Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

Trưởng thành

Trưởng thành là khi ta quen hơn với những nỗi buồn, và biết cách giải quyết nó, chấp nhận nó hoặc quên nó.

Về nhà cũng lâu lâu. Quay trở lại với công việc muộn hơn mình tưởng tượng. Có nhiều thời gian để làm việc này việc khác, rồi lại nghĩ lung tung. 
Vì mình vẫn là đứa hay lo. Có lẽ lâu lâu rồi, chả tự lo thì cũng chả ai lo cho việc mình được.

Lớn rồi, trưởng thành hơn, trầm lắng hơn trước những xúc cảm, quen hơn với nỗi cô đơn, và thích ở một mình hơn, bớt lúc nào cũng mệt mỏi vì suy nghĩ của người khác - những thứ ngấm vào người sau 1 năm ở Pháp. Tự biết chăm lo cho mình mà không ảnh hưởng tới người khác, đó vừa là đạo đức, vừa là hạnh phúc. Tốt với mọi người nhưng trước hết hãy làm mình thoải mái.

Vẫn hơi khó khăn trong tạo lập lại các mối quan hệ, có lẽ mình quá khó tính trước khi đặt lòng tin vào ai đó, để mình coi là bạn, là thầy.

Khắc khoải nỗi lo cơm áo. Cũng khá già rồi, quay trở lại với việc tính từng đồng sau một năm có lương thừa ăn. Tích cóp được chút nhưng nhìn đám nợ nần mà chả thể vui được. Đôi lúc nghĩ về mỗi người có một vị trí xuất phát khác nhau, nhưng cũng chả buồn, rồi lại tự thấy mình còn hạnh phúc chán. Nhìn bè bạn cũng có nhiều chữ nếu, rồi nhìn con đường phía trước lại phải xốc lại động lực tiếp tục đọc sách đọc bài. Lâu lâu cũng thấm có thực mới vực được đạo.

Vẫn thích cảm giác một mình ngồi trên tầng thượng, nghe gió thổi và ngắm trời xanh như bầu trời Normandie, nghĩ vẩn vơ không lo lắng, chỉ ước một cuộc sống giản đơn mà vẫn sao xa quá.


Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Gió nổi

Đại để là sắp về.
Bắt đầu chuẩn bị các thứ để trở về, quay lại với guồng quay ở nhà. Trở về nhưng không như cũ, có những thứ sẽ lại quen thuộc, nhưng có những điều sẽ mãi mãi đổi thay.

Gió Normandie lúc nào cũng thổi nhẹ, và trời xanh mây trắng bay. Một năm sắp qua đi, không tiến bộ nhiều, nhưng trưởng thành hơn hẳn. về cách nhìn cuộc sống, về cách định hình tương lai.
Giờ, nhìn tới tương lai, lòng lại bộn bề một tẹo.

Một năm ở đây, như một kỳ nghỉ, một kỳ tĩnh tâm dài. Sống giữa thiên nhiên, giữa các nền văn hóa, không phải lo nghĩ về cuộc sống, không phải gồng mình bon chen, có thời gian dành riêng cho mình, để ngủ nướng, để đọc sách. Một năm lặng yên và cho mình thời gian để suy nghĩ, để quan sát nhiều điều. Một khoảng lặng sau khi mình đã bị cuốn đi suốt bao năm. Một trong những bài học lớn nhất học từ người Pháp đó là cách họ tận hưởng cuộc sống, quan hệ giữa Tôi và Chúng ta, về cái mà ta gọi là cuộc đời. Đúng kiểu "đừng để cuộc đời chỉ là chuỗi ngày được chấm công..." :)

Gió bên bờ Iton sẽ vẫn nhẹ nhàng như thế. Còn ta, ta sẽ lại về với gió, với sóng sông Hồng! 

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

The Bach Mai hospital project

Hôm nay tự nhiên nhắn tin cho Chim: "anh chỉ muốn về nhà á".
Từ hôm Chim về sau kỳ nghỉ, lòng vẫn cứ rộn lên nỗi cồn cào da diết. Độ này mấy tuần rồi không gọi điện về nhà, mọi người bận nọ bận kia, chỉ đáp lời qua loa dù mình có cố gắng khơi chuyện. Đôi lúc thấy Chim bữa nào cũng gọi điện về nhà cũng chạnh lòng, nhưng mãi cũng quen. Thế là mấy ngày nghỉ nằm lăn lóc, nỗi nhớ nhà cứ âm ỉ như con sóng bấy lâu bị kỳ nghỉ vừa rồi khuấy lên giờ lại càng tha thiết.

Sau hơn nửa năm một mình ở đây, bây giờ, thời tiết, đồ ăn, công việc không còn là cái gì nặng nề với mình nữa. Mình bắt đầu thấy thú vị khi có thời gian một mình, lại có chút tiền đủ sống; và nhận ra mình có thể sử dụng chúng cho những sở thích nho nhỏ bấy lâu nay bị vùi lấp bởi những lo toan.

Mình nhẩn nha với thời gian của mình, tìm kiếm niềm vui và cả những dự định mới. Mình không xô bồ khỏa lấp sự bối rối bằng những chuyến đi như mọi người. Không rõ mình thực sự bien adapté hay mình đã quen với sự cô đơn từ lâu. Mình đi khi có hứng thú và để học thêm cái gì đó.

Tình cờ đọc được vài dòng từ Carl E. Bartecchi trong A Doctor's Vietnam Journal, tự nhiên thấy tò mò muốn đọc hết cuốn sách. Rồi mò mẫm đọc về The Bach Mai hospital project, câu chuyện hơn 20 năm mà mình chỉ láng máng nhận ra sự tồn tại thông qua cái máy siêu âm "lấy mật gấu", một buổi lễ kỷ niệm anh em nội trú được gọi lên dự cho đông và lời nhận xét đầy trân trọng, tình cờ trong lúc giảng bài của thầy Hưng khi thấy biểu tượng của viện Colorado: "Ngày xưa bọn tôi sang đấy học nhờ ông Carl. Ông ấy chắt chiu bao nhiêu đồ rồi dạy bác sĩ của mình. Ông ý tốt lắm". Thực sự xúc động hơn nữa khi tìm thấy site của dự án, một trang google site giản đơn do con ông Bartecchi tạo, nhưng ghi lại khá chi tiết về dự án, những đóng góp của các bác sĩ Mỹ, những cuộc chuyển giao, hội thảo, và cả những tiến bộ của một chuyên ngành được âm thầm theo dõi từ bên kia bán cầu. Nó như một cuốn sổ tay của một người già, chi tiết, minh bạch, và đầy ắp kỷ niệm.

Ghi lại để nhớ một lúc nào đó, lăn lóc ở một xứ xa xôi, nghĩ về quá khứ và tương lai của cả một chuyên ngành. Sẽ có một lúc nào đó người dân Việt Nam được hưởng một hệ thống cấp cứu ban đầu tốt và hiện đại. Trên con đường đi đến cái đích ấy, luôn có những khó khăn và quanh co, có cả những người bạn đáng trân quý nữa. 

Từ khi sống trong hệ thống này, thấm thía thế nào là: "Một người bác sĩ tốt chỉ cứu được từng bệnh nhân, nhưng một hệ thống y tế tốt sẽ cứu được vô số người".

P/S: Bức ảnh chụp với Carl Bartecchi 2022


Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

Đi hay về?

Từ hồi sang Pháp, mỗi khi gặp một người Việt nào, mình đều rất muốn biết câu chuyện và tâm tư của họ. 
Có những du học sinh, có người sang thực tập ngắn hạn như mình, có những người sang tìm chốn làm ăn, có người theo chồng con sang, và có người rời xa đất nước vì chế độ... 
Có người sẽ ở lại đây mãi, có người tìm cách ở lại, và có người chỉ mong ngày về, như mình. 
Có người coi Việt Nam là một góc nào đó trên địa cầu, có người coi Việt Nam là góc nhỏ trong tim.

Khi được hỏi m có tự hào m là người Việt Nam không, mình đã chả mất một giây nào suy nghĩ mà đáp: Điều đó là hiển nhiên!
Tổ quốc, đó mãi là hai tiếng thiêng liêng! Nhìn một cái tên người Việt, lòng bỗng đầy ắp niềm vui sướng, đó là đồng bào! Nghe tiếng Việt đâu đó trong công viên, bồi hồi lòng thương yêu tiếng mẹ đẻ giữa xứ lạ quê người!
Quê hương, đó là quá khứ, là hiện tại và cả tương lai.

Có những người muốn đi tìm một xứ sạch sẽ hơn, văn minh hơn, phúc lợi tốt hơn, con người tử tế hơn, dân chủ hơn...
Có người bảo xứ m là chiến tranh, là nghèo đói, là ăn thịt chó, ăn sâu bọ, là tham nhũng, là ô nhiễm, là cộng sản....

Mình nhớ về những người hết lời khen nước Pháp, rồi nghe chính người Pháp nói về nước Pháp, và tận mắt chứng kiến xứ Liberté - Égalité - Fraternité này
Mình cũng nhớ về câu chuyện những quán quân Olympia ở lại Úc, những du học sinh không bao giờ trở về, những huyền thoại của chuyên ngành vẫn làm việc cho người Mỹ...
Mình nhớ về cuộc "lang thang" 30 năm của người thanh niên Văn Ba.
Mình bắt đầu dần hiểu tại sao sau hơn 2000 năm sau khi ngôi đền sụp đổ, người Do Thái vẫn mãnh liệt tìm về Đất Hứa
Mình vẫn thấy những người rời bỏ quê hương của họ vì chiến tranh, vì chế độ, vì 1 lý do nào đó...
"Khi không muốn,  người ta tìm lý do. Còn khi muốn làm, người ta tìm giải pháp"

Nhưng giải pháp đâu phải chuyện đùa, đâu phải ai cũng là một vĩ nhân hô phong hoán vũ. Có hai điều mà trí thức thấy "khó khăn": 
Một là câu chuyện xin cho còn ở nhiều ngành, kết hợp với chuyện con ông cháu cha, nó thành ra một điều phi lý mà kẻ sĩ không bao giờ chấp nhận: để một thằng ngu trên đầu mình. Ngành nào mọi thứ là tự do, như thị trường kinh doanh bây giờ, bóp chết những anh hùng với huy chương nọ kia, và tôn vinh những doanh nhân tài năng thật sự, thì ngành đó mới phát triển và hấp dẫn được người tài. Cái lưng phải thẳng thì cái đầu mới rạng ra được.
Hai là chuyện kim tiền - cơm áo chả đùa với khách thơ. Chả đâu xa như ngành y, người ta vẫn vì một cái ưu việt khoác lên vai ai đó mà đem gánh nặng đè lên vai người bác sĩ và bóc lột họ bằng những lời mị lừa "từ mẫu". Giờ đây mình hiều và thông cảm những người bác sĩ lăn lộn bao năm ở cả xứ ta lẫn xứ người, đó là chuyện bất quá mà thôi. Cái bụng có no thì cái đầu mới nghĩ được.

Một hôm nào đó mình đọc về câu chuyện người Nhật từng tự nhận mình đi khắp năm châu "ăn cắp". Người Trung Quốc chịu tiếng làm đồ nhái rồi giờ đây Huawei làm mưa làm gió thế giới, tàu cao tốc vượt cả Nhật Bản. Người Đài Loan sẵn sàng gửi những người giỏi nhất ra đi để chỉ 1/10 trở lại, để giờ đây họ trở thành nơi cung cấp chip bán dẫn cho cả thế giới.

Nên việc trả vài trăm triệu cho "người tài" đi học rồi về giam hãm người ta đun nước pha trà để tô ngai cho người khác - đó không chỉ là chuyện phi lý mà còn vô đạo của kẻ ăn trên ngồi chốc.

Có câu: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Được ra ngoài học hỏi là phúc phận của người ra đi, và cũng là phúc phần của dân tộc vậy. Nhưng không phải là nửa ngày, và cũng không phải hai ba ngày hay một năm, một đời. Không phải nửa ngày vì cần có thời gian mới có thể lĩnh hội và làm chủ được cái "sàng khôn" đó được. Và không phải một đời, vì khi đó cái sàng khôn đó không còn ý nghĩa nữa. Tất nhiên bạn là công dân toàn cầu thì cũng không nên nói thêm nữa.

Thế nên, một hôm, lòng mình sáng rõ câu trả lời cho câu hỏi bấy lâu, về mình và về những người khác nữa. 


Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Thầy


Clip này mình đã xem mấy lần. 
Hôm nay nhân có clip về khoa "Tây" mình đang làm việc trên France 2, mình tìm xem hết. Xem xong lại nhớ đến clip này, clip về những bác sĩ cấp cứu "ta". Anh là nhân vật chính, nói về câu chuyện chuyên ngành mình. Nhưng đến tận hôm nay, nằm ở một đất nước xa xôi, sống và làm việc trong một hệ thống khác, mới hiểu được hết những điều anh nói.

Trong khi phóng viên kể về sự vất vả, môi trường sống chết mong manh, ăn uống trễ giờ; đàn em thì khen anh nhiệt tình khoa học các thứ các thứ; thầy béo thì nói về liên kết hợp tác các thứ... thì anh nói về hoài bão. Hoài bão thay đổi hệ thống, thay đổi cả một chuyên ngành mà có lẽ nhiều năm, thậm chí cả đời anh đeo đuổi. Anh đau nỗi đau của bệnh nhân, nhưng không khoác lên mình đôi cánh trắng. Anh băn khoăn để có những bánh xe đưa bệnh viện tới gần cộng đồng hơn. Câu chuyện của anh, là một cái đích rất rõ ràng.

