Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Sách cũ

Giữa đêm, lạnh. Nhưng có một niềm vui khó tả. Khi mình vào trường Y, năm thứ nhất, bác Toản, người bác lúc nào cũng điềm đạm và hết mực quan tâm con cháu, đã tin tưởng tặng cho mình một cuốn sách cũ. Bây giờ nghĩ lại , giá mà hôm đó mình có nhà, và giá mà mình đã nhận cuốn sách từ bác một cách thiêng liêng và trân trọng hơn. 
Đó là một cuốn sách cũ, có lẽ là một trong những cuốn cũ nhất mình đã từng thấy. In năm 1976. HƯỚNG DẪN THẦY THUỐC THỰC HÀNH.
Một cuốn sách tái bản ngay sau thống nhất, được phân phát tới hệ thống y tế để phục vụ chăm lo đời sống sức khỏe nhân dân. Cuốn sách sơ lược, nhưng đầy đủ đáng kinh ngạc. Với nó, hẳn đã bao bác sĩ có thể được trợ giúp khi hành nghề, trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. 
Ngắm nghía cuốn sách, mình biết có một thời nó là một cuốn sách hết sức quý báu, được bác mình nâng niu, gần 40 năm mà không quăn một mép giấy. Bác bọc mép cẩn thận bằng giấy báo, dán thêm giấy bồi, rồi lại bọc vỏ bằng vỏ một cuốn Thi tập nào đó. Thời gian trôi qua làm sách cũ đi nhiều, bong gáy - cái gáy dày hơn cả hai cuốn từ điển mình có. Thế nhưng những kiến thức trong sách thật rộng, thật mới nguyên. Ba năm học Y mà mình vẫn chưa biết hết nửa cuốn này. Những căn bệnh, cơ chế, rồi ngay cả cách trình bày cũng rất giống hiện tại. Chỉ có các hiểu biết là đơn sơ hơn, cách điều trị khác đi chút ít. Mình không thể biết hết với bác mình, người đã nghỉ hưu, và với bao nhân viên y tế thế hệ của bác, đã đọc và hiểu được bấy nhiêu trong cuốn sách này. Nhưng mình biết chắc rằng, bác mình đã sống, đã làm việc tận tụy và tâm huyết, đem hết khả năng của mình để làm việc, bất chấp những khó khăn.
Ôi những người cộng sản, những người sáng rực một nhân cách giữa những khó khăn, những người mà bao nhiêu năm đã xa mà mình vẫn còn ngưỡng mộ, để rồi hối tiếc cho thực tại đủ đầy. 
Bác tôi, thế hệ cha ông tôi thế đấy. Rồi một ngày, tôi biết, bác đã rất tự hào và hy vọng, với ánh mắt tin tưởng, trao cho tôi cuốn sách này. Nó còn hơn cả một cuốn sách, nó còn là lòng tin yêu, lời nhắn nhủ với tôi, với thế hệ con cháu tiếp bước truyền thống gia đình: "Bác chỉ là y tá thôi, về sau tới lượt con là bác sĩ, rồi tới thế hệ các con sẽ chăm sóc cho cả gia đình nhà mình". Chao ôi gia đình, chao ôi những tình cảm thiêng liêng, những giây phút quý báu là đây chứ đâu.
Một câu nói, một cái nhìn của bác tôi, như trải dài cả một cuộc đời, và gieo hạt mầm cho bao thế hệ mai sau. Lời của người đi trước cho những lớp người đi sau. Đó là tôi. Thật đáng xấu hổ khi tôi đã ngây thơ vụng dại, để tới tận hôm nay, vào thời khắc này, tôi chợt nhận ra cái điều thiêng liêng chất chứa.
Tôi còn nhớ, khi vào viện vì chị tôi đau bụng, bác sĩ trực đã có thái độ không tốt. Bác ngồi đó, trỏ tay rồi bảo tôi: "Sau này con làm bác sĩ không được như thế. Người ta tới với mình là vì đau yếu, quan tâm một chút, dù bệnh có nhẹ hay nặng, cũng đủ là người ta thấy bác sĩ mà yên lòng". Đấy, bác của tôi.
Tôi viết những dòng này chưa chắc bác đọc được, nhưng cháu muốn cảm ơn bác rất nhiều, về tất cả, về những điều bác đã cho cháu, những điều cháu sẽ mang theo cả cuộc đời hành nghề. Để rồi một lúc nào đó sẽ lại gửi gắm cho một người con, người cháu khác của gia đình mình.
Đọc cuốn sách, tôi thấy hiểu hơn, quý hơn những người thầy, những người cộng sản trong lý tưởng tôi theo đuổi.
Tôi viết để cho tôi, vào một hôm nào đó, giữa cuộc đời Y nghiệp, sẽ nhìn lại. Rằng mình đã khởi đầu như thế này này, đã có những điều thiêng liêng này, mãi được trân trọng và ghi vào nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét