Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Mưa đêm hè

đêm
Ngồi nghe nhạc không lời réo rắt
Mưa vẫn tí tách ngoài sân. Cơn mưa mùa hè ướt rượt, mát lạnh và lặng lẽ giữa màn đêm.
một mình, yên ổn, ấm áp.
Tự thả lòng mình vào một cảm giác thảnh thơi, an lành vô sự.
Vùi trong chăn, lắng nghe mưa gió ngoài cửa sổ, ngủ một giấc yên bình.
Có những niềm hạnh phúc mang tên bình yên.


Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

Một mùa thi

Tối thứ bảy, đi thăm thằng em mới thi đại học về. Chợt chạnh lòng một tẹo.
Nói chuyện với thằng em về công việc, về tương lai, kể về "thế hệ bọn anh" - ôi hóa ra cái thế hệ của mình đã xa thế rồi. Mình đã già rồi!
Năm nay là bọn 99 thi tốt nghiệp cấp 3- cái mốc coi là đã trưởng thành. Hết 9x. Rồi đây, sẽ có một lớp choai choai như mình hồi trước, nghĩ về các "ông bà" 8x già khú.

Năm nay mùa thi yên ả. "Như một đợt thi học kỳ"! Ai cũng vui vẻ. Nhớ ngày xưa cả xã hội nháo nhào đảo lộn. Giờ thì hội sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi bị ế. Chắc đội tình nguyện sắp giải tán! Sẽ không còn cảnh mệt mỏi đông đúc, những khuôn mặt phiền lo của sĩ tử, của người nhà, của các lực lượng phục vụ kỳ thi. Vẫn nhớ hình ảnh cậu học sinh đi dép tổ ong, một mình đi thi từ Sơn La, bắt xe xuống Hà Nội, tìm trường thi còn bị lạc đường. Hôm ấy mình quay đi tiền tram địa điểm thi khác mà vẫn day dứt tận giờ. Thôi may giờ các em sẽ không phải vất vả như thế nữa.  Một tình nguyện viên tốt có thể giúp một người, một chính sách tốt có thể giúp cả một thế hệ!

Năm nay, càng ngày suy nghĩ về cổng trường đại học càng khác. Thời của các chị mình thì đại học là cái gì xa xỉ, là trí tuệ, là tương lai xán lạn chắc trong tay, là tự hào với xã hội. Tới thời của mình thì đại học vẫn là cái gì đó lớn lao, như một tâm điểm, là một cuộc thi lớn trong cả chục cuộc thi trong đời, mà người ta vẫn nhầm lẫn cứ leo hết cuộc này cuộc kia thì càng giỏi càng sướng. Vài năm gần đây, những thế hệ này bắt đầu len lỏi vào đầu start up, kinh doanh các kiểu đem lại thành công. Thế nên giờ sẽ không thấy những em top dưới cố è cổ học một trường đại học vớ vẩn nào nữa, mà các em đi học nghề, đi kinh doanh. Lao động trong xã hội đang được điều tiết theo một hướng đầy tích cực. Và nói cho cùng, sắp đến ngày người ta nhìn thấy đúng  con đường của thành công, mà học tập chỉ là một con đường nhỏ không thích hợp với phần lớn mọi người.

Nhiều điều đang dần đổi thay...

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Nụ cười

Cậu con trai tiến lại gần, môi mím chặt. Mắt cậu chăm chú rò từng biểu hiện trên khuôn mặt bác sĩ, hỏi: "Liệu có cơ hội sống nào cho mẹ em không?"

-----------*------------

Mụ gầy nhẳng như một con mèo đói. Mà mụ đói thật. Ba mươi chín tuổi đầu có hơn ba chục cân. Mặt mụ nhàu như một tờ báo vo nát. Cái chỗ là hai hố mắt của mụ trũng xuống thâm sì rồi lại lồi lên một con mắt lơ láo sợ sệt. Ánh mắt mụ chầm chậm nhìn lên thứ vẹo gì đó trên trần nhà. Nhưng ánh nhìn của mụ đột ngột bị cắt đứt vì một tràng nôn. Mụ ọe. Ọe. ọe. ọe. ọe. Ọe...Nhưng cái gì còn trong bụng  thì mụ đã nôn tất tật từ chiều rồi. Giá thử lòng gan mà nôn ra được thì mụ cũng khạc cả ra, bây giờ chúng nó làm mụ đau đớn quá.
Hết tràng nôn, mụ lại nằm vật ra. Mụ cong cái môi lên, rồi gắng nuốt một miếng nước bọt. Chỉ mỗi nuốt nước bọt thôi đã là một cực hình. Từng mảng trong miệng mụ lở ra, chỉ chực chờ bãi nước bọt đi qua để cấu cho mụ một cơn đau. Miếng nước bọt như cục than đang cháy đỏ, đi đến đâu là cái đau xé cổ đi theo đến đấy. 
Xong, mụ nằm thở. Mụ kéo hết cả cơ lồng ngực để hít lấy hít để không khí. Mụ thấy cái đau, cái nóng cứ rần rần trong bụng, trong ngực mụ. Mụ thấy từng tí từng tí một, cái nóng, cái đau cứ thấm vào sâu hơn, lan ra đến từng đầu ngón tay ngón chân mụ. Mệt quá, nóng quá. Chắc mụ sắp cháy phừng lên rồi. Chắc mụ sắp chết rồi.

