Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

"Có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở...

 Vô tình cắm liễu, liễu lại xanh"

 

Độ này lười lười, nhưng tại sắp hết năm rồi bèn viết đôi chữ cho vài điều nhỏ nhoi đặc biệt này - những điều nhất định phải viết vài chữ :) (trước khi blogger nó nhảy sang năm mới)


Điều thứ nhất là ngón chân kỳ diệu này. Ngón chân của mình. Nó hết lần này đến lần khác dạy cho mình về những điều thần kỳ của sự hồi phục, mà cả đến khi là 1 anh bác sĩ rồi mình vẫn thấy hay ho. 

Lần 1 cách đây khá lâu, khi mình bị một vết thương vạt 1 miếng ở chóp kia. Sau đó mình đoán nó sẽ thiếu máu vạt đó rồi khô mất, có khi co kéo vì thiếu da, vì da ở đó rất dày. Thế mà thế quái nào nó liền 1 cách thần thánh, chỉ hơi gợn lồi lồi lên tí.

Lần 2 chính là lần này, lai rai đã 4-5 năm nay. Thi thoảng mình lại bị chín mé và đau cái bờ ngoài móng. Mới đầu nghĩ do giày chật, do nhiễm trùng, do vô tình đá vào đâu đấy vv. Sau mãi cuối cùng mình mới phát hiện ra là do cái móng mình để bị ngắn quá, làm phần thịt đầu móng trùm lên làm cho bẩn dễ tích lại, và khi đi lại phần móng bị trùm chọc vào phần da làm đau chân. Thế là khỏi phải kháng sinh, ngâm rửa hay pedicure j phức tạp. Hóa ra bấy lâu nay mình đã làm sai mà thôi. Thì ra để móng chân dài vừa phải cũng là một kỹ năng sinh tồn, giống như thở bằng mũi khi cúm và xì mũi bằng nước chứ không phải khăn giấy vậy. Cơ thể luôn có những giải pháp để tự bảo vệ nó!


Điều thứ hai là một phi vụ hy hữu đến kỳ quái. Nhân một buổi ra trực, mình đi về trong cơn ngái ngủ. Vì cả đêm nháo nhào do hỏng phần mềm bệnh viện. Đổ xăng xong bon bon đi về, đến tận Xuân La mình mới phát hiện không có ba lô - nhẽ ra đang kẹp ở khung xe. Sau hồi lượn lòng vòng mình chắc mẩm hoy rơi đâu ồi, mất luôn điện thoại với ví kèm 100 giấy tờ lung tung. Đến chiều ngủ dậy tẹo, vẫn còn ngái ngủ thì mình phải mò vào Cổ Loa làm lại căn cước, vì có căn cước mới làm lại được tất cả các thứ khác kia. Dù lạc vl lạc thì mình cũng kịp làm xong ngay trước khi các anh công an đóng cửa ra về. Vừa ra đến cổng thì mình được gọi lại từ điện thoại của mình báo hãy quay lại cây xăng lấy ba lô. Ỏ o từ bé đến giờ lần đầu tiên mình mất đồ mà nhận lại được!!!


Những ngày cuối năm quá nhiều vui buồn chộn rộn, nhưng dù là gì thì có vẻ cuộc đời này đã ưu ái mình quá nhiều. Mấy lúc có việc 4-5 năm mới có 1 lần và hơn 30 năm mới có 1 lần cùng xảy ra thế này, nhỉ?

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

Lửa, mưa và nước mắt

Chiều nay hết việc, phải ngủ một tí rồi mới phi xe về. 

Ngồi cửa sổ nhìn mưa rơi, tự cho mình khóc 1 tí tẹo rồi thôi.


Với mình, vụ cháy không quá to tát. Ở A9, khi cần thì có thể đón nhiều, nhiều BN hơn thế. Điều đau lòng với một bác sĩ cấp cứu trong một thảm họa, là cái cảm giác này: trống rỗng và lặng thinh; nhận ra cơn bão táp đã yên, nhưng những thứ mình níu giữ được quá ít ỏi so với mất mát. Con người mà, ai chả có lòng tham.

Tham có cơ hội cứu được những đứa trẻ con vùng vẫy trong khói lửa, mà lẽ ra đang được ngủ ngon lành.

Tham có cơ hội cứu được những gia đình mới hôm trước vẫn đầm ấm yêu thương...

Tham cứu được những người vợ, người chồng, người con cho những người thoát nạn, đang nhìn vào hư vô với ánh mắt thất thần. Tất cả đối với họ đã hóa thành tro, gia đình, tài sản. Rồi mai người ta sẽ tiếp tục sống tiếp như thế nào?

Tham, tham chứ. Nhưng không được.


