Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Trong nỗi sợ ta tìm thấy chính mình

"Chính mình"-không hẳn là tất cả con người, mà đó là những góc yếu đuối, những thứ "giá trị" với bản thân mình.
Hôm qua, 29/10, cỡ 3h chiều, Glasgow <13 điểm, lơ mơ, hạ áp do thay đổi tư thế, ngã xước mặt, rách cằm chảy máu long tong đầy góc sân, ở nhà một mình, hoàn toàn sợ hãi và cô độc.
Đã nằm ở sân, đi lại, lấy khăn mặt lau máu tới đỏ cả khăn, soi gương tự đánh giá cần khâu 3 mũi, lấy ví chuẩn bị sẵn tiền, xem lại đồng hồ xem hôm nay là ngày bao nhiêu, mở nồi tôm ra để nhớ lại trưa nay như thế nào. Hoàn toàn trong cô độc và lơ mơ, và sợ hãi.
Không sợ hãi vì đau, vì choáng, sợ hãi vì cô độc, sợ hãi vì lần đầu tiên, mình-người luôn tự cho là chỗ dựa cho người khác, đã sụp đổ. Và thậm chí không thể lo cho chính mình. Và lần đầu tiên thấy mình yếu đuối, sau khi mẹ mất.
Trong lúc mọi thứ lòa nhòa và thậm chí không rõ trưa nay như thế nào, vẫn làm những việc gần như trong vô thức. Tự đánh giá tình trạng, và biết là chả ổn tí nào, chắc chắn không thể trực tối được, và thậm chí không thể đi khâu được. 
Bấm số gọi chị Vui, điều mà sau này đều bị mắng vì chị ở xa nhất và không về ngay được, nhưng có lẽ đấy là số điện thoại đầu tiên mình nhớ ngoài số máy bàn ở nhà, và cũng hẳn là có cái gì đó, ở chị, mình cảm thấy yên tâm, dù mình biết dù có gọi cho chị nào thì các chị cũng sẽ lo quýnh cả lên. Thật may là chị Vui đã gọi chị Ninh, và chị Ninh là người đưa mình đi khâu, rồi chăm sóc mình cho tới lúc mình thực sự tỉnh táo, tới tận buổi tối.
Vẫn ý thức được vừa buổi sáng đổi trực cho Triện, cái thằng chả bao giờ nhắn nhủ cho mình trừ khi có việc, vẫn kịp gọi lại cho nó, bảo không đi trực được và xin lỗi nó. Vì là gọi nên chỉ có mỗi nhật ký có gọi, làm mình đã phải nhìn đi nhìn lại mãi xem thực sự đã gọi chưa, tới tối phải nhắn lại một tin cho chắc. Hơi buồn một tí, vì nó đã nhờ người khác trực thuê cho-điều mà mình chả bao giờ ủng hộ.
Tự nhiên thấy nhớ và sợ hãi kinh khủng khi nhớ tới mày. Đầu tiên là tiếc vì không thể trực cùng được, vì t đã định sẽ lôi m đi ăn tối như một bất ngờ nho nhỏ. Tiếp nữa là thấy nhớ m kinh khủng, muốn được quan tâm, như một đứa trẻ yếu đuối nhất, nhưng cũng sợ m phải lo lắng, như một cái "chỗ dựa" mà chợt bàng hoàng nhận ra là nó cũng dễ sụp đổ như ai. Sau nữa là không muốn m bận tâm gì hết, chắc tới tận hôm thi, vì có thể lắm, m sẽ không ổn tí nào, như hồi t đã cuống lên vì m bị ngã xe và khâu 3 mũi ở đầu vậy. Ừ, nên chỉ nói ra cái sự yếu đuối rằng t nhớ m, thật đấy. Và không bảo gì thêm cả. Xong lại nằm nghĩ vẩn vơ, lo một tẹo cho sức khỏe của chính mình, cho hạnh phúc mới đang thành hình trong tương lai xa lắm.

Ừ chàng ạ, đối diện với nỗi sợ mới thấy mình cũng yếu đuối, cũng muốn được yêu thương, cũng dễ dàng sụp đổ như ai. Đi qua nỗi sợ hãi và sự cô đơn cùng cực, mới thấy quý trọng gia đình và những người ta yêu thương và yêu thương ta, thấy quý trọng chính bản thân mình. Và lại thêm một điều nữa, để biết rằng ta là ai, là ai đó cũng "trần gian" và "yêu lắm cuộc đời này"!

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lòng yêu nước


Ngày 4 tháng 10 năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.
Hôm nay, ngày 12 tháng 10 năm 2013, cả nước trong không khí u buồn của ngày Quốc tang, đưa tiễn người con anh hùng của dân tộc về với tiên tổ, với Bác Hồ.
Thu Hà Nội trời vẫn xanh, nắng vẫn nhẹ. Hoa sữa thơm phủ đầy các con phố, những con phố lặng lẽ những bước chân, và cả những tiếng khóc nức nở cho người ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN...

Con thương yêu,
Có lẽ mấy mươi năm nữa con mới đọc và hiểu hết những điều cha đang thấy bây giờ. Có thể khi ấy con đang trong cảnh chiến tranh khói lửa, nhưng cha không mong như vậy. Hoặc con đang sung sướng hưởng nền hòa bình độc lập giữa một mùa thu tươi đẹp như mùa thu này. Cha muốn con có một lúc nào đó, sẽ biết được rằng, con đang sống trong lòng một dân tộc anh hùng, đã có và luôn có những con người anh hùng, để con có thể tự hào và cảm thấy được trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với Nhân dân.
Khi con đọc được những dòng này, hẳn hình ảnh về vị Đại tướng của cha đã lùi xa, chỉ còn lại trong sách vở và những lời kể lại. Có thể con sẽ thấy ông như bao con người đã trôi vào quá khứ, sẽ hồ nghi về sự vĩ đại của Người, thậm chí sẽ "chả biết ông ý là ai"-như một vài thanh niên trong chính thời đại của cha. Vì vậy, cha viết những dòng này, để nói với con rằng: Đó là một điều ĐÁNG XẤU HỔ, một TỘI LỖI với người đi trước, với quê hương đất nước và với đồng bào mình.
Con sẽ hỏi cha rằng cha cũng đâu có biết Đại tướng? Phải rồi con ạ, nếu chữ "biết" của con nghĩa là "gặp mặt hoặc quen thân". Cha có niềm vinh dự được sống những tháng năm mà Đại tướng vẫn còn, và những chiến công, những việc làm, những lời nói của Đại tướng vẫn luôn đậm sâu trong mỗi tâm hồn; và hình ảnh Đại tướng vẫn luôn là chỗ dựa cho cả dân tộc đi lên.
Con đừng gọi là Tướng Giáp, Ông Giáp, hay Võ Nguyên Giáp. Nếu con ở đây, vào những giờ phút mà cả nước nói về Đại tướng, con sẽ thấy không ai gọi Người như thế cả. Bởi vì, với quân đội, Người mãi là người anh cả, là "anh Văn" của các em. Với nhân dân, người là "Bác Giáp"-như một người thân, như Bác Hồ, Bác Tôn; và một cách kính trọng hơn, là Đại tướng-một danh xưng mà chỉ nói tới thôi ai cũng biết là Người. Nói như vậy để con thấy rằng, vị tướng ấy, vượt qua mọi đỉnh cao quân sự, đã trở thành Vị tướng của lòng dân!
Con hãy biết và tự hào về con người này, để tự hào về hai tiếng Việt Nam, để có thể hít căng lồng ngực mà tự hào, vì dân tộc tôi có những con người vĩ đại, vĩ đại mà gần gũi thân thương, để thấy thiêng liêng những tiếng "Tổ quốc", tiếng "đồng bào". Vì thế, trước khi con đọc về Che, về Fidel, về vô số người con anh hùng của nhân loại khác, hãy tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và về những vĩ nhân của chính dân tộc mình. Có thể vào cái thời của con, người ta sẽ vẫn rêu rao về ý tưởng "công dân toàn cầu". Nhưng con thương yêu, mọi tình yêu đều khởi đầu từ những điều nhỏ nhoi. Lòng nhân ái, yêu thương con người, yêu thương nhân loại sẽ là gì nếu con không biết yêu quý chính đồng bào mình, chính những người xung quanh? Tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu sẽ nâng lên thành tình yêu quê hương, yêu nước, rồi sẽ lớn nữa trở thành tình yêu người, yêu thương nhân loại. Và khi hòa vào nhân loại, con sẽ là ai nếu không còn biết tới lòng tự tôn của dân tộc mà mình đã sinh ra?
Nói về Đại tướng, cha muốn con tự nhóm lên cho mình lòng yêu nước của con, và muốn những tấm gương như Người sẽ dẫn dắt con những việc con sẽ làm, cho bản thân con và cho xã hội. Cha luôn ngưỡng mộ Đại tướng, và mong ước được như Người-người mà tới lúc cuối đời có thể nói rằng: "Cả đời tôi, từng giờ từng phút, đã cống hiến cho đất nước, cho nhân dân; vì thế mà tôi chả có gì để hối tiếc cả". Giống như trong "Thép đã tôi thế đấy" Paven có nói: "Hãy sống thế nào cho ra sống, đừng để tới lúc nhắm mắt xuôi tay ta còn hối tiếc những tháng ngày đã sống hoài sống phí".
Con yêu, hôm nay, và cả tuần vừa qua, cha không như mọi người, hòa vào dòng người lũ lượt tới viếng Đại tướng. Không phải vì bất kỳ lý do tiêu cực nào cả, hoặc vì sự vô tâm, tất nhiên là vậy. Có lẽ là hơi ngụy biện, nhưng cha hơi bận, đấy là một lý do. Nhưng lý do chính là cha tự thấy mình không thích đám đông và tâm lý đám đông. Lòng ngưỡng mộ và cảm kích Đại tướng của cha, cha muốn thể hiện theo những cách khác và việc làm, và ý nghĩ của cha, rằng: Hôm nay có đi viếng Đại tướng mà mai về lại đâu đóng đấy, chả phải là đáng hổ thẹn sao? Và cũng ở đây, cha muốn nói với con hai điều về Sự noi gương: Thứ nhất, hãy noi gương bằng việc làm chứ đừng bằng nước bọt. Thứ hai, không có tượng đài nào không thể vượt qua; nếu noi gương là mãi mãi núp dưới bóng tượng đài thì đó là một điều đáng hổ thẹn của thế hệ sau mà không người đi trước nào muốn cả.
Vì thế, con của cha, hãy sống cho đáng sống, vì bản thân con và những người con yêu thương, vì lòng tự hào dân tộc, vì trách nhiệm sống xứng đáng với những người đi trước, những người như Đại tướng của cha - Đại tướng của con - Đại tướng của dân tộc mình!


Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

22 nhé!

Hôm nay 22 tuổi rồi nhé!
Một ngày thu trong xanh. 
Một ngày chủ nhật đầy nắng vàng.
Một Chủ nhật bên gia đình yêu quý.

Ngoảnh qua ngoảnh lại đã hết tuổi 21 rồi, từ hôm nay sẽ là những ngày của tuổi thứ 22.
Hai mươi mốt tuổi, cái tuổi không còn quá ngây thơ vụng dại như hồi nhỏ, không "trẻ trâu" như những năm Nhất năm Hai. Một năm trôi qua với nhiều sự kiện, vui có, buồn có, vẫn chủ yếu là học hành, vẫn là "đứa con trong gia đình", chơi lung tung vẫn có, nhưng ít thôi. Và vui nhất là "petite copine" nhặt được "trong những ngày tháng cuối cùng của tuổi 21"!
Có một mùa thu trước, một mùa thu cũng êm êm như thế này, hì, những ngày sinh nhật của mình luôn là những ngày thu của nắng vàng nhàn nhạt, của trời xanh cao cao và gió vi vu thổi, của những cảm xúc thanh thản nhẹ nhàng, lòng vui vui những nỗi niềm nho nhỏ, của những lúc nhắm mắt ước mơ về cái gì đó xa xôi. Ôi mùa thu, cái mùa mình lúc nào cũng thấy thật đặc biệt. Và mình đã bắt đầu tuổi 21 cũng trong một ngày thu như thế, với những ước mong và toan tính cho một tuổi mới. Ừ, đã chăm chăm một ít, rồi có được B1 như mong đợi, vui. Rồi những kỳ thi với những môn thi bão táp, vụ Giải phẫu bệnh, buồn hết cả mùa Đông. Rồi những ngày đầu đi viện mới toe, cái gì cũng muốn biết và cái gì cũng lạ. Những xúc cảm nghề nghiệp, những suy nghĩ từ trái tim của một người bác sĩ, và trước hết là từ trái tim của một con người. Để từ đó nảy nở và lớn lên những tình yêu với nghề, những mong muốn và những dự định cho một tương lai xa mà gần lắm. Rồi những ngày đi Nội, lại là những cảm xúc khác, cảm xúc thương xót, cảm xúc bất lực...Mỗi một khoa đi qua là những câu chuyện về những con người, những cuộc đời, và những căn bệnh bày ra trước mắt. Bớt xúc cảm đi, nhưng cảm thấy ở trong mình, những tình cảm lớn hơn, thái độ sống nghiêm túc và trách nhiệm hơn trước cuộc đời. Rồi hơi ngỡ ngàng, nghỉ hè với vô số những công việc. Mùa hè trôi đi nhanh chóng, những việc cần làm đã làm, những việc còn dang dở sẽ có chỗ ở tương lai. Rồi dấu gạch nối Y3-Y4: đợt đi thực tế Hà Nam. Tám ngày chưa bao giờ thân thiết hơn của tổ, những kỷ niệm vui buồn, những suy nghĩ, và những tình cảm chân thành và gắn bó hơn với những người bạn trong tổ. Bây giờ, mọi thứ vẫn còn lung tung nhưng đã đi dần vào quỹ đạo của nó. Mình ngày càng sống thật và chân thành hơn. Bạn bè mình vẫn chơi rất nhiều,  nhưng niềm vui lớn lao của mình là đã tìm được những người bạn thực sự gắn bó và chân thành với mình.
Đầu năm học mới, có vài xáo trộn nhỏ, nhưng nói chung là mọi thứ đã quen quen và mình dần cảm thấy cân bằng hơn trong cuộc sống. 
Có duy nhất một sự xáo trộn chả nhỏ tí nào, và cũng là niềm vui lơn lớn của mình trong những ngày cuối cùng tủa tuổi 21 này, hị hị, là mình đã HẸN HÒ! He he, bất ngờ v~ luôn. Cuối cùng mình cũng đã hết ế! Một cô gái không quá xinh đẹp, không quá dịu dàng, không quá lãng mạn, và không quá bla bla các loại điên rồ mà mình chả bao giờ quan tâm khác nữa. Nhưng quá là hợp cạ với mình, cái này thì quan trọng, bộ đôi ranh ma và thâm độc. Với nó, mình luôn cảm thấy đáng tin và được tin. Luôn có 1 sự quan tâm nho nhỏ đủ để mình vui vui lúc đang chán, và cũng luôn muốn có 1 sự quan tâm cũng nho nhỏ như thế muốn dành cho nó. Hehe, Hẹn hò cơ đấy, mình đã vui lung tung mất mấy ngày, hì! ...

Hôm nay, sinh nhật mình. Vui v~ vụ chiều hôm qua đi chơi, cảm ơn chúng m. Rồi một buổi tối biếng lười ngủ sớm, lại được chúc ngủ ngon kiểu "t sẽ k nt dựng m dậy đâu"-tinh tế v~, thật xúc động! Sớm ra nhận được một đống lời chúc, vui nho nhỏ. Rồi một ngày chủ nhật thoải mái ở nhà, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nằm lười xem Olym, ngủ tới 4 giờ chiều, một bữa cơm tối cả nhà... Dù vẫn có những việc nhỏ nhặt, nhưng đó thực sự là một sinh nhật mình cảm thấy vui vẻ và bình yên. Không bánh gato, không nến. Một niềm vui nho nhỏ và một ngày yên vui, thế là đủ.

Hai mươi hai tuổi rồi, bạn bè bằng tuổi đã sắp ra trường, đã lục tục lấy chồng lấy vợ. Tự nhiên thấy mình vẫn còn trẻ quá! hehe

Tuổi hai hai, lại thêm già một tý, lớn một tý. Sẽ luôn luôn trân trọng những tháng ngày mình sống, học tập làm việc vì tương lai, và mãi mãi yêu quý những con người bên cạnh mình! 

Chào nhé, tuổi 22!

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Y3+

Chắc tới cả năm rồi không viết bài nào bỏ vào tập này, cái tập ghi lại như một cuốn nhật ký những tháng ngày trên con đường học và sống với nghề Y.
Không chia chương nữa, hoặc nếu coi chương thì coi đây là Chương 5 và Chương 6 cũng được. Vì mỗi kỳ sẽ viết một chương, nhưng lần này 2 kỳ mới viết một bài.
Vì sao thế? Y nhạt thế rồi sao? Không phải đâu. Nhưng bây giờ Y với mình đã khác rồi, và rồi cũng chả thể đánh số mãi cuốn nhật ký dài như vô tận chưa biết bao giờ ngừng, về con đường vạn dặm mình đang đi. Thế nên cứ viết thôi. Viết để lưu lại chút gì cho khoảnh khắc hiện tại, để hôm mai nhìn lại, lúc đang ở đâu đó trên con đường y nghiệp. Mà Y bây giờ đã sang trang mới rồi. Lâm sàng. Bệnh viện, bệnh nhân, những buổi học, buổi trực miệt mài đã thay đổi nhiều con người và cách nghĩ của một cậu trai y1.
Sẽ không còn tò mò những ngóc ngách xó xỉnh nữa, mà sẽ lớn hơn. Nghiêm túc và có trách nhiệm hơn với công việc của mình.

Như thường lệ, sẽ kể lể một chút về chuyện học hành. Cho Chương 5 nhé, tức là cho kỳ 1 năm thứ 3. Có Sinh lý bệnh, Giải phẫu bệnh, Ký sinh trùng- Bộ ba ma quỷ, bão táp của y3, ngoài ra hẳn vẫn còn những môn vớ vẩn và linh tinh kiểu như Tâm lý, Tiền lâm sàng Sản, tiền lâm sàng Nhi, và kỳ cuối môn Pháp. Nói chung mọi thứ qua một cách chầm chậm và không hào hứng lắm. Ngoài môn Pháp được học tiếng Pháp chuyên ngành một cách rất "không chuyên ngành" là khá hào hứng, còn lại thì cũng căng căng và tới lúc thi thì thi. Khỉ thật, mình suýt qua được cái Bộ ba ma quỷ kia trong mùa đông năm ngoái. Sau vụ Giải phẫu bệnh, thì chả có gì còn làm mình hứng thú tranh đua điểm chác nữa. Cứ gắn một quả nợ về một trận bão táp cho một mùa hè lắm tham vọng xem!
Kỳ 2 trôi tới nhanh chóng và nhiều rung động. Đánh dấu vĩ đại của kỳ này là việc đi lâm sàng. Đi Việt Đức trước, rồi tới Nội ở Bạch Mai. Có lẽ cũng vì đi Ngoại trước mà mình khoái Ngoại hơn Nội, nhưng không hẳn, nghĩ sâu ra thì những "tính cách" của Ngoại thực sự hợp với mình hơn. Trước khi đi viện, cả lớp G, tức là lớp AUF và Cổ truyền, đã chụp chung một bộ ảnh mặc áo blu. Có lẽ đấy là bộ đẹp nhất của cả lớp trong suốt ba năm, và cũng là bộ cuối cùng trước khi tách lớp năm nay. Dù không thân với mấy bạn Cổ truyền lắm, nhưng cái sự chia tách này cũng không khỏi để lại chút ít ngậm ngùi. Rồi đi viện, nhiều thứ mới. Bị đe dọa nhiều, rồi tâm hồn "nhạy cảm" cũng căng ra hứng đợi một cuộc sống của một "bác sĩ thực sự", một cuộc sống mà bệnh viện là nhà và bệnh nhân là người thân. Nhiều suy nghĩ, xúc cảm trước những bệnh tật, đớn đau của người bệnh trước mắt mình. Rồi choáng ngợp trước cung cách làm việc hoàn toàn khác, choáng ngợp với lượng kiến thức khủng khiếp đòi hỏi ở lâm sàng, rồi nhận ra những mối quan tâm và quan trọng hơn mà không sách vở nào dạy nữa... Đi viện- thực sự đó là đời, và mình biết sống "đời" hơn, trưởng thành và trách nhiệm hơn, biết lo lắng nhiều hơn và toan tính nhiều hơn. Chuyện học hành trên giảng đường trở nên "cáo" lắm rồi. Đạo đức, Đường lối, Giáo dục sức khỏe đi chi để hóng hớt, Dược lý học khá căng, còn lý thuyết Nội - Ngoại thì học chán hơn mình tưởng. Cuối kỳ, như đã viết ở bài nào đấy, lại bão táp 3 môn Nội-Dược lý-Đường lối. Nhưng có vẻ mọi sự đi qua không mộng mị. Mấy môn dớ dớ qua đi lúc nào không rõ. Hè đầu tiên phải trực hè, thế là mất tong một tuần, lại một tuần cho "món nợ mùa đông", linh tinh nghỉ được mấy ngày rồi đi một tuần nữa thực tế ở An Lão, Bình Lục, Hà Nam-một cuộc đi nhiều điều đáng nhớ và để nhớ. Tới tận hôm nay. Ngày 11 tháng 8 năm 2013, vẫn ký Y3 vào bệnh án, và vẫn ghi Y3 trong Báo cáo cuối cùng nộp thầy cho đợt thực tế Hà Nam. 
Nhưng đã chấm hết!
Mai chính thức đi học chính trị đầu khóa cho Y4. Thế là thành Y4 rồi!
Từ mai, ta sẽ lại bước vào cuộc đua mới, chặng đường mới mang tên Y4. Vẫn nhiều đồn đoán rằng đấy là Y nặng nhất, rồi những mưu toan dự định nữa, ít nhất là B2 cho Y4. Và còn những cái khác nữa đang thấp thoáng trên con đường phía trước. 
Chào nhé Y3!
Và chào mừng đã tới với ta, Y4 của ta! 

Đoạn đường để nhớ

Hờ. Cái tiêu đề này là tiêu đề cuốn truyện của ku Nam, mang đi trong đợt này. Chưa đọc truyện này nhưng cứ mượn tạm, vì thấy nó hay hay.

Tiện nói về truyện, lần này ngoài mình thủ một đống sách Pháp, Bệnh học, Cấp cứu ngoại bla bla như một thằng mọt đích thực, mình cũng thủ thêm một đống truyện của Marc Levy và Guillaum Musso nữa. Qua 8 ngày đã đọc hết "Phía sau nghi can X" (một câu chuyện chả có vẹo gì là trinh thám, và cũng không phải của 2 ông kia mà con Linh Tây quảng cáo) và "Cô gái trong trang sách". Hehe. Ngoài ra, còn 3 cuốn truyện khác của 3 bạn. "Đoạn đường để nhớ" của ku Nam, "Bố là bà giúp việc" của bạn Yến và tập đầu của "Sáu người đi khắp thế gian" của con Trang Chim.
Đấy là những lời mở đầu một cách không liên quan lắm, và hơi lủng củng. Nhưng độ này thấy kiểu viết này cũng không đến nỗi tệ hại, ít ra là tạo ra được 1 chút gì đó trong đầu người đọc.Hờ
Rồi, tới phần giới thiệu tại sao viết cái bài này. Nói cho cùng thì cũng chả mấy khi mình tự dưng mà viết. Lần này muốn lưu lại vài chữ, vài cái suy nghĩ và tình cảm tức thời mình có được sau chuyến đi thực tế ở Hà Nam về.
Mào đầu tẹo, rằng trước khi đi thì được các đàn anh tuyên truyền ghê lắm, kể lể đủ thứ vui buồn ghê sợ. Làm cho cái đất Hà Nam mình tưởng tượng ra là một xó núi heo hắt và ngu ngu, đời sống thì đói khổ. Và khi đến nơi thì mình sẽ có gì đấy kiểu như những đợt tình nguyện vùng cao, khó khăn nhưng đầy tình thân và sự đoàn kết, luôn là những kỷ niệm khó quên và đầy ý nghĩa cho mãi về sau.
Hờ, thế là mình vác một đống quần áo to đùng, sách một núi và đồ vệ sinh tới tận răng, cho một tuần gian nan đói khổ nhưng đầy hào hứng và vinh quang. Hờ, nghe rất là ngây thơ!
Ngày 1/8, sáng sớm dậy oánh răng và phát hiện hôm ý là sinh nhật bà chị mình. Xong chuồn mất, bố đèo tới trường với quả vali số và cái chiếu to oạch. Lên xe về Hà Nam và vẫn nghĩ về 1 chốn "khỉ ho" và "cầu tõm" nào đấy, chỉ biết nó qua cái tên: An Lão (Bình Lục). Hờ, nghe thật đậm chất "dưỡng già".
Tới nơi, thật choáng ngợp vì cái xã "dưỡng già" này. Nó chả giống tưởng tượng gì sất. Nói chung là nó như chỗ mình cách đây tầm 10 năm. Trừ nước nôi bẩn bẩn và đường điện lắc lư mỗi lúc mưa thì nó nhìn rất giống ở Hà Nội, thậm chí là một khu khá khẩm là khác. Nhà bám sát ở mặt đường to, vài cái ngõ xương cá. Đa số khá tử tế, thậm chí là giàu, vì họ có nghề làm đồ sừng, đồ đá, rồi thêu ren, buôn bán các loại. Kể ra vẫn có vài nhà nhìn điêu tàn, cổ cổ nhưng đấy chỉ là số ít. Ở đây giống giống chỗ mình chục năm trước, vì thấy còn bao nhiêu ao chuôm, bờ rậu bằng cây, bụi tre, ruộng vườn mênh mông...Thêm một cái nữa là phần lớn nhà cửa khu này đều có nền thấp hơn mặt đường lớn, thật là dị. Và thế là trong cái tuần mình ở đấy, sau khi hứng chịu 2 cơn bão thì làng xóm cứ gọi là mênh mông nước, ếch nhái và muỗi thì cứ gọi là cơ man!!!
Mình ở đấy trong 8 ngày, từ 1/8 tới 8/8. Mục tiêu là làm quen cộng đồng, lấy số liệu điều tra, tìm hiểu trạm y tế và tập truyền thông. Chẹp. Nói chung mới đầu tưởng đây là một vụ ăn chơi lớn lao như các anh vẫn tuyên truyền, nhưng kỳ thực cũng lắm việc ghê gớm. Phần vì thầy của tổ mình nghiêm túc kinh dị, phần nữa vì có dính dáng tới bộ môn Dinh dưỡng nên có cô Dương đi kèm "hướng dẫn". Thế là mấy hôm đi điều tra cứ trưa chật trưa chiều mới về. Chả biết nhóm khác thế nào chứ nhóm mình chế số ít một cách kinh khủng, làm việc nghiêm túc tới căng thẳng luôn. Hờ hờ. Xong màn ý thì còn viết bài truyền thông, tìm hiểu thông tin trạm y tế...Nói chung cũng không có gì đặc biệt. Cuối đợt về làm báo cáo các loại. Vào cái giờ phút này thì vẫn chưa xong, khỉ thật.
Đấy là công việc, ngoài ra sự nghiệp ăn chơi và giao lưu các loại cũng um trời và đáng kể lắm. Ngay hôm mồng 2 đã có một buổi nhậu nhẹt vì hôm sau thầy về. Bia bọt rất ác và mình không biết giời đất gì sau khi oánh răng xong. May mà còn lết đi ngủ được và không bị chết lạnh vì ...được ngủ trên giường với e Trang và ku Tá, hờ.ngoài ra có 1 trận bóng đá với thanh niên ở đấy, thắng 4-3 thì phải, nhưng mấy cậu ấy cứ kiểu đá không hết mình. Nhưng nói chung là vui. Tới mồng 5 lại giao lưu tiếp, với Đoàn thanh niên xã, những anh mặc áo sơ mi và hát nhạc đỏ. Còn bọn này là một lũ quần sóc và hát ỉ eo các loại trẻ trung có, cũ rích có, cả tiếng Anh nữa. Nhưng chưa bao giờ mình thấy cái mùi "thanh niên" nó lại đáng ghét đến thế. Quay sang chúc chích vớ vẩn, sát phạt bằng lý luận bàn rượu ngu ngốc rồi lủi về khi chưa rõ ai với ai. Rồi hát hò nhảy nhót điên loạn. Tất nhiên họ hiếu khách nhưng cái kiểu đó thật đáng sợ và chả có tí văn hóa "cộng sản" nào mà mình mơ tưởng cả. Thế là mình không thích buổi ý lắm. Hôm đấy trời rất trong và nhiều sao kinh khủng. Sau các màn đủ lễ nghĩa thì mình cũng khá lê phê. Nhờ nâng cao được trình tái xuất nên mình không tới nỗi tệ như hôm trước. Lúc đi ngẩng mặt lên trời. Lúc về cũng thế. Thấy cái bầu trời ở đấy thật kỳ diệu. Nó không bị ô nhiễm ánh sáng từ mặt đất nên nó đen huyền diệu và thế nên đống sao khảm lên nó cũng như sáng hơn...và không phải ai cũng muốn nói chuyện với người say...
Đấy là mấy phần vô vị của cái đợt đi này. Ờ nói thêm vài câu không được tích cực nữa cho nó xấu xa thì xấu hẳn. Đấy là những thứ mình thấy buồn và thoáng suy nghĩ khi làm. Việc đầu tiên là việc đưa cho người tham gia ký một tờ thanh toán tiền mà giải thích với người ta là "hết giấy ghi danh sách", hờ, dù chính mình cũng không tin nổi như vậy. Thêm nữa là việc đi khắp các nhà hỏi vô số thứ vớ va vớ vẩn kiểu "bác có thường xuyên nói chuyện với bạn bè không?", và hỏi người ta đủ thứ liên quan tới bệnh tật. Rốt cục lại thì hỏi xong rồi đi, người ta không biết hay hiểu sai thì vẫn hoàn như vậy. Mình đã thử cho người ta hỏi lại, nhưng dân cũng chả có nhu cầu và không biết hỏi cái gì, thế là họ.. chạy đi nấu cơm. Hờ. Thật là có ý nghĩa. Thêm nữa là một buổi nói chuyện có 3 bà mẹ ngồi nghe, ngoài ra toàn nhân viên y tế, chẹp. Nói chung là mình có cảm giác mình xuống địa phương không giải quyết được gì, phiền người ta một chút rồi biến mất. Đúng kiểu có cô thì chợ vẫn đông mà thôi. Từ thực lòng mình, nếu hỏi là đánh giá 8 ngày qua đi thế nào, mình sẽ cười khẩy vào những lời nhận xét tốt giỏi của cả thầy trường mình và thầy cô ở địa phương, mình thấy nó thật vô nghĩa với người dân và không có ý nghĩa thực tiễn trong quá trình hành nghề.
Nói đi nói lại nhiều điều tiêu cực quá, thành ra một chuyến đi tồi tệ nhỉ? Không phải đâu. Nếu thế đâu phải là "đoạn đường để nhớ". Để nhớ nhiều lắm, những hình ảnh về một hệ thống y tế địa phương thiếu thốn, về cả con người và vật chất; để sau này bớt chửi "bọn tuyến dưới" đi. Nhớ những người dân ngây thơ và hồn hậu, ngồi kể lể chuyện nhà chuyện đời, rồi hỏi han đủ thứ chuyện; để thấy biết yêu người dân hơn, thông cảm hơn với những người bệnh phải "bán cả đàn gà" mua thuốc. Nhớ những bể nước mưa, những cốc nước đợi mãi không thể trong được, những ao chuôm kinh khủng; để có ngày nhớ rằng môi sinh của cộng đồng như thế nào. Rồi nhớ chính những lỗi lầm, những giả tạo và hình thức của hôm nay để sau này biết sống thật hơn, có ích hơn cho cộng đồng. 
Và nhớ nữa, nhớ lắm, đấy là hơn một tuần bên nhau, giữa những thành viên trong tổ. Chưa bao giờ tổ mình vui và đoàn kết đến thế. Có lẽ sau vụ này, còn lâu lắm nữa ku Bắc mới phải kêu gào: "Hãy thẳng thắn với nhau". Vì một tuần sống chung, làm việc chung, vui đùa cùng nhau, chia công việc, thậm chí cả chợ búa nấu nướng đã làm cho mọi người hiểu nhau hơn rất nhiều, và thân hơn nữa.
Và đây là những gì mình thấy được ở các bạn mình sau một tuần:
Câu chuyện về những cuốn sách: Mình mang sách và truyện, Yến mang Bố là bà giúp việc, Nam mang Đoạn đường để nhớ, Trang mang Sáu người đi khắp thế gian, thêm bạn Nga mang Bệnh học và sách Giáo dục sức khỏe nữa.
Con Phương rất uy lực và ra dáng người cầm quỹ, nhưng ưa nịnh và không khéo sống.
Con Trang thông minh và có trách nhiệm, nhưng không quá nghiêm túc, uống được, nhưng không "hòa đồng theo cách mọi người", mang rất ít đồ và tay bị mẫn cảm với xà phòng
Bạn Yến rất kiểu một bạn nữa hiện đại của kênh 14, thích đọc sách, ham vui, hòa đồng nhưng không thân thực sự với ai, bạn hát giọng Hà Tĩnh rất tuyệt
Quỳnh Anh vẫn có những bộ quần áo ngớ ngẩn, không khéo léo tới độ bị lôi ra làm trò đùa tới mức quá đáng, làm việc nhóm không tốt lắm dù rất tích cực, không rõ là có biết nấu ăn không nữa, sống nhường nhịn và quan tâm mọi người, dù theo cách nào đó hơi ngây ngô
Huyền vẫn hát những bài tiếng Anh ở một chỗ ít người nghe thấy, nhưng thoải mái hơn trước rất nhiều, sống vẫn khép kín
Nga cũng kín, nhưng khá cương quyết và sẵn sàng phản đối, làm việc có trách nhiệm và khá chu đáo
Hương bị đau chân, luôn có dáng một mệnh phụ, make up lúc lên xe về trường, rất tử tế với mọi người 
Linh đã "tha hóa" đi nhiều, sống tự do hơn và bắt đầu ghét bọn con trai, bạn không mang chiếc S3 mới mua về Hà Nam
Ku Sơn không bao giờ tắm chung, mang ba lô du lịch, dễ dàng bị lôi kéo đi chơi, nhưng rất chăm rửa bát.
Ku Việt mang gối tử tế và xịt muỗi, hát vớ vẩn, được mọi người yêu quý vì rất chân thật đôi khi tới quá lố, không bao giờ đi chơi với anh em
Ku Mạnh không tắm chung với mọi người, và cũng chỉ tắm ở nhà tắm nhà anh Bảy, thậm chí bỏ mọi người sau bữa ăn để về tắm vì việc này, phát cuồng lên vì đi chơi, sẵn sàng làm nhưng sẵn sàng so bì
Ku Hiếu thánh thiện hơn mình nghĩ rất nhiều, cũng khéo nữa, nhưng nó hiền và vui vui
Ku Tá cũng lại là một cậu thánh thiện và không công tử như mình nghĩ, rất tốt và quan tâm tới mọi người, không trọng hình thức và sống rất tình nghĩa
Ku Quân là người tử tế và thánh thiện tiếp nữa, khéo nấu ăn, biết lo lắng chu đáo cho mọi người, sẵn sàng lê la hát cùng mọi người.
Ku Oai hơi ném đá chút, sống khá kín, tắm chung với anh em và bắn cũng khá tốt
Ku Vượng chỉ hát khi có beat từ máy nó phát ra, luôn có bộ mặt bình thản dị hợm và thế quái nào, cách gợi chuyện của nó nghe thật liên quan và buồn cười
Ku Trường dính tới 1 em chấm bi địa phương rất vớ vẩn, ghi ta khá tốt, thích chụp ảnh tự sướng, trốn rửa bát và nhiều trò vớ vẩn
Ku Nam hiền hiền, cũng hay rửa bát, hòa đồng với mọi người nhưng cực kỳ căng thẳng khi chịu áp lực
Ku Đông thích nói khác mọi người, sẵn sàng bỏ đi dù biết mai nhóm mình có việc, chỉ đạo làm ăn qua loa kinh khủng
Ku Long cũng là một bậc thánh thiện. Nó tốt kinh khủng, uống được, ngoại giao tốt, sẵn sàng trả trước tiền bia cho mọi người và nhiều thứ khác nữa, không câu nệ tới độ bị giấu ví một lần và cuối đợt thì mất sạc điện thoại
Ku Bắc cơ to, trầm tĩnh là luôn nghiêm túc hơn cần thiết, nhưng trách nhiệm và quan tâm tới mọi người

Rồi. Nếu ngồi kể lể sẽ có nhiều chuyện lắm, nhưng nói chung biết vậy là tạm ổn. 
Ừ, một đoạn đường đã qua, một đoạn đường nhiều trông mong, nhiều nỗi buồn và niềm vui xen lẫn. Một đoạn đường sẽ nhớ lâu nữa trong mai sau..........

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Bà nội con.

Con yêu thương,
Cha viết cho con những dòng này vào một buổi chiều của tuổi hai mươi mốt. Một buổi chiều tháng 7 mưa lã chã rơi, gợi nên một nỗi buồn da diết. Không gian im ắng, cha ngồi đây, ông con ngồi ở nhà ngoài, và cô Vui của con đang soạn những bài giảng đầu tiên đầy mơ ước. Chỉ có tiếng mưa lách tách ngoài ô cửa sổ, lá cây ướt đẫm như non hơn, và thi thoảng rè rè tiếng máy cưa của nhà hàng xóm đơn điệu như nó vẫn vậy suốt bao năm nay.

Hôm nay cha muốn viết về bà nội con- người mẹ của cha. Con sẽ hỏi khi đó cha đâu biết con là ai. Đúng vậy, một buổi chiều như thế này, lòng cha bỗng bao hình ảnh của người mẹ yêu quý ùa về. Ba năm rồi. Người không còn ở bên cha nữa. 
Quá khứ và tương lai như những thước phim vụt trôi qua trong tâm trí của cha. Ba năm và một sự trống vắng. Vậy mà nhiều lúc cha cũng đã quên đi điều đó. Nhưng hôm nay nó lại ùa về. Đó là sự trống vắng mà đã bao lâu cha không chia sẻ với ai, một nỗi nhớ và nỗi buồn da diết mà không dám thể hiện, lắm lúc cả với ông con-cha của cha, và các cô của con-những người chị của cha. Tại sao ư? Cha không biết. 
Nhưng có lẽ cái tư tưởng mình phải mạnh mẽ đã đi theo cha từ hồi con bé. Những ngày ấu thơ, cha là người con trai-người đàn ông duy nhất trong gia đình những lúc ông đi trực đêm. Ừ, cái nghề bảo vệ của ông, cứ hai ba hôm lại một đêm không ở nhà. Cha con trở thành cái gì đó mạnh mẽ, để mẹ và các chị dựa dẫm về tinh thần. Nên cha không sợ tối, và không biết mấy tuổi cha đã biết đi khóa cổng và kiểm tra cửa ngõ khắp cả nhà trước khi đi ngủ. Bà ốm đau, nên cha căng mình lên cho thật mạnh mẽ. Cha là người mang thuốc cho bà uống mỗi tối. Và khi nằm xuống, với một nỗi lo sợ mơ hồ nhưng to lớn và dai dẳng, rằng một ngày kia sẽ mất bà, nhiều khi cha không dám ngủ mà thi thoảng mở mắt, dịch người nằm sát bà và lắng nghe hơi thở đều đều của Người khi ngủ. Suốt từ nhỏ tới tận lớp 10, cha vẫn ngủ cùng mẹ-bà của con.
Rồi những năm cha học cấp 3, bà con chuyển nặng hơn trước nhiều. Gần 20 năm, từ khi sinh cô Dịu của con, rồi lại sinh thêm cha, rồi tần tảo nuôi nấng 5 đứa con cùng với người chồng vất vả đi trực không có ngày lễ tết, bà của con vẫn đi bán rau mỗi sớm. Ừ con ạ, cha con đã lớn lên bởi những gánh rau của người mẹ và những ngày đêm trực mệt nhoài của người cha. Sáng sớm, từ 4 giờ, bà của con đã dậy, cùng với các cô của con, hái rau, bó, chỏa rồi xếp vào rổ đem bán. Tiền bán được không nhiều, may đủ được tiền mua thức ăn trong ngày; lại phải dậy sớm, lại chìa mặt ra chợ ông ơi bà ơi. Ừ. Nên nhiều lắm, những lúc cha coi khinh những rổ rau ấy, coi nó là một sự xấu hổ ghê gớm và không bao giờ kể cho bạn bè. Bây giờ, không còn cái gì của ngày xưa ấy nữa. Vườn vẫn còn nhưng ông nội con chỉ trồng khoai, và rau có trồng ra cũng chả ai đem bán. Những hình ảnh về những buổi chiều ngồi chẻ que bó rau, những sáng chỏa rau cho mẹ đem bán, rồi hình ảnh người mẹ với rổ rau đằng sau, đi chiếc xe đạp mini Nhật màu xanh, mỉm cười khi cha ra "đón cổng" ...sẽ mãi chẳng còn. 
Ừ, năm nào đấy, một buổi sáng như bao ngày, bà con bị tai biến ở chợ. Ừ, "thoáng gió". Và sau cái cơn "thoáng gió" ấy, mẹ bị liệt nửa người sau cả tháng nằm bệnh viện, và một lần ngừng tim tưởng như không qua khỏi, một chú nào đấy của cha thậm chí đã về mang cha sang trong làn nước mắt. Nhưng cha đã may mắn được ở bên Người thêm hơn một, hay hai năm, hay bao lâu nữa đó. Cha không nhớ, chỉ biết đó là khoảng thời gian mà cha thực sự biết tới sự mong manh. Mỗi giây phút, mỗi ngày, mỗi bữa cơm, mỗi buổi tối, mỗi giấc ngủ đều là quý giá và bữa cơm sau, tối hôm sau, hay đêm sau nữa, Người có thể không còn bên cha bất cứ lúc nào. Nhưng không hẳn vậy. Người có di chứng thần kinh thường thay đổi tính tình. Và rồi đối mặt với sự sống và cái chết rình rập, và hẳn nghĩ tới những tháng ngày những đứa con của Người không còn mẹ ở đâu đó nay mai, rồi đôi lúc tự trách bản thân mình là gánh nặng, rồi buồn cho ông nội con-"đã vất vả cả đời vì tôi, cảm ơn nhé. Có lẽ tôi nợ tới kiếp sau, nhưng tốt hơn kiếp sau đừng gặp tôi nữa. Mà sau khi tôi mất nhớ tìm người khác chăm cho ông nhé..."................Đó, những thứ đó đã làm bà nội con thay đổi hẳn. Ừ. và cha đã có thái độ vô lễ với bà - một-nỗi-ân-hận-to-lớn-mà-suốt-đời-cha-không-quên-được. Bà con không bảo gì cả, chỉ buồn vì người con yêu quý bao năm bỗng quay ra không còn như xưa nữa. Rồi chuyện đó trôi đi như chưa hề xảy ra, không biết có còn ai nhớ, nhưng nó mãi chẳng thế quên được trong tâm trí của cha.
Những ngày cuối cùng là những ngày êm đềm và vui vẻ nhất. Cha học lớp 12, mọi thứ khá ổn. Mỗi sáng cha đạp xe đi học, Người đứng ở thềm hiên, một tay chống gậy, người dựa vào chiếc cột một cách liêu xiêu yếu ớt, nhưng mỉm cười vẫy tay bảo cha đi học, và bảo trưa sẽ đợi cha về. Buổi chiều, những ngày không đi học, cha ở nhà với bà con. Rồi những buổi tối xem ti vi, những lúc nói chuyện vui đùa mà cha và hai cô của con gọi Người là "hắn", thân như chúng bạn. Những lúc tự dưng muốn nhảy vào lòng của Người, cong như con tôm cho mình thật nhỏ, để được gãi lưng và xoa đầu như lúc bé. Những buổi tối cha học bài khuya, ngồi trong phòng đọc sách, tiếng lạch cạch chiếc gậy phía sau cha, dừng lại rất lâu, rồi lại trở ra im lặng. Những tháng ngày ôn thi, không biết bao nhiêu đêm bà nội con đã im lặng ngắm nhìn đứa con của Người như thế.
Một buổi sáng, bà nội con ngã ra bất tỉnh lúc chuẩn bị đánh răng, rồi tỉnh lại như không có chuyện gì xảy ra. Mọi người đều sợ và cảm thấy sự chẳng lành. Bà cũng sợ, cha thấy nó trong mắt của người. Nhưng bà nhất định không đi viện và chần chừ tới "hôm sau". Sáng hôm sau, cha, ông nội con và bà nội, ăn một bữa sáng với cơm và một ít thịt kho. Đang ăn thì bà Hai vào cho hẳn một quả tim để bồi bổ. Mọi người đều cười, bà con cũng cười. Sáng hôm ấy, bà vẫn cầm gậy và đứng bên cái cột, bảo cha đi học đi và hẹn buổi trưa Người sẽ đợi cha về.
Nhưng Người đã không giữ lời hứa đó................

Ừ, ba năm rồi. Ba năm rồi cha mới dám ngồi viết những dòng này, mới dám quay lại nhìn quá khứ. Có lẽ con không tin đâu, rằng cha đã khóc nhiều lắm khi viết những dòng này đấy.
Hm. Bây giờ cha sẽ trả lời cho con-người chưa tồn tại trên đời. Nhưng con biết không, con sẽ là người con mà cha yêu thương hết mực. Và một ngày, nếu con hỏi đã có ai yêu cha như cha yêu con, cha sẽ cho con đọc những dòng này. Và giới thiệu cho con con người vĩ đại ấy-Người Mẹ yêu quý của cha!
Hôn con.

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Tháng Bảy

Tháng Bảy chả có ý nghĩa quái gì trong đầu mình cả.
Trước giờ, tháng Bảy trôi đi nhạt toẹt không thi vị. Chao ôi là nắng nôi, là bão táp, là ở nhà chán èo, mà thật ra là hụt hẫng sau cả năm học nhảy tưng tưng, rồi cuối tháng lại tiêng tiếc rằng hè đã trôi đâu mất. Nói chung là nhiều vô kể những xúc cảm chả có gì là hay ho và hấp dẫn. 
Kể ra, nhớ năm xưa bé có chạy tưng tửng đi thả diều hoặc câu cá, nắng chầy chầy, cũng vui phết. Rồi các thời đại đi sinh hoạt hè võ vẽ, rồi chạy bộ buổi sáng, đá bóng các loại.. Lại gần hơn thì có cái tháng Bảy của mùa thi, của cái ngày 10 tháng Bảy "xong rồi nói hết", thế mà nó trôi qua nhạt toẹt. Ngoài ra thêm hai mùa hè đi tiếp sức mùa thi, cũng vui gớm. Ăn chung ở chung, hát hò đam mê. Nhưng nhớ tới cái mặt cậu trai "bất hợp pháp" ở Giáp Bát năm xưa, cùng cái câu chuyện bi hài về sinh viên tình nguyện đi Tiếp sức mùa thi, phải tranh nhau để xách cái bao tải hay cái lồng gà cho bà nhà quê nào đấy, hoặc mướt mồ hôi không tìm thấy em sĩ tử nào vụng dại ngây thơ để chỉ đường cho, đành lôi máy ảnh ra tự sướng, hoặc dàn dựng vài trò nhạt nhẽo và giả tạo. Xong lại lưu lại, bảo ý là truyền thống thế nọ kia, chẹp. Thế nên cái vui vẻ đi với Đội tự nhiên thấy không trọn vẹn. Gì cũng thế, ta đến với nhau, vì cái lý tưởng giúp người khác.  Hm.Nhưng tới lúc chợt nhận ra ta như người thừa, "có cô thì chợ vẫn đông", rồi việc mình làm chả qua là người nọ làm cho người kia sướng mà thôi, tự nhiên thấy cái sợi dây nối mình lại với anh em như mờ quá, như vô nghĩa quá. Cái làm mình nhớ và thấy tội lỗi nhất là lần phân vân với cậu người Cao Bằng. Một cậu dân tộc đi dép tổ ong một mình lên Hà Nội, thi An ninh thì phải, ở trường Quang Trung chỗ Hà Đông, nhưng xuống nhầm Xã Đàn vì có cái trường tên y như thế. Mình phát hiện ra điều đấy, nhìn cậu ta mà muồn chở luôn cậu ta tới chỗ Nguyễn Trãi, nhưng lại bận đi cùng đứa nào đấy đi xem chốt thi, thế là đành hướng dẫn cậu ta đi buýt. Đấy là cái tâm trạng không biết mình đã không làm cái gì để làm cái gì, mà không biết như thế có đáng không, có giúp được nhiều người hơn không hay kỳ thực chỉ là nguyên tắc? Ờ, báo chí tung hô như một thói quen đã nhàm, không thấy cái sự thật ấy, lại càng góp phần thổi to hơn cái bong bóng ảo tưởng, màu mè và lung linh hết thế hệ này tới thế hệ khác.
Roài, đấy là những năm xưa.
Mà thật ra là còn vụ nữa, có cái tháng Bảy có ngày thi mà mình là giám thị đại học, nghe cũng vui và oai gớm!
Tháng Bảy này đến trong vội vàng. Vội vì nhiều thứ, dù toàn điều vớ vẩn.
Tháng Sáu trôi đi không mộng mị, với những khúc rõ ràng như một cái chân giò thít lại đem đi luộc, mỗi cái khúc đấy luôn kết thúc bằng một ngày thi, sau một tuần ác mộng nằm ngồi ăn ngủ với thi. Ngẫm lại thấy vội, vì cái lúc thi xong môn gì đấy tháng Năm, hờ, hình như là Giáo dục sức khỏe, có nói tới chỉ còn một tháng để thi Lâm sàng và ba cái chạc: Đường lối, Nội và Dược lý. Đấy, chả biết thế quái nào mà mình đã qua được cái giai đoạn bão táp ấy. Hờ, "như cơn mưa ngang qua, không xúc cảm"-như cái status nào đó của con Huyền. Ngoài ra thì mình đã giã từ tên đệ tử sớm hơn dự định, đáng lẽ mình dạy nó thêm vài cái nữa; nhưng tại nó nghỉ lắm, mà mình cũng nghỉ lắm nên thôi học cho khỏe, mà tới tháng Sáu thì tự học là phải rồi. Mấy hôm nữa thi, coi như là có thêm một lời chúc dành tới nó. Ừ, lại quên chuyện học, còn thi Lâm sàng nữa, học lốp cha lốp chốp, thi vừa may vừa không may, nói chung qua ở cái mức trung trung, nghe bảo được 8, chả biết nên vui hay nên buồn. Nội như thế là cao, nên cũng chả buồn như hồi ảo tưởng ở Việt Đức, hoặc cũng đã chai dần với lâm sàng, hoặc đã nhạt bớt độ máu me hiếu chiến lắm rồi.
Hừm, tháng Bảy này không có diều quạ cá mú gì, chả biết có bóng bánh chạy nhảy gì không, Đội thì đã trôi xa tự bao giờ, còn trông thi thì chắc là không nốt. Giá có cái bể cá hay cây hoa hoét gì mà trông nom cũng thấy mình có lúc nhàn rỗi nhỉ?
Mà trời nắng quá. Bạn bè về quê hết. Mấy đứa ở làng cũng im im. Chả lẽ tưng tưng cả năm tới nghỉ hè lại ngồi nhà đọc truyện và xem phim cho hết ngày hết buổi? Đấy là còn chưa kể cái tuần chỉ ăn với đi trực, cái nợ với Giải phẫu bệnh cần trả, rồi còn kế hoạch học photoshop, lời hứa đi Việt Đức, dã tâm thi B2. Ôi mình cũng chả biết là mình bận hay mình rảnh nữa.
Ngày xưa bé thấy lớn lên học Đại học nghỉ hè sướng thế. Lúc trong năm học, sáng nào cũng mở mắt 6h để tới viện, rồi lúc thi u hết cả sọ, mong bao nhiêu tới lúc nghỉ hè. Thế rồi bây giờ thì thấy như hụt hơi, sướng quá tự nhiên thấy bàng hoàng? 
Không sung sướng, không khổ đau, cái này là điều đáng sợ. Có lẽ ta không còn nhạy cảm và vui niềm vui của con trẻ nữa. Hoặc cũng có lẽ bóng ma GPB vẫn che mất trời xanh. Hoặc cái sự đơ ra sau khi nhiều chất dẫn truyền thần kinh đã cạn kiệt sau cả tháng bị huy động tối đa. Hoặc mình sắp hâm và lẩm cẩm thật, hehe.
Bây giờ, ngồi vơ vẩn. Thấy cái trò đọc văn chương, thi thoảng đọc thơ hoặc xem lại những câu chuyện cũ rích lại là một niềm an ủi. Đôi khi thích mơ tưởng về quá khứ, hoặc về tương lai cũng đem lại nhiều serotonin đáng kể. Ví dụ bây giờ niềm vui là đọc thơ, những bài kiểu như "Đất nước", "Lời chào" của Nguyễn Khoa Điềm, hoặc ngâm nga vài câu "Sương và nắng" của Puskin. Hoặc mò mấy phim hoạt hình cũ rích của Ghibli ra xem. Hoặc ngồi phác thảo lên một cái đĩa bay kiểu quadrotor hay hexarotor để lúc nào giàu giàu mình làm rồi đem đi lượn. Hoặc cái kế hoạch tuổi già, xây một cái nhà có cái kính viễn vọng và cái chong chóng trên nóc, ném nó lên đỉnh một cái đồi lè tè nhiều gió. Xong rồi sẽ xây ao và đắp vài cái rãnh để thả cá quanh nhà, rồi ngày ngày sẽ làm ở cánh đồng trồng hoa hoét toe toét gì đó khắp chân đồi. Chiều về nằm phơi nắng đọc sách, viết blog hoặc hì hụi chế ra cái khỉ gì đấy. Hoặc sẽ ngồi vịnh chuyện đời với cô con gái, ngồi kể lại chuyện thời "chúng mình thích nhau" với người bạn đời. Và hay ho hơn, độ này mình mới nghĩ ra, là thi thoảng sẽ lượn lờ trên trời bằng cái đĩa bay kia, hoặc một quả khí cầu lòe loẹt có gắn chong chóng. Ngoài ra mình sẽ nuôi chó và nuôi mèo, những con chó và con mèo "anh hùng", tức là thông minh, tốt tính và cương trực. Còn gì nữa không nhỉ? Có thể lúc đấy mình sẽ ném hết đống bằng cấp và danh tước lên một cái tường, thi thoảng chỉ trỏ cho con cháu, như bây giờ mình vẫn chỉ trỏ mấy cái giải thưởng linh tinh, cái vòng nguyệt quế treo trước mặt mình, ngay trên cái bàn học này. Chao ôi, những cái đấy đâu có làm cho ta vui sướng hoặc tự hào, chả qua nó là cái mặt nạ để thiên hạ nể nang ta. Và rồi, mình sẽ là một "ông bác sĩ già ở trên đồi", ngày ngày nghe gió rì rào. (ôi viết tới chỗ này lại nhớ tới hai cây phong của Aimatov). Mình cũng mơ tới cái ngày đó, khi mà mọi người thật vui vẻ mà sống, thiên nhiên trong lành, xã hội công bằng và sẵn sàng trả giá cho ai dám làm, và con người sống thiết tha gần gũi, như những trang văn mình luôn ấp ủ. Ôi a, mình sắp viết được cả cái "xã hội cộng sản" của mình rồi!
Ôi tháng Bảy, hôm nay mới là ngày Một. Còn cả một tháng đang chờ ta sắp xếp và quyết định cho mình. Mong là nó thực sự là những tháng ngày hè mình không hối tiếc.
Ôi những ngày nóng, những ngày hè của tuổi 21!


Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Câu chuyện y học: Giường tự nguyện

Hôm qua đi trực C4 Bạch Mai.
Mới đầu chưa có ý niệm gì về cái C này. Chỉ có lần trực C3 đi vay ít que thử đường huyết, trong khi C2 đổ ra đổ vào rồi không cho vì "bệnh nhân nhà chị thử đường máu tới 4 lần một ngày cơ"; thì C4: "vay có 10 que thôi à? chả vay cả hộp trả cho nó dễ!!!". Đấy, ấn tượng đầu tiên: Giàu thế!
Hôm trực khác đi trực C9. Hành lang nhỏ nhắn có lọ hoa, có bình nước nóng lạnh để sẵn, có cả tờ rơi cao huyết áp, đái tháo đường để trên giá, y như một cái khách sạn hay một cái spa speo nào đó. Mình đi khám bệnh nhân, gõ cửa từng buồng, bệnh nhân mở cửa mới vào được, vừa bước chân ra là người nhà khóa cửa như đóng cửa nhà mình. Vào trong phòng nhỏ nhắn xin xắn, giường ga trắng muốt, nâng lên hạ xuống tẹt. Tủ đầu giường bằng gỗ, tủ đồ linh tinh cũng bằng gỗ; lại còn hoa hoét nữa. Điều hòa thì phả ra man mát và ti vi thì i oe cả ngày. Lại nghe đồn có loại phòng VIP có cả bàn ghế tiếp khách nữa, hờ.
Đi khám ở C2 C3 C6 C7, bệnh nhân đông, khám thật là dễ dàng. Người ngợm nằm lổm ngổm, thi thoảng có bệnh nhân chạy đâu mất vì không có chỗ ngồi, hoặc muốn ra hít khí trời cho bớt ngạt. Có những bác bệnh nhân vui vẻ, sẵn sàng ngồi nhờ sang giường bên cạnh để mình khám cho một bác nằm cùng giường, vì có thế thì bác được khám mới duỗi chân ra được. Thi thoảng vài chị y tá đi quá mắng té tát hoặc đuổi thẳng cổ "Anh người nhà kia" hay "Chị người nhà không mặc áo viện kia" ra khỏi cửa, và mấy người ý mặt sưng lên theo kiểu nửa nhịn nửa muốn đấm vỡ mồm "con mụ hách dịch" kia, hoặc bơ đi, hoặc ái ngại chán chường nhìn người nhà mình đang đau ốm, và tất nhiên đang chân co chân duỗi trên giường bệnh. Đôi lúc cũng có những bệnh nhân vui tươi, đi loanh quanh chém gió với những người bệnh bên cạnh, những người không phải người thân nhưng còn nhìn mặt nhau nhiều hơn cả anh em họ hàng. Và cũng có những người nhà đầy kỷ luật, mặc áo vàng, đeo thẻ đầy đủ, lâu lâu lại loanh quanh cạnh cái tủ sắt đựng đủ loại chai lọ thuốc men hoặc đi ra đi vào cầm cái bô nước tiểu. Kể ra nếu có mưa thì quang cảnh cũng sẽ mát mẻ hơn khá nhiều và khá lãng mạn, khi ngồi trong cái phòng to như nhà thể chất hồi cấp 3, bên cạnh là lổn nhổn người ngợm và ngồi nhìn mưa rơi lã chã và tí tách, đôi lúc ào ạt và hắt té tát như cơn nhồi máu cơ tim trên một bệnh nhân có sẵn cơn đau ngực âm ỉ. Giá có bản kiss the rain ở đây mà nghe thì cũng buồn đau thê thắt và hẳn là lãng mạn ghê gớm lắm.
Quay lại chuyện đi trực C4, mới đầu chỉ thấy cái vía mình thật may vì hôm nào đi trực cũng ít ít bệnh nhân. Trong lúc bọn C2 C3 gò lưng ra làm bệnh án thì mình viết mỗi một cái, đi theo dõi 2 bệnh nhân thế là hết buổi tối. Xong thì ngồi chém gió, nghiên cứu cờ đảo chiếm như một lão tiên ông thự thụ. Và tất nhiên để thể hiện sự trách nhiệm và chăm chỉ, và ham học, hai thằng xách con Littmann đi đo huyết áp một cách chăm chỉ và nghe tim như một bác sĩ mẫn cán hết mực. Nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có 2 bệnh nhân, vì bệnh nhân khác đã kín đáo đóng cửa buồng bệnh của mình, ngồi ăn hoa quả với người thân, xem ti vi hoặc tiếp anh em tới thăm. Và nói chung cũng thấy vui vui khi nhìn tận mắt cái bảng mà hôm trước ku Nam chụp rồi post lên Facebook: "Hãy gửi gắm trái tim bạn cho những bàn tay tin cậy chăm sóc". Nói thêm C4 là chỗ cũng tự nguyện, và theo như y trên thì "hồi chưa có C9 thì C4 là vip nhất đấy"
Không phải bỏ trực nhé, mà là đi giao lưu. Thế là mình đi qua C2 và C3 nói chuyện. Trong lúc đang cao hứng bày tỏ point de vue về bao cao su, một chị người nhà vào hỏi về cái bơm tiêm điện sắp hết thuốc. Thế là mình lại mẫn cán đi cùng em điều dưỡng ra xem bệnh nhân. Qua khỏi cửa phòng hành chính, chỗ sáng sáng và có Star movie, mình xuyên vào khu giường bệnh. Kể ra chỗ này ban sáng cũng đông đông và đôi lúc còn lãng mạn như mình bảo. Nhưng tối, khi bệnh nhân đã tắt đèn đi ngủ và những người đi thở không khí trong lành cũng không ra ngoài nữa mà vào phòng để hít không khí không trong lành mà ngủ, thì cái phòng đấy trở nên tối tăm như một cái cống ở New York, và bệnh nhân và người nhà nằm la liệt trên giường dưới đất, trên mấy cái chiếu cói như cái chiếu của mình hồi ở ký túc, như một đống một đàn người vô gia cư. Mình thoáng nhớ tới câu hỏi lúc qua C2, thấy mấy bệnh nhân với người nhà nằm co ro trên cái chiếu, ngoài hành lang để ngủ, trong khi mấy hôm trước đi trực mình mất ngủ mãi vì nửa đêm nhiệt độ hạ xuống, dù mình có ghế mà nằm và mượn được chăn để đắp. Câu hỏi là: "Tại sao người ta phải trả tiền giường mà sáng thì phải ngồi, tối thì phải nằm đất ở hành lang thế này? Nói cho cùng thì giường chỉ để biết bác sĩ nào điều trị cho mình mà thôi". Tới lúc đi vào cái khoảng tối ở C3 để tới giường bệnh nhân ở đầu đằng kia thì câu hỏi ấy lại vang lên. Rồi người nhà đi trước, vẻ vội vã và nghi ngại. Một chị người nhà khác vội vã lật cong cái mép chiếu trải dưới nền mà mình đang ngủ lên, nhìn mình bảo: "Em cứ đi cả dép vào"-một sự sợ hãi? tôn trọng hay vội vã tới lú lẫn? Tất nhiên là mình bỏ dép, đi vào xem cái bơm điện vẫn còn một ít, chừng nửa tiếng nữa mới hết, giải thích cho người nhà rồi đi ra, bảo lát nữa nó kêu thì gọi. Người nhà lại cảm ơn rối rít đến kỳ lạ, khác hẳn với vẻ mặt của cô cháu gái bên C9 khi ra đóng cửa tiễn mình. 
Trong lúc mình đi trong bóng tối, đôi mắt đã quen với bóng tối nhìn thấy một cái quạt lá cọ đang phe phẩy quạt cho cái đầu bạc của mình. Bác người già nằm trên manh chiếu, ngay dưới cái cáng mà người bệnh, có lẽ là vợ của bác ta, đang nằm nhắm mắt nhưng không che dấu sự đau đớn và cơn khó thở đang làm bà phải dùng hết cơ hô hấp mà co kéo. Bạn điều dưỡng hỏi người nhà có đúng bệnh nhân không, rồi cho bệnh nhân 2 viên thuốc bào người nhà cho bệnh nhân uống. Bác người già tóc đã trắng, và tay chân lóng ngóng vụng về như còn chưa tỉnh hẳn hoặc lo lắng điều gì, run run cầm hai viên thuốc. Có lẽ người bệnh khó nuốt viên nén lớn quá, nên vẫn thường phải nghiền ra. Bạn điều dưỡng hỏi: "Bác đã có cái để nghiền viên thuốc ra chưa", thế là người đàn ông già đó lại được phen nữa lúng túng và sờ mó đâu đó, như vẻ đang tìm cái gì nhưng mình tin chắc lắm, rằng nếu mình đi luôn thì bác ấy sẽ an ủi bệnh nhân cố nuốt vì không tìm được cái gì để nghiền viên thuốc ra. Và bạn, mà chính xác là em, điều dưỡng này thật tốt bụng, khi hỏi lại to hơn, và nói thêm rằng:'Thôi bác cứ đưa đây đã cháu nghiền cho". Thế là người nhà đó lại được phen nữa run rẩy và lo lắng điều gì, nhưng rồi như nhớ ra và quay sang cám ơn rối rít.
Cái cảnh ấy tranh tối tranh sáng, và cũng chỉ mấy phút, nhưng nhìn người nhà và người bệnh đó mình không khỏi không thấy chạnh lòng. Đúng là chỗ ăn không hết nơi lần chả ra. Có những chỗ mỗi phòng một bệnh nhân, giường tủ hoa hoét, người nhà ngủ ngay ở giường bên cạnh, mà lại là bệnh nhân nhẹ. Còn có những chỗ sống chen chúc như trại tị nạn, người bệnh khó thở nằm trên cái cáng cứng đinh, và người nhà già tới tóc bạc trắng phải nằm vạ vật trên nền đất để trông, ve vẩy cái quạt tay cho đỡ nóng và đỡ muỗi. Người trẻ thì không sao, nhưng nhìn 2 ông bà già chăm nhau vất vả như thế thì không nghĩ không được. 
Thế nên nhớ có thầy nói tới cái phương châm: Sống vô tư, chết đột tử", thấy nếu khổ thế này thì đúng là đột tử có khi hơn. Ra đi nhanh chóng, người nhà đỡ mệt mà lại còn thương. Chứ kiểu vật vờ trong kiệt quệ thì khổ bao nhiêu người nữa.
Nói vậy, vì thấy thế. Liệu có tới một cái ngày mà cái sàn chung của bệnh viện sẽ tăng lên được không? Để cho người ta không còn 4-5 người một cái giường, để người nhà, người bệnh không còn phải lăn ra đất ngủ giữa đêm lạnh, Và tiến tới sẽ có thêm nhiều cái hành lang bằng gỗ, nhiều giường bệnh có ga trắng cho người bệnh thoải mái hơn, cho người nhà có sức mà chăm lo cho người ốm chứ không kiệt sức ốm theo?
Tới cái lúc ấy, hẳn chính các nhân viên y tế cũng thấy vui vẻ thoải mái hơn lên, như giao ban ở C4 với C9, ngồi nói chuyện trao đổi và mời nhau uống chè buổi sáng. 
Hừm, mơ thì cứ mà mơ đã.

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Câu chuyện y học: Tựa

Tự nhiên ngồi rảnh rỗi sinh nông nổi muốn viết lên mấy cái sự bàn luận và mơ ước của mình về một nền y học tương lai, cái thứ mà mình sẽ là thành phần trong nó, và cũng là thành phần làm nên nó.
Y học hiện tại, với 3 năm quan sát được của mình, gồm có 2 loại chính là Y học dự phòng, tức là loại làm việc với người không có bệnh, và Y học bệnh, tức là loại làm việc với người bệnh hoặc người cần chăm sóc y tế, sản phụ chả hạn. 
Về Y học dự phòng mình sẽ bàn sau. 
Còn Y học bệnh (theo cách gọi của mình) gồm có 3 bước chính: Chẩn đoán (tức là xem xem bệnh nhân có gì khác với người bình thường, tức là bệnh), điều trị (tức là bằng mọi thủ đoạn tìm cách đưa người bệnh về trạng thái cân bằng, tốt thì như lúc trước, không tốt thì kém hơn lúc trước nhưng với mong muốn chất lượng cuộc sống càng cao càng tốt) và duy trì (tức là theo dõi, kiểm soát sự cân bằng của bệnh nhân và con đường mà bệnh nhân từ trạng thái bệnh lý về mức cân bằng hoặc từ mức cân bằng trở nên bệnh lý, đây là điều quan trọng trong đánh giá kết quả điều trị và đánh giá "cuộc sống thực sự mà người thầy thuốc đã giữ lại cho bệnh nhân", theo mình nó là cái quan trọng nhất, là mục tiêu cuối cùng mà nền y học hướng tới)
Với chuỗi bài này, mình sẽ trình bày một số suy nghĩ, quan điểm, và ước mơ tại thời điểm hiện tại, về sự phát triển và tương lai y học. Từ đó định hướng cái mình muốn là gì, và mình muốn trở thành bác sĩ như thế nào.
Mọi quan điểm đưa ra là cá nhân, với mục đích duy nhất cho bản thân, là ghi chép để có lúc đọc lại, đồng thời cũng là một cách thể hiện quan điểm của cá nhân mình.

Câu chuyện y học: Lâm sàng và cận lâm sàng

Viết giữa những tháng ngày đang nhởn nhơ sung sướng ở "thiên đường" Huyết học. Thật ra định viết về cái này từ độ trước, lúc ở Việt Đức, rồi những lúc mệt mỏi ở mấy khoa Bạch Mai.
Hm. Giữa thời buổi mà máy móc giăng từ nhà ra phố, vẫn có những chuyện vui vui. Kể chuyện đi bắt mạch. Bắt mạch-đó là một công việc đặc biệt đậm chất y. Về tâm lý, được bắt mạch luôn mang lại cho bệnh nhân cảm thấy được quan tâm và cảm giác an toàn, tin tưởng. Nhưng kỳ thực, về chuyên môn, bắt mạch không đem lại nhiều ý nghĩa, chỉ có đều không, nhanh không, nảy mạnh yếu ra sao. Những thầy lang ngày trước chỉ bắt mạch mà chẩn được bao nhiêu bệnh, tim phổi ra sao, bệnh tật chỗ nào đều biết; thậm chí có cả chuyện bắt mạch qua sợi chỉ hay gì gì đó. Đó là một thời. Nhưng bây giờ không mấy người còn được như thế nữa. Vậy nền y học đi xuống chăng? Không, bệnh ngày càng nhiều mà người ta vẫn chẩn đoán được, điều trị được. Thế giờ người ta bằng cách nào mà chẩn bệnh vậy?
Đó là vô số kỹ thuật khác nhau, gồm lâm sàng, nhìn sờ gõ nghe đo test, rồi các loại cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, máu, hóa sinh...
Nói chuyện bắt mạch để gợi câu chuyện về quan điểm chẩn đoán bệnh, mà cụ thể là thái độ với cận lâm sàng.
Từ lúc đi viện tới giờ, mình thấy không ít người có vẻ "coi khinh" cận lâm sàng. Nói là khinh thì hơi quá, nhưng là theo kiểu: "suốt ngày chẩn đoán dựa vào cận lâm sàng, chả có tí nhạy cảm lâm sàng nào cả", rồi "thật là quá lệ thuộc vào máy móc", rồi "nhiều lúc cận lâm sàng chỉ để tham khảo thôi". Mình cảm thấy nhiều quan điểm cho rằng bác sĩ phụ thuộc vào cận lâm sàng là bác sĩ dốt, khả năng khám lâm sàng kém nên mấy ông xét nghiệm bảo gì thì tin đấy. Điều ấy có lẽ một phần đúng. Vì anh là bác sĩ lâm sàng, tức là trước hết phải khám được, chẩn đoán được trên lâm sàng, còn việc chẩn đoán bằng cận lâm sàng là của bác sĩ cận lâm sàng. Ai cũng có việc, anh không làm được việc của anh mà nhờ vào kết quả của bác sĩ cận lâm sàng, khác nào lúc nhỏ đi học mà chép bài bạn vậy? Nói đi cũng phải nói lại, vì có những người nhất mực coi lâm sàng là nhất, là giỏi, vì không phải ai cũng làm được.
Nhưng dù có thế nào đi nữa, không ai có thể phủ nhận được vai trò ngày càng to lớn của cận lâm sàng, trước hết trong công tác chẩn đoán.
Có một thời xa xưa, người ta chỉ có tay không, lột trần bệnh nhân ra sờ mó ngay tại giường bệnh. Thế nên gọi là lâm sàng. Mọi thứ đều phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm, sự tinh tế và vô vàn thứ khác của người thầy thuốc. Thế nên y trở thành một nghề cực khó và học cực lâu, là cái ngành mà 61 tuổi còn cầm tay dạy cho 60. Và vì sự phức tạp và ý nghĩa nhân đạo của nó, y trở thành một trong những ngành mẫu mực và luôn được đánh giá rất cao........Lan man, rồi lại nói chuyện lâm sàng. Vì chỉ có tay không và kinh nghiệm, mà kinh nghiệm được trả giá bằng thời gian làm việc, tài năng của bác sĩ -những thứ ảo không tưởng, và gần như không bao giờ mất đi, dễ mang vác vận chuyển, ở đâu có bác sĩ thì khám lâm sàng được. Thế nên vô số lợi ích: nhanh, rẻ, có thể chẩn đoán ở khắp nơi, hết sức nhân văn và hơn hết là sự tương tác, giúp đỡ về mặt tâm lý to lớn khi người bệnh được cảm thấy mình được quan tâm. Nhưng bù lại, kết quả của khám lâm sàng quá chủ quan, và muốn có được kỹ năng tốt thì người thầy thuốc phải trở thành một bồ kiến thức. Nói đơn giản là vừa nhọc mà lại không cụ thể, dễ sai lầm. Thế nên bác sĩ lâm sàng giỏi hiếm lắm.
Còn cận lâm sàng, chụp chiếu, máu me, nước tiểu, dịch, vi khuẩn, tế bào, sinh thiết...Cũng phải có người, có kỹ năng chứ mới đọc được, làm được. Nhưng đỡ vất vả hơn nhiều. Lấy một ví dụ có một thời người ta đưa từng ngón tay gõ bôm bôm vào gian sườn để tìm diện đục của tim, xem nó to bé lệch vẹo thế nào. Nhưng chỉ cần đưa ngực bệnh nhân ra chụp đánh phạch 1 phát, bóng tim hiện lù lù trên X Quang. Rõ ràng, gõ thì nhanh đấy, chả mất phí gì, không bị ăn tia. Nhưng bù lại khả năng nhầm lẫn của bác sĩ rất cao, đó là khổ người bệnh; rồi bác sĩ phải học bao nhiêu thứ trên đời, làm thì lúc nào cũng là kinh nghiệm kinh nghiệm, đó là khổ bác sĩ. Còn X quang, phải có máy móc đàng hoàng, bệnh nhân phải ăn tia, nhưng bù lại đọc Xquang dễ hơn nhiều, và do đó chính xác hơn nhiều.
Lại vừa lấy ví dụ, để thấy lợi hại hơn thiệt của cận lâm sàng nói chung. Nó đắt hơn, và phụ thuộc vào công cụ và máy mọc mà không phải ở đâu cũng có, chưa kể bác sĩ vẫn phải học về kỹ thuật đọc cận lâm sàng. Nhưng bù lại, cận lâm sàng là khách quan, chính xác, đó là sướng cho bệnh nhân; rồi cách đọc cũng dễ hơn nhiều, như vậy chỉ cần học ít đi, đó là sướng bác sĩ.
Về quan điểm của mình. Dù không ưa Đặng Tiểu Bình nhưng mình vẫn khoái cái tư tưởng thực tế đến thực dụng: "Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, quan trọng là mèo bắt được chuột". Cái việc rằng lâm sàng là khó, là ít người làm được, là ta giỏi hơn người khác. Xin thưa là chỉ hơn người nếu bị ném đi miền đù mà thôi. Lúc ấy ưu thế về "những thứ dính được trên da"-tức là kinh nghiệm và vô số thứ tương tự, mới trở thành ưu thế vượt trội, không ai không phục anh. Nhưng, "Cộng sản thời chiến" không hợp với cảnh hòa bình. Ở một bệnh viện đầy đủ máy móc. Với lượng kiến thức ít hơn, tức là nhiều người có thể làm được hơn, mà kết quả lại chính xác hơn, thì cận lâm sàng chả thua kém gì lâm sàng cả. Anh lại bảo như vậy là tốn tiền bệnh nhân. Nhưng đó là ở lúc mà mọi thứ máy móc còn đắt đỏ. Khi cận lâm sàng phát triển cao, các công cụ chẩn đoán sẽ trở nên phổ thông hơn rất nhiều. Như việc cách đây hơn 10 năm người ta bị cắt cổ khi dùng điện thoại di động, nhưng bây giờ dù sinh viên nghèo rách tích cóp từng nghìn gửi xe nhưng vẫn thoải mái dùng điện thoại di động vậy.
Hãy tưởng tượng một ngày, bất kỳ người dân nào cũng có thể dùng chính điện thoại của mình, cài mấy ứng dụng y tế, rồi tự nghe được tim phổi biết bệnh ở đâu, tự test được đường máu, kali máu hay tự soi ổ gãy xương của mình. Tất cả chỉ với kiến thức phổ thông và một mức chi phí phổ thông. Một phim X quang không đắt hơn 1 tấm ảnh, 1 kết quả xét nghiệm chỉ như mua một cuốn ebook. Tới lúc đó, người ta sẽ mỉm cười nhớ lại mới mười mấy năm trước, các thầy vẫn tuyên bố: "lâm sàng là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán viêm ruột thừa", và trả lời thầy rằng: "bây giờ, thưa thầy, người ta có thể chụp 1 cái ảnh đã thấy ruột thừa viêm hay không, và sẽ chẳng bao giờ nhầm được với tắc ruột, u manh tràng hay viêm phần phụ nữa". Hoặc các sinh viên có thể bớt đi một quả núi trong óc về việc nghe tiếng tim mà đoán già đoán non là tiếng gì, rồi tiếng ấy thì tổn thương gì, nếu chỉ cần mang máy ra scan quả tim xem nó làm sao, với giá một file đồ họa mà thôi.
Mơ thì vẫn cứ là mơ, có ai đánh thuế ước mơ. Trong những lúc học hành vất vả, lại theo cái lối mòn đã có cả trăm năm nay, mình tự buồn khi cầm cái ống nghe-thứ công cụ thần kỳ, chả qua là cái ống cách âm không hơn không kém. Rồi nhìn thấy những ngành khác, với những thứ máy móc tinh vi và kỳ diệu. Tự hỏi rằng: Có lẽ nào, vì đã mất cả tuổi thanh xuân vất vả nhồi một mớ cách thức dùng những công cụ thô sơ, các bác sĩ đã trở nên bảo thủ hoặc cố tình bảo thủ, hoặc bất lực đứng nhìn mà không làm gì cải tạo được những công cụ cho ngành của mình, rồi lại tự huyễn hoặc rằng lâm sàng là giỏi là tốt? Nghĩ đến cái kiểu ở giữa nền khoa học công nghệ hôm nay, có bác sĩ được giải thưởng bằng khen này nọ, vì nghĩ ra được hệ thống hút "không cần phải đưa chân đạp vào cái công tắc nào cả", mình lại thấy cái hố thăm thẳm giữa một kỹ sư và một bác sĩ. Bác sĩ thấy thiếu nên đành tự nhồi nhét, tự rèn "kinh nghiệm", tự cố có cái "nhạy cảm lâm sàng". Còn kỹ sư thì chả thấy ông ý thiếu cái gì, vì nghề này phức tạp lắm, khó lắm bla bla. 
Trước mắt, Y3 chỉ học chẩn đoán. Chắc mình lười và dốt, nên thấy sao mà lắm thứ phải nhồi để chẩn đoán thế, rồi lai nhang nhác thấy chẩn đoán xong không biết có làm được gì cho bệnh nhân hay không. Thế là cái ảo tưởng về sự vĩ đại của kiến thức, sự lớn lao của đạo đức nghề nghiệp bị 1 thằng Y3 xem chả qua là sự dốt nát và chệch hướng, rồi mơ hão mơ huyền. Đúng là loại đã lười đã ngu lại còn mơ mộng hão và to mồm. Nói như nó thì hàng triệu "khối óc tinh túy" đang cố dò dẫm rèn luyện kinh nghiệm, đúc rút bản thân để  ngày càng có sự "nhạy cảm lâm sàng" hơn là sai lầm và ngu ngốc sao? Nói như nó thì thay vào đó thì phải chi tiền chế ra lũ máy móc ảo tưởng kia sao? Rồi chế ra thì cái gì cũng dựa vào máy móc sao, để đến lúc thiên tai hay tới biên giới hải đảo thì lấy gì mà khám?
Đấy, hẳn đọc thì sẽ lắm người nghĩ thế, mình cũng nghi ngờ chính thế. Nhưng cái mơ ước cứ cho là hão đi, về một tương lai với những công cụ chẩn đoán hiệu quả hơn, rẻ hơn, như những chiếc laptop, smartphone của hôm nay, sẽ thay thế cho những bồ kiến thức ngày đêm luyện rèn "nhạy cảm lâm sàng". Lúc ấy, nền y tế sẽ trở nên phổ thông hơn. Mọi người biết nhiều hơn về bệnh học, về chẩn đoán cho chính bệnh của mình. Và người bác sĩ sẽ là người chịu trách nhiệm trong công tác điều trị, chứ không mang gánh nặng chẩn đoán. 
Và ý lại rằng, "đừng làm việc một cách chăm chỉ, mà hay làm việc một cách khôn ngoan", trong điều kiện yên bình và đầy đủ, hướng phát triển của chẩn đoán y học sẽ là dùng cận lâm sàng và máy móc, chứ không phải những thầy thuốc cầm ống nghe với "nhạy cảm lâm sàng".
He, và có lẽ lúc đấy sinh viên Y đỡ phải học năm Y3!

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Gì cũng được

Hic
viết cái bài này trong tâm trạng rối bời và hơi chán. Hôm nay cá tháng tư chả có j là thú vị cả.
Chán vì cái tin SLB được 7, hờ, có thể là 1 trò đùa 1/4 lắm. Nhưng cũng có thể là thêm 1 nốt trầm thực sự cho cái học kỳ khốn nạn vừa rôi. chẹp
Ừ, thêm nữa là vụ bạn QA vẻ như đang dỗi k thèm đi trực với mình thật. Hic, sao mình cứ làm jề nó là mình lại chịu trận nhỉ? Bloquer nó vì nó up 1 cái ảnh thật chả hay hớm j lên fb, xong lại chán chê xin  nó confirmer lời mời. Hm. điên fb rồi!
Kể nốt vụ Nội, cảm giác tù túng ngột ngạt. Kỷ luật hà khắc, bệnh nhân chả có hy vọng tin tưởng gì, nói chung cái gì cũng chán. Lại còn Lý thuyết Nội vừa lắm vừa chả logic j. Trời ơi sao mình muốn học Ngoại thế.
Ừ, nói về mơ ước lớn lao đi Ngoại. Nói chung là trước khi đi lâm sàng mình chưa có định hướng gì. Nhưng qua 1 thời gian ngắn, chả biết đúng hay sai. Nhưng mình thấy ở Ngoại có 1 cái j đó "võ biền" còn ở Nội có j đó "mặt trắng". Ngoại nói ít, làm nhiều, bệnh nhân phần lớn tiền sử khỏe mạnh, chẩn đoán, xử trí, điều trị nhanh, xong bệnh nhân nhảy nhót tung tăng, trừ bệnh nhân biến chứng nọ kia hoặc nặng quá. Thêm nữa là cái cách sống, cách làm việc của bên Ngoại nó thực tế, khoa học, vất nhưng mà thấy sướng sướng. Chưa đi Nội, k dám nói to, nhưng thấy Nội cứ tù túng kiểu kéo dài dai dẳng cái sự bệnh hoạn của người ta bằng cách tụng 1 mớ lý thuyết cũ rích làm rối óc bất cứ ai muốn hiểu. Ôi mong mình nghĩ oan cho Nội, mình sẽ ở Bạch Mai tới tận năm sau. hic
Mong cho những ngày tiếp theo nhiều ánh sáng, độ này trời âm u tâm trạng cũng khó khá lên được!

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Đôi dép


Em đến với tôi trong những ngày bận rộn và nóng nực.
Em là chút gì còn đọng lại của mùa đông.
Em...
     ... chút đông hoài niệm giữa những ngày mưa xuân lất phất bay và hoa sưa rải trắng đầy các phố.
Em xù lên to bự, ngộ nghĩnh như một con cánh cụt béo ú. Trông em tôi lại thấy cả màn sương trắng xóa ngày đông hôm nào.

Em...
   ...nhẹ nhàng như một đóa hoa đồng nội,
   ...hồn nhiên như một tiếng cười ngất trẻ thơ.

Em bồng bềnh một màu nâu trầm trầm âm ấm. Có lẽ ai đó bảo đó là màu của chocolate, đăng đắng mà ngọt ngào. Hoặc của một ly cà phê sữa...
Riêng tôi, tôi thích màu nâu của em, và luôn tin đó là màu của bùn đất, màu nâu chân thật và dịu nhẹ.
.......và tinh khôi, màu trắng của em.

Em bên tôi mỗi bước đường dài, cùng chia sẻ những tháng ngày bận rộn. Có em, tôi thấy một cảm giác tự do và thoải mái mà chưa bao giờ có được.
Những lúc vui, em bên tôi nhẹ nhàng hoạt bát. Lúc tôi buồn em như trĩu nặng chia sẻ cùng tôi, bên tôi đi những đoạn đường yên lặng. Giữa đêm. Giữa đêm Việt Đức lạnh và đầy gió.

Em à. Mình bên nhau bao nhiêu ngày rồi nhỉ? Em chia với tôi những tháng ngày sôi nổi, mệt nhoài rồi lại rã rượi cười.
Đôi lúc bên nhau, tôi than phiền em khó chịu. cả những lúc em như tức giận càu nhàu.
hì, ...
...nhưng cứ bên tôi trên con đường phía trước nhé, em? 



Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

27 tháng 2

Hôm nay là ngày thầy thuốc Việt Nam.
Trước tiên, xin cảm ơn những người thầy của tôi, những người đã khơi gợi trong tôi tình yêu nghề và lý tưởng nghề nghiệp cao đẹp. Các thầy là hình mẫu để chúng em noi theo trên con đường Y nghiệp. 
Xin cám ơn những người thầy đã, đang và sẽ trực tiếp dạy dỗ tôi, truyền thụ cho chúng tôi những hành trang đầu tiên về Y học. 
Xin cảm ơn các anh, những người anh đi trước luôn sẵn sàng giúp đỡ, dìu dắt những thế hệ sau, sẵn sàng cầm tay chỉ việc cho tôi, trong cái nghề mà sự học là cả đời và luôn là "thằng anh cầm tay dạy thằng em" này.
Xin cảm ơn những người bạn của tôi, những người thầy bằng tuổi, những đối thủ của tôi trên mỗi bước đi tiến tới trưởng thành. Các bạn là động lực đẩy tôi tiến lên vì cạnh tranh, cũng là những người thầy bậc nhất luôn sát bên tôi, cả về tri thức và phong cách.
Xin cảm ơn Tổ 26 của tôi, những người đã, đang, và sẽ chia sẻ với tôi những vất vả. Dù có những điều khó khăn hoặc hiểu lầm, mình tin rằng nếu mọi người muốn, thì chúng ta sẽ thực sự trở thành những người bạn, rồi những đồng nghiệp sướng khổ có nhau. Mong mọi người học tập tốt và sẽ trở thành những người thầy thuốc thực sự có Tâm và có Tầm!

Cảm ơn chị gái của em. Chị đã nhắc lại ngã rẽ mà em đã chọn, cái mà giờ thì em đã coi như một kỷ niệm đẹp của quá khứ. Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi gắm ở em, gia đình mình luôn là bến đỗ trên con đường chông gai em đã chọn.
Cảm ơn cô Huệ, thầy Thăng, những thầy cô giáo cũ của em đã nhớ tới người học trò này. Cảm ơn Chiêu, Riverine Train, Ngân mama, Tú O10 đã chúc mừng mình hôm nay.
Ừ, còn cảm ơn Nhok Răng và CTo đã đi ăn chung với mình trưa nay, bữa trưa cho 1 ngày đặc biệt. à, cả lời chúc của m nữa, Hải Tiền ạ =))

27.2, ngày thầy thuốc. Ngồi ngẫm về con đường mình đã đi và sẽ đi, Y nghiệp và Y đức. 6 năm là chặng đường dài với nhiều người, nhưng bản thân mình thấy nó chóng vánh quá. Quá nhiều thứ còn chưa được học trong 6 năm, và nỗ lực tự học và không ngừng học sẽ theo mình cả đời, tự nhiên như hít thở vậy! Nhưng đôi lúc nhìn lại, ngẫm về nền Y học đương thời không khỏi không đặt ra những câu hỏi tại sao, vì mình còn quá ít dấn thân vào cái guồng quay khổng lồ này. "Nền Y học các em đang theo đuổi là một nền Y học phản động!", ừ, thầy Lý sinh đã té gáo nước lạnh vào mình ngay từ hồi Y1 như thế. Lớn lên thấy thầy ngoài ngành, nhiều luận điểm thầy đưa ra không hẳn chính xác, nhưng mình cũng đã có sự nghi ngờ chính những việc mình làm, hoặc thoáng nghĩ rằng có ai đó như mình không, thấy sự cập rập, chắp vá của công việc mình làm, nhưng lực bất tòng tâm, hoặc không muốn thay đổi vì đã đánh đổi quá nhiều cho nó? Mình thấy thế này: Nền Y học hiện đại học nhiều nhưng kỳ thực còn quá sơ khai và cách làm việc thì không hơn nhiều những người thợ lao động chân tay. Nếu ví con người như 1 cái máy tính hiện đại và bác sĩ như anh thợ sửa máy, thì bây giờ anh thợ ấy chỉ biết nếu nó tắt màn hình, nó kêu e e ở đâu đó tức là nó hỏng, sau đó anh ta bổ nó ra bời tìm con tụ nào nổ thì cắt bỏ đi, hoặc anh thợ khác tiến bộ hơn thì thử chế ra những con tụ mới. Cái dài dòng chả qua là mở cái vỏ máy thế nào, cắt ghép kiểu gì hoặc bơm keo chỗ nọ chỗ kia thì cái máy hoạt động thế nào mà thôi! Theo mình đó là trường phái thực tế, nhưng sẽ không tiến xa được. Nó bị chê trách là cục bộ, khác với y học cổ truyền phương Đông dựa trên y lý phức tạp và mông lung nhưng vô căn cứ và khó tiếp cận. Mình không đọc nhiều về y khoa phương Đông, nhưng chắc chắn nó khó học hơn y học phương Tây và không duy lý bằng, nhưng nó khái quát và có tầm nhìn tổng thể hơn. Mình có quan tâm và mơ ước tới 1 nền Y học cao hơn, nơi con người làm chủ sức khỏe của mình ở mức nhiều hơn, và dễ hiểu hơn, như người ta làm chủ một cái máy tính, hiểu rõ cách nó chạy, dùng được nó vậy. Chả ai đánh thuế ước mơ. Mình đã từng đọc, và nếu có thời gian sẽ tìm hiểu thêm về Thần kinh-sự bất lực của y học Tây phương, nhưng lại là phần kỳ bí cho môn Châm cứu và bấm huyệt, có thể nó liên quan tới thần kinh thực vật hoặc gì đó tương tự mà con người chưa rõ. Rồi mình cũng nghi ngờ về sự truyền tin cơ học và cơ chế thần kinh đang được học, mình mơ hồ thấy nó quá giản đơn. Như kiểu 1 thằng bé cắt cái dây điện thì thấy cái bóng đèn tắt, nhưng không hiểu được cách đó xa xôi có 1 cái máy phát điện dựa vào hiện tượng cảm ứng điện từ. Có thể người ta chưa nắm rõ được những cơ chế kiểu như thế, hoặc về truyền dẫn thì có thể lắm, 1 kiểu truyền không dây, nắm giữ trạng thái con người, như Đông y hay coi là "khí", hay "chân khí" vậy. Còn nữa, mình có được nghe về thực dưỡng-1 trường phái hoàn toàn khác, đề cao ăn uống và sức mạnh tinh thần, nhưng mình thấy nó quá thần bí, và những người đi theo có vẻ có 1 cuộc sống xã hội hơi khác người 1 chút, nhưng có thời gian mình sẽ nghiên cứu. Thêm 1 cái, mình đã từng đọc về chuyện 1 loại thuốc có thể làm mọc lại được đầu ngón chi đã cắt cụt, báo lá cải thì nhiều, nhưng cũng không thể rõ được. Rõ ràng nếu 1 ngày, bạn bị tai nạn và có chi bị dập nát, chỉ cần cắt lọc và bôi thuốc, tới 1 thời gian thì mọi thứ lại như cũ, thật kỳ diệu! Nó kỳ diệu hơn bất cứ cái chân tay giả nào, hoặc 1 bộ phận giả dù cơ học hay sinh học. Ừ, chả ai đánh thuế ước mơ. Mình thấy cần tin vào thực tế, có thể nó khác với những thứ đã được học, nhưng nếu là thực tế thì phải tin. Đấy là chưa kể cái việc trong vô số thứ mình được học không biết có hoàn toàn đúng hết, như hồi mới vào y1 mình đã đọc được rằng lý thuyết lúc phôi thai người ta diễn lại cả quá trình tiến hóa từ cả thành người là 1 trò lừa đảo hơn trăm năm, vì chả ai đi xem lại cả. Thế đấy. Và những chuyện ly kỳ như mê tín lại có tác dụng thực tế, như chuyện Jenne tìm ra cách chủng đậu bò để làm vaccin kháng đậu mùa, tạo ra 1 trường phái y học hoàn toàn khác và cực kỳ hiệu quả. Vì vậy chỉ có thể tin vào thực tế.
Thôi nói chuyện xa vời, âu cũng là 1 cách note lại những gì mình nghĩ, dù có thể là bồng bột. Rồi có lúc có điều kiện, có khi mình lại biến được 1 trong số những điều kia thành sự thật thì sao?

Để kết thúc, quay lại với thực tại đang lẽo đẽo tại các bệnh viện, xin viết lại 4 câu thơ của Đồng Đức Bốn mà thầy Nguyễn Tiến Quyết-Giám đốc Bv Việt Đức đã đọc cho sinh viên sáng nay, mong rằng mình sẽ có được nhiều điều.
          Vào chùa
    Đang trưa ăn mày vào chùa
    Sư ra cho một lá bùa rồi đi
    Lá bùa chẳng biết làm gì
    Ăn mày đút túi lại đi ăn mày.
P/S: kể ra bài thơ rất hay và rất sâu, và mình thích cách nghĩ văn học hơn là cách suy luận của thầy. 

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Kết thúc?

14/2, Valentine, đoạn chat cuối cùng...
Ừ nhé. Chưa unfriend cậu, nhưng đã gỡ amie proche, không afficher dans le fils d'actualité, cũng déactiver la discusion instannée rồi. Vậy là cậu sẽ không xuất hiện trên news feed của tớ, cũng không thấy cậu online nữa. Không còn chờ đợi sự xuất hiện của cậu nữa. Tại sao ư? 3 năm - một thời gian quá dài cho một tình cảm đơn phương, hoặc quá đủ để chôn vùi nhiều kỷ niệm, hoặc để thay đổi cậu, hoặc thay đổi tớ, hoặc để tớ gặp bao nhiêu người con gái khác nữa. không phải là cậu. không phải người con gái trong sáng, một nỗi niềm dịu nhẹ trong miền ký ức những ngày cấp 3 của tớ... Đấy, bạn tớ bảo tớ thế. Tớ vẫn bảo nó Sở Khanh, nó đểu. Nhưng chính tớ bắt đầu thấy không chắc chắn. tớ sợ. Tớ sợ rằng tất cả chỉ là ảo tưởng. Rằng cậu chẳng qua là người đi qua, chợt tốt với tớ đúng lúc tớ cô đơn và buồn nhất; rằng cậu là hình ảnh tớ không bao giờ vượt qua được nên mãi mãi tớ muốn chinh phục; hay cậu là người đồng điệu hiếm hoi, về hiểu biết, về cách sống lắm mộng mơ mà tớ đã sống, rồi lại băn khoăn muốn thay đổi. Hay cậu là cái gì đó xa xăm của quá khứ, được đóng băng trong pha lê chứ không phải người đứng trước mắt tớ. 
Có thể lắm. tớ ảo tưởng, về một tình cảm chưa bao giờ có, hoặc tớ đã nhận lầm tình cảm tớ dành cho cậu, và ảo tưởng rằng 3 năm qua tớ chung thủy với một tình cảm, chả qua là một thói quen, một nếp nghĩ không muốn thay đổi, như không bỏ đi một món đồ cũ mà thôi. Ừ, chắc thế. Tớ luôn nghĩ cậu sẽ ở chỗ nào đó ở phía bên kia con đường, và đợi tớ. trong lúc tớ ở Y, trong những ngày tháng bận rộn... Có cậu, nghĩa là tớ sẽ không rẽ ngang ở đâu, không vì ai nữa mà sao lãng việc học hành? Ừ. Tớ cũng chả biết nữa. Nhiều câu hỏi nữa. Nhưng cuối cùng tớ tự hỏi: Có chăng tất cả chỉ do mình tự huyễn hoặc mà ra?
Cậu bảo cậu ghét cách nói chuyện của tớ. Ừ. Chả hiểu sao riêng với cậu tớ có cách nói chuyện khác. Mọi người luôn bảo tớ thô quá. Nhưng với cậu tớ thường cố gắng thế nào đó, không rõ, nhưng kiểu nhẹ nhàng và lãng mạn một chút. Đấy là một góc con người tớ mà chỉ với cậu tớ thể hiện. Nhưng càng ngày tớ càng thấy nói chuyện với cậu khó khăn và tớ không còn là tớ nữa, dù tớ luôn bảo dù gì thì chả có gì thay đổi được tớ. Ừ, cậu bảo cậu ghét cách nói chuyện của tớ, tớ xem lại những cuộc nói chuyện của chúng ta. với một cái nhìn khác. Tớ chợt nhận thấy rằng: gần như tất cả các cuộc nói chuyện là tớ bắt đầu trước, rồi cậu sẽ reply lại một cách khó khăn và chả bao giờ hào hứng. Tớ luôn là người nói mà không có người nghe. Rồi cậu sẽ out lúc nào đấy, khi cậu chán. Tớ chả bao giờ giận, hoặc giận rồi lại quên và bắt đầu một cuộc nói chuyện y như thế.
Hm. Có lẽ tớ vô duyên và luôn làm cậu khó chịu, như một người bạn của tớ. hm
Tớ không biết nữa. Có thể người tớ thích không phải là cậu. mà là cậu của 3 năm về trước. Tất cả những thứ tớ có về cậu, là những kỷ niệm, vài lần gặp nhau ngắn ngủi và những đoạn chat không đầu không cuối. không biết nữa. Cậu luôn là gì đó với tớ, luôn làm tớ hồi hộp và vui sướng, nhưng cũng làm tớ buồn mà chả biết trách ai. Nếu ai đó nhắn tin hay chat với tớ như cậu, tớ sẽ không bao giờ tha thứ. Nhưng cậu tớ luôn giận, rồi lại vui sướng khi cậu nhắn lại 1 tin. 
Nhưng thôi, giờ tớ sẽ thấy bình an. Tớ không muốn tiếp tục làm cậu khó chịu, cũng không muốn tự làm thương tổn lòng tự tôn của tớ. Từ giờ tớ sẽ là tớ, kiêu ngạo và lịch sự với người lạ, thoải mái và thô lỗ với bạn bè. Cậu sẽ mãi là một mảnh pha lê của quá khứ mà tớ gìn giữ... nhưng cũng sẽ là một người bạn không thân mà tớ sẽ luôn lịch sự.
....
"...Người mỉm cười nơi ngõ vắng
Bỏ quên phía sau một mùa lá về trên con đường..."