----------*------------

Mụ sắp quẳng đi được cái cuộc đời đen như chó mực này rồi. Mụ nhớ lại cái hồi bé tí đói khát lê la lem luốc cả đàn chị em nhà mụ đi bắt cua đi mót lúa. Rồi cái ngày khốn nạn mụ bị bắt sang Trung Quốc, cái mặt con mẹ mìn, ánh mắt đê tiện của thằng người Tàu. Chắc là sau khi chết mụ sẽ bay đi như trong phim Tàu mụ xem hồi bé, đi tìm từng đứa bóp le lưỡi cho bõ ghét. Ờ mụ cũng sẽ bóp le lưỡi lão chồng mụ - thằng cha nát rượu đánh mụ như một con chó trong mỗi cơn say. Mụ nhớ cái háo hức, cái hy vọng trong cái đêm thức trắng băng rừng trốn về từ Trung Quốc. Nhưng đời không phong mụ làm anh hùng. Đời ném cho mụ những cái nhìn dè dặt. "Chả ma nào thèm ngó đến một con bị bắt sang Trung Quốc!"- lão chồng mụ vẫn gào lên như thế trong mỗi cơn say, như là một ân huệ lớn lao mà lão dành cho mụ. Xong, hắn đánh mụ như đánh một con chó.
Thôi, giờ lão cũng mọt xương trong tù rồi. Chỉ tội cho ông cụ hôm đó cố cứu mụ.

Lòng mụ trầm xuống. Mụ tự nhiên thấy một nỗi nhớ thương và niềm hạnh phúc len lỏi trong tâm trí mụ. Mụ nhớ về những ngày bình yên. 
Mụ ứa nước mắt nhớ lại khi thấy thằng Cò sáu, bảy tuổi đầu mới được bữa no đầu tiên trong cái ngày tiền bán ốc hến mụ mò được không phải đem đi mua rượu. Mụ nhớ vẻ mặt con Mận sướng run lên, liếm mãi que kem đầu tiên nó được ăn hôm mụ mua được mớ đồng nát hời.
Ôi! Mụ mà chết thì mụ sẽ nhớ thương chúng nó lắm. Nhưng mụ phải chết thôi. Mụ yếu quá rồi. Mấy năm nay mụ cũng chả đi đâu được nữa. Cái lán giột nửa năm rồi mụ cũng chả với lên lợp lại được. Cái chân mụ đi ra bãi sông đã run lên. Mụ chả lội xuống nước được, nước sông độ này lên lớn quá. Mụ đói quá, nhưng chả lẽ cứ cắp rá mãi đi xin. Hôm trước trời run rủi thế nào mụ nhặt được nửa lọ thuốc diệt cỏ. Thế là mụ đi xin thêm một gói thuốc trừ sâu.

Chiều nay nắng to. Mụ ngồi trong lán nhìn ra bãi sông. Mụ tính kỹ rồi, con Mận đi xâu hạt đến chiều mới về. Còn thằng Cò đi làm thuê ở Hà Nội. Mụ không thể ngày ngày cứ nằm đây ăn vào mấy chục nghìn chúng nó kiếm được. Mụ còn hai trăm nghìn để dưới gối, mụ sẽ để cho chúng nó.

---------*----------

Cậu con trai khóc nấc lên, tay ôm lấy khuôn mặt giàn giụa nước mắt, đôi vai cậu run lên bần bật. 
- Em cứ khóc đi, nhưng đừng quá trách bản thân. Em cũng muốn, các anh cũng muốn, nhưng đến nước này rồi thì hãy chọn điều tốt nhất cho tất cả mọi người. Mẹ em sẽ rất tỉnh táo, mẹ sẽ còn là của em trong một vài hôm.
Mụ nằm trên cáng, lắng tai nghe bác sĩ nói. Lòng mụ như giãn ra, cái đau biến mất trong giây lát. Thế là mụ đã thành công. 
Trên môi mụ khẽ nở một mụ cười.


Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Thiên nga

Chuyện đi học nội trú làm mình liên tưởng đến chuyện Bầy chim thiên nga.
Tối tối, mình phi về nhà. Sáng sớm khi mặt trời vừa lên lại nhảy lên xe ra đi. Nhìn thấy bình minh hay hoàng hôn trên quê hương hiếm hoi đến nỗi mỗi lần có dịp, lòng mình lại rộn lên một ít xúc động.
Giống hoàng tử nhỉ?
Cũng giống cô công chúa luôn tay đan sợi tầm ma. Lúc nào mình cũng vẩn vơ việc nọ việc kia không bao giờ hết. Chả biết đến lúc nào tung được cái lũ áo tầm ma vô hình này lên giời mà gào hét tự do cả!

Hôm qua chat với người yêu. Câu hỏi đã được nghe 100 lần, từ 100 người: "Sao đi xa về khuya m không ngủ lại viện?" Mình vẫn luôn cười xòa: "Thôi đi về có nửa tiếng, nửa tiếng ấy ở viện cũng giặt quần áo. Đi về có máy đỡ phải giặt".
Hồi bé, y2, mình cũng ở ký túc. Nhưng được một dạo thì suốt ngày chuồn về. Đến y3 thì lại đi đi về về. Giờ nội trú, có chỗ trong ký túc viện, nhưng cứ hở ra là về.
Nhà là nơi mọi nỗi buồn và áp lực ở lại sau cánh cổng màu xanh. Ở nhà, mình có thể nằm lim dim tựa đầu vào chiếc ghế xoay, duỗi chân tận hưởng một sáng thứ bảy. Có trời trong vắt. Có gió. Có nắng. Có chim hót líu lo. Chờ bố đi chợ về. Tha hồ ngủ nướng. Trèo lên cây tìm cẩm cù gật gù xem nó uốn éo và nghía xem có cái lá nào mới ra chưa. Ở đây, sự thanh thản từ từ làm đầy ắp một tâm hồn đang nứt nẻ vì căng thẳng.
Nhà là nơi có bố. Lần nào đi về ông cụ cũng ngủ rồi, vì đã hết chương trình ti vi. Nhưng vừa chống chân chống xe ông cụ sẽ lại hỏi: "Về muộn thế cậu?". Sau đó ông cụ sẽ chép miệng than vãn một chuyện gì đó trong ngày. Kiểu: "Hôm nay tao mua thịt vịt ngon thế mà dì Dịu không ăn, đi luộc trứng. Đấy khó chiều thế". Xong, ông cụ lại ngủ tiếp. Nhà có ba bố con. Thi thoảng bà chị ế với ông cụ nói ba câu lại găng lên. Ông cụ không nói thêm, chỉ chép chẹp xong đợi mình về, kiểu gì cũng kể lại. 
Đã từ lâu rồi, mình là người lắng nghe mọi thứ ông cụ kể. Việc trong nhà thì mình cũng lựa ông cụ thích làm gì thì để ông làm, sau đó lại nghe ông cụ ngồi than vãn "bằng này tuổi đầu rồi". Ông cụ rất thích đi chợ, thích nấu cơm nhưng ghét rửa bát, thích làm vườn nhưng ghét dọn nhà, thích cho chó ăn, thích cắt cây. Mình làm một chốc là hết, nhưng mình vẫn để ông cụ làm. Mình mua cả cưa về cho ông cụ, dù biết một ngày nào ông cụ sẽ lấy cái cưa đấy đi cưa cây gì đó của mình như 100 cái cây lăng nhăng của mình bị ăn cuốc với bị vùi lấp các loại bấy lâu. Mình biết tỏng, ông cụ là người chăm chỉ, ông cụ thích làm việc, nhưng ông cụ cũng thích người khác ghi nhận. Ông cụ nấu cơm xong đến bữa cơm ông cụ bảo: "Đấy hơn sáu mươi tuổi đầu mà tao vẫn phải ở nhà đi chợ nấu cơm". Bà chị mình thì bắt đầu: "Bố không đi chợ thì thôi để con đi, mà bọn con cũng có đi chơi đâu...". Còn mình thì biết tỏng mai mà không cho ông cụ đi chợ kiểu gì ông cụ cũng buồn.
Đêm, nằm lăn ra ngủ cạnh bố. Mùa đông, ông cụ bảo: "Thôi mày đắp chăn riêng đi, chăn cậu hôi lắm". Thế là tha hồ rúc trong cái chăn len tới tận mùa hè. 
Đêm. Gần 1 giờ sáng mới mò về. Nồi cơm vẫn sáng đèn ủ. Vòi nước tắm vẫn tuôn ấm áp. Ông cụ thì vẫn ngủ. Dù không gọi điện, không nhắn tin vì ông cụ chả bao giờ cầm điện thoại.
Đó là những hạnh phúc nhỏ nhoi mình luôn trân trọng.

Mình và bố. Hai người đàn ông. Mở miệng nói một câu yêu thương thật ngại ngùng. Mình biết, với ông cụ, mình là niềm vui, là lẽ sống. Còn với mình, chăm lo cho ông cụ tử tế luôn là đích đến để mình phấn đấu.










Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Vô thường

Qua một đêm trực, cứ mãi những dư âm day dứt...
Nghĩ về cuộc sống vô thường.
Mình lặng người chả biết nói gì. 

Phòng cấp cứu với tiếng máy báo động inh tai, tiếng người cấp cứu, ép tim, sốc điện.... 15 phút. Với mình, 15 phút ào qua dồn dập. Cơn buồn ngủ lập tức tan biến, adrenalin phóng ào ạt vào máu.
Cũng 15 phút ấy. Dài vô tận với một ông bố, một bà mẹ - những người còn đang mê mệt ở phòng bệnh bên cạnh. Nhưng họ chăm chú lắng nghe, tất cả, trong im lặng. Hai người em gái chân chối đứng nhìn. Cũng trong im lặng. 

Cuộc đời vô thường. 
Ba mươi năm trước, người cha ấy, người mẹ ấy đã vui sướng biết bao khi chào đón đứa con trai ra đời, với những ấp ủ, những hi vọng. Tết năm nay, những cô em ấy còn cười đùa ông anh trai đã 30 mà còn chưa vợ. Mới mấy hôm trước thôi, cậu con trai khỏe mạnh tháo vát, đi rừng về còn chu đáo mang về ít đồ rừng, nấu bữa cơm cho bố mẹ già. Bữa cơm oan nghiệt, bữa cơm cuối cùng.
Hôm mới lên, bà vợ nằm trên cáng còn quay sang chỉnh chồng đừng có làm thế này thế khác người ta cười. Trước khi mình về làm, ánh mắt anh con trai vẫn đầy chứa chan hi vọng, mình mỉm cười bảo anh cố gắng.
Thế nhưng, mọi thứ đã trượt đi quá bất ngờ làm mình không tưởng tượng nổi, dù đã được cảnh báo trước.

Sáng nay đi buồng, chợt thấy anh Chính thật tinh tế khi chuyển giường người bố vào phòng trong. Đối diện ông bố ấy, bà mẹ ấy.... đến lượt sự im lặng nặng trĩu tấm lòng mình.

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

"Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn"

Nhớ hồi xưa có vụ cậu bé Đỗ Nhật Nam, con của hai PGS đã tự tin trả lời phỏng vấn: "Mẹ em bảo truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn". Sau đó em bị cộng đồng mạng ném đá sml.
Nhiều người cho đó là lời chảnh chó của một cậu ấm con ông nọ bà kia, rồi bố mẹ làm cho con không có tuổi thơ... Hồi ý mình cũng tặc lưỡi chả đúng sai gì, mỗi người mỗi cách dạy con.
Thế nhưng độ này, nhìn những đứa trẻ con nhà mình lớn lên, một hôm mình chợt nghĩ lời nói của PGS sư phạm kia có chăng là đúng? 
Những năm 80, 90, bọn trẻ con không chơi đánh đáo đánh quay, nhảy dây, chơi mốt nữa mà chúng ôm truyện tranh hay dán mắt vào ti vi, nhà nào giàu có thì có cả trò chơi điện tử. Nhưng ấy là những lúc rỗi rãi hiếm hoi, còn lại là trông em, đi cày đi cấy, thái rau nuôi lợn...Đó là một thời tuổi thơ. 
Mình cũng lớn lên trong cái thời ấy. Biết quét nhà, nấu cơm, băm dây lợn từ hồi còn chưa học lớp 1. Lớn lên tẹo thì cuốc đất, trồng rau, cấy cày đủ cả. Cả nhà có mỗi cái ti vi có mỗi 3 kênh VTV với kênh Hà Nội, xem phim, xem thời sự, xem hoạt hình, có gì xem nấy. Nhớ những buổi mưa ở ngoài, mấy chị em trải chiếu nằm xem Tây du ký, điện thì yếu rúm cả màn hình, rồi thì lo rút ăng ten không sét đánh. Chương trình ưa thích của mình thì chỉ có hoạt hình lúc 5 rưỡi chiều, với vài chương trình khoa học, tự nhiên ở kênh VTV2 thi thoảng bắt gặp. Còn lại thì cả nhà xem Thời sự với bố, và xem phim đủ loại.
Hồi bé, sách với mình là một thứ gì xa xỉ. Cảm giác cầm một cuốn sách mới "của mình" rất hiếm hoi. Sách giáo khoa toàn dùng của các chị, sau đổi sách thì đi xin của Đức năm học này qua năm học khác. Sách tham khảo thì lên cấp ba mới có vài cuốn. Còn truyện thì hiếm như vàng. Chỉ có vài cuốn tiểu thuyết chị Ninh đi học mượn ở thư viện trường, sau là chị Vui mượn bạn bè. Nói chung cho đến cả bây giờ, nhà mình không phải những người có thói quen đọc sách. 
Truyện tranh với mình như là cái quái gì chỉ bọn nhà giàu mới có. Nói chắc chả ai tin, trong khi lũ bạn mình đọc cả lô Bảy viên ngọc rồi, Jindo, Nữ hoàng Ai cập, Narutothì mình gần như chưa đọc tập nào trong đống đấy. Lẽ đơn giản vì bọn ý là truyện dài kỳ mà mình mượn đọc được vài trang chả hiểu cóc khô gì là chán. Mình đọc mỗi Đô rê mon với Conan, vì hồi đấy hai truyện này hot, bọn bạn hay mang đi nên dễ mượn, và vì truyện toàn mẩu ngắn ngắn dễ hiểu. Mình cũng là loại ngại mượn đồ người khác, vì cái suy nghĩ chả bao giờ mình có truyện gì cho bạn mượn lại.
Thế là ở nhà có cuốn gì thì mình đọc hết. Từ hồi biết chữ thì gần như mình đã đọc dần hết sách giáo khoa của các chị. Trừ Toán Lý thì khó hiểu, chứ mấy môn như Văn, Sử, Sinh học... thì mình còn đọc nhiều hơn cả mấy bà ấy. Có lẽ vì thế lớn lên mình có cảm tình đặc biệt với những môn này. Sau này có thư viện ở Bưu điện, ở trường, nhưng toàn sách linh tinh và mượn trả chán ngắt, mỗi chỗ được một dạo.
Đấy, vốn sống của mình nó giản đơn như thế. Chả ai dạy. Chả có sách mà đọc. Chi đọc sách giáo khoa, vài cuốn sách mượn được và thi thoảng xem chương trình khoa học trên ti vi. Giờ nhìn lại, mình cũng chả biết thế quái nào mình có thể biết đủ thứ cái hồi đi thi Olym, trong khi sau đấy mấy tháng mình còn chả biết dùng Internet.

Đấy là chuyện của mình. Chả dám nhận là người ham đọc, nhưng hẳn mình cũng là đứa thích tìm tòi và thích tìm kiến thức hơn là để giải trí.

Con Minh Phương cháu mình là một đứa thông mình, học hành rất nhanh thuộc. Nó lại cầu toàn, nhớ hồi lớp Hai tuần nào nó cũng học thuộc lòng cả bài tập đọc để chuẩn bị cho tiết kể chuyện. Thế nhưng giờ nó học lớp Ba vẫn chả biết cóc khô gì về thế giới. Nó chỉ học những thứ trên lớp, xong về nhà ngồi xem hoạt hình. Nó có cả ngày không phải làm gì, chỉ ngồi xem Bibi với Cartoon hết phim này đến phim khác. Chán thì lấy điện thoại tìm clip linh tinh trên youtube. Mình đã thử để ý xem hoạt hình bây giờ là thể loại gì, thì hóa ra toàn mấy loại chả có cốt truyện vẹo gì, y như Tom và Jerry đuổi bắt đuổi bắt và đuổi bắt. Nhưng giờ hoạt hình màu mè và nhạc nhẽo sôi động, kích thích thị giác hơn nhiều. Thế là những lúc rảnh, nó ngồi đờ ra xem đến mỏi mắt, với cảm giác bị kích thích cao độ về màu sắc, âm thanh. Mà cuối cùng chả có tí kiến thức, vốn sống nào nó học được. Ngày này qua ngày khác. 
Điều tai hại hơn nữa là giờ nó chỉ thích xem cái gì có tiết tấu nhanh, lòe loẹt, gây cười kiểu lố bịch. Nó không thể ngồi xem phim tài liệu, xem những mẩu phim quay biển, quay rừng với những con sư tử không biết nói, những con khỉ chỉ ngồi yên... và càng không đủ kiên nhẫn ngồi nghe người ta nói về một câu chuyện lịch sử, hoặc ký sự về một vùng đất xa xôi. Với chúng nó, tư duy thẩm mỹ đã bị méo mó: hay tức là lòe loẹt là ồn ào là lố bịch.
Học lớp Ba rồi nhưng kiến thức và kỹ năng của nó rất yếu. Không biết tự lo cho bản thân, không dám đi bộ ngoài đường, không biết nấu cơm, không biết giặt quần áo... Kiến thức khoa học hoa hoét, cây cối, con vật, rồi xa hơn là địa lý các đất nước, các thành phố, rồi chuyện lũ, bão, rừng, sông, sa mạc, ... đều lạ hoắc vì những cái đó bị méo mó trong phim hoạt hình. Con sư tử đầu tiên nó biết là một con dễ thương, biết nói, mạnh mẽ... đến khi nó thấy con sư tử thật thì đâu còn cảm giác ghê sợ trước một mãnh thú nữa. Con sông nó biết chỉ như một cái lạch có cây cầu bắc qua. Nó đâu thấy được sự vĩ đại của một dòng chảy mang đến cả một nền văn minh, sao hình dung được kỳ tích của những người mang đá xây cầu thép vượt sông...
Nó cũng chả biết và chả thích đọc sách. Với mình, mỗi cuốn sách là một câu chuyện được gói ghém gửi tới từ một thế giới khác. Với nó, sách chỉ là một lô lốc chữ chán ngắt. Nó không thể đọc một đoạn dài quá một mặt dù đã đọc thạo từ lâu, vì nó chả thấy gì hay ho ở những chuyện như thần thoại Hi Lạp, hoặc ngay như truyện Tấm Cám mà nó được nghe, chao ôi sao mà nhiều chữ thế.
Nó cũng không biết cách tìm kiếm thông tin. Chật vật lắm nó mới biết google. Nhưng lại một lần nữa nó bế tắc vì ngại đọc.
Kiến thức, kỹ năng của nó làm mình cảm thấy nó đang tiêu phí tuổi thơ vô ích. Nó đang bị mù chữ giữa cả biển thông tin!

Ngẫm nghĩ, mình cho rằng giáo dục trẻ em như hiện tại là một cách giáo dục ngu dốt. Cái chúng nó cần không phải là ngồi ê a đọc thuộc lòng mấy bài tập đọc, nắn nót chữ cho trăm đứa chữ giống như hệt. Đáng lẽ chúng phải được dạy cách yêu cuộc sống, dạy cách lao động, dạy hình thành thẩm mỹ quan biết yêu cái gì là đẹp, là tốt, biết đứng về lẽ phải, biết sống tự trọng chứ không phải để chúng "chỉ lo học" mà mặc kệ bố mẹ làm việc, thích hưởng thụ, chuộng tiền bạc, ưa nói xấu người khác... Đó là tiên học lễ. Hậu học văn càng không phải là loại nhồi sọ bắt trò học thuộc lời thầy như kinh thánh, mà phải là dạy chúng kỹ năng và để chúng tự chiếm lĩnh tri thức của chính mình. Phải dạy chúng cách đọc sách, cách tìm kiếm tài liệu ở thư viện, ở mạng internet. Rồi từ biển thông tin đó phải  phân tích, tổng hợp, tóm lược thế nào thành kiến thức của mình. Rồi còn kỹ năng trình bày, diễn đạt lại tri thức đang nằm trong não chúng. Dạy được như thế, không những lớn lên chúng có kỹ năng tốt mà còn nắm chắc kiến thức, vì đó là thứ chúng yêu thích và tự chiếm lĩnh được. Hãy tưởng tượng một tiết học Sử về triều Trần. Học sinh được đưa cho từ khóa, dạy cách tìm tài liệu ở thư viện, cách tra cứu, trích dẫn tài liệu trên mạng, rồi tổng hợp lại rồi trình bày theo nhóm trên lớp theo từng mô đun của vấn đề: Khởi nghiệp triều Trần, Chiến tranh chống Nguyên Mông, Văn hóa kinh tế thời Trần, Danh nhân thời Trần. Khoảng 10 phút mỗi phần, vậy 1 tiết 45 phút cả 4 vấn đề quay quanh chủ đề được bàn luận, còn lại sẽ được giao làm bài tập về nhà kiểu: "Ý kiến của em về quan điểm Dù không có Hồ Quý Ly thì cũng sẽ có người khác, bởi sự sụp đổ của nhà Trần là tất yếu"; hoặc bài luận "Về Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản"... Chắc chắn đó sẽ là cách học thú vị hơn tiết Sử hiện nay: thầy bắt trò đọc lại những điều ai cũng đọc được trong sách, ghi ghi chép chép lại sách giáo khoa rồi bắt học thuộc, xong quên sạch. Và lớn lên các em căm ghét lịch sử nước nhà. Thật là kinh dị!
Ở đất nước này, có một thời các trí thức thực thụ đã bị đẩy đi, bị ngó lơ và nền giáo dục "bình dân học vụ" của những người mới xóa mù chữ lên ngôi. Sự quan liêu trong giáo dục từ thời đó đến giờ vẫn là ung nhọt không dễ gì xóa bỏ, vẫn ngày đêm đau nhức. Y tế, và giáo dục, cùng cũ kỹ, cùng quan liêu, năm năm tháng tháng vẫn kêu mà không biết thay đổi thế nào.
Hồi bé, bọn trẻ con sẽ được bảo cố gắng học để sau thành công, nhưng lớn lên chúng sẽ thấy người thành công trong xã hội này còn cần muôn vàn ma mãnh. Trí thức không thể có một cuộc sống giản đơn, phải lo ma mãnh, lo cơm áo, lo quyền tước chính trị. Thế nên làm người lớn thật mệt.
Còn trẻ con, chúng vẫn đang bị ngu đi dần dần, và sẽ không biết về đâu nếu cứ ngày ngày đến lớp nghe kinh và về nhà đờ đẫn bị đầu độc bằng hoạt hình. Rồi sẽ có một thế hệ lệch lạc, không đam mê, không kỹ năng, không kiến thức.

Cây của mình sẽ phải được dạy dỗ khác.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Rồi một ngày mình sẽ làm nông dân

Một trong những ước mơ lớn nhất đời mình là trở thành một nông dân.
Sinh ra trong một gia đình nông dân, mẹ thì bán rau nuôi mình lớn, từ nhỏ mình đã có tình yêu đặc biệt với lũ rau và cây cối. 
Tìm trong khu vườn, mình luôn thấy sự bình yên và thư giãn trong tâm hồn. Mỗi lúc học nhiều, hay buồn, hay vui,... mình đều muốn sà vào khu vườn: làm cỏ, cuốc đất hay chỉ là dạo chơi loanh quanh. Mọi âu lo tan hết, niềm vui và chút hy vọng xanh tươi lại nảy nở.
Từng luống rau, cây bưởi, giàn mướp... đều có những vẻ đẹp tinh tế mà càng ngắm nghía mình càng phát hiện ra những điều tuyệt vời thú vị. Hồi lớp 6 và lớp 7, mình học cực giỏi Sinh học và nhớ đến tận giờ, kiến thức về các loại thực vật và động vật. Những cây cỏ, những bông hoa, con giun, con dế kể cho mình nghe câu chuyện hàng triệu năm của tiến hóa, phô ra những vẻ điệu diệu kỳ của sự sống. Bây giờ bọn cháu mình không dám đặt chân trần xuống vườn, che mắt kinh sợ khi nhìn thấy con sâu, bị mắng khi ăn thử lá me đất... Chúng sẽ thật đáng thương, vì sẽ chả bao giờ cảm nhận được sự vĩ đại của tự nhiên, ngay trong khu vườn của chúng. Bao giờ chúng sẽ thấy được sự trong trẻo của một giọt sương? Khúc nhạc thánh thót đam mê của một chú chim? Màu xanh ngút diệu kỳ của một lá rau? Cảm giác ướt rượt thú vị khi sờ một con ốc sên? Vẻ đẹp tinh tế hơn bất kỳ hình vẽ nào chúng tìm trên ipad của bông hoa dại mọc góc sân? Vị chua chua của me đất, man mát của mần trầu? Không, cuộc sống của chúng chỉ là vài hình vẽ trên điện thoại. Và tự nhiên lúc nào cũng là cái gì xa lạ hiểm nguy!
Sau này có Cây mình sẽ không thế. Mình sẽ dạy nó cách yêu thiên nhiên, và truyền cho nó niềm vui bất tận khi khám phá sự vĩ đại của cuộc sống. Mình sẽ dạy nó cách yêu một màu xanh của sự sống, dạy nó biết nâng niu từng con ốc sên và dạy nó biết sống có trách nhiệm khi phân loại rác trước khi vứt vào thùng. Thế hệ của mình đã biết rửa tay xà phòng, đi ngoài vào nhà xí tự hoại; thế hệ của chúng sẽ biết phân loại xử lý rác và sử dụng năng lượng xanh.
Từ nhỏ, khi nghịch trong vườn, đào lên những cái túi bóng cũ rích, những cái nắp chai, mình đã thấy chúng khác biệt so với những thứ rác khác. Chúng là vĩnh cửu! Sau này lớn lên, tự nhiên mình thấy lũ túi nhựa này thật giống với những vị thần Titan bị giam ở địa ngục tăm tối Tartarus, khi được giải phóng thì có sức mạnh ghê gớm, hủy diệt cả thế giới nếu không được chế ngự! Sự tích tụ qua hàng chục năm là vô cùng khủng khiếp, rồi chúng sẽ hủy diệt cả các thành phố, các lục địa và các đại dương mất. Hoặc chúng sẽ thành một thứ "quặng" kỳ lạ mà con cháu chúng ta có thể sử dụng!
Thiếu môi sinh xanh sạch, thừa chất thải hữu cơ, thừa rác thải nhựa. Đó là ba điều mình muốn giải quyết, ít nhất trong ngôi nhà của mình.
Đầu tiên mình sẽ phân loại rác, để rác thải nhựa được tái chế tốt nhất, hoặc ít nhất chúng sẽ được gom lại thành "quặng".
Thứ hai là mình sẽ phát triển sử dụng công nghệ vi sinh vào xử lý rác hữu cơ: làm phân bón theo quy mô gia đình, làm tháp rau như một "thùng rác hữu cơ".
Thứ ba là mình muốn trở thành một nông dân hiện đại: trồng rau thủy canh, dùng bẫy hữu cơ, thiên địch thay cho thuốc bảo vệ thực vật.
Thứ tư là mình muốn áp dụng những kỹ thuật để sử dụng năng lượng sạch: một cái nhà tận dụng được gió và ánh sáng, những căn phòng làm mát tự nhiên, dòng chảy quanh nhà nuôi dưỡng một hệ sinh thái bé bé tự phát triển ổn định...
Và nếu được, mình sẽ đem đi cho, tặng, bán, giới thiệu khắp nơi để cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn, cho mình, và cho cả con cháu mình nữa!

 Tháp rau như một "thùng rác hữu cơ"

Tháp rau thủy canh

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Buổi trực sau Tết

Muốn viết mấy dòng về  buổi trực đầu tiên sau Tết.

Lâu rồi, mấy năm sinh viên đi lâm sàng đều phải trực Tết. Sau này có lẽ cũng năm nào cũng trực Tết. Thế mà năm nay, Nội trú bé được ở nhà nghỉ tẹt gần 3 tuần không trực.
Buổi trực này công việc không quá nhiều. Có thời gian làm nhiều, học nhiều. Quan trọng nhất là trực cùng anh Thế Anh và anh Đạt- hai ông anh đều hiền và nhiệt tình dạy bảo nên học được nhiều điều mà khi trực cùng cao học không có được.

