước được như Người-người mà tới lúc cuối đời có thể nói rằng: "Cả đời tôi, từng giờ từng phút, đã cống hiến cho đất nước, cho nhân dân; vì thế mà tôi chả có gì để hối tiếc cả". Giống như trong "Thép đã tôi thế đấy" Paven có nói: "Hãy sống thế nào cho ra sống, đừng để tới lúc nhắm mắt xuôi tay ta còn hối tiếc những tháng ngày đã sống hoài sống phí".
Con yêu, hôm nay, và cả tuần vừa qua, cha không như mọi người, hòa vào dòng người lũ lượt tới viếng Đại tướng. Không phải vì bất kỳ lý do tiêu cực nào cả, hoặc vì sự vô tâm, tất nhiên là vậy. Có lẽ là hơi ngụy biện, nhưng cha hơi bận, đấy là một lý do. Nhưng lý do chính là cha tự thấy mình không thích đám đông và tâm lý đám đông. Lòng ngưỡng mộ và cảm kích Đại tướng của cha, cha muốn thể hiện theo những cách khác và việc làm, và ý nghĩ của cha, rằng: Hôm nay có đi viếng Đại tướng mà mai về lại đâu đóng đấy, chả phải là đáng hổ thẹn sao? Và cũng ở đây, cha muốn nói với con hai điều về Sự noi gương: Thứ nhất, hãy noi gương bằng việc làm chứ đừng bằng nước bọt. Thứ hai, không có tượng đài nào không thể vượt qua; nếu noi gương là mãi mãi núp dưới bóng tượng đài thì đó là một điều đáng hổ thẹn của thế hệ sau mà không người đi trước nào muốn cả.
Vì thế, con của cha, hãy sống cho đáng sống, vì bản thân con và những người con yêu thương, vì lòng tự hào dân tộc, vì trách nhiệm sống xứng đáng với những người đi trước, những người như Đại tướng của cha - Đại tướng của con - Đại tướng của dân tộc mình!
Con yêu, hôm nay, và cả tuần vừa qua, cha không như mọi người, hòa vào dòng người lũ lượt tới viếng Đại tướng. Không phải vì bất kỳ lý do tiêu cực nào cả, hoặc vì sự vô tâm, tất nhiên là vậy. Có lẽ là hơi ngụy biện, nhưng cha hơi bận, đấy là một lý do. Nhưng lý do chính là cha tự thấy mình không thích đám đông và tâm lý đám đông. Lòng ngưỡng mộ và cảm kích Đại tướng của cha, cha muốn thể hiện theo những cách khác và việc làm, và ý nghĩ của cha, rằng: Hôm nay có đi viếng Đại tướng mà mai về lại đâu đóng đấy, chả phải là đáng hổ thẹn sao? Và cũng ở đây, cha muốn nói với con hai điều về Sự noi gương: Thứ nhất, hãy noi gương bằng việc làm chứ đừng bằng nước bọt. Thứ hai, không có tượng đài nào không thể vượt qua; nếu noi gương là mãi mãi núp dưới bóng tượng đài thì đó là một điều đáng hổ thẹn của thế hệ sau mà không người đi trước nào muốn cả.
Vì thế, con của cha, hãy sống cho đáng sống, vì bản thân con và những người con yêu thương, vì lòng tự hào dân tộc, vì trách nhiệm sống xứng đáng với những người đi trước, những người như Đại tướng của cha - Đại tướng của con - Đại tướng của dân tộc mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét