Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Bị ngợp


Mấy hôm nay bị ngợp kinh khủng vì khối lượng làm việc ở HSTC và CC3. Thứ 5 và Chủ nhật tuần trước đi thường trú ở HSTC, nh đều thành ra qua đêm cả. Sáng t2 k chịu nổi 4h sáng phải chuồn về ngủ để 7h30 học Tin ở trường. Tối t2 lại trực Cấp cứu 3. Sáng nay về học Tin ngủ lim dim cả buổi, bài thì khó, nói về tham số biến rồi chuẩn không chuẩn vẹo j đấy. Sách không có, máy tính không có mà học ở giảng đường, buồn ngủ chưa hiểu gì thì đã  ào ào qua bài rồi. Về nhà tra thì không thấy, èo, đúng là kinh hãi.
Nhưng môn Tin còn đỡ, nghĩ đến HSCC còn rợn người hơn. Một ông HSCC bằng tổng cả đống Nội trộn lại: khoa Nội nào không chữa được thì chuyển HSCC; phải giỏi hơn cả điều dưỡng trưởng: khoa nào không lấy được ven thì sẽ gọi HSCC lấy hộ; kiêm luôn cả Tim mạch: tiếp cận đau ngực, đọc điện tâm đồ cấp cứu, điều trị suy tim, sốc tim, hội chứng vành cấp, viêm cơ tim, bệnh cơ tim chu sản... đều vào tay cả, lúc nào cũng như ngồi C1; cân cả Sản khoa: hội chứng HELLP học ở Sản nhưng bọn Sản không điều trị, chuyển HSCC; kiêm cả CĐHA: biết siêu âm tim, siêu âm bụng, dopler xuyên sọ, tự đọc phim xquang cấp cứu...; kiêm luôn cả Nội Ngoại Thần kinh: các loại đột quỵ thì điều trị Nội, có chỉ định lại đem đi khoan sọ giải áp... Ngoài ra 1 lô lốc đặc trưng cho chuyên ngành, những thứ mà chả ai dám làm: điều trị ngộ độc, làm 1 đống thủ thuật từ chọc màng phổi màng bụng màng tim, thăm dò huyết động xâm lấn không xâm lấn, thở máy, lọc máu... Nói chung là một bác sĩ Hồi sức cấp cứu ổn thì tự mình làm cả viện được. Thật kinh dị.

Độ này bị ngợp: mệt kinh khủng vì làm 100 thứ, mới làm cái gì cũng phải giở sách, các anh bận chả chỉ được mấy. Công việc làm độc lập nên có vẻ nhu cầu chia sẻ, dạy dỗ khóa dưới không nhiều. Như chị Hà lần này lần khác nhất định không chỉ bảo gì. Đi Cấp cứu 3 thì thấy Huy đã biết việc, tự viết thuốc, giải thích người nhà, đặt được Nội khí quản, đặt artline... làm mình hoang mang hết sức. Cấp cứu 3 khác hẳn với Cấp cứu 1. Mình vừa mới tạm quen Cấp cứu 1 đã thấy Cấp cứu 3 nặng hơn rất nhiều. Trên HSTC còn nặng hơn nữa, làm bệnh sử dài lê thê, bệnh nhân nặng vô số bệnh phối hợp, theo dõi từng tí một. Đã thế mình lại ôm cái đề tài của thầy Sơn khi chưa có tí kinh nghiệm làm việc, quan hệ nào @@ Sơ bộ như kỹ thuật đó chưa được thực hiện. Mà có thực hiện thì mình cũng sẽ phải le ve ở viện suốt ngày như anh Đại, anh Trung vậy, lại còn phải nhờ vả 100 người nữa. Hic
Thôi tạm từ hôm nay tới thứ 7 phải tập trung ôn Dược lý đã, dài quá.
Tin vui trong ngày: Hôm nay nhận nốt học bổng Pfizer, hơn 40 triệu lận. Mình gửi hết rồi. Cái thẻ Agribank tới 30/11 cũng hết hạn, k làm thẻ mới nên chắc mình cũng đỡ việc rút tiền ra. Hoặc làm một cái thẻ tiết kiệm. Dự định 3 năm nữa, gộp hơn 40 triệu này với thẻ BIDV Nội trú mỗi tháng được 900 k, 3 năm là hơn 30 triệu. Vậy là tốt nghiệp Nội trú mình sẽ có ít vốn 70 triệu, để sửa sang nhà hoặc để lấy vợ. Mong chờ mọi điều tốt đẹp như dự định :)

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Một cuộc nói chuyện


Phòng tắt điện, chỉ có tiếng ro ro của quạt thông gió. Mình nằm tựa lưng trên ghế, nhìn sang bên cạnh: một cụ già nằm yên ắng ngủ. Một giấc ngủ yên lành.
Hôm nay mình có một cuộc nói chuyện kỳ lạ, với một con người huyền thoại. Câu chuyện một cuộc đời lướt qua, lấp lánh một cách nhìn cuộc sống mà mình chưa bao giờ thấy.
Hóa ra ở thời đại nào cũng sản sinh ra những con người kiệt xuất, những giai tầng xã hội, những câu chuyện thị phi phức tạp của cuộc đời.
Chợt nghĩ về mình, khi trở thành một ông già. Liệu lúc ấy mắt mình có lấp lánh niềm vui kể về những tháng ngày xưa cũ? Có mỉm cười đầy tự hào về những trái ngọt mình để lại cho cuộc đời? 
Liệu lúc ấy mình sẽ nhớ gì về tuổi trẻ? Về tình yêu? Về những ước mơ mình ấp ủ bao ngày? 
Liệu lúc ấy ai sẽ ở bên mình, người còn người mất? Sẽ có những nỗi buồn mãi nằm sâu, chai sạn đi như những vết sẹo rồi theo ta xuống mồ? Có một nỗi buồn, nỗi buồn người già, rất khó tả.
Cả cuộc đời mình rồi sẽ có thể được kể trong một buổi tối. Thấy thấm cái câu của Pavel: " Sống thế nào cho ra sống..."

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Vài suy nghĩ khi đang đọc dở Phong thần

Thi đến nơi nhưng vẫn cắm đầu đọc Phong thần.
Vài suy nghĩ thế này:
1. Để biện hộ cho một cuộc chiến, mấy ông "nhân vật chính" không có lý lẽ gì ngoài "mệnh trời". Các cuộc chiến chưa đánh đã biết quân Châu thắng vì nếu thua thì hoặc sẽ có tiên đến giúp, hoặc dùng mưu hèn kế bẩn gì đó, hoặc bí quá thì tự nhiên lại có vị phật nào từ Tây thiên sang thâu mất tướng địch.
2. Mấy ông phản diện, nhất là Thân Công Báo-một đệ tử Xiển giáo, và Ân Giao, Ân Hồng-2 con vua trụ đều là người trung nghĩa là sống có lý có tình. Họ chết vì không đủ mạnh chứ không phải đại ác hay trái luân thường đạo lý gì, khác hẳn với hình tượng độc ác ma quái trong phim hoạt hình hồi bé mình xem.
3. Mấy ông thời này đánh tay xem điềm rất giỏi, làm mình nổi hứng học Dịch.
4. Mục đích ban đầu của mình đọc Phong thần vì liên can truyện Tỷ Can, sau lại muốn đọc về thời đại này xem có dính gì đến thánh Gióng không, vì bọn Hùng việt sử quán nói quân Chu chính là quân thánh Gióng. Nghe cũng lắm điều hay ho nếu đào sâu. Mỗi tội chưa thấy ai giống thánh Gióng cả.

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

[Câu chuyện y học] Bắt đầu đi trực NT: Bài học về bệnh truyền nhiễm

27/10/2016. Bắt đầu đi trực với vai trò là BSNT.
Vẫn ở A9, nhưng cảm giác thoải mái hơn rất nhiều. Không còn là le ve không ai biết không ai quan tâm. Không còn tất bật đẩy bệnh nhân đi chụp, đi lên khoa... linh tinh nữa.
Khám, làm hồ sơ, ra y lệnh, phân loại..., đã ra dáng bác sĩ lắm rồi. Nhưng còn nhiều điều chưa biết quá, phải cày cuốc vậy. Tự nhiên nhìn lại thấy đám kiến thức Nội của mình thật ít ỏi.

Một câu chuyện trong buổi trực đầu tiên: Khám ẩu, định hướng sai bét tè lè nhè.
Một anh zai tầm 30 tuổi, vào vì không đi được và người vàng như bôi nghệ. Nhòm qua giấy chuyển: "Bệnh nhân dùng thuốc nam nhiều năm, đang có suy gan suy thận. Chẩn đoán Suy gan cấp do dùng thuốc nam". Bệnh nhân được đẩy luôn lên Chống độc. Lát sau bị Chống độc trả lại, ghi: "Đề nghị loại trừ các bệnh nội khoa, không vội nghĩ là nguyên nhân do dùng thuốc nam". Thành định kiến trong đầu rồi, vàng da cứ ở ngoại là tắc mật, ở nội là viêm gan xơ gan các kiểu. Ông này lại uống thuốc nam, dân làm thuê tự do dân trí thấp. Thôi chắc chắn là dùng thuốc nam linh tinh rồi suy gan rồi. Mấy anh chị bác sỹ định hướng như vậy, mình cũng chả nghĩ gì hơn. Chắc làm cho xong mấy cái sinh hóa với siêu âm rồi cho lên Chống độc thôi.
Thế nhưng câu chuyện chợt gợi mở sang hướng khác khi mà hai bạn sinh viên le ve lại hỏi bệnh, anh chàng vui vẻ kể lại câu chuyện ly kỳ: Năm năm trước anh ta cùng đám bạn lên Hà Giang làm công nhân thủy điện. Một bữa cả bọn bắt được một con lợn rừng nặng có 60 cân. Sau bữa đó, cả 5 người ăn lăn ra ốm, sốt, người vàng khè như đợt này. Anh zai này được chuyển về xuôi, điều trị gì chả rõ xong cũng khỏi. Sau uống thuốc nam 2-3 năm gì đó thì thấy không tái phát lại lần nào nữa. Sau 5 năm, 3 người đã chết. Chỉ còn anh zai này với 1 cậu bạn còn sống. Anh ta vẫn kể lể với giọng rùng rợn như kiểu một con ma rừng nào đã trừng phạt vì mấy người ăn con lợn 60 cân. Đợt này cách 1 tuần tự nhiên anh ta lại sốt rét run, lại vàng khè, người đau nhức không đứng lên nổi.
Mình chỉ thấy kỳ dị và chưa biết là anh ta nhiễm giun sán gì không. Thì ông anh NT Nội mặt hỉ hả bảo cái này là Leptospirosis em ạ. Ờ đúng thật, điển hình đến thế là cùng. Truyền nhiễm học có 3 tuần, chả có ấn tượng gì nữa. Mấy năm ấn tượng sâu sắc với các loại bệnh không truyền nhiễm, giờ mất cả cảnh giác và quên gần hết kiến thức với đống bệnh nhiễm rồi. Đúng như thầy Long nói: "Bác sỹ mà không biết về bệnh truyền nhiễm thì không phải bác sỹ".

Đấy, ngu quá. Âu cũng là cái tát nhè nhẹ cho khôn ra tẹo. Cấp cứu đúng là hay ho và đầy hấp dẫn!

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Buổi học đầu tiên không có Chim

Hôm nay đi học, với hội NT HSCC. 
Mở cái kẹp giấy ra, thấy dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng bút chì "Mèo mọi độc ác ăn quả báo" rồi mũi tên chỉ vào lòng mình. Lòng quặn lên, nước mắt chực trào ra vì xúc động.
Biết bao kỷ niệm ùa về. Những tháng ngày hai đứa cùng nhau đi học. Chờ đợi nó đến lớp, rồi bĩu môi: "Anh là anh chưa bao giờ mà lại thấy có một cái đứa nó lại đi học muộn như m". Rồi ngồi vừa nghe giảng, vừa nghí ngoáy nghịch, vẽ linh tinh vào sách, ra bàn...Biết bao trò linh tinh như niềm vui và bí mật nho nhỏ của hai đứa.
Cảm giác cô đơn thật đáng sợ. Nó y hệt cách đây 6 năm: hồi mới rời trường cấp 3, lang thang những buổi trưa hè ở trường, bạn bè lạ lẫm cả. Sau 6 năm ở ngôi trường này, vẫn là nó quen thuộc của hôm qua, nhưng nay lại tự nhiên thành xa lạ. Mấy hôm trước ngồi ở sau nhà A1 nhìn từng đám sinh viên đi qua, không ai quen mình cả. Không còn nữa tự nhiên gặp ai đó quen chạy bộ rồi nói với nhau vài câu chuyện; hay chỉ đơn giản thôi là cảm giác mình còn có việc gì đó ở ngôi trường này, ngày mai, ngày kia, ở chỗ này chỗ khác. Ngôi trường đã trở thành của ai đó, không phải của mình.
Trường của mình đã hóa thạch trong một miếng hổ phách, vàng óng màu ký ức. Ở đó có những trưa vàng óng, những buổi lên giảng đường vô lo vô nghĩ, nghí ngoáy ngồi vẽ bậy bên cạnh Chim. Ở đó có những buổi chiều hai đứa lang thang sau nhà A1. Có những đợi chờ, những thân quen ngày ngày như mặt trời lên mỗi sáng.

Hôm nay không có em ở đây. Chợt nhận ra nhiều điều đã đổi khác. Mọi thứ thân quen biến mất, ngôi trường xa lạ và trống rỗng!

Không biết đã bao nhiêu buổi trưa lang thang trên 217. Hôm đó, có một đứa nước mắt cứ lã chã tuôn. Vì nhớ.

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Những mối tình thứ hai

Đang rảnh rang. Nửa tiếng nữa mới đến giờ học Tiền lâm sàng: Đặt NKQ khó. Vừa đi lấy cái certificate đã hoàn thành chương trình AUF của hai đứa, với cái giấy triệu tập học NT HSCC của mình. Ngồi ghế đá sau A1 xao xuyến nghĩ về những gì vừa trải qua và con đường phía trước.

Tự nhiên mỉm cười nhớ lại "điều kỳ bí" thi thoảng vẫn nghĩ: dường như có bàn tay vô hình nào đưa đẩy mình đến ngồi ở cái ghế đá này, với cái ba lô như thế này, ở thời điểm này. Đó là Định mệnh.
Hẳn gã Định mệnh này là một kẻ thích đùa. Sáu năm trước, một tên khối A cày Lý thành thần, chỉ biết 1 nu 3,4 Angstrom trước khi thi 1 buổi tối tự nhiên đỗ rồi đi học Y. Ba năm trước, một tên nhát gái âm ỉ mãi cái tình cảm đầu đời yêu chả ra yêu nhớ chả ra nhớ, chả bao giờ có ý nghĩ thích đứa bạn "như con trai", tự nhiên tưng tửng rộn ràng và chả thể kiểm soát con tim của mình mà yêu cô bạn thân; sau một trò hẹn hò như đùa bỡn, chỉ vì mùa thu. Mùa hè này, một cậu sinh viên đi đâu ai cũng tin làm Ngoại, đột nhiên vừa bị đẩy, vừa lựa chọn theo Hồi sức cấp cứu-chuyên ngành lạ hoắc và chưa có tí cảm tình nào trong tim cậu.
Xòe bàn tay ra. Tại thời điểm đó, toàn những mối tình thứ hai. Hay thật!

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Ba Bể và Tam Hải

Thật tình cờ, trong một buổi tối, hai địa danh cùng nảy ra trong đầu mình. Cùng gợi lên cuộc sống mơ ước của mình, và cùng có cái gì đó chung chung về từ vựng.


Chả biết từ bao giờ, mình luôn có suy nghĩ rồi có ngày sẽ tìm đến một mảnh đất khác để xây ngôi nhà mơ ước của mình. Mới đầu mình nghĩ đến một vùng núi hoang sơ với thiên nhiên trong lành và con người hồn hậu. Sau này mình thấy một hòn đảo với biển cũng thật tuyệt vời. Ở đó, mình sẽ trồng trọt, chăn nuôi và cùng mọi người xây dựng một cộng đồng vui vẻ như ở Butan hay ở Bắc Âu.
Lại nói, mình cũng có ước muốn đi du lịch nhiều nơi. Nhưng không phải là du lịch để ngó nghiêng, trải nghiệm "xem có gì mới". Mà mình muốn đi để học tập xem người ta đã vận hành xã hội thế nào mà xã hội tốt đẹp thế. Nên mình muốn đi Bắc Âu: Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển hoặc Iceland; rồi Israel, Nhật Bản và Cuba. Tất nhiên có cả Butan nữa.
Hồi bé, mình thấy trò đi phượt rất vui. Nhưng sau nghĩ lại bỏ tiền bạc, thời gian tuổi trẻ để "đi trải nghiệm" kiểu chạy 1 cuốc từ Hà Nội lên Lũng cú rồi về, thì thật là vô nghĩa, chưa kể thiếu an toàn. Sau đó mình thấy đi như vậy có thể kèm theo từ thiện, lên vùng cao phát quà, dạy học, lao động giúp người dân vùng cao. Nhưng nghĩ lại thấy chả qua đó là cái thứ nguyên cớ tốt đẹp lừa mị mà thôi. Người đi sẽ "trưởng thành hơn", sẽ thấy vui vì mình "tốt". Nhưng thật ra đó chỉ là trò vớ vẩn muối bỏ bể, thậm chí làm hại cả ý chí vươn lên của những người nghèo khó, biến họ thành ăn xin chuyên nghiệp. 
Cuối cùng, kết hợp với mơ ước của mình, được sống trong môi trường thiên nhiên trong lành và cộng đồng tốt bụng, mình đã tìm ra mục đích cho những chuyến đi của mình trong tương lai. Đó là đi tìm một vùng đất với thiên nhiên tươi đẹp và con người hồn hậu. Mình sẽ tới đó, cùng với họ xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, với những chuẩn mực về hạnh phúc khác: hạnh phúc không phải ở nhiều tiền, ở ăn uống thừa mứa phè phỡn, ở tàn phá môi sinh, ở chiến thắng người khác... Một cộng đồng "thuần khiết" hơn, dễ có được cuộc sống hạnh phúc kia, hơn là cộng đồng phức tạp mà mình đang sống. Xây nhà mới dễ hơn sửa cái đang ở là vậy, he he. Cứ ước mơ thôi.
Đấy, và hai cái tên kia lọt vào đầu mình, như một gợi ý thú vị. Thấy thật là đặc biệt vì những sự trùng hợp, phải ghi lại để nhớ. Hì

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Thi tốt nghiệp lâm sàng

Hôm nay thi tốt nghiệp lâm sàng.
Từ cái hồi không đi trực nữa, mùi vị của mùa hè, mùa chia tay, mùa ra trường cứ thâm dần dần.
Hôm nay đi thi lâm sàng tốt nghiệp. Vậy là lần cuối bị "xoắn" với vai trò sinh viên. Chả biết sau này có bao giờ thi lâm sàng không nữa. Lo lắng cũng nhiều, dù thi Sản, đã là may mắn rồi, và Phụ 2-cái khoa có mỗi 1 bệnh, lại là may mắn lần 2 nữa. Thế nhưng có những thứ có chuẩn bị cũng không hẳn theo ý mình. Nói thực lòng là hôm nay mình không làm tốt, và thấy nhiều nuối tiếc vì không thể phô ra khả năng mà lại bị trừ oan hoặc bị hiểu nhầm. 
Ngồi nghĩ lại, hai điểm yếu lớn nhất của mình vẫn chưa khắc phục được cho đến tận lúc ra trường: một là giao tiếp yếu, hai là đánh trống bỏ dùi. Ở đây là vụ giao tiếp. Không hiểu sao nói chuyện với bệnh nhân mình thường khá ổn, thậm chí được yêu quý. Đến nỗi một bác bị tai biến ở khoa Thần kinh nằm u uất, sau hồi bình hỏi han về bệnh tật, rồi nói chuyện vui về gia đình, vợ chồng bác thì sau bao ngày đã cười thoải mái, và còn hứa mang biếu mình ít rượu thuốc làm quà :) Đấy là những lúc vui. Nhưng với các thầy cô, có lẽ vẫn còn nhiều tư duy hoặc cách nghĩ nào đó mình chưa nắm bắt được, vì quá đặc biệtchăng. Hôm nay mình không trả lời được một số câu thực tế, vì chả có sách nào dạy, âu cũng đành chịu chấp nhận. Khác hẳn với hôm trước thi Nội, mình trở nên nhìn thầy Thành với con mắt khác, không phải vì thầy cho mình 6, mà là vì thầy đánh giá con người quá chủ quan theo sở thích, hỏi theo hứng thú và cho điểm theo cảm tình. Một nhà khoa học, một nhà giáo dục không thể chấp nhận kiểu quan liêu như vậy. Mầm mống của thói nịnh bợ, sự suy đồi nịnh trên đạp dưới tiểu nhân cũng từ đó mà ra. Nhưng hôm nay cô có cho mình 6 cũng đành chấp nhận, vì mình làm không thể hiện được.
Hôm nay cũng rút ra được bài học nữa, đó là thực thà chất phác quá cũng chả tốt, lý thuyết đầy đủ cũng chưa chắc hay. Các thầy cô bên Sản, khác biệt với hệ nội, thì cần cái gì thực tế hơn rất nhiều. Dù vậy, mình vẫn không cho rằng đó là cách làm việc hàn lâm.
Âu cũng là một bài học cho cuộc đời, cần phải trưởng thành thôi!

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Đội Tình nguyện


Trên facebook các bạn cũ trong Đội tình nguyện rầm rĩ  những status về ngày tri ân các y6 và y4 sắp tốt nghiệp của các em trong Đội tổ chức. Hẳn là mình không được mời, cũng chả có gì lạ. Nhưng cũng xao xuyến chút chạnh lòng, không phải vì không được tri ân, mà vì chợt nhớ lại một thời tuổi trẻ và những nhiệt tình dang dở...

Đó là những ngày còn học sinh. Màu áo xanh của chị, những hình ảnh của thầy giáo, rồi những hình ảnh tuyệt vời lý tưởng từ ti vi thôi thúc nó mong muốn trở thành một sinh viên tình nguyện.
Y1 lẩn vẩn với vấn đề đi lại. Nhà không hẳn xa nhưng đi bus thì cái tầm hoạt động lúc chiều tà, 8h mới họp Đội xong chả thể phù hợp cho nó được. Nhanh nhẹn, thông minh, nhiệt tình, nhưng không phù hợp với thời gian hoạt động của Đội. Đắn đo rồi mình tự rút lui, trong sự nuối tiếc của cả mình, cả các anh chị phỏng vấn.
Năm thứ hai, chuyển vào ký túc. Một trong những lý do muốn chuyển vào ký túc cũng là để thỏa ước được hoạt động. Đi phỏng vấn, các anh chị cũng chả lạ, vì vừa đi tiếp sức đợt hè trong vai trò cộng tác viên ngoài Đội. Lần này khỏi vòng vo, năm nay em ở kí túc, kết quả học tập ổn, năm trước nhì khối cơ mà. Chị Linh hỏi một câu: Nhưng em có tin sẽ hòa nhập được vào khóa dưới không? Hẳn là khó, và có lẽ mình đã không thực sự tốt trong vụ này. Nhưng cũng tạm ổn.
Cuối năm thứ 2, đi tiếp sức mùa thi tiếp. Lúc ngồi uống rượu tiền trạm, anh em trút bầu tâm sự, mong muốn mình tiếp tục đóng góp cho Đội, một cách rất thân thiết, mình vẫn trọng Đội vì cái tình như thế. Đến mình tỏ lòng, mình cũng nói thật là chả qua vào Đội cũng chỉ vì bản thân mình, cho thỏa cái ước mong được làm tình nguyện. Khôn dại rồi trưởng thành hơn, có cái nhìn nhân văn với cuộc sống, được đóng góp tuổi trẻ cho xã hội. Thứ đến mới là xây dựng Đội hay kết tình anh em. Và cũng cũng chả dám hứa hẹn gì về tương lai với Đội, vì vốn Đội là cái thứ yếu, xếp sau chuyện học hành một cách không bàn cãi.
Năm sau lên Đội viên, cầm tấm thẻ Đội mà bần thần, vì tự nhủ sẽ chả xứng đáng với nó. Xong rồi cũng lãng nhãng dần, vì những môn học khốc liệt và chuẩn bị đi lâm sàng. Trượt Giải phẫu bệnh. Đó là cú giáng lớn nhất. Nó buộc mình phải xem lại cách học và điên cuồng cắt bớt thời gian linh tinh khác, trong đó có Đội. 
Năm đó cũng không ở ký túc nữa, vì nhiều lý do. Không hợp với cách ăn ở bẩn, các trò chửi nhau và nhiều thứ khác nữa của mấy ông anh trong phòng, dù biết cũng chỉ là cách sống để giảm stress và thân thiện với nhau hơn. Rồi chuyện suốt ngày về, suốt ngày ngủ, thật chán. Rồi ăn uống, ngủ nghỉ đều khổ sở. Và đánh đổi lại thì có gì? Nhiều thời gian cho học? Thừa đầy, vì mình ngủ suốt. Nhiều thời gian cho Đội? Chả hẳn, lúc này đã thấy ngán Đội rồi. Mà bố thì vò võ ở nhà, ăn uống thì tốn kém, ở thì bẩn thỉu. Thế là về. Và hẳn là về thì cái thời gian cho Đội, cả nghiêm túc lẫn ngoài lề tâm sự ăn uống linh tinh cũng bớt dần. Cuối năm đó, lãng đãng dần rồi từ lúc nào, chả buồn đến nộp đơn nghỉ hoạt động nữa. Còn nhớ hồi đó có kiểu nhắn tin nhắc họp Đội, mình vẫn ậm ừ mãi mà đầy cắn rứt. Và bắt đầu những thứ tư không đi họp. Đến lúc nào đó tin nhắn đó không đến nữa, hoặc mình đổi số gì đó. Cách ra đi này làm mình đã thấy buồn trong thời gian dài, kể cả bây giờ lúc nhớ lại. Nó không hẳn là chạy trốn hay phản bội, hay đảo ngũ. Đó là kiểu không còn thấy đam mê, rồi thấy phiền phức, mà không dám quyết liệt chấm dứt, tính mình vẫn vậy. Cần thay đổi.
Nhưng cái lý do chính sau một năm hoạt động mình thấy chán Tình nguyện, vì mình đã vỡ mộng. Tình cảm anh em trong Đội là thật, mình rất trọng. Ý tưởng giúp đỡ cộng đồng là thật, tấm lòng nghĩa hiệp là thật. Đấy là lý do mình luôn thấy quý những người đã, đang, hoặc có ý định vào Đội. Vì họ có tấm lòng giúp đỡ người khác, hơn hẳn những kẻ chỉ tho tho cắp cắp muốn học cho giỏi mình mà chả bao giờ màng đến người khác là ai, những kẻ luôn mở mồm "tao chả hiểu bọn Tình nguyện cứ đàn đàn lũ lũ làm ba cái lăng nhăng đấy làm gì?". Một điều nữa mình rất quý Đội, đó là kỷ luật của Đội, rất nguyên tắc trong việc chia người, đảm bảo nhiệm vụ khi đã nhận. Nó rèn luyện tính trách nhiệm cho mỗi thành viên, điều này chắc chắn những kẻ cá nhân không bao giờ có.
Thế nhưng. Nói đi cũng phải nói lại. Hẳn nhiều người nghĩ mình liệt kê thiếu, về khả năng phát triển kỹ năng mềm. Đúng, nhưng phải nói Đội tình nguyện không phải một nơi lý tưởng để phát triển kỹ năng mềm ở cái trường này. Hãy đến EC hay HMU Express! Những kỹ năng mềm của Đội tình nguyện, giống như Đội xung kích, những tổ chức quá già cỗi sinh ra trong thời đại mà nhận thức Đoàn thanh niên cộng sản còn quá nặng, thì quá là cũ. Đó là cách làm việc nhóm, cách chia việc, nhận trách nhiệm kiểu họp hợp tác xã, cách thi hành nhiệm vụ với trách nhiệm cao như trong quân đội. Rồi những kỹ năng hát hò, nhảy múa, quản trò tập thể đều là di sản từ những đàn anh đoàn viên 8x. Tóm lại kỹ năng mềm quá lạc hậu. Có phần mới, và hồi đó rất được yêu thích sử dụng. Đó là hát hoặc kịch chế bậy bạ và làm clip. Đấy, nói gọn là chỉ có 2 việc là làm nhiệm vụ như nấu cháo, chơi với bọn trẻ con ở Nhi Bạch Mai, sau này có dự án tình nguyện, làm việc lặt vặt cho trường kiểu bê bàn ghế hay đi cổ vũ vụ gì ở Hội trường lớn, cuối năm tiếp sức mùa thi... và tổ chức đời sống trong Đội gồm hát hò, văn nghệ, làm clip mỗi đợt gì đấy, và cắm trại mỗi năm 1 lần.
Cái mình chán không phải ở công việc ít hay nhiều, mà ở đồng đội không chung lý tưởng, cách hoạt động thì nhiều lãng phí và hình thức. 
Dần dà, mình phát hiện chả mấy đứa hoạt động vì thỏa cái đam mê lý tưởng như mình. Có những đứa yêu Đội vì tình nghĩa mọi người, nơi có tâm giao và trút bầu tâm sự, đi trà đá hay kara. Có những đứa hoạt động để "trưởng thành" bằng cách tích thành tích và phát triển khả năng này nọ, và tạo lập mối quan hệ. Và có rất nhiều đứa, điều mà mình ghét nhất, đấy là hoạt động để thấy ta hơn người, để khoe ta hơn người, ta tốt. 
Đó là kiểu nhìn những người ngoài Đội là người ngoài, là kém hơn về kỹ năng, về lòng tốt. Không, bạn chả có gì nà phán xét cả, việc bạn làm đã chắc gì tốt như người kia? Cách bạn làm chắc gì cách người khác phải làm? V
à đó là những bức ảnh "chỉ có áo xanh". Những bức tự sướng, hoặc chụp cho nhau, cả đôi khi lôi những đứa nhỏ tội nghiệp vào làm phụ kiện, để chỉ ra rằng ta đang làm tình nguyện, ta tốt. Mình chỉ có vài bức ảnh lúc đang hoạt động, và những cái chụp tập thể. Không hơn.
Đấy là anh em thiếu lý tưởng. Còn công việc thiếu ý nghĩa và kém hiệu quả nữa. Là gì? Là ròng rã họp đội cả mấy tiếng mỗi tuần chỉ để thông báo những nội dung mà đáng cho lên facebook được. Là mất công 2-3 tháng tập huấn hát hò, quản trò, nhảy dân vũ nhưng chả bao giờ sử dụng khi làm nhiệm vụ. Lần duy nhất mình thấy xúc động khi anh em tổ chức sinh hoạt, đúng kiểu thanh niên cộng sản hát hò, chơi trò chơi tập thể vào 1 chiều tối đợt đi Tiếp sức mùa thi năm nhất. Ngoài ra thì cùng lắm chỉ chơi trò 1 con ếch, hoặc mấy trò bựa với nhau, và ra ngoài thì tuyệt nhiên là không luôn. Sự lãng phí nữa đó là vụ Tiếp sức mùa thi, ở chung ròng rã cả tuần ăn uống sinh hoạt. Vui thì có vui, nhưng rõ là lãng phí không cần thiết. Ở chung 1 tối, sinh hoạt tập thể 1-2 buổi thì quý, chứ lâu quá nó thành gò bó. Không về nhà, không ra ngoài, xin phép như quân đội, những điều ấy quá cứng nhắc. Các bạn tình nguyện nhóm khác hoạt động tạm thời trong đợt tiếp sức mùa thi chỉ tuyển, lên lịch hoạt động, họp chia nhiệm vụ rồi thống nhất trách nhiệm từng người, sau đó mỗi người có thể sắp xếp sao cho hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cách làm này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, nhưng cũng thể hiện sự tin tưởng vào cá nhân được giao nhiệm vụ.
Lãng phí thời gian tiền bạc là một chuyện, vô nghĩa là một chuyện khác. Đó là câu chuyện cả chục tình nguyện viên ra phơi nắng ở Giáp Bát cả ngày nhưng chả có ai thèm nhờ, đến lúc có người hỏi đường thì lật đật giở bản đồ ra tra, rồi không có việc gì thì chụp ảnh tự sướng, hoặc lôi 1 thằng đóng giả người nhà để chụp ảnh PR. Trong khi đó ăn ở tốn kém, nhà không được về, đồng áng ở nhà bố mẹ tự gặt. Đó là hàng tuần tập luyện, hát hò nhảy múa, thuê tiền máy chiếu, âm thanh, ô tô đi đến Hà Nam xa xôi, biểu diễn cho lũ trẻ con chả quan tâm vì quá phức tạp. Hoặc những buổi văn nghệ, đóng kịch, chơi cùng lũ trẻ con làng trẻ, trong khi thật ra chúng chả cần những thứ đó. Có những lúc hoạt động, mình tự nhiên chạnh lòng không hiểu có phải mình đang dí vào tay người khác cái mà họ không cần không? Nhiều khi, ta nhìn họ và thương cảm, nghĩ họ khó khăn, cần giúp đỡ ABC, XYZ. Nhưng không, thật ra họ chả cần ai thương xót, và cái ta đem đến cũng chả giúp gì cho họ. Những bác đưa con đi thi đã xem kỹ hết cả, hoặc nhờ xe ôm biết rõ đường, chả cần bọn sinh viên đứng chết nắng rồi đực mặt ra chả biết gì. Lũ trẻ mồ côi có đoàn đến thăm, cũng là vạch thêm một ít nữa vào tâm trí rằng chúng là người thiệt thòi, có gì khác với xã hội, thậm chí là sinh ra trong đầu chúng tư tưởng ỉ nại, coi xã hội nợ mình và làm chúng trở nên hư hỏng, như lũ trẻ người Mông bỏ học đi ra đường cái đợi từng đoàn phượt cho kẹo vậy.
Trong khi đó, những đồng đội của mình thì vẫn tự hào ta tốt, ta đã hy sinh nhiều thứ và sẵn sàng khoe.
Cuộc đời nhiều khi như vậy. Người ta thường lấy ví dụ về lòng tốt bằng hình ảnh cậu thanh niên qua đường cho tiền người ăn xin, hơn là hình ảnh một anh lãnh đạo đi công cán thu hút đầu tư xóa đói giảm nghèo. Và khi người ta hy sinh một cái gì đó, người ta cho  rằng hẳn nó phải có ích, chứ chả ai muốn nhận rằng mình đã hy sinh mà không lợi gì cho ai cả.
Đấy, nghĩ về Đội Tình nguyện, buồn vì nhiều chuyện, nhưng cái buồn nhất là nghĩ về những dang dở của những ngày hoạt động. Vì nhận ra rằng, hoạt động tình nguyện nhiều khi chỉ là hy sinh cái gì đó để tự lừa dối bản thân mình, tự đánh bóng mình, hơn là thực sự làm được cái gì đó tốt cho người khác.
Muốn thực sự làm được việc tốt, phải có tâm, và có cách làm việc hiệu quả hơn nhiều. Đó mới là điều nghĩa!



Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Một buổi trực


Sắp hết trực. Tính cả buổi này thì còn trực 4 buổi nữa là hết. Sau 10/4 không còn ký SVY6 nữa.
Mới ngày nào y3 đi lâm sàng, ký những chữ ký đầu tiên ở bìa bệnh án, cảm thấy có những sức nặng đầu tiên. Càng ngày nhận ra vai trò chả mấy quan trọng của bìa bệnh án, nên sự quan tâm cũng bớt dần. Sau cả núi bệnh án phải hoàn thành, ký roẹt cái cho xong. Thế nhưng mỗi đợt học qua đi lại có những cảm xúc đặc biệt, khi nhìn những chữ SVY gì đó biến đổi. Y3, rồi Y4, rồi Y5, giờ là Y6. Còn nhớ cái cảm xúc hồi đầu năm. Trực lu bu hè vẫn ký là SVY5. Tự nhiên 1 hôm chuyển sang SVY6. Bồi hồi một chút. Vì thế là mình đã là năm cuối rồi. Giờ đây, lại bồi hồi thêm chút nữa, vì đã là cuối của năm cuối rồi.
Có lẽ sẽ có nhiều chức danh, học hàm học vị gì đó trước tên mình nữa trong cuộc đời. Nhưng sẽ luôn có một mảnh ký ức, được trân trọng và thi thoảng bỏ ra để nhớ. Nhớ về những ca trực sinh viên. Trách nhiệm in ít thôi, mỗi chữ ký là một sự kết thúc nho nhỏ, như những cái "Đ/S:" cuối mỗi bài toán, một nỗi vui nho nhỏ rằng mình đóng góp cho cuộc đời. Nhớ về nhiều lắm, những cảm xúc bất tận, niềm vui nỗi buồn trước những câu chuyện cuộc đời của bệnh nhân. Hàng nghìn con người mình gặp là hàng nghìn câu chuyện vui buồn, buồn thì nhiều, nhưng đâu đó vẫn phảng phất những niềm vui. Nhớ những công việc linh tinh, cách làm việc, cách ứng xử của những nhân viên y tế trực cùng, những "ông anh, bà chị". Từ đó để biết yêu ghét, biết bản thân muốn mình là ai trong tương lai, và rèn cho bản thân biết chịu đựng những áp lực nhất định, những "sóng gió" trong công việc. Và nhớ những khoảng riêng của mình ta: là cảm giác bồi hồi rảo bước dưới ánh đèn vàng giữa đêm Việt Đức, là những vẩn vơ giữa đêm trực Bạch Mai, là niềm vui nho nhỏ ngắm nhìn một nụ cười trẻ thơ giữa đêm Nhi Trung ương, và vô vàn thứ khác. Hay như bây giờ, nằm trên cái bàn ưa thích ở H5, tự nhiên nổi máu viết lách.
Mấy hôm nữa thôi, không còn trực trọt gì nữa, một cuốn sách đang đóng dần những trang cuối. Để chuẩn bị mở ra cuốn sách mới ở những trang đầu tiên. Không còn là nháp nữa. Sẽ trách nhiệm, và quan trọng hơn nhiều.
Ảnh: chụp ngày 11/4/2016. Cái cốc đã theo mình đi suốt bao ngày trực sinh viên. Giờ đây nó được tự do, lại trở thành một cái cốc bình thường như anh em của nó.