Điều đầu tiên phải nói là sau Tết nghỉ lâu ngu hết cả người. Chọc catheter đùi, đặt nội khí quản và thậm chí chọc khí máu cũng thất bại. Ngu người.
Học được mấy cái về đo NIF trên máy thở, siêu âm bệnh nhân Viêm tụy, vài thứ về máy lọc thận.
Cái to nhất học được là về hạ thân nhiệt, do đích thân anh Đạt dạy.
Xem một ca mở màng phổi, nhưng có vẻ quy trình ở đây không chuẩn như bên Việt Đức.
Nửa đêm lên phòng ký túc uống cà phê, rồi gõ giao ban như một Nội trú thực thụ.
Niềm vui nho nhỏ là tự chẩn đoán được nguyên nhân hiếm gặp một ca ngừng tuần hoàn, đó là HC Brugada.
Kể chuyện về ca này, một người quá đỏ:
Một nam thanh niên 39 tuổi, tối đang ngồi nói chuyện ở một đám ma thì ngừng tim, được người nhà mang đến viện cấp cứu. Cái may đầu tiên của cậu ta là cậu ta ngừng tim ở giữa một đám nhiều người, chứ không phải đang đắp chăn ngủ ở nhà. May nữa là cái đám ma đó lại nằm ngay cổng bệnh viện, nên khi vào viện vẫn là rung thất, sốc điện phá rung được ngay. May nữa là kíp trực đó, dù ở một viện huyện ở tận Hà Giang, lại đúng hôm có một bác sĩ mới học ở Bạch mai về, cấp cứu chuẩn chỉnh và biết đến vụ hạ thân nhiệt nên liên hệ ngay xuống. May tiếp nữa là cậu ta vào một tua không quá đông, lại được điều hành bởi một Nội trú nhanh nhẹn, nên hàng tá công việc được thực hiện rất bài bản. May tiếp nữa đó là nguyên nhân ngừng tuần hoàn được định hướng tìm ra sớm, ngay lúc mắc điện tim, bởi một cậu Nội trú mới đọc về Brugada buổi sáng, đó là mình (cũng vui vì góp tí tẹo vào câu chuyện kỳ lạ này). May nữa cho cậu là đêm đó đúng bác sĩ đang làm luận án về hạ thân nhiệt trực và đích thân làm hạ thân nhiệt cho cậu.
Ở một kịch bản khác, trong buổi tối định mệnh đó, cậu quyết định không đi đám ma mà ở nhà ngủ, thì có lẽ sáng hôm sau, 8 giờ sáng, vợ cậu mở chăn ra đã thấy cậu đột tử từ lúc nào, với vô vàn lý do tưởng tượng ám ảnh chị đến suốt đời.
Thế nhưng, 8 giờ sáng hôm sau, cậu đã trong trạng thái tốt nhất có thể: huyết động ổn định, không cần dùng vận mạch, toàn bộ các cơ quan quan trọng đang được bảo vệ bằng hạ thân nhiệt kiểm soát ở mức 33 độ C, và với một nguyên nhân gần như rõ ràng và chắc chắn, chiến lược điều trị lâu dài cho cậu đã được xác lập.
Mong chờ kết quả câu chuyện kỳ lạ này. Và cũng thấy giỏi tim mạch ở môi trường cấp cứu đúng là tuyệt vời!

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

Cũng một cuộc đời

Dạo đầu đi trực, bệnh nhân suy hô hấp cần đặt khí quản, giải thích cho người nhà xong rồi thì mình qua giải thích tóm tắt cho bệnh nhân: "Bây giờ cháu sẽ đặt một cái ống vào miệng để cho bác dễ thở nhé, bác ngủ đi một lát". An ủi cho bệnh nhân yên tâm rồi mới cho bệnh nhân mê rồi đặt.
Thế nhưng lần này lần khác, đó là những gì cuối cùng bệnh nhân nghe được. Một lời nói dối trắng trợn từ một kẻ lạ mặt. Khi họ nhắm mắt lại, chính họ, người thân của họ, và mình đều không nghĩ rằng đó là những gì cuối cùng họ thấy trên cuộc đời. 
Đã có lần, bệnh nhân còn đang nắm tay thều thào nói với người thân thì bác sĩ giải thích cần phải đặt ống ngay vì bệnh nhân suy hô hấp. Người thân bị tách ra ngoài. Bệnh nhân mê đi rồi đặt ống. Rồi bệnh trở nặng và bệnh nhân không bao giờ tỉnh lại nữa. Giây phút kia, giá như bác sĩ chậm lại đặt ống thêm một chút. Thêm một hai phút ấy chính là một hai phút cuối cùng cuộc đời họ, nhỉ?
Mới vào nghề, đứng ở cửa sinh tử, mỗi ngày đều nhìn những cuộc đời qua đi ngay trước mắt, dù đã được rèn luyện và chuẩn bị tâm lý, mình cũng không khỏi bồi hồi. Than ôi, cũng một cuộc đời! Ai chả muốn lúc sắp lìa đời thì được gần gũi người thân, nghe lời động viên lưu luyến.
"Cố gắng nhé bác, mong bác sớm tỉnh lại". Người thân ở bên cạnh, lưu luyến như giây phút cuối cùng. Bác sĩ chú tâm làm chuyên môn. Có lẽ, sẽ nhân văn hơn nếu một bệnh nhân mê đi như thế.