Cố lên các anh, các chị, các em! Hãy sống, vì mọi người đã thực sự cố gắng và may mắn rất nhiều, chỉ còn 1 tẹo thôi.

An yên nhé, các bé, các bác, các anh chị em. Ở đâu đó chắc hẳn mọi người đang yên giấc, đã mất ngủ quá nhiều rồi.


                                                       Le vent se lève! ... Il faut tenter de vivre! 

                                                                  - Le Cimetière marin, Paul Valéry -





Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

Giấy khen đổi được gì?

 


Bằng khen thời còn đi học của Giáo sư, Tiến sĩ kỹ thuật tải trọng, nhà nghiên cứu hàng không vũ trụ Quế Hải Triều (1986, Vân Nam).

Quế Hải Triều đang là giáo sư và nhà nghiên cứu cấp cao của Đại học hàng không & du hành vũ trụ Bắc Kinh và cũng là người giám sát đào tạo tiến sĩ hàng không vũ trụ của trường. Là phi hành gia dân sự đầu tiên, là phi hành gia đeo kính đầu tiên của Trung Quốc bay vào không gian. Và cũng là người đầu tiên bay lên trạm vũ trụ Thiên Cung thực hiện sứ mệnh chinh phục không gian mà không phải là quân nhân PLA.

                                                          - Bài đăng trên nhóm China Skyline & Economy -

Cái ảnh này đã thấy mấy lần, trên fb và tiktok, nhưng đọc những dòng caption này, tự nhiên thấy xúc động và muốn viết một tí. Nếu là mình hồi phổ thông chắc đã có thể viết được vài mặt giấy ngay được về cái ảnh này.

Mấy hôm trước thi Cao Khảo ở Trung Quốc, rồi mấy hôm vừa rồi thi vào 10 ở Việt Nam. Có mấy cái nhận xét như này:

1. Đề thi đại học của TQ môn Văn luôn rất hay, nêu vấn đề thiết thực và gợi mở. Đọc đề thi giống như đề thi Hội thi Đình ngày xưa để các sĩ phu luận về thế sự. 

Đề thi đại học của Việt Nam vẫn chăm chăm ôn tủ mấy bài văn ngắn vài mặt giấy trong sách giáo khoa, nghị luận xã hội thì chung chung vô thưởng vô phạt. Ví dụ đề vào 10 hôm qua về "làm chủ cảm xúc bản thân vì cảm xúc của chúng ta có thể làm người khác lo lắng", xàm vl xàm.

2. Truyền thông của TQ tạo ra dư luận cực ấn tượng về sự tôn nghiêm, quan trọng và kỳ vọng ở các kỳ thi: cảnh sát dọn đường, cứu hỏa phun nước, người dân nhường đường, máy bay ngừng bay ... và vô vàn hình ảnh, hát hò kiểu Nhất lộ sinh hoa trên tiktok. Rồi những câu chuyện vui vẻ kiểu Thanh Hoa - Bắc Đại, Vi thần, ... làm cho đến đứa trẻ ham chơi nhất cả ngày cắm mặt vào tiktok cũng phải cảm nhận được sự trân trọng giáo dục thế nào

Truyền thông VN thì nhai nhải câu chuyện giảm tải, học theo Âu Mỹ học kỹ năng mềm, EQ AQ các kiểu. Sau đó nhồi vào đầu nhau phải học ở trường quốc tế mới tốt, phải như Bắc Âu các kiểu các kiểu. Người ta vẫn loay hoay ở những cái mác!

-----

Những suy nghĩ vụn vặt về bức ảnh:

1. So về giấy khen, chắc chắn rằng đầy người Việt Nam nhiều giấy khen hơn thế kia. Nếu coi Quế Hải Triều là một hạt giống tốt đã nảy mầm trưởng thành rồi rực trở nở hoa làm đẹp cho đời, thì ở cái xứ sở 100 triệu dân này, có không thiếu những hạt giống cũng xuất sắc như vậy, có điều chả thể nở hoa mà lụi đi đâu mất thôi. Lê Bá Khánh Trình chỉ mãi là cậu giáo dạy toán.

 Hồi 100 triệu dân, sau 30 năm từ một nước không sản xuất nổi cái máy cày, thì Liên Xô đã làm được bom hạt nhân và đưa vệ tinh ra vũ trụ. Chả biết 30 năm nữa VN còn phân lô bán nền không?

2. Công bằng xã hội chính là việc một cậu bé tài năng như thế kia, dù nghèo đói bần hàn, bước chân vượt lên được trên các nấc thang của xã hội; cuối cùng được trọng vọng và tài năng được đặt đúng chỗ để cống hiến cho xã hội. Với anh và với hàng triệu học sinh nghèo khác, đó là Cá chép hóa rồng, Vinh quy bái tổ. Với đất nước TQ, đó là tìm thấy nhân tài ở thâm sơn cùng cốc để phục vụ quốc gia. Những giá trị về dụng nhân trị quốc hàng nghìn năm vẫn đang được TQ gìn giữ. Trong khi ở VN thì ngập ngụa tệ con ông cháu cha, nhất là trong những ngành cốt lõi.

3. Hạt mầm tốt phải có đất tốt mới có thể nảy mầm. Hãy nhìn kết cục của Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Trần Đức Thảo... Vẫn biết là tiểu tư sản thì hay dao động, nhưng việc trí thức bỏ nước mà đi sau 45, sau 54, sau 75, sau Nhân Văn Giai Phẩm thì hẳn là đi ngược lại với phép dụng nhân. Hơn 2000 năm trước Lã Bất Vi đã soạn Lã Thị Xuân Thu, rồi dùng đủ kế để chiêu dụ người tài vì nhận ra chỉ có kẻ sĩ mới hưng thịnh được xã tắc. 

Tiếc thay, giờ thì người ta lải nhải "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" nhưng thật ra khoác lên cho nguyên khí ấy tấm áo thiên thần chết đói, và âm thầm nhồi con cháu vào những chỗ "ngon ăn".

-----

Quốc gia nào muốn hóa rồng cũng cần phải có thời kỳ quá độ, cũng có một thế hệ lao ra biển quỳ gối xin tri thức, học mót ăn cắp công nghệ về phát triển quê hương. Nhưng muốn có được cái thế hệ ấy thì phải làm cho người ta thấy yêu nước, không phải từ những bài học nhai nhải ở lớp hay trên loa phường, mà là việc "giấy khen" sẽ đổi được gì?

- Sự tôn trọng của xã hội, cộng đồng hỗ trợ để phát triển khả năng, tiền bạc, danh tiếng...

- hay là những lời khen công nghiệp, sau đó là một thằng đồng nghiệp COCC nhảy lên đầu mình, những đồng lương còm cõi chả bằng anh xe ôm, và hầm bà làng gì nữa...

Rồi năm nào cũng hỏi quán quân Olympia có về nước không? haiz


Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

Lòng người

 "Ở nơi ranh giới sự sống - cái chết, những chiếc mặt nạ được lột ra và người ta thấy rõ được lòng người"


Sau đêm trực, trời man mát, ngồi duỗi chân viết blog, hít hà hơi lạnh buổi sáng phả vào cửa sổ.

Làm cấp cứu cũng khá lâu, cũng chả lạ lẫm gì các thể loại người trong xã hội. Phòng cấp cứu giống như một xã hội thu nhỏ, nhưng nhiều nỗi buồn và cái xấu hơn.


Hôm qua bắt đầu buổi trực nháo nhào, bệnh phòng lưu đông kín. Một bác học viên đưa mình ký xét nghiệm, báo bệnh nhân vào viện vì tụt áp chưa rõ nguyên nhân sau ngã, nền trầm cảm. Cái đầu lắm liên tưởng của mình bèn nhảy ra vô kể những kịch bản tồi tệ để quay bác học viên, như thường làm. Tất nhiên bác học viên không lường hết được và ấp úng nhiều thứ chưa khám chưa hỏi. 

Điều trị người bệnh cấp cứu như dò dẫm đi trên đường với đầy hố cạm bẫy, sa chân là rơi mất bệnh nhân, hoặc rơi cả mình. Nó khó hơn cả đi trên dây, vì đi trên dây còn biết cái dây ở đâu, khoảng không hai bên cần phải tránh. Còn dò dẫm thì chả biết phía trước có gì, cạm bẫy phía nào, ngay cả nơi mình đứng có khi cũng chuẩn bị sụt xuống. Những cái hố ấy các thầy hay gọi là pitfall, mà hậu quả hay thấy nhất của nó là Hội chứng 4 giờ sáng.

Kể tiếp chuyện, mình bèn đi khám ngay, dù cảm quan ban đầu của các bạn là không quá nặng so với vô số ca ngáp ngáp thở máy vận mạch trong bệnh phòng hỗn độn. Thường các bạn sẽ cho bolus dịch sau đó cho vận mạch trong khi chờ xét nghiệm, sau đó tính tiếp, hết giờ qua tua là vừa. Nhưng cái bệnh cảnh đầy cạm bẫy kia làm mình sợ bỏ qua cái bẫy nào đó. Và hẳn vậy. Đó là một cô tầm 50 tuổi, thần thái mệt mỏi chán nản, vẫn còn tỉnh táo trả lời từng câu. Mình hỏi phủ đầu: "Có phải cô nhảy xuống không?". Người nhà đứng bên thì lắc đầu quầy quậy, bảo bị ngã cầu thang, sau bảo không biết. Khám từ đầu đến chân thì bệnh nhân chỉ có gãy cái tay phải và xước tí da ngực như bác học viên nói, hẳn vậy. Nhưng tụt áp, huyết áp lúc nào cũng chỉ có 70/40, mạch 120. Sau hồi dụ dỗ thì bệnh nhân bảo chả thiết tha gì nữa, nhảy từ tầng mái xuống, ngã đập hông và cánh tay, và nhất mực từ chối điều trị thêm bất cứ thứ gì. Vì ở Việt Nam, mình vẫn vừa dỗ vừa làm siêu âm, tù mù nghi ngờ có dịch ổ bụng. Bèn gọi đám cấp cứu ngoại sang khám.


Nhưng cái lòng người mà mình nói ở đây, là hàng loạt thứ như này:

Người chồng được mời vào, vẫn nhất mực giấu, và phải đến khi mình bảo nếu nghi ngờ án sẽ gọi công an thì mới ngồi kể, giọng lạnh băng.

Mình nháo nhào và đánh cược cả sự an toàn để đẩy bệnh nhân đi chụp CT toàn thân khi huyết áp thấp lè tè, liên hệ ỉ ôi để có kết quả chụp sớm, lĩnh máu các thứ. Thì ồi thôi, cả loạt bác sĩ ngoại lướt ra như những thiên thần, sờ sờ nắn nắn dù đã có kết quả rõ lè trên CT, sau đó vừa viết bệnh án vừa "chỉ dạy" kiểu "Cái này chưa có chỉ định mổ em ạ, phải hồi sức tích cực với truyền máu đi iem". Giống như "hồi sức tích cực xin nhận bệnh nhân, đang xếp giường" thì "chưa có chỉ định mổ" là câu nói dối trắng trợn và vô sỉ kiểu bịp trẻ con mà bấy lâu vẫn được nói ra không ngượng ngùng. Tất nhiên vẫn là nụ cười, nụ cười bị lời nguyền hiểu biết, hiểu sự khốn nạn này đang đậy điệm sự ngu dốt và nỗi sợ chịu trách nhiệm. Cũng phải kể nữa cho đủ bộ, rằng điện quang bày ra trò phải viết giấy hội chẩn, mang bệnh án hội chẩn sang chầu để bác sĩ can thiệp phán có chỉ định làm can thiệp không, trong khi chính bọn này đọc phim. Sau khi mỉa mai chán trên nhóm liên hệ có lãnh đạo, thì họ bèn bịa ra lý do phải chờ xét nghiệm tiểu cầu đông máu. Mỉa mai thay cho cái bệnh viện to nhất miền Bắc với những lý do được bịa ra phi lý và vô trách nhiệm như vậy.

Tất nhiên mình cũng chả lạ, đã vô số bệnh nhân chấn thương sọ não vào viện tỉnh táo bị bỏ đến chết, ca bệnh vỡ gan độ IV gãy đôi cột sống nhưng "không có chỉ định mổ" hay ca tràn máu màng phổi máu phun ra thấy cả trên MSCT nhưng 3 tiếng sau bác sĩ lồng ngực mới ưỡn ẹo xuống bảo ủ uôi mổ gì nữa.

Và điều cuối cùng, đến ghê tởm và bất ngờ nhất, là khi mình đã thuyết phục được đội can thiệp, giữ được huyết áp, truyền máu xong thì tất cả, vâng, tất cả người nhà quyết tâm đưa người bệnh về để chết. Đó là một quyết định mang tính giết người, không thể thuyết phục được bằng mọi cách dụ dỗ dọa nạt. Tất nhiên, vì ở Việt Nam, mình buộc phải giải quyết theo hướng cân bằng tránh rắc rối về sau. Sau cùng, mình cũng đã hiểu tại sao người bệnh kia lại chán nản cái cuộc đời này như vậy!


Để không buồn, đã từ lâu mình không bao giờ thân với bệnh nhân. Bệnh nhân chỉ là bệnh nhân mà thôi, không hình hài, không cuộc đời, chỉ có câu chuyện lúc mình gặp. 

Có một đợt mùa hè, mình đã ngồi đọc rất nhiều về tự tử từ một cuốn sách tình cờ trên thư viện quốc gia. Trong đó có phần mình khá ấn tượng, rằng: cuộc sống này tươi đẹp biết bao, nhưng loài người là một giống loài xã hội, phải ở trong tình thế như nào thì người ta mới chọn lựa thứ mà họ cho là tốt hơn, là cái chết.


Sau nhiều chuyện, tự hỏi sao người ta không thể sống thuần khiết, và tử tế, chả phải đến độ cao thượng hay rạo rực yêu thương; cớ sao cứ thế hả lòng người?