Tôi gặp anh lần đầu khi mới vào nội trú. Anh gặp, và bảo "Các em là tương lai của cả một chuyên ngành"- đó là ấn tượng thứ nhất: một người có tầm nhìn dài hơn một kỳ luận văn. Lần khác, có mỗi hai anh em ngồi chờ giao ban, anh mới đến, mình trực đêm. Anh kể chuyện cười j đấy, rồi bất giác nói : "Ở đâu mình còn làm mọi người xung quanh cười được thì ở đó đáng sống" - ấn tượng thứ hai: một người biết sống vì người khác và biết mình biết người.
Anh hay cười, nụ cười tươi, thân mật nhưng không sảng khoái. Anh có dáng đi rất nông dân. Hay chau mày khi cắm đầu vào cái máy tính cũ rích to tổ chảng lúc nào màn hình cũng tối sầm để tiết kiệm pin. Khều khều chuột cảm ứng với cái cổ như lão rùa. Mình đối lập hẳn mấy ông thầy dăm ba nét nhỏ này: Mình làm việc ngồi phải thoải mái, máy quẳng pin đi, cắm điện và dùng chuột tay, chuẩn bị lâu nhưng thao tác nhanh chóng và làm lâu vẫn thoải mái. Cũng như mình kịch liệt phản đối mấy trò dịch sách. Bao nhiêu công dịch được 1 cuốn, nhưng người thầy như thế là có tội: Tội làm đàn em không đọc đc nguyên bản, và cũng bó cái đầu đàn em chả bao giờ vượt qua rào cản ngôn ngữ chiếm lĩnh được biển cả tri thức. Đó là đọc một cuốn sách dịch mà mất đi cơ hội đọc hàng trăm ngàn cuốn sách, bài báo, nghiên cứu vậy. Khi đến đây, thấy mình chả kém về chuyên môn nhưng thua hẳn về ngôn ngữ so với các bạn châu Phi và Campuchia.

Trước khi mình đi, anh chỉ nói đi cho mở mang đầu óc. Đúng là như vậy. Ở đây, bác sĩ của họ chưa chắc "giỏi" bằng ở ta. Ở nhà, khoa Cấp cứu mòng mòng cả trăm bệnh nhân, toàn bệnh nhân nặng. Ở đây, Cấp cứu là giảm đau, là điều trị cơn hen cấp,... hay thậm chí chỉ là kê thuốc cho một bệnh nhân mà bác sĩ gia đình mới về hưu. Ở nhà người ta lôi xềnh xệch một người tai nạn giao thông quẳng lên taxi, hay một người đột quỵ băng cả trăm cây số qua mấy tuyến để đến tận Bạch Mai. Ở đây một cụ già hơn 90 tuổi, đủ thứ bệnh, ở một mình có thể được lính cứu hỏa mang đến bệnh viện ngay lập tức chỉ sau một cú điện thoại, điều trị đủ thứ rồi lại được xe cứu thương đưa về. Ở nhà, người nhà bệnh nhân trắng đêm nằm ở hành lang, thấp thỏm chờ đợi tin xấu, tất tả chạy tiền ký quỹ. Ở đây người nhà chỉ đến thăm rồi đi về, còn toàn bộ thời gian bệnh nhân ở bệnh viện một mình, chỉ một cái thẻ xanh cho mọi thứ hồ sơ chi phí. Ở nhà, bác sĩ đau đầu lo bệnh nhân đánh, lo bảo hiểm xuất toán, cuối tuần lo ngồi phòng khám kiếm thêm. Ở đây, bác sĩ làm 4 ngày/ tuần, bệnh nhân một đâu "docteur", hai câu "docteur", và nếu bệnh nhân có phản ứng thì lập tức được từ chối điều trị,và luôn có cả một đội hỗ trợ pháp lý sẵn sàng hỗ trợ. Cỗ máy của họ tốt hơn ta, không phải vì những cái bánh răng bằng vàng, mà là những cái bánh răng bằng thép bình thường nhưng luôn đúng vị trí.

Tự nhiên một đêm nhớ về anh, một đàn anh hoài bão, có tâm. Hy vọng anh sẽ có tầm ngày càng lớn nữa để thực hiện hoài bão của mình.